Câu trả lời của Trần Thế Vĩnh khiến tôi bất ngờ: "Cái "thần" của họ nằm trong các tác phẩm của chính họ". Có nghĩa Trần Thế Vĩnh đã đọc, đã nghe, đã rung động theo cảm nhận riêng qua tác phẩm văn chương, nghệ thuật của các nhân vật và rút ra cái "thần" của họ từ đó.

 

SỰ RUNG ĐỘNG TẠO NÊN TÁC PHẨM

NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG

 

Hoạ sĩ Trần Thế Vĩnh cho tôi biết với sự hỗ trợ của thân hữu, anh sắp ra mắt một tập sách giới thiệu bộ tranh gồm 51 bức chân dung văn nghệ sĩ cùng các nhà tư tưởng thời hiện đại ở Việt Nam trước khi mở cuộc triển lãm cá nhân của anh.

Là người từng được xem tranh chân dung của anh vẽ, tôi rất hoan nghênh ý định đó.

Phần lớn các hoạ sĩ đều có tác phẩm về chân dung, nhưng hẳn chưa có một hoạ sĩ nào chọn đây là một đề tài chuyên biệt để thể hiện như Trần Thế Vĩnh. Chỉ trong vòng hai năm, anh đã vẽ được hơn 50 chân dung bằng chất liệu sơn dầu, phần lớn là về các nhân vật tài hoa trong lịch sử văn học nghệ thuật hiện đại của Việt Nam, từ những người đã khuất đến những người hãy còn sống; từ những khuôn mặt thời tiền chiến như Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm… đến những khuôn mặt xuất hiện vào thời thập niên 50 tới nửa đầu thập niên 70 thế kỷ trước, trong số đó có nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc như Phùng Quán, Trần Dần, Phùng Cung… hoặc ở miền Nam như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Nguyễn Đức Sơn, Du Tử Lê, Nguyễn Bắc Sơn...

Mỗi chân dung do Trần Thế Vĩnh vẽ đều có sắc thái, thần khí riêng, đặc biệt là ánh mắt của nhân vật, ánh mắt cực kỳ sống động, phản chiếu tâm trạng nhân vật qua sự cảm nhận rất tinh tế của hoạ sĩ khi thể hiện. Xem những bức chân dung ấy, người thưởng ngoạn sẽ nhận thức rõ khái niệm "truyền thần" trong nghệ thuật hội hoạ.

Nhưng là một hoạ sĩ trẻ, rất trẻ, không phải là người sống cùng thời với các nhân vật đó, chưa từng gặp mặt để đàm đạo tìm hiểu về họ, thì làm sao Trần Thế Vĩnh có thể truyền được cái "thần" của họ qua cọ vẽ và màu sắc ?

Câu trả lời của Trần Thế Vĩnh khiến tôi bất ngờ: "Cái "thần" của họ nằm trong các tác phẩm của chính họ".

Có nghĩa Trần Thế Vĩnh đã đọc, đã nghe, đã rung động theo cảm nhận riêng qua tác phẩm văn chương, nghệ thuật của các nhân vật và rút ra cái "thần" của họ từ đó. Nói một cách khác là Trần Thế Vĩnh chẳng thể vẽ chân dung nhân vật văn học nghệ thuật mà không đọc hay nghe tác phẩm của nhân vật mà mình muốn thể hiện.

Trên trang FB cá nhân, thỉnh thoảng Trần Thế Vĩnh hé lộ cảm nhận của mình về nhân vật mà anh thể hiện, ví như về chân dung Bùi Giáng, xin trích một đoạn anh viết như sau:

"...Ông đến đây mang theo một khối trí tuệ rộng lớn và một tình yêu thương bao la rồi gửi hết vào văn chương sách vở, biến hóa trong đi đứng nằm ngồi, trong nói cười bỡn cợt, những kỳ dị thăng hoa mà đối với người bình thường là " bất khả tư nghì".

" Hỏi tên; là biển xanh dâu/ Hỏi quê ; rằng mộng ban đầu đã xa/ Gọi tên; là một, hai, ba/ Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm"

Tôi cũng như bao nhiêu người khác, yêu thương và kính ngưỡng một Bùi Giáng xuất chúng dị thường, một tinh anh thời đại, bỡn cợt với cuộc đời trong nhân dạng của một " bang chủ cái bang"

Ông đến và đi như chưa từng đến và đi, thời gian hay không gian không còn phân biệt.

" Đi về đi ở đi đi/ Đi là đi biệt từ khi đi về"...

Hoặc như trích đoạn dưới đây khi anh viết về chân dung nhạc sĩ Cung Tiến:

"...Chúng ta có thể thấy được khí chất sang trọng của ông từ những ca khúc đầu tay và sau này nữa những " Hương xưa" , " Lệ đá xanh" , " Đôi bờ", " Đêm", "Vết chim bay"...Trong nhạc của ông tinh thần nhạc thính phòng hiện rõ trong từng giai điệu, sử dụng thủ pháp đó đã tạo nên một Cung Tiến đặc biệt giữa Tân nhạc Việt Nam với một sự uyên bác về nhạc luật cũng như sự kĩ lưỡng khó tính khi tạo ra một ca khúc mà ông hài lòng...".

Vậy là từ cảm nhận qua tác phẩm mà Trần Vĩnh Thế vẽ nên chân dung Bùi Giáng, Cung Tiến với cái "thần thái" riêng mà anh "thấy" từ hai nhân vật này.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là với tuổi đời thuộc thế hệ 8x như Trần Thế Vĩnh, không có được nhiều người trẻ chịu đọc, chịu nghe (và đọc, nghe một cách say đắm thích thú) các tác phẩm

văn học nghệ thuật của các thế hệ trước như anh vậy, thậm chí Vĩnh còn đọc cả những trước tác thuộc loại khó nhai của các nhà tư tưởng triết học để vẽ nên chân dung Trần Đức Thảo, Phạm Công Thiện...

Hơn 50 bức chân dung nghệ thuật của Trần Thế Vĩnh tất nhiên không gồm đủ hết cả các nhân vật tài hoa trong lịch sử văn học nghệ thuật cận và hiện đại của Việt Nam, hãy còn sót nhiều nhân vật lắm lắm. Nhưng như Trần Thế Vĩnh nói, anh sẽ tiếp tục thể hiện trong tương lai nếu điều kiện cho phép. Điều kiện ấy có thể là cơ duyên giữa hoạ sĩ và nhân vật. Tôi hình dung cái cơ duyên ấy giống như thế này: Ban đêm nhìn lên dải thiên hà đầy sao, mỗi vì sao ấy là một nhân vật tài hoa trong làng văn học nghệ thuật Việt Nam, hoạ sĩ ngẫu nhiên bắt gặp một vì sao băng với cái đuôi ánh sáng kéo dài phía sau và hoạ sĩ đã chộp lấy vệt sáng từ cái đuôi ấy để vẽ nên nhân vật. Vệt sáng ấy chính là tác phẩm của nhân vật để lại thế gian mà Trần Thế Vĩnh ngẫu nhiên bắt gặp được vậy.

Trong số 51 bức tranh chân dung nhân vật văn học nghệ thuật của Trần Thế Vĩnh vẽ, có một số bức khiến tôi cảm thấy "rợn người" trước ánh mắt và thần thái sống động của nhân vật được thể hiện, ví như chân dung Bùi Giáng, Tô Thuỳ Yên, Nguyễn Đức Sơn, và đặc biệt là Nguyễn Bắc Sơn. Tôi ngờ rằng với những chân dung nhân vật sống động ấy, hoạ sĩ không chỉ cảm nhận mà đã đắm đuối hoàn toàn trong tác phẩm thi ca của họ, không nhất thiết phải toàn bộ tác phẩm mà có thể chỉ một bài thơ, thậm chí chỉ một câu thơ thôi nhưng cũng đủ làm cho hoạ sĩ rúng động để tạo nên tác phẩm hội hoạ của mình về nhà thơ đó.

Một giai thoại của người Trung Hoa xưa về tài năng hội hoạ, kể về một hoạ sĩ chuyên vẽ rồng, vẽ giống tới mức khi hoàn thành toàn thân con rồng, đến động tác cuối cùng là "điểm nhãn" cho rồng xong thì con rồng trong bức hoạ liền biến thành rồng thật và bay đi mất...

Một số hoạ phẩm chân dung văn học nghệ thuật qua cọ vẽ của Trần Vĩnh Thế cũng thế, rất sinh động, nhất là đôi mắt, và khi anh "điểm nhãn" xong thì bức chân dung ấy cũng bay mất về nhà của một ai đó trong giới sưu tập tranh. Không biết khi mở cuộc triển lãm cá nhân, các nhà sưu tập ấy có hoan hỉ cho hoạ sĩ mượn lại để giới thiệu cùng công chúng?