Chuyện đời được kể lại bằng giọng văn điềm tĩnh, không oán hận, cũng chẳng hằn học. Những trang sách “Gánh gánh gồng gồng” nâng tầm con người lên, khiến bạn đọc thêm yêu cuộc sống và vững tin vào những điều tốt đẹp, nếu mình thiện lương

 

PHẬN NGƯỜI TỎA HƯƠNG

NGUYỄN MINH NGỌC

 

Xưa nay, các hồi ký cá nhân thường gặp “cuốc giật vào lòng”, nghĩa là tô vẽ đèm đẹp, đánh bóng cái tôi, khoe “chiến tích” tình trường, thỏa sức chê bai, thậm chí bôi nhọ người khác. Không ít cuốn rập khuôn cùng mô-típ na ná nhau, tràng giang sự nhạt và khô cứng, “tra tấn” bạn đọc. Vì thế, “Gánh gánh… gồng gồng… của tác giả Xuân Phượng (vừa được trao Giải thưởng Văn học 2020) là cuốn sách lạ nhất trong cùng thể loại, được viết bởi tầm văn hóa của một phụ nữ đa tài, uyên bác. 

Nguyễn Thị Xuân Phượng là người con của làng Nham Biều, Hương Trà, xứ Huế, nhưng tuổi thơ lại gắn nhiều với Đà Lạt, Phan Rí… Sinh trưởng trong gia đình khá giả, nền nếp, từ nhỏ bà đã sớm được hấp thụ văn hóa phương Tây, thông thạo tiếng Pháp. Vậy mà ở tuổi trăng tròn, với tấm lòng yêu nước nhiệt thành, cô nữ sinh đã dám từ bỏ cuộc sống nhung lụa, tự nguyện theo tổ chức “Học sinh cứu quốc Huế”, lên chiến khu tham gia kháng chiến. 

Suốt chín năm kháng chiến, dấu chân của người con gái Huế in khắp các nẻo đường Liên khu 4, từ Vinh, cầu Giát (Nghệ An) đến Thanh Hóa, rồi ra chiến khu Việt Bắc, với những địa danh nổi tiếng như Khe Khao, Bắc Kạn, Chợ Mới, Tuyên Quang, ATK… Thật không thể tưởng tượng nổi, một người phụ nữ lại trải nhiều nghề đến vậy, từ quân y, cứu thương, đến chế tạo thuốc nổ, gắn bó với ngành quân giới trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, kham khổ và nguy hiểm… - không hề là công việc dễ dàng đối với nữ giới. 

Kháng chiến thành công, bà cùng gia đình về Hà Nội. Theo học trường y và tốt nghiệp loại ưu, năm 1961, bác sĩ Xuân Phượng làm trưởng phòng khám khoa Nhi khu Ba Đình, Hà Nội. Trong cuộc chiến tranh phá hoại, bà được giới thiệu sang Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, phụ trách phòng khám tại đây, chăm sóc sức khỏe cho các vị khách quốc tế đến Việt Nam.

Mùa hè năm 1967, bác sĩ Xuân Phượng được gọi lên Phủ Chủ tịch, nhận nhiệm vụ tháp tùng vợ chồng đạo diễn lừng danh Joris Ivens, người được Bác Hồ coi là bạn thân thiết, vào tuyến lửa Vĩnh Linh, làm bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân. Cái vỗ vai và câu nói của Joris Ivens: “Các bạn hiểu tại sao tôi yêu suốt đời cái nghề làm phim chiến trường không? Giữa cái chết và sự sống, chúng ta có hạnh phúc, có may mắn ghi được sự sống ngay cả trong lòng đất, ngay cả khi cái chết cận kề”, đã lay động nữ bác sĩ.

Được người thầy khuyến khích mạnh dạn “làm một cuộc cách mạng cho chính đời mình”, Xuân Phượng bỏ nghề y, trở thành phóng viên chiến trường. Với nỗ lực không ngừng, bà đã có hàng chục bộ phim giành được giải thưởng quốc tế danh giá. Am tường văn hóa Đông Tây, đam mê âm nhạc cổ điển, hiểu sâu về điện ảnh, hội họa, văn chương… dẫu ngoại cửu thập, song bà vẫn lịch lãm đến “không có tuổi”.

Hơn 20 năm qua, phòng tranh Lotus của bà mở tại TP.HCM, như một cánh cửa giới thiệu tinh hoa hội họa Việt với bạn bè quốc tế. Với những công lao đóng góp cho chiếc cầu hữu nghị Việt - Pháp trong hơn nửa thế kỷ, tháng 7/2011, đạo diễn Xuân Phượng được chính phủ Pháp tặng thưởng huân chương cao quý nhất - Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh.

Từng có hồi ký “Áo dài bằng tiếng Pháp (Nhà xuất bản PLON, Paris, 2001), được dịch sang tiếng Anh; nhưng “Gánh gánh… gồng gồng… của bà không theo lối chương hồi, cũng chẳng dông dài theo trình tự thời gian. Những lát cắt trong cuộc đời được tác giả dùng thủ pháp đồng hiện nhuần nhuyễn, với nhiều mảng màu sáng tối, đậm nhạt khác nhau, tạo nên một cấu trúc tác phẩm không thừa, chẳng thiếu, vô cùng hấp dẫn. Dẫu không hề có ý “làm văn”, song những trang viết của bà luôn đậm phong vị cổ điển mà vẫn hiện đại, lối văn trong sáng đến ám ảnh.

Từ cuộc sống cơ cực ở chiến khu, rồi về khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu (Hà Nội), tiếng leng keng chuông tàu điện Bờ Hồ; đến khung cảnh xứ Huế và Đà Lạt mù sương… tất cả đều sống động, gần gũi. Xin đọc những dòng này: “Mấy lớp gạch nâu xám lát trước bậc thềm đây rồi! Tôi bước vội lên, bỗng không sao nhấc nổi bàn chân. Thoang thoảng vẳng lại hương của hoa thanh trà, hoa bưởi, hoa nhãn, mùi ổi chín cây, một tiếng chim hót… Tôi run lẩy bẩy. Mình đã về vườn bà thật rồi sao?”. Thật gợi. Dưới ngòi bút của tác giả, mọi thứ đều hiển hiện như thể cầm nắm được, rõ ràng và thương mến lạ. Rất nhiều chân dung có hình hài, tính cách sắc nét, hiện ra sau vài nét phác họa. 

Con đường của một nữ trí thức giỏi giang, giàu tình cảm, vị tha, nhưng phải hứng chịu khá nhiều ngang trái, kể cả những cư xử bất công, tàn nhẫn, là “con đường đau khổ”. Không đầu hàng số phận, ở đâu bà cũng tìm cách vượt lên, thà chết chứ không thèm đánh đổi nhân phẩm để hưởng an nhàn. Là một người yêu nước, bà luôn trung trinh với lựa chọn của riêng mình.

Chuyện đời được kể lại bằng giọng văn điềm tĩnh, không oán hận, cũng chẳng hằn học. Những trang sách của bà nâng tầm con người lên; tình yêu, tình bạn, tình nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử… càng khiến bạn đọc thêm yêu cuộc sống và vững tin vào những điều tốt đẹp, nếu mình thiện lương. 

Không chỉ yêu chồng, thương con, quý bạn, tôn trọng mọi người, bà còn cưu mang nhiều mảnh đời khốn khó. Trường hợp cậu bé thiếu sinh quân bị sốt nằm lại bên đường (1949) được bà đưa về chăm bẵm, về sau trở thành một tướng lĩnh. Người khác, ắt họ sẽ công khai danh tính để thiên hạ tường tận, còn bà thì không. Bà coi việc mình làm là đương nhiên, không thể khác. Bởi thế, bà có bạn bè khắp nơi, ở nhiều lứa tuổi. Rất nhiều gương mặt văn nghệ sĩ tài danh cả trong và ngoài nước được tác giả nhắc đến với lòng mến mộ, quý trọng. 

“Mình hết lòng yêu thương chăm sóc ai, bù lại, mình sẽ nhận được rất nhiều. Nên sống tử tế là cách sống khôn ngoan nhất”. Chẳng cần đao to búa lớn, cũng chẳng dạy dỗ, triết lý với ai, “Gánh gánh… gồng gồng… đi thẳng vào lòng bạn đọc bằng quan điểm sống giản đơn đó.