“Ở các nước khác rất ít có cái tục mà Chàng Văn thấy gần đây ở ta, là bốn, năm người chung nhau dịch một tác giả. Mà thường thì là một nhà văn chuyên dịch một nhà văn nào, trọn đời hiến mình cho một nhà văn nào. Nhà dịch giả ấy trở thành luôn nhà nghiên cứu, nhà giới thiệu, nhà phê bình tác giả mà mình dịch”

 

CHẾ LAN VIÊN VỚI VẤN ĐỀ DỊCH THUẬT

 

THÚY TOÀN

 

Vào nửa sau những năm 50 – đầu những năm 60 thế kỷ XX, Viện Văn học Việt Nam thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam vừa được thành lập cùng với Nhà Xuất bản Văn học trực thuộc Viện lần đầu tiên đã lập được một kế hoạch xuất bản khá bài bản, đồ sộ, bên cạnh di sản văn học của ông cha, là hơn hai trăm tên tác phẩm tiêu biểu, cổ kim đông tây.

Để đưa vào thực hiện chương trình xuất bản này cơ quan ngôn luận – tạp chí Nghiên cứu văn học, Viện Văn học đã mở ra một cuộc trao đổi học thuật về các vấn đề dịch thuật. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu phê bình, các trí thức tên tuổi đã góp tiếng nói của mình, như Đặng Thai Mai, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Trương Chính, Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Đỗ Đức Hiểu, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn,… Nhà thơ Chế Lan Viên với bút danh Chàng Văn đã sớm tham gia trên báo chí loạt bài trong mục Hướng đẫn sáng tác văn học, trong có cả một chuyên đề: Về vấn đề dịch và những ý kiến về nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến dịch thuật chèn rải rác trong các tài liệu về các vấn đề khác nhau.

Tiểu luận Về vấn đề dịch được Chế Lan Viên trình bày theo hình thức trao đổi giữa người hỏi, người trả lời. Chàng Văn thủ thỉ tâm sự bằng câu chuyện dí dỏm – dịch cũng như yêu người nước ngoài. Người hỏi nhận thức được ngay những nguyên tắc cơ bản của dịch thuật. Trước hết phải yêu nghề dịch như yêu người yêu mà lại là người nước ngoài. Phải giỏi tiếng nước ngoài rồi, lại còn phải am hiểu tiếng nước ta: “Dịch là cắt mất cánh một con chim”… “Làm sao cho con chim Nga, con chim Đức, con chim Trung Quốc ấy vào đến trời đất, khí hậu nước này vẫn còn vẫy vùng như ở trên quê hương cũ của nó”, “Dịch do đó không có mục đích đơn giản là làm cho độc giả nước ta không có ngoại ngữ biết thêm một số tác phẩm nước ngoài, dịch có mục đích cao hơn là làm sao cho một số vốn văn hóa nhân loại trở thành tài sản Việt Nam”… Chàng Văn đòi hỏi ở người dịch… Nhà dịch giả ít nhiều là một nhà văn, là nhà văn giỏi thì lại càng có lợi cho việc dịch”… Còn nhiều vấn đề khác trong dịch thuật, nhưng kết luận Chàng Văn nhắc lại một điểm phải yêu. “Yêu nghề dịch như một sự nghiệp sáng tạo”, yêu tác giả như yêu chính mình, và dùng sức mạnh tình yêu để chịu đựng mọi gian khó thử thách của người dịch. Thế thì dịch tức là trung thành, không phải “dịch là phản” như người hỏi băn khoăn.

Ông đưa ra một nhận xét: “Ở các nước khác rất ít có cái tục mà Chàng Văn thấy gần đây ở ta, là bốn, năm người chung nhau dịch một tác giả. Mà thường thì là một nhà văn chuyên dịch một nhà văn nào, trọn đời hiến mình cho một nhà văn nào. Nhà dịch giả ấy trở thành luôn nhà nghiên cứu, nhà giới thiệu, nhà phê bình tác giả mà mình dịch”.

Trong giai đoạn phôi thai ấy, Chàng Văn chú ý hướng dẫn tỉ mỉ đến nhiều khía cạnh trong công việc dịch thuật. Với nhiều người Chàng Văn chỉ bảo từ việc chọn sách để dịch trở đi. Trong một bài, Chàng Văn đã nhắc nhở “Không nên nặng về phê phán mà chẳng chịu kế thừa. Bấy giờ việc quảng bá văn học, dịch chỉ mới bắt đầu nên còn phải cân nhắc đủ mọi mặt: giữa cổ và kim, giữa chiến đấu và sinh hoạt bình thường, giữa các tác phẩm của thế giới và của phe ta, đều có cái chính, cái phụ, cái tỷ lệ, ít nhiều cần thiết. Báo Văn học của Hội Nhà văn chẳng hạn, trong 32 kỳ báo của năm 1960 đăng gần một trăm truyện ngắn, chỉ dùng có một truyện của Đuy-mát và truyện của Đô-đê. Chàng Văn cho là báo Văn học dè dặt quá.

Nhà văn – giáo sư Hà Minh Đức có kể, một lần nhà thơ Chế Lan Viên đã gặp một nhà thơ Hung dịch của ta 270 bài thơ, ông hỏi anh ấy có thật sự hứng thú không. Anh bạn trả lời: Với thơ không hứng thú thì tôi không làm, không dịch. Anh ấy nhận xét:

- Thơ của ta rất chính trị, thơ nhiều nước Châu Âu ít chính trị.

- Thơ của ta chính trị nhưng không hô khẩu hiệu.

- Đặt được nhiều vấn đề lớn nhưng không quên cái bé, không quên cái riêng tư…”

Đây cũng là một bài học trong sáng tác nói chung và dịch thuật nói riêng.

Chàng Văn – Chế Lan Viên không chỉ quan tâm đến vấn đề dịch chung, mà còn đề cập đến cả vấn đề dịch di sản của ông cha để lại bằng chữ Hán, chữ Nôm. Góp ý cho bộ hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tác giả Vào nghề đã nêu một ý về phần dịch: “Có phải ta có cái khuynh hướng xem thường nhiều người dịch của người xưa, cho là có sai xót nên ở chỗ người ta đã dịch đạt rồi, mình cũng dịch lại. Người trước đã dịch bài phú Bạch Đằng Giang của Trương Hán Siêu là:

Đầm Vân mộng chứa trong khu tư tưởng, chửa biết bao nhiêu.

Mà cái chí khí tứ phương vẫn còn hăm hở.

(Đông Châu nguyễn Hữu Tiếp)

Lời rất gọn! Sao lại còn thay vào bằng mấy câu nhạt nhẽo này:

Đầm Vân mộng chứa vài trăm, trong dạ cũng nhiều

Mà lòng trang chí bốn phương vẫn còn tha thiết.

(Đã lòng lại còn chí)

“Dịch không phải chỉ là đổi cái xác của những chữ lấy những chữ, mà còn là thay cái hồn của một bài lấy cái hồn của một bài”.

Trong việc dịch lại còn vấn đề này, là những bản người xưa khi ta lấy lại nguyên thì để tên của người xưa, khi ta có chữa thì nên đề là: của người xưa có sửa chữa:

Ông Đông Châu đã dịch:

Triều ta hai vị thánh nhân

Sông kia còn dấu tẩy trần giáp binh

Giặc tan muôn thuở thăng bình

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

Một bản dịch lại:

Anh minh hai bậc thánh quân

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh

Giặc tan muôn thuở thăng bình

Bởi đâu đất hiếm cốt mình đức cao.

Rồi chỉ chua “Chúng tôi có tham khảo các bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Đổng Chi” thì thật là giản tiện quá! Tham khảo là lấy đôi vận, đôi chữ, tham khảo đâu có nghĩa là lấy nguyên cả đoạn văn! Tham quá!

Giáo sư – nhà văn Hà Minh Đức còn thuật lại ý kiến tương tự của nhà thơ Chế Lan Viên nói với ông trong một lần trao đổi chuyện trò: Nhà thơ Chế lan Viên có thời làm cố vấn phần thơ cho Nhà xuất bản Văn học, ông nhận xét bản thảo chính xác, thẳng thắn, có thể góp ý kiến cho nhiều thể loại văn bản thơ, văn xuôi, nghiên cứu. Về dịch thuật ông cũng có những ý kiến: “Người dịch phải có trình độ có thể hiểu văn bản để chuyển nghĩa cho thật chính xác. Nếu là thơ được dịch có giá trị nhiều khi không kém nguyên bản và mang dấu ấn của từng cá nhân dịch giả như cụ Bùi Kỷ với Bình Ngô đại cáo; Nam Trần với Nhật ký trong tù. Chế Lan viên có lần độc bản dịch Bình Ngô đại cáo với hai dịch giả Bùi Kỷ và Bùi Nguyên. Ông hỏi tôi, anh Hà Minh Đức có biết hai người này là bà con, anh em? Tôi nói không, ông Nguyên là hàng xóm của tôi, người Nghệ An, dậy khoa văn Đại học Sư phạm, giỏi chữ Hán. Như thế không được. Không được gán ghép với người đã khuất; nếu cần thì dịch một bản riêng. Anh lại xem bản dịch của cụ Ngô Lập Chí có hiệu đính. Chế Lan Viên hỏi tôi: Người hiệu đính có phải cử nhân tú tài khoa cử cũ không? Tôi nói anh ấy dậy Đại học. Bao nhiêu tuổi? Khoảng bốn mươi. Chế Lan Viên nói: Nếu nhập môn chữ Hán không thể hiệu đính cho bậc thâm nho…”.

Những lời chỉ bảo của Chàng Văn vào đầu những năm 60 thế kỷ và những ý kiến của Chàng Văn – Chế Lan Viên, nhà thơ Việt Nam kiệt xuất của thế kỷ XX, tiếp tục góp ý một khi có dịp, cho đến nay vẫn là những bài học quí báu cơ bản cho người tham gia hoạt động trong lĩnh vực dịch văn học, đóng góp cho người tham gia hoạt động trong lĩnh vực dịch văn học, đóng góp cho sự phát triển rầm rộ của văn học dịch nước nhà và sự xuất hiện và trưởng thành của các thế hệ người dịch nối tiếp. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu kể trong lĩnh vực văn học dịch của ta vẫn có những điều từ xa xưa Chàng Văn đã cảnh báo không những không được ghi nhớ để mà tránh, lại trở thành thói quen, như chuyện “ngày thường ở huyện”. Chẳng hạn, cái điều “dịch lại”, “tham khảo”, “hiệu đích”… của người đi trước nhắc đến trong bài viết của giáo sư – nhà văn Hà Minh Đức, chúng tôi trích in ở trên. Cái điều tưởng như “đương nhiên” trong hoạt động dịch thuật… truy cho cùng chính là hiện tượng đạo văn trong lĩnh vực dịch. Trong dịch văn xuôi một số hiện tượng đã được phanh phui đưa ra công luận, như vụ một bản dịch Đại Nghìn lẻ một đêm, một bản dịch Truyện cổ Andecxen, cách đây không xa lắm. Còn trong dịch thơ thì chưa ai bàn đến thấu đáo. Nó chẳng khác gì cái chuyện “hớt váng” trong giới khoa học…

Bản thân Chàng Văn – nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng tham gia dịch, dịch thơ là chính, nhưng ông nêu tấm gương thực hiện theo đúng nguyên tắc của dịch thuật: trước hết là có yêu thích thì mới dịch và đã bắt tay vào dịch phải có mục đích rõ ràng, tự tìm hiểu kỹ lưỡng, hiểu thấu, đồng cảm với tác giả… Nhà thơ Bằng Việt trong bài viết Chế Lan Viên như tôi biết của mình đã phát biểu: “Chế Lan Viên có thừa năng lực và thừa hiểu biết để có thể làm được nhiều việc khác, ngoài thơ”. Vậy mà trong cùng thời điểm, nhiều nhà thơ khác cùng thế hệ của Chế Lan Viên bỏ công sức dịch khá nhiều, in thành sách, đứng tên riêng, cũng như góp chung trong các tuyển tập thơ dịch. Nhà thơ Xuân Diệu trong kỷ yếu Nhà văn đương đại có cho biết tới bốn sách dịch đứng tên riêng người dịch Xuân Diệu. Nhiều người khác đều có ít nhất một cuốn dịch thơ đứng tên riêng.

Riêng Chế Lan Viên công bố bản dịch thơ rất ít trên báo chí: đáng chú ý là chỉ có chùm thơ Tây Ban Nha chiến đấu đăng cả một trang báo Văn nghệ. Nhà thơ Chế Lan Viên còn dịch và công bố bài thơ Vũ khí của tôi của R.Đopestie và một bản dịch duy nhất trong bộ 3 tập Thơ Hiện đại Pháp, Những uy hiếp đối với thắng lợi của tác giả Paul Eluard.

Còn nữa, trước đó Chế Lan Viên còn đóng góp 2 bản dịch trích trong Thơ Dâng in chung trong tập thơ Rơ-vin-đra-nat Ta-gor ra ở Nhà xuất bảnVăn học, 1961, Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào. Số lượng thơ dịch của Chế Lan Viên tập trung một chủ đề “chiến đấu” mà lúc này cũng là chủ đề chủ yếu trong thơ sáng tác của chính nhà thơ. Từ chọn tác phẩm theo để dịch, bỏ sức ra nghiền ngẫm để nắm đầy đủ mọi mặt, tra cứu thấu hiểu chữ nghĩa, hồn vía nguyên tác… cũng có thể coi những bản dịch ít ỏi của nhà thơ Chế Lan Viên và việc có được những bản dịch ấy nhà thơ đã để lại cho thêm nữa chúng ta những bài học về lao động dịch thuật của nhà thơ.