Nhà thơ Hữu Thỉnh 78 tuổi đã bàn giao chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 62 tuổi, để kết thúc 4 nhiệm kỳ lãnh đạo tổ chức văn chương lớn nhất cả nước suốt 20 năm qua. Cảm ơn và tạm biệt nhà thơ Hữu Thỉnh, xin mời đọc bài ký chân dung “Hữu Thỉnh, Hữu Thỉnh và Hữu Thỉnh” của nhà văn Trung Trung Đỉnh
HỮU THỈNH, HỮU THỈNH VÀ HỮU THỈNH
TRUNG TRUNG ĐỈNH
Sở dĩ tôi đặt tên cho bài viết này là “Hữu Thỉnh, Hữu Thỉnh và Hữu Thỉnh” cũng chỉ vì tôi với nhân vật có ba giai đoan chơi và sống với nhau. Mỗi giai đoạn là một khúc, như các cụ ta bảo “sông có khúc người có lúc” ấy mà. Mỗi khúc mỗi giai đoạn, có thăng có trầm, có vui có buồn có hay có dở, có chán phè. Tóm lại là các thay đổi, đổi theo cái sự đời, theo tính cách được hình thành từ cái gốc của mỗi người. Anh muốn nói gì viết gì thì nó vẫn là nó! Anh có làm đến thượng thư bộ lại hay thi nhân thi hào thì nó vẫn kiên quyết chỉ là nó, hay chính xác hơn, anh vẫn chỉ là một anh nông dân chân đất mắt toét, mặc complee, nói tiếng Anh tiếng Mỹ hay ngồi trên ngai dưới lõng thì rốt cuộc nó vẫn là nó, nó có cuộc sống Làng xã cổ truyền hay làng xã mới của thời đại mới, thế thôi …ạ.
*
Làng có việc. Ngưởi già bận rộn, nét mặt ai cũng nghiêm trọng. Bọn trẻ con thì tíu tít lăng xăng. Bọn thanh niên xúng xính túm tụm. Trong đám phu đòn, thợ mổ bò mổ heo hay đám thợ khuân vác, ta thấy có một người đầu đội khăn chít mỏ rìu, đi lại tất tưởi, cười nói đễ dãi, nét mặt hơi có vẻ khúm núm nhưng xởi lởi mà đến đâu có việc cũng tay dao tay thớt, ngớt việc này sang việc kia, kể cả bổ củi lẫn dựng rạp, kể cả quạt lò lẫn sửa soạn chỗ ngồi cho các bậc tiên chỉ. Các cụ bô lão thong dong thả bộ đến sân đình được mấy chú tiểu chỉ nơi dẫn đến. Chỗ ấy là nơi trung tâm các cụ ngồi họp bàn sắp xếp việc trọng của làng. Nơi nào ta đều thấy thấp thoáng bóng anh mỏ rìu. Anh có mặt chỗ nào, chỗ ấy sáng việc ra. Người người hồ hởi, tươm tất, rộn ràng…
Đấy là cái làng Văn nức tiếng sang trọng nhất trong thiên hạ của chúng ta. Và đấy là vị CHÁNH TỔNG hay đúng hơn là vị TRƯỞNG LÀNG khả kính, người chít khăn mỏ rìu, anh chàng bổ củi, mổ bò, sắp xếp mâm bát, lo thủ tục sao cho đúng tục lệ, kiêm đủ các thứ việc làng việc xã, từ chỗ ngồi cho các cụ, đến sân chơi cho bọn trẻ nít. Rồi đến cả công việc cho mấy anh nông phu quen chỉ đâu đánh đó, đám rượu chè chuyên cãi vã của mấy ông cờ bạc ba hoa xích thố lẫn chỗ “buôn dưa lê” cho mấy bà ngồi lê đôi mách, hàng tôm hàng cá rôm rả, giúp họ biết đến đây để “hòa cả làng” chứ không phải tranh hơn tranh kém. Hể hả mọi người. Xóm dưới chòm trên cả làng vào việc, chức sắc đề huề, mâm cao cỗ đầy, ai ai cũng có phần việc để làm nên tất thảy đều tươi tỉnh. Ai ai cũng có phần đánh chén, ai ai cũng có phần mang về cho vợ con, hay bố mẹ già, nên thỏa thuê mãn nguyện lắm! Nói một mình bác trưởng làng lo thì tuyệt không phải, nhưng nếu không có bác lo thì việc sẽ bộn bề, các đàn em phụ tá chỉ biết nhìn nhau thật chả biết ra răng mà mần cho xuôi chèo mát mái. Bác đúng là tay dao tay thớt, tay năm miệng mười, xắn tay áo, đứng ra chuẩn bị và tổ chức cho công chuyện lễ lạc và gách vác tất thảy, để các bậc bề trên yên lòng đã có người cầm chịch tuyệt vời cho các cuộc xáo trộn mới đầu nghe rối như canh hẹ, qua sự sắp xếp đâu vào đó của bác bên trên thì trông xuống người ta ngó vào, xét qua xét lại, xét tái xét hồi, năm qua năm lại, nhiệm kỳ này nghiệm kỳ kia, cả tổng cả làng đố bố nào tìm được ai mà thay được bác, kể cả nói chuyện dân giã ngoài hành lang cười ha hả đến bài diễn văn đít - cua nghiêm trọng hay bế mạc xâu chuỗi các cụ nghe mà mát lòng mát dạ, dân làng hả hê chứ còn gì hơn thế nữa!
Ở trong các làng quê nào của người Việt mình cũng có những lão nông chi điền việc gì đến tay cũng đều sẵn sàng ghé vai gánh vác, mà gánh vác được. Gánh vác không nề hà, không rính toán. Cũng có tay miệng lưỡi giảo hoạt, chuyên chắp tay sau đít, đi đi lại lại, mặt mũi nghiêm nghị, nói một tấc lên đến giời, chả bao giờ anh ta phải mó tay vào việc. Ăn thì ngồi trước, không tuần chay nào vắng nước mắt, làm thì chỉ tay năm ngón, vậy mà trong làng, trong tổng, ai ai cũng thấy anh ta phải được thế, lúc nào trông cũng giống như môt vị tiên chỉ, trưởng lão, không chức tước, không ngai lọng, nhưng đến cả vị trưởng làng anh ta cũng có thể đùa cợt hay lên mặt “chỉ giáo”, giải quyết khâu oai. Có lúc, thậm chí chỉ cần thấy bóng trưởng làng từ xa là anh ta đã quát nạt lũ nhau lau đồng bọn ham hố ăn chia vặt. Đứa thì máu liếm láp mấy đĩa tiết canh chưa kịp đông, kẻ hau háu nhìn thúng xôi, mấy cái chân gà, cánh gà liền bị anh ta trừng mắt, đảo mắt một phát, lập tức vón vào nhau một cục như bọn gia nhân đầy tớ. Anh ta thủng thẳng bước qua đám đông như chỗ không người, e hèm một tiếng, ai ai cũng kiêng nể . Có kẻ trong bụng thì ghét cay ghét đắng, ấm ức muốn nhổ toẹt, nhưng ngoài miệng vẫn toe toét nói cười, xoa tay, khom lưng hy vọng được anh ta đá cho một câu lời hay ý đẹp khi nhận xét về mình với cụ trưởng làng….
Đấy là chuyện thường diễn ra trong những ngày Hội làng của tầng lớp văn sĩ sang trọng nhất xứ, nơi có lắm người tài, người tật, người bất cần đời trong giới nghề nghiệp Việt Nam. Sau ngần ấy năm dựng nước giữ nước hoành tráng, bỏ ra bao nhiêu tài năng công của xây đăp, được thế giới ca tụng là cường quốc thơ, ra ngõ gặp thi sĩ chứ đâu có bỡn!
Nhưng cũng có thể nói thêm một tí. Giai đoạn nào trong làng Văn của chúng ta cũng có vài tay chuyên nghề đâm ba chày củ, và cũng có những tay mách qué chuyên dựng chuyện, đưa tin, bơm mớm thổi phồng, đi nói dối cha về nhà nói dối chú, cuội hơn cuội. Thế cho nên, những hạng người này nhiệm kỳ nào, thời kỳ nào vây quanh các ông Trưởng làng cũng đông đúc tấp nập. Ông Trưởng làng nào biết khéo léo sắp xếp nhân sự sao cho được lòng hết cả, ai cũng có việc, ai cũng quan trọng thì êm xuôi. Sau mỗi kỳ hội làng, thời trước, do cứ theo cơ chế xin cho, gọi là kinh phí, lo bầu bán tập trung, tiêu chí trong êm ngoài ấm. Có cụ Trưởng làng đậu chức cả nửa thế kỷ, đóng băng ngon nghẻ. Nay có cái sự gọi là đổi mới, nhưng cơ chế cho xin hằn in trong nếp sống làng xã, nó đã thành quen thói muốn vào được chân hội đồng hương xã có chức có sắc chì cũng phải chạy chọt. Các con dân xã viên thì nhiều vị hóng đến cuối năm, mùa xét giải xét hội viên mới vân vân… có kẻ vắt chân lên cổ làm lấy được mà chạy hổng biết cửa cũng chìm nghỉm, nói với vợ con, không ra nhập được vô hợp tác xã này chết không nhắm được mắt! Khiếp! Khiếp! Thế cho nên vai trò của chức Trưởng làng vẫn là thậm quan trọng. Muốn giữ được cái ghế ấy, cụ Trưởng làng thời bốn chấm không phải tài cao đức trọng giỏi giang hơn các cụ thời trước rất nhiều. Một mặt phải khuynh đảo khắp bàn dân thiên hạ, dày công dạy dỗ, sắp đặt cho bọn đàn em lý trưởng liên gia trong các thôn bản xa xôi theo lớp lang bài bản. Cầm tay chỉ việc cho các em út chứ cái trò bốn chấm không kỹ thuật số của các chú trẻ mới lên được vài chức sắc do cụ đưa lên vẫn phải tuân thủ theo định hướng đường ray, tức là của cụ Trưởng làng. Các chú dẫu có mạng miếc chi chi cũng chỉ có tác dụng nhanh nhẩu hơn vài tí thông tin bên ngoài rìa, chứ phần cứng thì sao qua mặt cụ được? Với các cụ bề trên thì vẫn phải nắm tận tay, nói tận việc đâu vào đó mới được các cụ tin tưởng giao cho hai chữ đặc thù. Tiền chứ không phải vỏ hến! Trên đã cho để lo toan tinh toán, không thể nhoay nhoáy vẽ vời được! Vậy nên cụ Trưởng làng cắp cặp lên gặp được các cụ bề trên thỉnh yết hay tâu bẩm, không để ai làm và việc ấy cũng chỉ có mỗi mình cụ đảm trách được! Lâu nay bề trên không quen nghe mấy chú Tập đoàn với Tổng công ty này nọ nghe thì to, thì oai, to oai nhưng nhiều chú vào lò như vào nhà hát. Các chú văn nghệ sĩ trí thức mà không có tiền thì cũng chịu. Các chú hội hè vui vẻ, như cây cảnh chim cảnh, không làm ra tiền nhưng làm đẹp cho xã hội, sĩ diện quốc gia, không vẽ vời nhiêu khê phức tạp làm cho thế giới nó chê cười, nhưng cũng phải sánh vai với cường quốc năm châu chứ!. Văn chương nghệ thuật không trợ giúp nó, sơ sảy cái là chúa bóng gió nói đó thành đây, nói mô thành tê, quanh co ngoắt nghéo xiên xỏ nên phải có người giỏi nghề tin cẩn cầm chịch. Mấy chục năm nay cụ Trưởng làng làm được êm thấm, càng ngày càng êm thấm, có chuỗi có rễ, có ngọn có ngành, công việc chuẩn bị cho Hội làng cụ có kinh nghiệm. Cụ tính, việc cấp bách hàng đầu của Trưởng làng ấy là phải nhắm thật trúng cho có vài tay phó lý làm cánh tay trái cánh tay mặt đắc lực. Tay mặt tất nhiên phải là những tay phó lý mẫn cán nghiêm trang hiền lành tốt bụng, lâu nay cụ vẫn nắm được thóp. Mấy tay này đã quen hoặc đã thạo việc nhưng quan trọng hơn là đã quen và biết nghe ý chỉ của bề trên. Biết làm quân cờ nhưng cũng phải biết điều khiển quân cờ. Còn tay trái? Vâng, tay trái là những tay phó lý ngoài ý muốn, những tay do một thế lực khác đưa vào dựng lên. Mấy tay này xử thế phải theo sách của các cụ xưa: “lúc nhu lúc cương”. Phải cách ly đối tượng này ra khỏi hội đồng hương lý, bằng cách giao cho hắn làm việc gì không quan trọng quá vì cần cảnh giác hắn khi mô cũng có máu tiếm quyền. Nhưng nếu mà không giao việc trọng cho hắn thì hắn mất mặt với đệ tử em út. Mà quyền lợi vặt của mấy tay này chỉ là ba cái vai vế sĩ diện trong làng chứ ra ngoài tổng có ma nào hay. Nếu không cẩn thận thì … mưu phản tiềm ẩn có cơ hội bùng phát. Bọn cơ hội này phải có sách lược, đưa hắn vào tròng, tròng bả cấp chức. Trong làng có những chức tước rất to nhưng quyền thì rất ít, rất bé và ngược lại. Nên vì thế mới phải tạo lập ra một đôi nhóm tai mắt, giống như thời cải cách các cụ lập ra các nhóm chuỗi rễ tai vách mạch rừng ấy mà. Thậm chí phải nuôi vài ba chú cẩu hoang thuần hóa bằng đồ ăn vặt để dùng làm cẩu cảnh, thỉnh thoảng làng có việc có chuyện, cần thì thả mấy chú cẩu cảnh này ra sủa. Sủa bóng, sủa gió, sủa trăng. Lúc làng có động thì hô sủa nhặng xị lên đôi khi cũng gây hoạt náo cả tổng mà cũng dẹp được cánh trộm cướp từ xa nhòm ngó chứ không đùa!
Tất cả việc gỉ việc gi việc gì đều phải qua chánh tổng, qua Trưởng làng rồi mới tới cánh hội đồng hương xã, xếp theo thang bậc mà hoan hỉ mừng công vui vẻ. Lúc Hội làng là lúc dân chúng ham vui, có vài mống hay dòm ngó bắt ne bắt nẹt, trương khẩu hiệu “đoàn kết hội nhập” thật to lên là xẹp lép liền. Đã nói là hội làng ta vui vẻ mà lại. Vui trên vui dưới. vui Bắc vui Nam, vui trong vui ngoài.
Tóm lại là lấy vui làm gốc.
*
Ông trưởng làng Văn thời hiện đại, từng kinh qua từ mõ làng đến tay liên gia trưởng , từ phó lý lên quan huyện, quan hàng tỉnh, quan đầu ngành Trung Ương, vua biết mặt, chúa biết tên, việc nước việc làng thông tỏ. Đi đứng có lúc có khi như thằng con buôn, như tay lãng tử, bụi đời. Lại cũng có khi lên xe xuống ngựa, cân đai mũ lọng tiền hô hậu ủng ngút trời, Tây Tầu Ta đều hoành tráng bề bề, chẳng kém bất kỳ ông quan tai to mặt nhớn nào, ngang hàng với các vị quan Thượng Thư Bộ Lại chứ đâu bỡn! Làng có chuyện gì anh ra tay, nói năng thì con kiến trong lỗ phải bò ra. Mỹ nhân thời nào cũng dập dìu xúng xính nhưng kín cạnh và chừng mực. Kẻ hầu người hạ đề huề. Chén chú chén anh rôm rả. Thơ phú nhất hạng cung đình mà con cháu thì đề huề, đẹp đẽ. Tuổi cao, chức trọng, khiêm nhu nín nhịn khoan nhường ít ai bì kịp. Nhiều kẻ ghen ghét muốn hại, không hại được, lại sinh quy phục, tình nguyện làm tôi đòi. Nhiều kẻ hau háu xum xoe bợ đỡ, ra ngoài thì vênh váo ta đây, kỳ thực làm chân nô bộc để mở mặt mở mày ta đây với dòng họ. Các cụ chả có câu “làm tớ thằng khôn còn hơn chán vạn làm thầy thằng đụt thằng ngu” là gì? Những kẻ ấy chỉ cần được làm đàn em thân cận chạy lên chạy xuống ra vào cười nói với quan trên không oách xì dầu à? Chớp được một pô ảnh với cụ này cụ nọ, có cụ Trưởng làng đứng cùng, in rõ to treo chỗ sang nhất nhà, hù dọa vợ con bạn bè khách khứa hiệu nghiệm phết! Khách đến ai cũng trầm trồ tán thưởng. Thói đời yêu yêu, ghét ghét, lên bổng xuống trầm, thời tiết chính trường đôi khi tưởng tan đến nơi lại hóa ra hợp. Phương châm của cụ Trưởng làng là cứ khôn ngay khéo đầy rồi đâu sẽ vào dó. Chấp nhận làm dâu trăm họ của thiên trả địa cũng huề. Chắp tay vái lạy tứ phương, làm gì đi đâu nhất nhất đều phải xem ngày giờ năm tháng, có thờ có thiêng có kiêng có lành, đó là tiêu chí sống, kim chỉ nam của Trưởng làng thời nay. Nam mô a di đà Phật! Lạy thánh mớ bái! A men…
*
Nếu tôi nhớ không lầm, thì tôi quen anh Hữu Thỉnh rất bình thường. Đó là buổi chiều tối một ngày đầu Đông năm 1978. Hôm ấy tôi vừa cùng Nguyễn Trí Huân từ trại viết Khu V (Đà Nẵng) xuống tầu ra đến Hà Nội. Nguyễn Trí Huân đã quá quen Hà Nội trước khi đi B nên xuống ga Hàng Cỏ cái là tếch về Nhổn, nơi có mẹ và em gái đang chờ sẵn. Còn tôi, đây là lần đầu được triệu ra Hà Nội để định cư và theo học khóa I trường viết văn Nguyễn Du. Tất nhiên là tôi thuộc dạng trên cả bỡ ngỡ. Anh Hữu Thỉnh ở trong một căn phòng của dãy nhà cấp 4 dành cho các trại viên Quân Đội cùng với cô con gái nhỏ, bé Thanh. Hồi ấy Quân đội có hai trại viết đình đám nhất, đó là trại viết Quân Đội (của Tổng cục chính trị) và trại viết Quân Khu V. Tôi thì nghe tên, đọc thơ Hữu Thỉnh hơi bị nhiều. Hồi ấy Hữu Thỉnh nổi như cồn, chỉ sau Thanh Thảo, (đấy là cách đánh giá hồn nhiên của anh em khu V chúng tôi). Trường ca “Đường tới thành Phố” của Hữu Thỉnh hình như mới được giải to. Trường ca “Những người đi tới Biển” của Thanh Thảo ra trước đâu một hai năm. Mà Thanh Thảo cũng nổi tiếng hơn Hữu Thỉnh trước đó vì cả tập “Dấu chân qua trảng cỏ” được cụ “đại tướng thơ” Chế Lan Viên đánh giá cao ngút trời, viết bài đề cao như là một phát hiện mới.
Tôi vốn yêu trẻ con nên thấy bé Thanh đứng lơ ngơ ngoài cửa liền rủ bé ra ngõ mua kẹo lạc và mấy quả mận hậu rồi lại đưa trả về cho bố Thỉnh. Hữu Thỉnh bày ra giường thịnh soạn nào cơm rượu, chả quế vàng khươm, thêm cá mè kho dưa, rau muống luộc thơm lừng rau thơm húng láng, mời tôi. Chúng tôi đánh chén no nê. Tôi kể trại viết khu V anh em viết sướng thế nào vì anh trại trưởng Nguyễn Chí Trung chăm lo đời sống khá “siêu”. Có vài anh được hưởng hai suất lương, lương quân đội và lương dân sự, mới đây giải tán trại đành phải trả lại một suất cho nhà nước. Anh Trung tổ chức nuôi hai trăm con gà công nghiệp đẻ trứng. Anh em trại viên ăn trứng thỏa thuê. Bán trứng lấy tiền mua thêm thực phẩm cải thiện. Gà thì đẻ trứng rất đều còn các trại viên đẻ tác phẩm cũng sòn sòn. Tôi là lính địa phương mới được rút về trại, thấy sướng quá là sướng. Bản thân đầu trần chân đất, chưa vướng bận vợ con, lại sẵn có tính ham chơi, ham rượu, ham bạn, được tự do, nhiều khi quá trớn. Sau này, khi đã ổn định, tôi đã đi theo cả cánh Sơn Đông Mãi Võ giang hồ khách dẫn mấy chú Tây đen bụi bậm đưa về chơi trại. Tôi nhớ có lần tôi đưa hai chú em Tây đen từ ga về giữa đêm, định cho các chú ngủ lại trong phòng, không may gặp Hữu Thỉnh đi đâu về. Anh Hữu Thỉnh gọi tôi ra vườn chuối trước nhà, túm ngực tôi, giật cật lực khiến tôi ngã dúi dụi, rồi nghiến răng mà rằng, chú liều lĩnh nó vừa vừa thôi, đưa cả bọn Tây đen về doanh trại thì quá lắm! Quá lắm! Nếu có chuyện gì xảy ra, chú phải hoàn toàn chịu trách nhiệm! Hồi ấy chơi với Tây là chuyện tầy đình. Hai chú Tây đen này tôi quen thân vì tôi la cà uống rượu ngoài ga, nhà hai chú ở sát ga. Các chú nhiều năm làm nghề bán nước chè rong trên tầu, dưới ga. Mẹ các chú là người gốc Ấn, cha người Pháp, hiện vẫn ở Pháp. Mẹ các chú đưa các chú về Việt Nam sinh sống từ hồi Việt kiều Thái Lan Tân Đảo gì đó của những năm sáu mươi được chính phủ ta cho về. Tóm lại các chú có Quốc tịch Việt đàng hoàng, tính nết rất hiền rất thật thà và nhu mì khiến tôi rất mê. Nhưng quả tình người các chú thì cao nghều, da lại đen bóng, răng trắng, mắt hơi trố nên mọi người có phần ngại. Tôi thấy hai chú em này hiền lành, vui vẻ, lại dễ bảo, đi với tôi lên tận miền sơn cước Yên Bái cùng Hàn Phi Quang Sơn Đông “mãi võ giang hồ khách” rất được việc nên đánh bạn, chả thấy có gì nguy hiểm. Sáng hôm sau anh Thỉnh lại gọi tôi sang phòng, cho một bài học nhớ đời về việc quan hệ với người nước ngoài nó nguy hiểm thế nào. Anh nhấn mạnh, đi đâu, làm gì cũng phải nhớ mình là quân nhân, không nên quá buông tuồng, suồng sã. Tôi hồi ấy chưa nhận ra tố chất lãnh đạo của Hữu Thỉnh, chỉ thấy anh chân thành góp ý thì cũng nhanh nhận ra mình sai vì mình nghĩ quá đơn giản, vậy thôi. Tôi được Hữu Thỉnh rủ về quê anh chơi. Hồi ấy kinh tế rất khó khăn, gần như anh em trại viên nào cũng có dính dáng đến buôn buôn bán bán những thứ vật dụng lặt vặt. Tôi rủ Hữu Thỉnh buôn thuốc lào vì quê tôi thuốc lào Vĩnh Bảo nổi tiếng. Hữu Thỉnh hồ hởi ô-kê. Anh đưa tôi đi khắp vùng quanh Vĩnh Yên quê anh thăm dò thị trường hẳn hoi. Phải chuẩn bị “chiến trường” thật chu đáo rồi “oánh” một quả là phải thắng ngay từ trận đầu! Đi thăm dò thị trường thì thấy quá hay. Đâu đâu người ta cũng thiếu thuốc lào. Chúng tôi đặt được cả điểm “bỏ mối” đâu vào đấy xong, tôi về quê lèn một ba lô khự, trốn qua không biết bao nhiêu trạm kiểm soát, để đến được Vĩnh Yên, coi như thắng bảy tám mươi phần trăm. Hồi ấy buôn thuốc lào là buôn hàng quốc cấm, là buôn lậu! Hai anh em chưa vội đem đi bỏ mối ngay vì nghĩ nắm chắc phần thắng trong tay rồi, liên hoan cái đã. Chị Minh, vợ anh Thỉnh làm ở một cái kho lương thực thực phẩm nên cánh tôi được đãi một con gà và chai rượu cam. Đánh chén no nê, hôm sau hứng chí đèo nhau đi “đánh quả”. Kể cũng lạ thật, lúc đi thăm dò ai cũng hồ hởi, bảo thuốc lào Vĩnh Bảo thì nhất rồi, giá bấy nhiêu, bấy nhiêu. Tính ra lời gấp đôi, thậm chí gấp ba, oách phết. Nhưng bây giờ đem đến cho họ, họ chê thuốc nóng, thuốc ngái, giá loại này chỉ bằng nửa giá mua. Anh Hữu Thỉnh bảo tôi, để đấy, giáp tết ra chiêu, không vội. Nhưng rồi giáp tết, tôi lại mò lên. Lại ế vẫn hoàn ế. May mà về kể chuyện thuốc lào ế, có anh Ngô Viết Dinh trại viên, làm đâu như ở nhà xuất bản nào đó Hà Nội mua cho đúng giá gốc, với điều kiện phải biếu tặng bác Dinh cái túi ni lông Trung Quốc, loại túi quý hiếm mới xong việc.
Hú vía!
Anh Hữu Thỉnh là người chu đáo, tính toán cặn kẽ. Tôi và anh đi thực tập ở Quảng Nam. Quảng nam Đà Nẵng là đất của tôi. Tôi vào trước mấy hôm. Hữu Thỉnh vào, chuyến tầu đêm, tôi ra đón ở ga. Đợi khách xuống ga hết mới thấy Hữu Thỉnh lọt tọt theo tốp khách sau cùng. Vì sao? Vì anh đeo một ba lô nặng tỏi và khoai tây, hàng này không quốc cấm, nhưng nặng mà lời ít nhưng chắc thắng, Hữu Thỉnh hồ hởi khoe. Chúng tôi đưa nhau đến một góc sân ga, trải ni lông, chia số hàng trong cái ba lô của Hữu Thỉnh ra làm đôi, một nửa đem bán, nửa kia chia làm mấy phần. Phần này quà cho Quế (nhà thơ Thanh Quế). Phần này quà cho Lợi (nhà văn Thái Bá Lợi). Phần này quà cho anh Phát (ông anh kết nghĩa của anh Thỉnh bên ban Tuyên giáo). Phần này cho anh em Trại. Tóm lại chia năm sẻ bẩy. Tôi đeo phần nửa kia của tôi và của anh vô chợ bán. Theo đúng như tính toán của anh Hữu Thỉnh thì coi như nửa bán đi ấy gỡ đủ vốn. Thắng phần làm quà cho anh em. Sướng rên. Anh Hữu Thỉnh bảo tôi buôn bán là phải biết tính toán, anh tính toán kỹ nên không bị lỗ. Chúng tôi đem phần quà cho mọi người, ai cũng hồ hởi phấn khởi. Chúng tôi chia nhau quà rồi sau đó chia nhau đi thực tế dưới các hợp tác xã. Cùng ăn, cùng ở, cùng nằm với bà con xã viên hai tuần. Tôi đi đến đâu cũng được mời đánh chén. Về, gặp Hữu Thỉnh, kể chuyện ăn đặc sản bò thui, ăn mì Quảng, ăn tôm hùm, thịt heo luộc ngon chưa từng thấy. Anh bảo, số chú sướng, tôi về ở nhà dân, họ còn đói quá, mình không được ăn uống nhậu nhẹt gì, thậm chí có mấy chục cân tem phiếu gạo cũng biếu họ luôn. Lần ấy Hữu Thỉnh viết được cái bút ký rất hay về nông nghiệp, nông thôn, về phong trào hợp tác nông nghiệp. Anh cho tôi xem, tôi phục sát đất. Các nhà thơ viết ký hay thật. Nhưng hỏi tên bài bút ký là gì, anh cứ loay hoay hết “Một điểm sáng” lại sang “Một xã anh hùng” gì gì. Tôi bảo, để tôi biếu bác cái tên. Trong bài ký có một câu “đi giữa đồng lúa” tôi bảo lấy câu đó làm tên vừa giản dị, vừa không khí, vừa đúng, vừa hay. Anh Hữu Thỉnh phải đãi tôi một chầu bia. Lúc lên tầu ra Hà Nội, trước khi lên ga chúng tôi bàn tính, đánh quả ra mới là quả chính. Vừa lên tầu, nhận ghế, có một tay cán bộ tinh vẻ sành sỏi đã nhận chỗ mắc võng, sau đó dưới võng anh ta mấy bà bán dưa hấu đem xếp đầy cả chục quả to. Hữu Thỉnh bê một rồi hai, rồi ba quả lên cho tôi xem, hỏi: “Duyệt không?”. Tôi đồng ý “duyệt”. Thế là chúng tôi “chơi” luôn sáu bẩy qủa dưa hấu to đùng. Tầu chạy. Tay cán bộ kia ngủ khì còn chúng tôi cứ nơm nớp lo cán bộ thị trường hỏi. Cuối cùng cũng may, không có chuyện gì xảy ra. Tay cán bộ kia đến ga nào cũng dậy mua thịt gà, trứng hay bánh trái chén, tôi để ý thấy tay này đích thị là tay buôn chuyến. Hữu Thỉnh bảo, mình cứ để ý theo hắn, hắn bán gì mua gì mình làm theo là ăn. Đến ga Thanh Hóa y như rằng, hắn dậy bán dưa hấu. Hữu Thỉnh bảo tôi, cứ xem giá hắn bán bao nhiêu mình bán theo. Quả thật, buôn bán vào cuộc mới biết không dễ một chút nào. Chúng tôi bán theo hết số dưa, thấy có lời kha khá, coi như thắng lợi. Tay kia mua dừa, Hữu Thỉnh bảo tôi mình cũng mua dừa. Mua một nghìn một quả, ra Hà Nội ba nghìn ăn chắc. Thế là cánh tôi lèn cứng hai ba lô dừa Thanh, xuống ga Hà Nội có mấy người đòi mua ngàn rưỡi hai ngàn, anh Thỉnh bảo tôi, buôn bán là phải gan lì, thôi ta chịu khó đeo về, mai bảo cô H. chịu khó đem ra chợ, được năm ngàn một quả chứ không phải hai ba. Cô H. khi ấy là người yêu tôi, sinh viên khoa thư viện đại học Văn Hóa, chưa bao giờ buôn bán, chưa bao giờ đứng chợ, vì nể cánh tôi mà nhận lời. Hóa ra ngồi chợ cũng không đơn giản, cô H. lớ nga lớ ngớ bày hàng ra, người ta xúm vào, “tôi quả, tôi quả”, miệng nói tay nhặt, chỉ một lúc nhoáng cái là hết sạch. Không cái dại nào giống cái dại nào! Anh Thỉnh lại bảo, coi như trả học phí nghề buôn, hơi đắt tí nhưng không sao, mình được bài học nhớ đời.
Dân làm ăn phải biết chấp nhận cả thắng lẫn thua. Thua keo này ta bày keo khác!
Sau đó có tới dăm phi vụ, nhỏ lẻ có, hoành tráng có, trong ký ức nghề buôn bán thương trường của tôi, cho tới bây giờ vẫn không hề mảy may có một kỷ niệm thành công thắng lợi nào. Thế mà không hiểu sao hồi ấy vẫn cứ ham! Tôi nhớ trại viết văn Quân đội chúng tôi được ưu đãi đặc biệt hơn cánh dân sự nhiều. Anh em tự sáp lại với nhau thành nhóm. Cánh Xuân Đức, Khắc Trưởng rủ nhau về Quảng Trị mua tiêu sọ đem ra Hà Nội bán, theo tính toán cũng sẽ lãi gấp ba, nhưng thực chất bị dân Hà Nội chê tiêu lép, giá còn bằng nửa tiền giá gốc, lỗ chỏng vó. Cánh Nguyễn Trí Huân, Trần Nhương, Dương Duy Ngữ, Phạm Hoa buôn vô Nha Trang, Đà Lạt hàng quai guốc, thuốc nam, bán cho dân kinh tế mới. Hàng đem ra là mành mành ốc biển, hạt cườm ốc biển, không “đổ” được cho mối nào, lỗ thê thảm. Cánh Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng “đánh” lốp xe đạp Hóc Môn từ Sài Gòn ra, không bán cho dân buôn ngoài chợ được, đành phân phối lại cho anh em trại viên giá gốc, lời chút đỉnh. Còn ai nữa? Tô Đức Chiêu tuần nào cũng “phi” con Cá Xanh (xe đạp máy ba-bet-ta, còn gọi là ba-bét-nhè) về Hải Dương, “đánh” nhỏ lẻ, nào dây cao su buộc hàng, nào vài bộ ấm chén, vài chục bát sứ Hải Dương, vài ổ khóa, vài cái bóng đèn, phích nước, xích líp xe đạp, hàng lên Hà Nội mùa nào thức nấy, khi vải thiều, nhãn lồng, khi khoai lang, ngô nếp, thắng tí ti, nhưng chắc. Chắc nịch! Bác chiêu khẳng định thế khi kể với tôi. Tôi bảo chắc hơn cua gạch quán Gỏi! ha ha.
Tóm lại, ngành thương mại của các nhà văn lúc ấy, dưới sự cai quản của lớp trưởng Hữu Thỉnh, coi như thất bại cơ bản, toàn diện và vững chắc. Sau mỗi đợt nghỉ hè, tổng kết, kể cho nhau nghe, tốn vài ba lít rượu quốc lủi do Trần Anh Trang buôn từ Bắc Ninh lên, rút kinh nghiệm rôm rả và sâu sắc nữa! Nhóm tôi và Hữu Thỉnh tuyệt nhiên giữ kín, ai làm nấy biết, thua trận sau lớn hơn trận trước, kể ra thấy mà thê thảm. Tôi còn cả những vụ, nào là buôn tôm khô, cá khô từ Nghĩa Bình, nơi ấy có Thanh Thảo làm cơ sở nằm vùng, có chị Nhự vợ bác sĩ San hai cơ sở vững, rất nhiệt tình mua hộ rồi cho luôn mấy chú đem ra. Nào là buôn gạo, buôn cám buôn cả xe gỗ được tỉnh đội chia cho chở từ Gia Lai xuống. Tôi có đông bạn xi-nhan cho điểm mua, điểm bán hẳn hoi, vậy mà lỗ mẹ chồng lỗ con. Rồi tiếp theo sau, tôi lên Tuyên Quang, có mấy tay bạn Trịnh Thanh Phong làm việc ở thư viện trường Đảng tỉnh và nhà văn Đinh Công Diệp, Mai Liễu đều ở hội Văn Nghệ, các bố này chỉ uống rượu là tài còn ú văn ớ cái khoản đời sống hơn tôi nhiều.Vài chục bộ xích líp xe thồ, bán không được, cho thì nhanh, tay trắng hoàn tay trắng. Buôn bán nghiệp dư thất bại, đành rủ nhau quay về gõ máy chữ rào rào, thơ phú văn chương, kể chuyện chiến trận xem ra còn được vài ba mẩu, vài ba đồng nhuận bút còm từ các báo.
*
Năm 2000 của chúng tôi có nhiều biến động.
Hữu Thỉnh viết:
“Sang thế kỷ với con tầu quá rộng
Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang”
Viết chân dung Hữu Thỉnh, khoái nhất, nhàn nhất là cứ trích thơ của anh mà tương lên, câu nào tôi cũng thấy hay, cũng Hữu Thỉnh, ghép lại tí, bình vài nhời là thành bài. Có những người viết về họ, thân nhau đấy, nhưng tìm mãi không có một câu hay để trích, để bình, đành bó tay chấm com.. Thơ Hữu Thỉnh mở đâu cũng thấy câu hay đoạn hay, bài hay. Chơi với Hữu Thỉnh lâu ngày, có đôi lần tôi được “xem” Hữu Thỉnh làm thơ. Cũng trầm trầy trầm trật, nâng lên hạ xuống, xóa ngang xóa dọc chíu chít lắm. Bài thơ được in ra ta đọc lên thấy xuôi tai, thấy hay, thấy sâu sắc, cứ tưởng làm dễ như bỡn.
Hóa ra không phải.
Ví dụ tôi mở tình cờ trong tổng tập, đọc tình cờ:
“Mẹ ơi mây héo con xin mẹ
Cho con lên an ủi mặt trăng buồn
Chợ tan đường cũng tan như chợ
Bán được buồn hay mua được buồn hơn”
Hai câu đầu rất không hiểu vì sao lại viết thế, sao lại “mây héo”, sao lại lên “an ủi mặt trăng buồn”? Thế mà hai câu sau thì rợn cả người, đọc lên tôi thấy người tôi có sự thay đổi trạng thái. Nó gây sốc cho cái sự tình cảm với mẹ với quê hương của tôi thưở nào, mà tôi tưởng nó đã xa lắm lắm rồi.
Hay là một tình cờ ở tập khác:
“Tôi sinh ra quả trám đã bùi
Rễ si buông cước lá sòi rưng rưng
Tôi chưa với tới trái bòng
Kiễng chân chóng mặt cầu vồng lên năm
Cầu vồng xanh đỏ tím vàng
Chim cu toan đổi chuỗi cườm trời cho”
Phải là người chân quê như chúng tôi, tắm sông quê, đi chợ quê, nuôi dế chọi, cá cờ chọi, chim sáo chim ri, thả lờ tôm lờ cá, đọc thơ này nó cứ rạo rực sướng.
Rồi nữa:
“Chong chóng quay đón mẹ dưới chân đồi
Tay mẹ héo ruộng bậc thang cấy rẽ
Tôi đỡ lấy chiếc áo tơi của mẹ
Mụn cua càng bò trên mảnh sân con”
Đấy, lại câu cuối, mụn cua càng “đổ” xuống mảnh sân con giống như câu ca trong sáu câu Nam bộ các cụ ta đổ xuống một phát là người nghe lịm đi ngay.
Đọc đến đây nó làm tôi phê luôn thật sự.
Thôi, tôi không trích thơ Hữu Thỉnh nữa. Người làm thơ hay rứa mà sao có người ác ý lại moi móc bảo Hữu Thỉnh đạo thơ. Tôi chả tin mấy kểu phê bình ấy. Tôi kể chuyện về anh Hữu Thỉnh, có lẽ đến đây, thế này, cũng xin gọi là tạm đủ. Câu “dũng thoái” luôn luôn khiens tôi nằm lòng.
Ở đời biết dừng lại đúng chỗ là phải, không làm phiền người khác.
Tuy nhiên cái khúc cuối không vui này đã định thôi, nhưng đọc đi đọc lại thấy mình thiếu sót với mình, với bác Thỉnh, mặc dù tôi viết nó sau khi đã thoái hưu, đã ngoài70, nói như các cụ là đã “xưa nay hiếm”. Tôi có một đoạn đời thân với anh Hữu Thỉnh. Có một đoạn rất thân. Đấy là đoạn chỉ sống, chỉ chơi với nhau thuần túy, không liên quan mấy tới công việc. Một đoạn sau chót, ấy là mấy năm cuối của cuộc gọi là chơi cho oai, chứ thực ra là quá chả ra gì, hơi bị nhọc đối với tính cách của tôi và cũng chả ra gì đối với tánh cách của Hữu Thỉnh. Số là năm 2003, tôi mới được phong đại tá, nhưng thấy cứ ở mãi trong quân đội với quân hàm sĩ quan thế là cao, lâu ngày lên lão làng, mấy bạn cùng cơ quan tôi đi đâu cũng xưng là đại tá nhà văn quân đội, có vẻ oai nhưng tôi nghe mãi thấy ngượng. Tôi thuộc diện biên tập viên mới đầu thì hay được đánh giá kha khá, sau cái vụ tôi đem cái truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập về in thì ban Văn bị đánh te tua, họp cơ quan có anh bảo tôi đem lửa về đốt … nhà mình. Tôi bị phê và … dưới con mắt của một vài người, tôi là “sĩ quan cá biệt”. Kể cũng ngượng vì hơi bị lẻ loi. Về cơ quan tôi để râu, không mặc quân phục, thực ra đã quen thói ấy lâu rồi nên cũng chả sao. Cuối cùng có một hôm ngồi chén chú chén anh với Hữu Thỉnh, rượu vào lời ra, tôi bày tỏ trắc ẩn của mình với anh, mình lương cao, chả phải làm gì, nay Sài Gòn, mai Pleiku, kia Hà Nội thấy ai bảo là đại tá nhà văn, lòng cảm thấy ngượng. Anh Thỉnh khuyên tôi ra ngoài dân sự, tôi bảo tôi đã làm đơn xin sang nhà xuất bản Kim Đồng, được anh bạn là Bí thư Trung ương đoàn giới thiệu, ông giám đốc Nguyễn Thắng Vu hứa sẽ chấp thuận. Sau đó có chút trục trặc, tôi nói chuyện với anh Thỉnh, anh bảo, thế thì về trước hết là báo Văn Nghệ. Hồi ấy anh Thỉnh là Tổng Biên Tập, Chủ tịch Hội Nhà Văn. Tôi mừng quá, bảo tôi ra đấy thì làm gì? Anh bảo làm phó Tổng biên tập phụ trách nội dung. Tôi bảo bên ấy có tờ phụ san văn nghệ Trẻ và văn nghệ miền núi, cho tôi làm tờ miền núi hợp hơn. Anh Thỉnh OK. Nhưng khi về nhận việc ở báo Văn Nghệ mới thấy ở đây “họ” sống và làm việc khác quá. Bà trưởng ban Văn, trước đây vui vẻ thân quen, bây giờ ít khi xởi lởi. Cái ông làm ở tờ phụ san Văn nghệ dân tộc miền núi, hình như đang được phân công phụ trách, thấy tôi về thì quay mặt đi, không chào hỏi chúc mừng, nhìn tôi như kẻ đến để cướp cơm cướp ghế. Hóa ra bên ngoài lâu nay họ sống khác với cánh lính thật. Bình thường chả ai có biểu hiện gì rõ nét, đến khi có sự xuất hiện của một tên nào đó (là tôi) về phụ trách họ, tất thảy cùng một lúc đều bị tắt tia hi vọng đang nuôi trong mình như một bản năng của tiềm thức, liền cùng lúc thức dậy! Bài vở mới đầu các “ban” chuyển cho tôi, tôi hăng hái làm lắm. Nhưng được vài số, mình chuẩn bị đâu vào đấy, đến khi báo ra thì thấy gần như toàn bộ bị thay thế những bài đâu đâu. Hóa ra lâu nay đã thành lệ, khi duyệt cuối cùng, bà Trường ban Văn bảo,Tổng Biên Tập có quyền thay hết. Mới đầu tôi hỏi sao thế, các sếp trả lời tỉnh bơ: làm báo phải thay bài là chuyện thường ngày. Một vài bận thấy nản. Nhưng đến một hôm, sếp đi nước ngoài, tôi được hoàn toàn thay thế “duyệt”. Trưởng ban Văn ném một tệp bản thảo khá dày trên bàn cho tôi, bảo: “Bé Tư” gởi ra nè. Tôi hỏi có hay không? “Hay gì, dài dặc!”. Tôi đem về, đêm ấy đọc một mạch đến gần sáng, thấy hay qúa, chỉ mong trời mau sáng đến cơ quan gặp ai đó chia sẻ. Hồi đó trong đám Biên tập viên tôi quý Lương Ngọc An vì thấy anh phụ trách chuyên mục ký, tiếng nói nhà văn hay tạp văn chi đó, nhìn tướng gâu gấu thế mà khi làm việc lại khá cần mẫn, chỉn chu, rất có trách nhiệm. Tôi rủ An sang phòng, nói, hôm nay anh đọc được cái truyện ngắn hơi dày nhưng rất hay, rất đặc sắc Nam bộ, chú đem về đọc rồi ta bàn. An OK. Hôm sau An đến sớm, lôi tôi ra quán café đối diện cơ quan, anh em mất cả buổi sáng bàn về cái hay cái độc của thiên truyện, rồi đi đến giải pháp: vì nó dài nên phải in hai ba số. An bảo hai số thì hơi kẹt buộc phải bỏ một vài thứ, còn ba số thì chưa có tiền lệ. Tôi bảo thôi, cứ hai số, vì báo tuần chấp nhận được. OK. Báo in ra, tôi và An khấp khởi hy vọng sẽ được các đồng nghiệp ủng hộ. Chúng tôi điện thoại cho các bạn văn cả nước kêu họ đón đọc. Tuyệt nhiên cả tuần rồi cả tháng gần như không có ai hồi âm khen chê. Các bạn thân của tôi và An đều bảo “báo VN mất giá rồi, lấy đâu ra truyện hay mà gào thét!”. Hồi ấy chưa có mạng xã hội như bây giờ. Thông tin chậm, chỉ có báo in. May mà sau đó, trong Cà Mau có chuyện gì, cô Tư bị “đánh”, do một chuyện không phải văn chương. Hình như chân hội đồng nhân dân tỉnh của cô bị lung lay. Báo Tuổi Trẻ đứng ra giải cứu bằng cách chia cái truyện ngắn “cánh đồng bất tận” thành 7 kỳ, in liên tục cả tuần. Truyện được lăng-xê, cả nước khen hay. Các bạn văn của chúng tôi đều hưởng ứng nhiệt liệt. Tôi thấy trên ti vi, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch hội, Tổng biên tập báo Văn Nghệ khen hết cỡ và ca ngợi tài của nhà văn trẻ. Sau này trên các phương tiện thông tin đại chúng, trưởng ban văn báo VN của chúng tôi trở thành người phát hiện tài năng và ra sức quảng bá cho “bé Tư” rất hay. Quả thật báo VN có in đầu tiên thật, nhưng báo Tuổi Trẻ với thương hiệu của tờ báo và tài làm báo, uy tin của họ một tờ báo ngày, in nhiều kỳ nên nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mới có “tên tuổi” trên văn đàn từ ấy. Chắc cô Tư cũng chưa bao giờ biết đằng sau cái truyện ấy được in lần đầu tiên như thế nào. Ấu đó cũng là chuyện bình thường.
Bây giờ ngoái lại, kể sống được với nhau như thế cũng là đủ và đẹp, nếu không có cái vụ chả ra gì trước khi tôi về hưu. Tôi cũng xin kể thật nhanh, như “ăn nhanh” thôi. Số là năm ấy tôi bị một trọng bệnh, đang điều trị, rất muốn về hưu, đã làm hai ba lá đơn, nhưng Chủ tịch Hội đang lấn bấn chưa tìm được người thay thế, trong khi có hẹn với vài người, hứa như “đinh đóng cột” với vài trường hợp. Công tác cán bộ phải … tính. Tính đến khi có cơ hội giữ lời hứa với ông em là Phó GĐ NXB của chúng tôi đang quá “máu”, anh ta có nói với sếp rằng, chỉ cần làm giám đốc một tháng rồi về cũng được. (Vì tính theo tuổi cũng chỉ còn vài tháng nữa thôi). Đã ba lần ông chủ tịch yêu cầu tôi về cơ quan làm phiếu thăm dò, vì theo quy trình, trước khi đề xuất ai lên làm làm lãnh đạo đều phải tuân thủ. Tôi về họp cấp ủy rồi gọp cơ quan thực hiện lần thứ nhất, số phiếu không đủ quá bán. Một thời gian sau ông Chủ tịch yêu cầu làm lần nữa. Tôi Ok. Lần này anh Hữu Thỉnh phái anh Nguyễn Hoa, trường ban tổ chức hội viên sang thay mặt BCH giám sát. Tôi cũng OK. Nhưng lần này số phiếu thấp hơn lần trước….Tội nghiệp vì anh em cơ quan thấy anh này cũng sắp hưu đến nơi làm mấy tháng chả bõ công bầu bán… Thế là quen cách làm tùy tiện cho được việc kiểu lâu nay, ông Chủ Tịch nhằm đúng ngày 27/7 phái ông Phó Chủ Tịch sang nhà xuất bản đưa quyết định. Quả tình, năm nào vào đúng ngày này tôi cũng có hẹn với mấy bạn lính cũ cùng đơn vị đi nhậu. Hôm nay thấy ông Phó chủ tịch Hội long trọng đến, tưởng đến chia sẻ ngày Thương Binh với tay thương binh, hóa ra không phải. Ông Phó Chủ tịch bảo: “Em đến đem cho bác cái quyết định của chủ tịch hội cho bác về hưu đây!” . Tôi tưởng đùa, nhưng Trần Đăng Khoa chìa cái phong bì ra thì tôi tin là thật. Tôi đọc lướt qua, cái quyết định đúng thủ tục đúng quy trình, rằng đồng chí TTĐ phải bàn giao cho đồng chí TQQ đến ngày 1/8. Tôi tính nhanh chỉ ba bốn ngày. Tôi thấy nóng mặt, hỏi: “Tôi có bị kỷ luật gì không mà gấp gáp thế?”. Phó chủ tịch Trần Đăng Khoa nói tỉnh bơ: “Bác về hưu là chuyện bình thường. Giám đốc bàn giao cho Phó Giám Đốc thay thế cũng là chuyện bình thường. Có gì đâu ?!”
Tôi điên tiết bảo, ông đem về trả cho Chủ tịch của ông rồi báo là tôi chống lại quyết định này đấy. Nhà xuất bản người ta năm sáu chục năm truyền thống mà bàn giao ba ngày, sao coi thường nhau thế.
Ông Phó chủ tịch hơi tẽn tò, hứa với tôi bác về bên em nhàn hơn, em sẽ đưa bác sang làm tờ báo mạng oai mà. Tôi bảo tôi không mạng miếc, oai iếc gì sất. Ông cứ về bàn với Chủ tịch là tôi chống, thế thôi.
Trần Đăng Khoa đem tờ quyết định ấy xuống đưa cho cô Trưởng phòng hành chính rồi chuồn.
Thật khôi hài.
Bây giờ tôi đã ngoài 70, nghĩ lại có chút buồn, buồn về cái sự nhân tình thế thái chả đâu vào đâu. Bao năm quanh quẩn với nhau, nhiều lúc anh anh chú chú. Nhiều khi tắt lửa tối đèn, sẻ chia thắt ruột. Chừ răng hề? Răng răng rứa rứa? Vui chả vui mấy mà buồn cũng chả mấy buồn nữa. Cũng không phải anh đi đàng anh tôi đi đàng tôi, nhưng tự cái sự đời nó tách nhau ra vì việc làng cũng có và vì cái tánh ngang phè của tui cũng có. Cộng với cả cái tánh cả nghĩ cả lo, lo trên lo dưới, lo thằng bạn tốt, lo thằng bạn đểu, lo lo lo lo. Nghi nghi nghi nghi. Hoặc hoặc hoặc hoặc! Tôi phải làm cái thư ngỏ cho BCH và ông Chủ Tịch Hữu Thỉnh để được rõ ràng minh bạch. Hôm họp BCH với tôi phiên cuối cùng, không khí khá nặng, chả thấy văn minh mấy, mọi người ngồi quanh bàn họp đâu vào đấy, ông Chủ tịch từ phòng mình bước sang, câu đầu tiên nói: Xin lỗi, tôi vào muộn chút vì phải tìm mấy thứ này. Đây, các đơn anh Đỉnh gửi xin về hưu lần thứ nhất, lần thứ hai và…Nói thật với các đồng chí, trước khi làm lý lịch vào Quốc Hội có mục Bạn thân của ông là ai, tôi ghi Trung Trung Đỉnh. Về nhà vợ con tôi hỏi, ở cơ quan bố thân với ai nhất, tôi trả lời: chú Trung Trung Đỉnh, còn một câu nữa ai đó hỏi như thế nữa, tôi quên mất, chỉ nhớ anh Thinh cũng trả lới là Trung Trung Đỉnh. Hôm ấy tôi ngọng, ngọng thật sự. Các ông bà BCH cũng thế, cũng gần như ngọng. Cuộc họp giải tán. Nhớ mấy hôm trước khi rời cơ quan hội, tôi phải sang có việc chi đó. Hết việc anh kéo tôi về phòng, chỉ có hai người. Tôi đang nghĩ tới chuyện tôi với anh Thỉnh coi như đã hết chuyện. Như vậy, hôm nay lại có cuộc nói chuyện cuối cùng Tôi tự nghe thấy đâu đó có mùi …Tôi tự nhủ, thôi kệ. Cứ ngồi nghe anh nói. Anh bảo tôi xem xem có gì cần nói gì thêm với nhau thì nói hết đi. Không hiểu sao bỗng tôi lại “xả” khá dài dòng về chuyện anh em bạn bè lâu nay. Tôi nhận xét thẳng thừng rằng, ông này bà nọ, thằng A thằng B nhất là vài năm gần đây, tôi thấy bu quanh cái bàn của anh là một bầy cá mương. Này nhé, này nhé và này nhé… Tôi kết luận hùng hồn rằng đó là một lũ dưới lưu manh trên cơ hội láu vặt. Hữu Thỉnh ngồi nghe rất chăm chú, sau câu ấy, thấy anh có vẻ hơi hơi sững người rồi bất ngờ đứng vụt lên nhìn thẳng vào mặt tôi, hai tay chém mạnh, nói một câu cũng rắn chắc không hề lưỡng lự: “Quá đúng!” “Quá đúng!” rồi dang tay ôm chặt lấy tôi. Ôm rất lâu. Tôi cũng tiếp tục bị ngọng! Ngọng một trăm phần trăm.
Thế rồi chúng tôi chia tay.
Bây giờ đều thất thập cổ lai hy cả, nặng lòng mần chi! Đời không chiều ai, không nể ai, nó như “ông già thời gian”, sòng phẳng nghiêm khắc, túc tắc chạy từng li một. Chạy cho đến khi ai cũng phải xin ngả mũ kính chào vĩnh biệt. Có những người ta rất thân nhưng không thể chơi với nhau được. Lại có những người, chơi với nhau mãi mà không thể nào thân, không thể nào tri kỷ nổi. Âu đó cũng là cái duyên cái số của ông Giời. Ngài (ông giời) cho tí nào thì mình biết cái số mình được thế. Cũng như tài năng, nhất là tài năng văn chương nghệ thuật. Giời cho bao nhiêu là “được” bấy nhiêu. Cố gắng phấn đấu, càng cố gắng phấn đấu càng hỏng. Nó làm cho một số người “tẩu hỏa nhập ma” chả biết mình là ai, cứ hùng hục phấn đấu, phấn đấu đến mức bị lanh tanh bành, đến nỗi không gượng lại được vì đã lâm vào hoàn cảnh hư hỏng. Không phải hư hỏng bình thường mà được định danh là “hư hỏng cơ bản toàn diện và vững chắc!”.
Đúng là chỉ còn cụm từ bó tay chấm com.vn thời nay thôi ạ.