Dịch giả Đoàn Tử Huyến, người đã chuyển ngữ và giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm văn học giá trị quốc tế, đột ngột qua đời lúc 8h sáng 22/11. Dịch giả Đoàn Tử Huyến đã sống đúng chất ông đồ xứ Nghệ, tài hoa mà can trường, ngang tàng mà nhân hậu.

 

Dịch giả Đoàn Tử Huyến từng bị tai biến một lần vào dịp Tết Bính Thân 2016, nhưng sau vài tháng điều trị thì ông đã có sự phục hồi nhanh chóng. Và mấy năm gần đây, tuy sức khỏe không còn như xưa, nhưng dịch giả vẫn kiên trì làm việc và sáng tạo. Sáng 22/11, khi đi thăm thông gia tại Sơn Tây - Hà Nội, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã lặng lẽ ra đi.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh. Tốt nghiệp phổ thông, ông được chọn du học ở Nga và về nước giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Để theo đuổi con đường văn học, dịch giả Đoàn Tử Huyến chuyển sang công tác ở Nhà xuất bản Lao Động rồi tạp chí Văn Học Nước Ngoài.

Sự nghiệp của dịch giả Đoàn Tử Huyến thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng, khi ông đứng ra thành lập Trung tâm văn hóa- ngôn ngữ Đông Tây để chuyên xuất bản những tác phẩm văn học có giá trị quốc tế.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến và em trai Đoàn Tử Hoan đã điều hành Trung tâm văn hóa - ngôn ngữ Đông Tây theo cách của một trí thức kinh doanh, như chính ông bộc bạch: “Tôi là một người dám nghĩ dám làm. Tôi thành lập trung tâm này ngay khi mọi nhà văn cùng trang lứa chưa nghĩ đến việc kinh doanh văn hóa. Phải hiểu đúng chữ kinh doanh giá trị văn hóa này, bởi vì kinh doanh thì ai có nghề cũng có thể làm được, còn kinh doanh các giá trị văn hóa thì rất khó, càng khó để trụ vững và thành công.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến đã in lại những tác phẩm kinh điển như Phan Bội Châu toàn tập, Thiên Nam ngữ lục, Tuyển tập Vũ Tông Phan, Việt sử địa chí của Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ toàn tập… Và từ nỗ lực của dịch giả Đoàn Tử Huyến, đời sống văn hóa đã có được những tác phẩm đáng giá như “Diễn từ của các nhà văn Nga đoạt giải Nobel”, “Các nhà thơ đoạt giải Nobel”, Các nhà văn đoạt giải Nobel”, “108 nhà văn thế kỷ 20”…

Dịch giả Đoàn Tử Huyến để lại một dấu ấn cống hiến đáng trân trọng cho công chúng và cho đồng nghiệp văn chương.