Trong tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình, nhà văn Nga đã dạy chúng ta, cho dù cuộc sống có mọi sự khủng khiếp, con người vẫn phải luôn luôn bỏ lại phía sau mình mọi điều tồi tệ có trong bản thân.

 

NHỮNG BÀI HỌC TỪ VĂN HÀO TOLSTOI

 MARIO VARGAS LlOSA

(Báo EL SPAIL- Tây Ban Nha)

 Lần đầu tiên tôi đọc “Chiến tranh và Hòa bìnhhơn nửa thế kỷ trước, trong chuyến đi nghỉ phải trả tiền tại Perros-Gireca. Vào thời kỳ đó tôi là cộng tác viên của hãng thông tấn Franse-Press và cũng đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong đời mình. Lần đọc đó tôi đã tin tưởng sâu sắc rằng, ở thể loại văn học này, khác với các thể loại khác, điều tiên quyết định giá phẩm chất của tác phẩm là ở dung lượng có bao nhiêu lớp hiện thực, cũng có nghĩa là bao nhiêu kinh nghiệm sống được tác giả tích tụ, gửi gắm trong tác phẩm.  

Tiểu thuyết của Tostoi tựa như hoàn toàn khẳng định ý nghĩ này của tôi. Ngay từ đầu chuyện kể, với một giọng bình thản tác giả đã miêu tả về cuộc sống của các salon quý tộc ở Saint-Peterburg, nơi khách khứa toàn trò chuyện với nhau bằng tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Nga. Dần dà câu chuyện chuyển sang tất cả các tầng lớp khác của một xã hội Nga phức tạp, thể hiện cái xã hội ấy trong sự đa dạng của các giai tầng và các điển hình, từ các bá tước, các vị tướng lĩnh tới những người nông dân nông nô, kể cả những thương gia, những thiếu nữ đã có chồng, hội viên các hội tam điểm bí mật, các vị linh mục, các quân nhân, những người hoạt động nghệ thuật, những phần tử K.D và các nhà thần bí học. Người đọc có cảm tưởng trước mắt họ đang diễn ra một giai đoạn lịch sử với tất cả đại diện của các hạng, các loại người.

Tôi nhớ biết bao những cảnh trận mạc tuyệt tác miêu tả thiên tài chỉ huy của Tổng tư lệnh Cutuzov, tuy chịu thất bại nhưng dần dà đã mang lại tổn thất cho những đạo quân xâm lược của Napoleong khi vì thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, vì băng tuyết và nạn thiếu lương thực quân Nga chưa thể tiêu diệt địch thủ hoàn toàn.

   Trong tôi bỗng nẩy sinh ước muốn, nếu ai đó yêu cầu tôi nói gọn chỉ trong một câu về cuốn tiểu thuyết này thì tôi sẽ nói ngay rằng đó là một bức tranh toàn cảnh vĩ đại kể chuyện nhân dân Nga đã đập tan dã tâm xâm lược của Napoleon Bonapart - “kẻ thù của loài người để bảo vệ nền độc lập của quốc gia, của dân tộc mình. Có nghĩa, đấy là cuốn tiểu thuyết về một cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại ngợi ca bản thân chiến cuộc, ngợi ca truyền thống , ngợi ca lòng dũng cảm tuyệt vời của nhân dân Nga.

Nhưng bây giờ, đọc lại cuốn tiểu thuyết, tôi hiểu rằng quan niệm như trước kia của tôi là sai.Tuyệt nhiên tác giả của cuốn tiểu thuyết không nỗ lực trình bày chiến tranh như một sự kiện để tinh thần được tôi luyện, để phẩm giá cá nhân và niềm vinh quang của xứ sở được hình thành, “Chiến tranh và Hòa bình” ví như ngay việc miêu tả một trận đánh thôi, trận Napoleon dành chiến thắng ở Auxterlich,  nhắm tới cái đích miêu tả đầy đủ tính chất khủng khiếp của cuộc chiến tranh đó, số lượng không đếm xuể những người bị hy sinh, tính chất phi nghĩa không thể chấp nhận được và những khổ đau mà những con người bình thường phải ứng chịu. Chính những người dân thường chiếm số đông những ai đã ngã xuống trong các trận đánh. Tác giả vạch trần sự ngu muội thú vật và đầy tội lỗi của kẻ gây ra toàn bộ những tai họa đó và chính ở phương diện này làm nổi lên lương tâm, lòng yêu nước , lòng quả cảm trận mạc và lòng quả cảm công dân.

Trong một mức độ lớn hơn, tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoi kể về hòa bình, chứ không phải về chiến tranh. Tràn ngập tình yêu với lịch sử và văn hóa Nga, Tolstoi không tán tụng tiếng súng đạn và lòng căm giận của những người lính, tác giả muốn giúp người đọc khám phá ra đời sống nội tâm, những suy nghĩ, những trăn trở hoài nghi, những cuộc tìm kiếm chân lý và khát vọng tạo ra những gì cao cả, tốt đẹp. Những điều như thế được thể hiện ở chàng Pier Bezukhov đôn hậu, dịu dàng –một trong những nhân vật chính của “Chiến tranh và Hòa bình”. Tuy bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha cuốn “Chiến tranh và Hòa bình tôi đọc bây giờ, không phải là bản dịch lý tưởng, nhưng vẫn cảm nhận được thiên tài của Tolstoi ở tất cả những gì ông chạm bút tới; đặc biệt với mức độ lớn hơn là ở những gì ẩn náu phía sau những điều ông đã  nói ra.

 Sự im lặng của Tolstoi luôn luôn đúng chỗ, mang tính thuyết phục, đầy thông tin. Sự im lặng ấy kích thích trí tò mò của người đọc không chịu rời trang sách, sốt ruột muốn biết cuối cùng thì công tước Andrey có biểu lộ tình yêu với nàng Natasa không;liệu đám cưới của công tước Andrey Nikolai Andreevich hay cáu có có thành hay không. Trong cuốn tiểu thuyết đúng là không có một đoạn nào dường nhưng không còn điều gì chưa nói, bị gián đoạn, không mang tới cho người đọc điều thú vị và cần nói nhất, để người đọc phải tiếp tục theo dõi diễn tiến tiếp sau, làm giảm đi sự chăm chú của họ. Đương nhiên, có cảm giác không chắc lắm, trong một tác phẩm dài hơi và nhiều lớp lang đến như vậy với biết bao nhân vật chính, phụ người dẫn chuyện phải biết đan thắt một cách rất nghệ thuật đường dây tình tiết đến độ không bao giờ lơ mắt kiểm tra, tỉnh táo rải đều thời gian cho mỗi nhân vật, để không khi nào, không một ai bị bỏ quên. Tất cả các nhân vật tựa như đều được phân bổ bao nhiêu thời gian, không gian để mọi diễn tiến trôi chảy y như trong cuộc đời thực, đôi khi rất chậm rải, đôi khi nhảy cóc bất ngờ, với những niềm vui và những nỗi buồn, những mơ ước, những niềm mê đắm và những thói đỏng đảnh, lố lăng.

Bây giờ đọc lại “Chiến tranh và Hòa bình”,  tôi nhận ra những gì mình đã không hiểu trong lần đọc đầu tiên.Hóa ra là cái thước đo tinh thần của cuốn tiểu thuyết quan trọng hơn rất nhiều những gì diễn ra tại các salon quý tộc và tại các bãi chiến trường. Triết học, tôn giáo, việc kiếm tìm một sự thật cho phép tách bạch cái ác với điều thiện và mối tác động qua lại giữa các yếu tố này là sự quan tâm chủ yếu của các nhân vật trong tác phẩm, trong số đó có cả những nhân vật tên tuổi như thống soái Cutuzov. Tuy ông đã trải cả cuộc đời trên các bãi chiến trường –gương mặt ông vẫn hằn vết sẹo của một viên đạn Thổ Nhĩ Kỳ - nhưng trước hết ông vẫn là một con người của phẩm chất tinh thần cao cả, không hề biết tới lòng hận thù. Có thể nói rằng, ông chiến đấu bởi không có lối thoát nào khác: Ai đây cần phải làm việc này thay ông. Nhưng trên đại cục, hơn tất cả, ông là một con người luôn luôn hiến dâng mình cho những hoạt động trí tuệ và tinh thần.  

Nói một cách nghiêm khắc, những sự kiện diễn ra trong “Chiến tranh và Hòa bìnhtuy thật là khủng khiếp, tôi vẫn nghi ngờ rằng tác phẩm mang tới cho người đọc nỗi buồn, sự xa xót. Ngược lại thế, tiểu thuyết mang tới cảm nhận tuy trong cuộc đời mọi điều khủng khiếp diễn ra; vẫn nhi nhúc thói đểu giả và sự ti tiện, nhưng sự cân đong cuối cùng cũng sẽ xẩy ra và cái tốt vẫn lớn hơn cái xấu; niềm hạnh phúc và sự bình yên vẫn lớn hơn lửa cháy và lòng căm thù, tuy điều này không phải lúc nào cũng hiển hiện. Con người ta phải luôn biết gạt bó lại phía sau những gì xấu xa nhất mang trong chính mình. Có nghĩa là phải luôn luôn bằng cái khả năng không phải lúc nào cũng nhận ra, con người phải trở nên tốt đẹp hơn, loại bỏ đi những gì xấu xa từ trong bản thân mỗi người. .

Rõ ràng là, chính ở phương diện này ghi nhận chiến công chủ yếu của Tolsoi, tương tự như những gì Servantes- tác giả của “Don Quijote”, Balzak- người viết nên “Tấn trò đời”,  Dikens- tác giả của “ Oliver Twist”, Victor Hugo với “Những người khốn khổ” và Faulkner với câu chuyện về miền Nam nước Mỹ đã thực thi. Đọc những tác phẩm của họ, tuy chúng ta bị nhấn chìm đến tận đáy sâu tội ác của con người, nhưng trong chúng ta vẫn nẩy sinh niềm tin cho dù xẩy ra mọi biến động, cuộc sống của con người nhất định sẽ phong phú và sâu sắc hơn tất cả những gì không dễ chịu và tai ương. Nếu nhìn nhận cuộc sống trong toàn bộ chiều sâu của nó một cách bình thản và không vụ lợi, thì có thể nói rằng cuộc đời ấy đáng để chúng ta sống.Tuy nếu như chúng ta không thể sống trong thế giới có thực  thì cũng trong thế giới các nhân vật của những cuốn tiểu thuyết lớn.

Tôi không thể hoàn thành bài báo này nếu không động chạm tới một câu hỏi của bạn đọc mà từ lâu rồi khiến lòng dạ tôi không được yên: Tại sao Giải thưởng Nobel văn học đầu tiên lại trao cho Sully Prudhomme mà không phải là Lev Tolstoi? Chẳng lẽ trong những năm tháng xa xưa đó chưa thấy như hiện nay: “Chiến tranh và Hòa bình” là một trong những báu vật phải mất vài thế kỷ mới xảy ra trong nền văn học của hành tinh này.

 

TÔ HOÀNG

( chuyển ngữ qua tiếng Nga)