Phần nhiều các tác phẩm dịch của Việt Nam ra nước ngoài mang nặng tính ngoại giao văn hóa, văn học nghệ thuật hơn là chất lượng của tác phẩm được dịch (trừ yếu tố một số nhà xuất bản nước ngoài tự đứng ra dịch và tự quảng bá tác phẩm của nhà văn Việt Nam ra thế giới).
QUẢNG BÁ VĂN HỌC CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI SỰ PHÁT TRIỂN
ĐOÀN VĂN MẬT
Có thể thấy, những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực cả ở chiều sâu lẫn bề rộng trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Điều đó được thể hiện bằng việc Hội Nhà văn đã tổ chức được 4 Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam và 3 Liên hoan Thơ Quốc tế với sự tham gia đông đảo của các nhà thơ nhà văn trên thế giới. Nhưng theo tôi, những hoạt động đó vẫn chưa thực sự hiệu quả và chưa xứng tầm.
Thông qua những hoạt động văn học vừa kể, hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đã được bạn đọc và bạn viết thế giới biết đến nhiều hơn. Qua các hội nghị, các liên hoan thơ ca, qua sự hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn học, văn học Việt Nam đã có không ít tác phẩm bước ra ngoài biên giới lãnh thổ và đoạt được giải thưởng quốc tế như: năm 2017 thơ Mai Văn Phấn giành giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển; năm 2018, nhà văn Bảo Ninh nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc; năm 2018 nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng ở Frankfurt (Đức) - giải do Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mĩ Latin bình chọn cho tác phẩm “Cánh đồng bất tận” (được dịch sang tiếng Đức).
Không chỉ có giải thưởng văn học quốc tế, những năm qua tác phẩm văn học Việt Nam cũng được dịch ra tiếng nước ngoài ngày một nhiều hơn. Có thể kể đến một số tác phẩm vừa được dịch như: tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của nhà văn Nguyễn Bình Phương (nhà xuất bản Riveneuve của Pháp công bố năm 2019); chùm tác phẩm: “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh; các thi tập, thi phẩm của các nhà thơ Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Trương Đăng Dung; rồi đến những tuyển tập thơ, văn “10 thế kỷ văn học Việt Nam”, tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai” và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng”… cũng lần lượt được dịch và giới thiệu ra nước ngoài. Điều đó đã cho thấy ngày càng rõ hơn con đường hội nhập văn chương Việt vào nền văn chương thế giới.
Tuy vậy vẫn phải nhìn nhận rằng, trong những năm qua, dù chúng ta có nhiều cố gắng để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài nhưng sự hiện diện của văn học Việt Nam trên thế giới vẫn còn rất khiêm tốn.
Vấn đề tôi muốn nói ở đây là: Tại sao văn học Việt Nam chưa ghi dấu ấn nhiều trên bản đồ văn học thế giới, trong khi chúng ta có nhiều nhà văn, nhà thơ có những tác phẩm xứng đáng đạt tầm cỡ thế giới và khu vực?
Nói về những bản chất, đặc thù và chiều sâu văn hóa Việt. Nói về những “người thư kí trung thành của thời đại” thì văn học của chúng ta đã có nhưng riêng biệt, những vấn đề mà cả nhân loại quan tâm như việc dân tộc ta từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc với những chiến thắng lẫy lừng, được cả thế giới biết đến và nể phục; chúng ta cũng đã có một dòng văn học cách mạng vô cùng sâu sắc, phản ánh chân thực, đúng tầm vóc về những cuộc chiến này. Nhưng cho đến giờ, dòng văn học ấy lại rất khiêm tốn trên bản đồ văn học thế giới. Thứ mà nhẽ ra, văn học Việt Nam sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn, chứ không phải như thực trạng hiện nay.
Bàn về vấn đề này, tôi cho rằng những năm gần đây, chúng ta làm công tác quảng bá văn học nghệ thuật ra nước ngoài dù có những tiến bộ và có thành tựu nhất định nhưng tiến bộ ấy chưa thật tương xứng với sự phát triển, với bề dày của Văn học Việt Nam; chúng ta có chiến lược phát triển lâu dài nhưng chưa thật cụ thể cho từng năm, cho từng giai đoạn và có thể là cho từng nước, từng khu vực. Chúng ta tiếp nhận nhiều (in ấn dịch thuật các tác phẩm nước ngoài vào Việt Nam bằng kinh phí tài trợ từ nguồn quỹ phát triển văn hóa của nước bạn, bằng kinh phí của tổ chức, cá nhân làm công tác kinh doanh, xuất bản) hơn là tổ chức dịch các tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài. Phần nhiều các tác phẩm dịch của Việt Nam ra nước ngoài mang nặng tính ngoại giao văn hóa, văn học nghệ thuật hơn là chất lượng của tác phẩm được dịch (trừ yếu tố một số nhà xuất bản nước ngoài tự đứng ra dịch và tự quảng bá tác phẩm của nhà văn Việt Nam ra thế giới).
Chúng ta có Trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng nhìn vào hoạt động thì có thể thấy rằng còn khá hạn chế về đội ngũ, về kinh phí hoạt động và về chế độ đãi ngộ cho hoạt động quảng bá này. Không phải đem ra so sánh nhưng gần đây tôi có đọc được một bài báo về cách Quảng bá văn học ra nước ngoài của Phần Lan - một đất nước chưa tới 6 triệu dân, mà văn học của họ luôn được quảng bá rộng rãi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam.
Trung tâm Trao đổi văn học Phần Lan chỉ có 5 nhân viên, với nguồn kinh phí hoạt động là 80% do nhà nước cấp, 20% kinh phí còn lại do nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân. Mỗi năm họ tổ chức các hoạt động gồm: Tài trợ kinh phí, kết nối với dịch giả, nhà xuất bản nước ngoài cũng như trong nước; tổ chức các cuộc trao đổi, giới thiệu tác phẩm mới của các nhà văn với các dịch giả; tổ chức các khóa tập huấn về dịch cho các dịch giả; tổ chức các chuyến thăm Phần Lan cho các nhà xuất bản nước ngoài; tham dự các hội chợ sách ở nước ngoài cũng như trong nước; cập nhật và duy trì ngân hàng dữ liệu các tác giả và tác phẩm Phần Lan được dịch ra tiếng nước ngoài từ năm 1839 đến nay cũng như doanh thu bản quyền của Phần Lan hàng năm.
Cũng từ Trung tâm này, mỗi năm có đến 300-400 tác phẩm văn học Phần Lan được dịch ra khoảng 40 ngôn ngữ trên thế giới. Đây có thể xem là một con số khá lớn trong công tác dịch thuật quảng bá văn học ra nước ngoài mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Và nhìn vào hoạt động của Trung tâm Trao đổi Văn học Phần Lan đã cho thấy, ngoài yếu tố tác phẩm, ngoài yếu tố con người thì họ có một chiến lược hoạt động rất bài bản, cụ thể.
Nói thế để thấy rằng, công tác quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài của chúng ta trong những năm gần đây đã có những tiến triển, có những việc làm, có những bước đi mới phù hợp với con đường, với xu thế quảng bá văn học ra nước ngoài của các nước trên thế giới, nhưng việc quảng bá văn học ra nước ngoài muốn mang hiệu quả tốt thì chúng ta cần phải được đầu tư hơn nữa, cần có chiến lược phát triển cụ thể hơn nữa để văn học Việt Nam bước ra thế giới xứng tầm với sự phát triển ở trong nước.
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội