Thế hệ U70, U80 chắc chưa quên nước Albani với lá cờ đỏ có con chim đại bàng hai cánh màu đen, có vị anh hùng Scangderbec nổi tiếng qua một bộ phim màu Nga, và trong nhiều năm được coi là tiền đồn phía Tây mà Việt Nam ta là tiền đồn phía Đông của phe XHCN. Rồi nghe tin Albani chống Nikita Khrutsov, bảo vệ Stalin. Tiếp tới tin đồn Albani ngả theo Trung Quốc. “Phe ta” càng không thấy ai, không một dòng tin nào nhắc tới xứ sở này. .. Cứ nghĩ rằng đất hẹp, dân số ỏi chỉ bằng dân tỉnh Thanh Hóa nước mình, gia nhập EU chắc nở mặt nở mày…

  

Theo con đường từ thủ đô Tirana đến thành phố Girocastra chúng tôi dừng bên một chiếc lô cốt bê tông đã sụp đổ mà những mảnh tường còn lại găm chi chit những vết đạn đại liên. “Trên khắp nước Anbani xưa kia có tới vài ngàn pháo đài mini như vậy- anh bạn dồng hành nói với tôi- Giới tuyên truyền giải thích rằng, nếu bọn phản bội Chủ nghĩa xã hội ác độc ở Liên Xô mà tấn công chúng tôi, thì mỗi mảnh đất Anbani đã có một lô cốt như thế để nhả đạn về phía chúng..Thật vô bổ, hàng triệu người đã bỏ công sức xây dựng những tuyến phòng thủ như vậy. Còn ở Liên Xô mọi người bị lừa dối và lực lượng phản Chủ nghĩa Xã hội nắm lấy chính quyền. Và có tấn công nước chúng tôi đâu?” .

Đi dọc ngang khắp nước cộng hòa này không thể không chú ý tới những thánh đường Hồi Giáo và những ngôi nhà thờ công giáo “mới tinh”. Chúng mới được xây cất cách đây chưa bao lâu. Vào năm 1967 nhà độc tài Enver Hoxha (cầm quyền từ năm 1944 đến năm 1985) đã tuyên bố Anbani là nước đầu tiên trên thế giới trở thành quốc gia vô thần: Hầu như tất cả các nơi thờ cúng đều bị phá hủy, còn chỗ nào không bị phá thì biến thành chuồng nuôi ngựa , nhà kho hay nhà vệ sinh công cộng. Đã xẩy ra một trường hợp gây chấn động: người ta đã xử bắn một linh mục Thiên chúa giáo ngay sau lễ rửa tội. Chủ nghĩa xã hội của Albani được xem là tàn bạo nhất chỉ đứng sau Bắc Triều tiên. Và chế độ độc tài này sụp đổ muộn nhất ở châu Âu, mãi vào năm 1992. Albani nhanh chóng rơi vào vòng tay của Phương Tây, tham gia khối quân sự NATO và nộp đơn xin ra nhập Liên Minh Châu Âu.  

Thế mà, hơn các nước khác thuộc phe XHCN ở Đông Âu trước đây, tại Albani hiện nay nỗi buồn nhớ, tiếc thương cuộc sống trong quá khứ lại tăng trưởng ngày một mạnh hơn.

Vì sao?

NGƯỜI DÂN LƯU TÁN RA NƯỚC NGOÀI

Số người biết tiếng Anh ở Anbani rất ít. Nhưng tôi lại gặp rất nhiều người muốn trò chuyện với tôi bằng tiếng Đức và hỏi tôi có biết tiếng Italy không. Không lấy gì làm lạ, vì số dân Albani phải lưu tán ra nước ngoài để tìm nguồn sống ngày càng đông. Có tới 1 triệu 300 ngàn người Albani ( chiếm hầu như một nửa dân số ) làm nghề lau rửa bát đĩa, quét dọn tuyết trên phố và bán tất vớ tại các nước Tây Âu. Thanh niên gốc Albani sẵn sàng gia nhập các nhóm buôn bán ma túy trên đường phố ở Roma hay Muynich, sẵn sàng hành nghề mại dâm hay tham gia các băng nhóm tội phạm.Mức thu nhập trung bình của người Anbani ở nước ngoài khoảng chừng 240 euro mỗi tháng. “ Tôi làm hộ lý chăm nom người già tại Lonđon- Cô Marina Salisi, 30 tuổi kể-Bà chủ của tôi thuê một căn hộ tại thành phố Saranda. Tôi chỉ được trở về quê mấy hôm vào mùa du lịch ở Anh “. Cha của Marina làm thuê Ở Hy Lạp với việc thu hoạch cam, 12 tiếng một ngày, không có ngày nghỉ, với thu nhập 500 euro một tháng..

-Enver Hoxha nắm quyền hành 41 năm – Fadil Makhmedy, nguyên phóng viên một tờ báo của đảng cầm quyền trước đây, nay là người coi kho ở thành phố Neapol, Italy, kể- Không phải tranh cãi nhiều, ông ta thực sự là một nhà độc tài. Nhưng hồi đó tại Albani người dân đều tỏ thái độ kính trọng ông ấy. Không ai chạm tới ông ta. Năm 1948 nước tôi đụng độ với Nam Tư, năm 1961 quan hệ ngoại giao với Liên Xô bị gián đoạn vì Albani không tán thành việc hạ bệ Stalin. Năm 1978 chúng tôi mở rộng mối bang giao với Trung Quốc. Chúng tôi thuộc lãnh thổ châu Âu nhưng đố kẻ nào dám gây gổ với chúng tôi, kể cả các nước lớn như Liên Xô. Albani tự coi mình là trụ cột của Chủ nghĩa xã hội theo hình mẫu của Lenin và chúng tôi là những người cộng sản chân chính cuối cùng. Còn bây giờ thì sao? Chúng tôi biến thành thuộc địa của Phương Tây rồi.

HÃY TRỞ VỀ ĐI, CÁC ĐỒNG CHÍ CỘNG SẢN!

Nỗi buồn nhớ như vậy thật đáng ngạc nhiên. Bởi trong suốt thời gian tồn tại của nước Cộng hòa Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Albani, không một ai có cuộc sống sung túc, giàu sang cả. Không một ai có xe ô tô riêng, thậm chí cả cây đàn piano và chiếc máy ghi âm..Chính quyền tuyên bố đó là “ những đồ sa sỉ chứa độc tố tư bản “. Nghe nhạc phương Tây sẽ bị tống tù. Mỗi một gia đình bắt buộc phải mua vô tuyến truyền hình, vì nhờ công cụ này người dân tiếp thu tốt nhất nội dung tuyên truyền chính thức của nhà nước. Nhưng những người hành hương thường kéo đến ngôi nhà, nơi Enver Hoxha chào đời ( ở thành phố phía Nam Girocastra ), dù bây giờ bản thân ngôi nhà đã biến thành Viện bảo tàng nhân chủng học. Tôi nhìn lên trên tường thấy một dòng chữ in ngay ngắn với ngôi sao đỏ : “ Enver-đó là một huyền thoại ! ” và “ Hãy trở về với chúng tôi, đồng chí Enver! “.  

 “Thời XHCN hàng năm tôi nhận được giấy đi nghỉ ở biển.-một người đàn ông đứng tuổi bán huy hiệu mang hình Enver Hoxha tự hào khoe-Cứ có thâm niên 15 năm làm việc tại một nhà máy có thể được mua thuốc trị bệnh chỉ bằng 50 % giá thành. Đi tầu, xe đến nơi làm việc không phải trả tiền. Bạn sinh đứa con đầu lòng lương được tăng 10%, đứa con thêm tăng 20%. Thời ấy bên Đức còn phải ghen tị với ngành y tế của nước tôi. Một năm trước đây, thằng em tôi bị đuổi khỏi căn hộ vì nó không đủ tiền để trả hơi ga và nước”. “Nhưng cũng 40 năm trước 7 ngàn “kẻ thù của nhân dânbị xử bắn, 34 ngàn người bị đi tù. Đi tù có khi chỉ vì kể một chuyện tiếu lâm”- Tôi định phản bác lại. Người đàn ông bán huy hiệu nổi xung: “Thì sao đây? Kể từ năm 1992 tục lệ trả thù bằng máu mà dưới thời  Hoxha đã tuyệt nọc nay được phục hồi.Nếu bạn có những người ruột thịt bị giết , bạn cần bắn bỏ bất cứ một người đàn ông nào của kẻ giết người. Bọn sát máu đã giết tới 12 ngàn người tại Albani”. Cuối câu chuyện, người đàn ông ây cất tiếng xin tiền. “ Không ai mua huy hiệu của tôi cả. Thật khó sống! “ .

CUỘC KHỞI NGHĨ CHỐNG ĐỔ VỠ TÀI CHÍNH .

Trong chế độ mới tổn thất là rất lớn- thương gia Leka Salisi quả quyết. 2 ngàn người Albani đã bị giết vào năm 1997 khi ở Albani gặp khủng hoảng tài chính. Những người gửi tiền vào ngân hàng mất trắng số tiền gửi tiết kiệm; nhiều người đành phải bán căn hộ của mình để hứng chịu cảnh màn trời chiếu đất. Dân chúng chiếm các kho vũ khí, chiếm thủ đô, giải thoát khỏi nhà tù những người bị chế độ Elver Hoxha bắt giữ, kể cả vị Tổng thống cuối cùng Ramiz Alia.Những đội quân của Liên Hiệp quốc, dưới sự chỉ huy của người Italy tiến vào Albani. Thật nực cười, trong những năm 1939-1943 thì chính quân Albani đánh chiếm Italy. Dân nhiều làng ở Albani tình nguyện trở thành du kích. Còn bây giờ lính Italy lại ra lệnh cho người Albani. Nước Albani như một quốc gia độc lập đã không còn tồn tại.

Tại các thành phố chúng ta thường gặp những đài tưởng niệm những người du kích đã chiến đấu chống bọn xâm lược Italy, Đức. Albani là nước hiếm hoi ở châu Âu vào tháng 12 năm 1944 đã tự giải phóng khỏi bọn phát xít bằng chính lực lượng của những người nổi dậy.Những tấm bảng đá khắc ghi công trạng nay bị phá bỏ dần, nếu còn cũng không ai tới đặt hoa tươi.” Cha tôi hy sinh để giải phóng Albani, nhưng hiện nay thanh thiếu niên không còn tới viếng mộ của ông nữa. Lớp trẻ bây giờ tôn sùng những thần tượng khác rồi ”- Bà Iasmin Sarif, 78 tuổi, con gái của một cựu du kích than thở với tôi-Tôi không dấu diếm lòng nhớ tiếc Enver Hoxha “. Vào năm 1992 Albani phấn chấn cao độ vì việc thống nhất với phương Tây và hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Thay cho ước ao đó Albani đã biến các giáo sư của mình đi bán quần áo tại Italy, một cuộc nội chiến đẫm máu và chiếm vị trí số một xét về tệ nạn tham nhũng của các quan chức ở châu Âu. Dễ dàng hiểu ra vì sao những người công dân của nước cộng hòa này lại xót xa nhớ tiếc thứ chủ nghĩa xã hội tàn bạo, chuyên chế dưới thời Enver Hoxha.

Vì phương Tây đã mang lại cho họ thứ bánh vẽ.

 Và tình thế này chưa biết đến bao giờ mới thay đổi.

TÔ HOÀNG 

( Theo “Luận chứng và Sự kiện” -Nga)