Không ít nhà văn Việt Nam vẫn muốn một người già lái chiếc xe tăng quá khứ hào hùng "nổ máy lên là một dạ xung phong" đi xin tiền từ ngân sách, để chăm lo cho hội viên. Sự thật đó, nghe sao đắng đót và bất nhẫn.


 ĐỪNG BÓC LỘT CHÚT SỨC LỰC HIẾM HOI CÒN LẠI CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM, dưới sự chủ trì của một trưởng lão ngót nghét 80 tuổi, đã diễn ra thật buồn tẻ và lộn xộn. Chỉ riêng việc bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc, đã phơi bày tất cả sự lúng túng và chệch choạc. Đại biểu đến dự được ghi thành danh sách 87 người, nhưng khi bầu chọn thì lại phát ra danh sách đầy đủ 153 người được triệu tập. Nghĩa là ghi tên những người có mặt, chỉ giống như hành động thừa giấy vẽ voi.

Những người tổ chức không biết cách làm đơn giản nhất là dùng chính danh sách 87 người có mặt để bầu 73 đại biểu (theo tỉ lệ quy định chọn 50% hội viên cơ sở). Cho nên, cái màn gạch tên loạn xạ đã làm nảy sinh nghịch lý: những người có mặt loại trừ nhau, để người vắng mặt thành đại biểu chính thức.

Ít nhất có 5 người không có mặt lúc bỏ phiếu, nhưng lại thành đại biểu chính thức là THA, DTD, NTD, ĐTB, TTL.

Trong những người có mặt bị gạch tên khỏi danh sách đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc, nhà thơ Trần Văn Khang đã tức giận hét lên: "Quá vớ vẩn!". Tức giận thì nói vậy, nhưng làm sao có thể đòi hỏi quá nhiều ở một đại hội do người già gần 80 tuổi trực tiếp quán xuyến.

Thời gian rất khắc nghiệt, một nhân vật khôn ngoan hay khéo léo cỡ nào, cũng không tránh khỏi quy luật lão hóa nghiệt ngã. Nếu muốn Hội Nhà văn VN không giống như chi nhánh của Hội người cao tuổi, thì không thể bắt bậc trưởng thượng tiếp tục gánh vác sứ mệnh lèo lái nhọc nhằn.



Không phải ngẫu nhiên, Ban Bí thư ngày 12/9/2019 phải ban hành một kết luận về độ tuổi tham gia công tác Hội. Đến ngày 13/4/2020, Ban Tổ chức Trung ương lại ban hành hướng dẫn thực hiện kết luận của Ban Bí thư về độ tuổi tham gia công tác Hội. Điều khoản quan trọng nhất là tuổi lần đầu hoặc tái cử tham gia làm lãnh đạo Hội không quá 65, và trường hợp đặc biệt cũng không quá 70.

Sau tuổi 70, cả sức khỏe lẫn tâm trí của con người đều bị bào mòn. Chính khách đứng đầu quốc gia được chăm sóc tận chân răng như Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang... khi đến tuổi 70 đều lui về vui thú điền viên. Vậy mà không ít nhà văn Việt Nam vẫn muốn một người già lái chiếc xe tăng quá khứ hào hùng "nổ máy lên là một dạ xung phong" đi xin tiền từ ngân sách, để chăm lo cho hội viên. Sự thật đó, nghe sao đắng đót và bất nhẫn.

Tài năng và tâm huyết đến đâu mà ngồi một chỗ lâu quá cũng sinh ra bất cập. Trần Khánh Chương làm Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN suốt 20 năm, cũng kịp bàn giao chức vụ cho Lương Xuân Đoàn, trước khi quy tiên. Tô Ngọc Thanh cũng đã rời khỏi ghế Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, sau mấy thập kỷ ngất ngưởng. Quy định tối đa tuổi 70 cho những người lãnh đạo Hội, là một quyết định đúng đắn của Ban Bí thư.

Muốn làm nhà văn thì phải có cái bất phàm của người cầm bút. Không thể lạm dụng khả năng đi xin tiền của một người già theo kiểu bóc lột, để rồi cùng hân hoan "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta". Sự reo ca ấy, chẳng khác gì một khế ước đã lỗi thời và rớt giá. Và sự reo ca ấy, nếu lại thánh thót vang lên, thì chút ảo tưởng lương thiện cuối cùng của chữ nghĩa, cũng chấm hết.

                              LÊ THIẾU NHƠN