Bà em gái Trịnh Vĩnh Trinh và vị lãnh đạo ngành văn hóa Bình Định có lý do để đề cao bức tượng Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn. Họ có quyền trong phát biểu của mình vì lợi danh và trách nhiệm. Phía dân tình, những người am hiểu Trịnh cùng các văn nghệ sĩ trong tỉnh và cả nước cũng có quyền không hài lòng bức tượng này. Vì Trịnh Công Sơn là tình yêu- thần tượng của họ.

 

MỘT CÔNG TRÌNH NGHỆ THUẬT KÉM CHẤT LƯỢNG

LÊ TRỌNG NGHĨA

 

Thành phố Quy Nhơn vừa khánh thành bức tượng Trịnh Công Sơn. Tượng đặt ở công viên biển gần khách sạn Hải Âu. Một vị trí không gian thoáng đẹp… Bức tượng cao 2,4m được làm bằng chất liệu đá granite xám trắng. Phần bệ tượng gồm có 2 vòng tròn đồng tâm, ở tâm là khối bát giác giật 3 cấp đều. Tác giả công trình này là nhà điêu khắc Lâm Quang Nới (Thành phố Hồ Chí Minh).

Người hạnh phúc nhất có lẽ là bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Bà nói: “Tôi rất hạnh phúc, rất xúc động. Bức tượng anh Trịnh Công Sơn rất đẹp, khuôn mặt giống và đôi mắt rất có hồn; bức tượng được đặt đúng vị trí mà anh tôi rất thích. Từ nhỏ tôi được nghe anh Sơn nói rất nhiều về Quy Nhơn. Ở đây anh Sơn đã sáng tác nhiều bài hát hay, trong đó có bài 'Biển nhớ' được nhiều người biết đến. Đối với gia đình chúng tôi Quy Nhơn như quê hương thứ hai, nơi mà anh Sơn đã để lại nhiều dấu ấn”

Theo ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, công trình hoàn thành được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về bố cục và chất lượng nghệ thuật, bởi có sự kết nối hài hòa với khuôn viên chung, tạo nên một điểm nhấn cho khu vực đô thị, đặc biệt đã góp phần tôn tạo không gian bờ biển Quy Nhơn, nơi có nhiều kỷ niệm đẹp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông theo học sư phạm ở đây vào những năm 1962 - 1964.

Tôi nghĩ bà em gái Trịnh và vị lãnh đạo có lý do để đề cao bức tượng. Họ có quyền trong phát biểu của mình vì lợi danh và trách nhiệm. Phía dân tình, những người am hiểu Trịnh cùng các văn nghệ sĩ trong tỉnh và cả nước cũng có quyền không hài lòng bức tượng này. Vì Trịnh Công Sơn là tình yêu- thần tượng của họ.

Tôi không bàn đến chủ trương đặt tượng và số tiền 3 tỉ bỏ ra cho nó. Tôi chỉ bàn về góc độ nghệ thuật với tư cách một nhà điêu khắc đang sống và làm việc giữa thành phố này:

Cái yếu của bức tượng trước tiên là do lựa chọn một hình thức bố cục quá đỗi bình thường quen mắt không có gì sáng tạo. Cái tư thế ngồi bắt chéo chân chơi đàn gợi lên một người tập đánh đàn hơn là một nghệ sĩ viết nhạc. Một người nghệ sĩ khi viết nhạc cầm đàn- chơi đàn thoải mái- tung tẩy không cứng đơ như vậy. Thậm chí cầm đàn đó nhưng không cần đàn. Tinh thần của một nhạc sĩ không phải ở cây đàn mà là tư tưởng âm nhạc nó phải được hiện lên trong chuyển động của hình khối, chất liệu và không gian.

Bức tượng chỉ xoay quanh cây đàn hiện thực đến ngây ngô và cố tập trung đặc tả chân dung để tìm cái sự giống khuôn mặt Trịnh Công Sơn . Tuy nhiên việc đặc tả lại quá xoáy sâu vào đôi mắt. Làm người xem bị hút vào đôi mắt. Phải chăng ý tác giả muốn nhấn mạnh rằng Trịnh Công Sơn có đôi mắt ru hồn. Và bà Trịnh Vĩnh Trinh đã rẩt hài lòng? Các bộ phận còn lại trên khuôn mặt thì nhạt nhòa thiếu linh hồn. Các phần còn lại của thân hình rất chung chung . Các mảng khối nếp gấp áo quần không gợi lên một điều gì về nhịp điệu chuyển động ngôn ngữ, tiếng nói mỹ cảm. Thử cắt bỏ cái phần chân dung ở trên thì phần còn lại ở dưới rất quê mùa cục mịch. Cách xử lí hình và khối nhiều chỗ lúng túng, tù mù tựa như bài học thực hành tạo hình điêu khắc . Không có gì sáng tạo để làm nên một cái gì đó mang tinh thần một nghệ sĩ.

Bức tượng không có sự cuốn hút về độ đậm nhạt sáng tối .Người làm điêu khắc giỏi phải biết dùng hình khối để biểu đạt độ đậm nhạt cho tác phẩm. Nhịp điệu đậm nhạt là linh hồn tác phẩm. Nhìn toàn trên bức tượng ta thấy vài vệt đậm: vệt đậm tròn 2 khóe mắt, vài vệt đậm trên tóc, vệt đậm trên lỗ thùng đàn, vệt đậm trên các kẽ ngón tay và vệt đậm trên các nếp gấp áo quần… Nhưng những vệt đậm này có phần tự nhiên chủ nghĩa , không nằm trong ý thức sáng tạo mỹ cảm nên chúng không có mối liên hệ về hình (vệt đậm) và nhịp điệu chuyển động. Một bức tượng thiếu độ mỹ cảm đậm nhạt sáng tối, trông trắng bệch nhạt nhòa thì không thể lung linh sinh động để gọi là nghệ thuật.

Xử lí khối đã nhạt nhòa lại chọn chất liệu màu đá gần như trắng và đặt giữa trời mênh mông thì càng thêm nhạt nhòa. Nếu tinh tế và nghĩ sâu - có chuyên môn một chút thì đã chọn màu đá xanh, đen. Chất liệu có thể làm toát lên cái vẻ thâm trầm thẳm sâu như âm nhạc của TCS.

Điểm hút mạnh nhất của bức tượng là khuôn mặt và 2 bàn tay. Nhưng khuôn mặt chỉ có nét giống chứ không chuyển tải được cái hồn người nhạc sĩ . 2 bàn tay thì quá tệ. Bàn tay trái giống như người mới tập đàn lúng túng thế bấm không vững. Chứng tỏ nhà điêu khắc này đã không biết chơi đàn mà còn không biết quan sát những người chơi đàn. Bàn tay phải được tạo hình những ngón dài thô, sống sượng không có linh hồn..(do cách xử lí hình tỉ lệ, và độ khắc sâu- cạn đọng tối trên các ngón tay )

Một điểm khác đập vào thị giác của bức tượng là mảng phẳng khắc bản ký âm bài hát “Biển nhớ”. Cái mảng phẳng thẳng-vuông góc mặt đất gợi lên như tấm bia trang nghiêm kể lể. Nó không đem lại một cảm xúc cái đẹp nghệ thuật. Nếu muốn khắc bản nhạc sao không tạo hình cái mảng này có chút cong lượn chuyển động, có chút tinh thần khoáng đãng lãng mạn và bay bổng . Có cần phải khắc lên đó cả bản nhạc không? Ngôn ngữ điêu khắc phải đơn giản, và gợi chứ không cần phải cụ thể đầy đủ như in văn bản vậy.

Cái hình tổng thể khối đá bao bọc bề ngồi bức tượng (tức là sự chiếm chỗ không gian bức tượng) không chuyển tải một điều gì. Nó có phần cục mịch nặng nề không thanh thoát du dương . Nó không có chút tiếng nói nào về tính thơ -nhạc của nhạc sĩ.? Nói cách khác nó tù mù về nội dung (kiểu như các bạn đọc hết bài thơ vần vè câu từ rổn rảng liệt kê nhiều thứ bề ngoài nhưng chẳng đọng lại điều gì)

Phía sau lưng bức tượng thì không có gì để xem. Nó có phần lớt phớt qua loa. Một bức tượng được xem là có giá trị nghệ thuật thì chắc chắn không có sự chênh vênh hụt hẫng khi đi vòng tròn có một góc diện nào đó xử li rất non nghề không ổn.

Cái phần đế tượng có hình bát giác lát đá granit đỏ bóng loáng giật cấp có phần sống sượng rất không chuyên nghiệp trong xử lí nghệ thuật. Nó như bản sao của các đế trụ cột cờ trong các cơ quan trường học. Nó có thể làm nền đế cho những tượng thờ trang nghiêm, biểu tượng nơi các nghĩa trang chứ không thể là nền đế cho bức tượng nghệ sĩ.

Xây dựng bố cục tượng Trịnh Công Sơn mà không gợi được cái chất nhẹ nhàng-thẳm sâu, thâm trầm -hư ảo. Không có cái gì đó lãng đãng mơ hồ bay bổng giữa thiên nhiên trời đất nhưng lắng đọng trĩu nặng ảo huyền thông qua ngôn ngữ khối thì sẽ không đạt được cái thần Trịnh Công Sơn.

Bức tượng có thể làm hài lòng một vài người nhưng bức tượng cũng đã xúc phạm đến thần tượng của triệu người. Vì nó không chuyên chở được cái tinh thần âm nhạc- triết lý sống của Trinh Công Sơn . Nó như “bức vẽ truyền thần – bằng ngôn ngữ đá của một người thợ không giỏi”. Nó không xứng với tầm vóc ,nhân cách phong cách đang ngự trị trong triệu trái tim yêu Trịnh

Bức tượng không xứng là công trình nghệ thuật có chất lượng. Sự chiếm chỗ của nó cùng hàng trăm bức tượng mỹ nghệ khác (đặt ở bờ biển) góp phần dựng nên một khung cảnh rất “quê mùa” sến súa giữa cái đẹp duyên dáng tự nhiên bờ biển Quy Nhơn - không gian nên thơ của một thành phố đang phát triển.