Bạn có thể đứng ngắm những bức tranh ấy hàng giờ, có thể ngày nọ qua ngày kia, càng ngắm lâu cơn xúc động càng tăng lên không sao hiểu được. Cơn xúc động ấy dâng lên tận đến khi con người khó ngăn được dòng lệ.

 

PAUTOVSKY: NGHỆ THUẬT NHÌN THẾ GIỚI

Kỳ 2: Sức mạnh đường nét

Họa sỹ Pháp Monet đã tới London để vẽ Tu Viện Westmister. Monet làm việc trong một ngày sương mù bình thường tại London. Nhưng trong bức tranh của Monet những đường nét gotic của Tu Viện dường nhu vừa hiện ra trong sương mù. Bức tranh được vẽ tuyệt vời. Khi bức tranh được trưng bày, tác phẩm đã khiến những người dân London bối rối. Họ sửng sốt vì sương mù trong tranh của Monet được vẽ màu đỏ rực,trong khi đó theo từ điển bách khoa thì màu của sương mù phải là màu xám.

Sự táo bạo của Monet thoạt tiên gây nên cơn phẫn nộ. Nhưng khi những người phẫn kích đó bước ra ngoài phố, lần đầu tiên họ nhận ra đúng là màn sương mù ấy màu đỏ rực. Ngay lập tức bắt đầu tìm lời giải thích cho hiện tượng này. Người ta đồng ý với nhau rằng sắc đỏ của sương mù phụ thuộc vào khói. Ngoài ra, màu đó còn phản chiếu màu đỏ của những viên gạch các ngôi nhà ở London.

Dầu sao đi nữa Monet đã chiến thắng. Sau bức tranh của họa sỹ tất cả mọi người bắt đầu nhìn thấy sương mù của London như họa sỹ đã nhìn thấy. Monet thậm chí còn được mọi người gọi là “ người sáng chế ra sương mù London “.

Trong đời mình, tôi cũng tìm được những ví dụ như thế. Lần đầu tiên tôi nhận ra được sự muôn màu môn vẻ trong cái cảnh u ám của Nga sau bức tranh “Vẽ yên ắng vĩnh cửu “ của Levitan.

Trước đó sự u ám được phác vẽ trong mắt tôi chỉ độc bởi mỗi màu buồn chán. Nhưng nỗi buồn của cảnh u ám đó, như tôi nghĩ, đã được tạo nên bởi sự u ám ấy đã ngốn hết sắc màu và choán hết đất đai bởi màn sương mờ đục. Nhưng Levitan đã nhìn thấy trong cái sắc màu buồn chán kia điều gì đó lớn lao, thậm chí là một sự thắng lợi và tìm ra trong nó nhiều màu sắc nguyên sơ khác. Từ đó cảnh u ám không còn đè nặng lên tôi. Ngược lại thế tôi còn yêu mến nó vì sự trong sạch của không khí, của cái giá lạnh, của thứ ánh sáng lấp lánh trên mặt sông và sự chuyển dịch nặng nề của màn sương. Cuối cùng, trong thời gian sự u ám đó ngự trị ta bắt đầu đánh giá được những vật bình thường của đời sống- ngôi nhà gỗ ấm nóng, ngọn lửa trong cái bếp lò Nga, tiếng reo sôi của chiếc ấm samovar, những cọng rơm khô rơi vãi trên sàn nhà, tiếng mưa rơi mỗi lúc một to hơn trên mái nhà và giấc ngủ dịu dàng.

Hầu như mỗi một người họa sỹ, dù là không thuộc về một thời đại nào, một trường phái nào vẫn mở ra trước mắt chúng ta những nét riêng của đời sống.

Tôi may mắn được ghé thăm Phòng tranh tại Dresden một số lần. Bên cạnh bức “ Đức mẹ Sistine “ của Raffaello, ở đây còn có nhiều kiệt tác của các danh họa thuở xưa mà thật là nguy hiểm khi ta dừng lại ngắm chúng. Những kiệt tác ấy sẽ không buông tha bạn đâu. Bạn có thể đứng ngắm những bức tranh ấy hàng giờ, có thể ngày nọ qua ngày kia, càng ngắm lâu cơn xúc động càng tăng lên không sao hiểu được. Cơn xúc động ấy dâng lên tận đến khi con người khó ngăn được dòng lệ.

Nguyên nhân nào đã dẫn tới những dòng lệ tuôn chảy đó? Bởi trên những bức tranh kia ngự trị sự hoàn thiện của tinh thần và sự thống lĩnh của tài năng buộc chúng ta phải vươn đến sự trong sạch, sức mạnh và sự cao cả của nhưng ý tưởng.

Trong việc nhận thức cái đẹp nảy sinh nỗi âu lo cảnh báo sự nghèo nàn thuộc thế giới nội tâm của chúng ta.Cầu mong sao cho sự tươi mới của những trận mưa, những ngọn gió, của hơi thở đất đai đang vào vụ đâm hoa kết trái, của vòm trời lúc đêm chuyển về sáng và của những giòng lệ đẫm ướt tình yêu, thẩm thấu vào trái tim nhân hậu của chúng ta và mãi mãi ở lại nơi đó.

Các nghệ sỹ ấn tượng dường như cố gắng làm tăng ánh sáng của mặt trời. Họ vẽ dưới bầu trời rộng mở và đôi khi có thể đã cố ý tăng sắc màu lên. Điều này dẫn tới đất đai trong các bức tranh của họ như được phơi ra trong ánh sáng hân hoan, vui vẻ.

Đất đai cũng trở nên hội hè. Đất đai không hề có bất cứ tội lỗi nào và vì vậy lại không cần mang tới cho con người ta dù chút xíu niềm vui sao?

 Chủ nghĩa trìu tượng thuộc về chúng ta cũng như mọi di sản tinh thần khác của quá khứ. Khước từ nó có nghĩa là chúng ta sẽ đẩy mình đến chỗ tự hạn chế. Cũng như chúng ta không từ chối bức tranh “Đức mẹ Sistine” của Raffaello tuy tác phẩm này được vẽ theo đề tài tôn giáo. Chúng ta không ngu tới độ để không hiểu ở đâu là gianh giới giữa thiên tài nghệ thuật và tôn giáo. Tôi không cho rằng nếu một người Xô Viết mà ngợi khen bức tranh “Đức mẹ Sistine”, người ấy bỗng trở thành một tín đồ. Sự tỉnh táo là ở đây. Tại sao chúng ta cần nghĩ một cách nghiêm chỉnh khi sự việc liên quan tới các nhà tru tượng?

Đối với chúng ta, nhà khai phá Picasso, những nhà trìu tượng như Matisse, Van Gogh hay Gauguin vì sao lại nguy hiểm? Tiện đây nói luôn, những tên tuổi này đã góp tiếng nói vào cuộc đấu tranh của những người da đen chống chế độ thuộc địa của Pháp.

Điều nguy hiểm ở phương diện này hay là phương diện khác? Trong những bộ nào ghen tị hay xu thời có thể xuất hiện ý định về sự cần thiết phải xóa bỏ đi những gì thuộc nhân loại, ví như thuộc nền văn hóa của chúng ta  của cả một lớp nghệ sỹ trác việt hay sao?

Sau cuộc gặp mặt với người họa sỹ trên tàu hỏa, tôi tiếp tục tới Leningrad. Cả một quần thể những quảng trường và những tòa nhà cân xứng mở ra trước mắt tôi.

Tôi đưa mắt quan sát tất cả rất lâu, cố gắng đoán xem những bí mật về mặt kiến trúc của những quảng trường, những tòa nhà đó. Cái bí mật nằm ở chỗ những quần thể kia để lại ấn tượng về một sự hoành tránh nhưng trên thực tế chúng lại không quá to lớn. Một trong những công trình xuất sắc ấy là tòa nhà Đại bản doanh uốn một đường hình cung uyển chuyển, đứng đối diện với Cung điện Mùa Đông mà độ cao không vượt hơn tòa nhà bốn tầng. Ấy vậy mà công trình đó lại trang trọng hơn bất cứ tòa nhà cao tầng nào ở Moskva.

Lời giải rất đơn giản. Sự hoành tráng của tòa nhà phụ thuộc vào sự hài hòa của nó, vào tỷ lệ cân xứng nhịp nhàng và còn phụ thuộc ở một lượng không nhiều những hình trang trí ở các khung cửa sổ, những  các mái vòm, những phù điêu trạm nổi.

Ngắm nghía các tòa nhà này sẽ hiểu rằng một thị hiếu tốt đó trước hết là tình cảm về mức độ. Tôi tin rằng những niêm luật như vậy của sự hài hòa giữa các phần, việc tước bỏ toàn bộ những gì thừa thãi, không tham lam quá nhiều hình trang trí, cái giản dị mà ta chứng kiến và sự khoái cảm mà các đường nét mang lại – tất cả những điều như vậy có mối quan hệ nhiều ít đối với văn xuôi.  

Nhà văn yêu thích sự hoàn thiện của những hình thức kiến trúc cổ điển không thể thả vào thứ văn xuôi của mình những cấu trúc nặng nề và vụng về. Anh ta sẽ phải đạt cho bằng được sự hài hòa của các phần, cac đoạn cùng tính khắc nghiệt trong việc tạo ra những bức tranh bằng chữ nghĩa. Anh ta sẽ phải tránh xa việc trang trí hoa hòe hóa sói cho văn chương, hay như người ta thường nói là vẽ rắn thêm chân.

Cấu trúc của một tác phẩm văn xuôi cần phải đạt tới trạng thái không thể vứt bỏ được thứ gì và cũng không thể thêm thắt được thứ gì –những điều sẽ hủy hoại bản thân ý nghĩa của chuyện kể và dòng chảy hợp quy luật của sự phát triển tình tiết.

Cũng như mỗi lần tới Leningrad, tôi dành nhiều thời gian hơn cả để tới thăm Viện bảo tàng Nga và Hermitage. Cái luồng tranh tối tranh sáng của các gian phòng tại Hermitage , cái sắc vàng thẫm có thể cảm nhận được đối với tôi luôn luôn có gì đó thiêng liêng. Lần đầu tiên tôi tới Hermitage khi còn là một chàng trai và tôi đã cảm nhận ngay ra niềm hạnh phúc được sinh ra trên đời này. Tôi hiểu ra ngay con người sao có thể ghê gớm và tuyệt với như vậy!

Tới Hermitage lần đầu tiên ấy tôi đã bị lạc lối giữa cuộc dạo chơi đầy sắc màu của các họa sỹ. Đầu óc tôi quay cuồng, mắt tôi hoa lên giữa những gì nhìn thấy và để nghỉ ngơi một chút, tôi phải đi tới gian trình bày các bức tượng.

Ở đó, tôi ngồi lại một lúc lâu.Và càng nhìn lâu những bức tượng cổ chưa từng biết của các nhà điêu khắc hay càng ngắm lâu những nụ cười quyến rũ của những tượng đàn bà tôi càng hiểu hơn rằng, tất cả những bức tượng này tự thân là lời kêu gọi hướng tới cái đẹp, là người tiên báo cho buổi ban mai trong lành của nhân loại. Khi đó thi ca sẽ chiếm đoạt trái tim và chế độ xã hội sẽ là một cấu trúc mà con người ta sẽ đi tới bằng thành quả của lao động, bằng những mối bận tâm và sự căng thẳng tinh thần; sẽ được xác lập trên cơ sở cái đẹp  của lẽ phải, cái đẹp của trí tuệ và con tim, của quan hệ giữa con người và con người.

Con đường đang dẫn tới Kỷ nguyên Vàng. Nhất định sẽ dẫn tới. Đương nhiên, đáng tiếc là chúng ta không thể sống tới lúc đó.Nhưng chúng ta là những người hạnh phúc vì ngọn gió của kỷ nguyên ấy đang sôi réo quanh ta và buộc trái tim ta phải tăng nhịp đập.

Không phải vô cớ nhà thơ Heine khi tới thăm Bảo tàng Louvre, ông đã ngồi nhiều giờ bên bức tượng “Thần vệ nữ” và ông đã khóc.

Vì lẽ gì à? Vì sự hoàn thiện của con người bị làm nhục. Vì con đường dẫn tới sự hoàn thiện ấy quá gian lao và xa vời đối với ông – một người đã hiến dâng cho mọi người cả độc tố lẫn ánh lấp lánh của khối óc mình và đương nhiên cũng không đi được tới mảnh đất đã bị bê tông hóa kia, nơi trái tim không bình yên đã kêu gọi ông dâng hiến tất cả.

Chính ở đây là sức mạnh của điêu khắc, sức mạnh mà thiếu vắng ngọn lửa bên trong thì một nền nghệ thuật tiên tiến, đặc biệt là nền nghệ thuật của chúng ta sẽ không còn ý nghĩa gì. Và cũng như thế, văn xuôi toàn quyền năng cũng không còn ý nghĩa gì.

Trước khi chuyển sang nói về ảnh hưởng của thi ca với văn xuôi, tôi muốn nói một đôi lời về âm nhạc, hơn thế âm nhạc và thi ca vốn luôn luôn kết bện với nhau không rời.

Đề tài cuộc trao đổi ngắn gọn về âm nhạc này buộc phải giới hạn trong những gì chúng ta quen gọi là tiết tấu và nhạc điệu của văn xuôi.

Ở văn xuôi thứ thiệt luôn luôn có tiết tấu.

Trước hết tiết tấu của văn chương đòi hỏi phải rải chữ nghĩa như thế nào đó để câu cú được bạn đọc tiếp thu không quá vất vả và hiểu ngay tất cả.Về điều này Chekhov đã nói với Gorky khi ông viết cho Gorky rằng “ hứ văn chương đẹp cần phải được định hình ngay, trong giây lát thôi ( trong ý thức người đọc )

Người đọc không cần phải dừng lại trên trang sách để xác lập sự chuyển động của chữ nghĩa cho phù hợp với đặc điểm của đoạn văn này, đoạn văn kia.

Nói đại thể nhà văn cần phải biết giữ người đọc trong sự căng thẳng, kéo họ theo mình và không buông mất họ ở những câu, những đoạn tối nghĩa, không có tiết tấu; để không cho người đọc trù trừ , dùng dắng ở những câu, những đoạn ấy mà tuột ra ngoài quyền năng kiểm soát của nhà văn.

Trong sự căng thẳng ấy, việc cầm giữ người đọc như thế nhắm tới mục đích buộc họ suy nghĩ và xúc cảm cùng lúc với tác giả. Chính ở đây là nhiệm vụ của nhà văn và tính hiệu quả của văn xuôi.

Tôi nghĩ rằng nhịp điệu của văn xuôi một đôi khi không đạt được bằng con đường tự tạo ra. Nhịp điệu của văn xuôi còn phụ thuộc vào tài năng, phụ thuộc vào xúc cảm ngôn ngữ, phụ thuộc vào “ đôi tai thính” của nhà văn. Thính giác tốt này của nhà văn, ở một mức độ nào đó, có thể sánh ngang với thính giác của các nhạc sỹ.

Nhưng hơn tất cả, sự kiến thức về thi ca sẽ làm giàu có hơn ngôn ngữ của người viết văn xuôi.

Thi ca có một thuộc tính đặc biệt. Thi ca trả lại cho từ, chữ độ tươi mới thuở ban sơ của chúng. Những từ, những chữ trơ mòn nhất đã được chúng ta “trao qua đổi lại tới kiệt cùng, đối với chúng ta đã mất hết giá trị gợi hình và chúng chỉ còn tồn tại như những chiếc vỏ quả hồ đào; nhưng những từ những chữ ấy nhập vào thơ ca bỗng sáng lên lấp lánh, bỗng động đây, bỗng tỏa hương thơm!

Giải thích thế nào đây điều này, tôi xin chịu. Tôi đồ rằng từ, chữ sinh sắc lại trong hai trường hợp.

Một là, người ta đã trả lại cho nó sức mạnh ngữ âm học. Và điều này làm thi ca bỗng có thanh âm đáng kể dễ hơn nhiều ở văn xuôi. Chính vì vậy trong những bài hát, những bản trường ca từ, chữ  tác động tới chúng ta mạnh hơn lời ăn tiếng nói bình thường.

Hai là, thậm chí những từ đã trơ mòn nhất khi được đưa vào các bài thơ trong những tiết tấu có nhạc điệu cũng dường như được hưởng giai điệu chung của thơ và bắt đầu vang lên trong sự hài hòa với tất cả những từ, những chữ còn lại.

Và cuối cùng, thi ca giàu những từ lặp lại. Đó là một trong những phẩm chất vàng của thi ca. Văn xuôi cũng có quyền sử dụng từ lặp lại.

Nhưng cái chính yếu cũng không phải ở đó.

Cái chính là ở chỗ văn xuôi khi đạt tới sự hoàn thiện, về thực chất chính là thi ca thứ thiệt.

Chekhov từng cho rằng hai tác phẩm “Taman của Lermontov và “Người  con gái viên đại úy” của Pushkin đã minh chứng sự giống nhau giữa văn xuôi và thi ca đầy du dương của Nga.

Một lần Prisvin đã viết về mình (trong một bức thư riêng) rằng ông là “nhà thơ phải vác cây thánh giá khổ nạn của văn xuôi”.  

“Ranh giới giữa văn xuôi và thi ca nằm ở đâu -Lev tolstoi viết – tôi không bao giờ tìm ra. Với tính nóng nẩy của bản thân Tolstoi đã hỏi trong tác phẩm “Nhật ký thời trai trẻ” của mình:

“Vì sao thi ca và văn xuôi gắn chặt với nhau như thế, đó là hạnh phúc hay bất hạnh? Cần phải sống như thế nào đây? Gắng gỏi bỗng ép uổng thi ca liên kết với văn xuôi hay sung sướng để hoặc thi ca hoặc văn xuôi nắm chuyên quyền? Trong mong ước thứ này cao hơn thực tế . Trong thực tế thứ kia cao hơn mong ước. Hạnh phúc tròn trịa nhất đường như là sự kết hợp thứ này và thứ kia lại với nhau.

Trong những dòng trên, tuy được nói ra vội vã vẫn phản ánh ý nghĩa này: Chỉ có sự hội lưu hữu cơ giữa thi ca và văn xuôi, hay nói đúng hơn, khi văn xuôi thẩm thấu đầy đủ bản chất của thi ca- thứ mật ngọt sáng tạo của nó, làn không khí trong vắt trong veo, quyền năng cầm tù của nó -  đó mới là hạnh phúc chân chính, là hiện tượng cao cả, mang sức thuyết phục nhất trong văn học.  

Trong trường hơn này tôi không sợ hai tiếng “cầm tù” ( hoặc mấy tiếng khác “bị bắt làm tù binh”). Bởi vì thi ca dù có cầm tù ta, có làm ta mê muội đi bởi những cung cách mà ta không nhận ra, nhưng với sức mạnh không cưỡng được thi ca vẫn sẽ nâng con người lên cao và đưa con người xích  tới gần trạng thái khi nó thực sự trở thành vàng bạc của trái đất, hoặc như cha ông chúng ta đã nói một cách mộc mạc mà chân thật, trở thành “vòng hoa của sự sáng tạo.

Vladimir Odoevsky đã đúng một phần, khi ông ta nói rằng “thi ca là thứ linh ứng báo trước trạng thái của nhân loại khi con người ta ngừng dấn tới  và bắt đầu sứ dụng cái đã đạt được”. 

TÔ HOÀNG 

(Theo nguyên bản tiếng Nga từ Tổng tập Pautovsky)