Sự mòn xám và không sắc màu của văn chương thường là hậu quả của thứ máu lạnh chảy trong huyết quản của nhà văn, là dấu hiệu dữ dội nhất báo hiệu cái chết lâm sàng của anh ta. Và đôi khi sự kém hiểu biết đó chứng tỏ cái hẫng hụt trong trình độ văn hóa


PAUTOVSKY: NGHỆ THUẬT NHÌN THẾ GIỚI

Kỳ 1: Cánh cửa màu sắc

Constantin Pautovsky không chỉ nổi tiếng bởi những truyện ngắn, truyện vừa, những túy bút du lịch… Ông còn là cây bút sắc sảo, tài hoa, bản lĩnh và  giàu kinh nghiệm khi đề cập tới “những chuyện bếp núc của công việc viết văn cũng như của các lĩnh vực gần gụi như hội họa, âm nhạc, kiến trúc…

Hội họa dạy chúng ta cách xem và nhìn (đây là hai khái niệm khác nhau nhưng thường dùng lẫn). Nhờ xem và nhìn, hội họa lưu giữ được những cảm xúc sống động và còn nguyên vẹn. Aleksandr Blok.  

Con người ta dừng lại ngạc nhiên trước những gì hoàn toàn không đóng một vai trò nào trong cuộc sống của họ: trước những hình ảnh không thể nắm giữ được; trước những vách đá dựng đứng không thể trồng mà mọc được; trước sắc màu kỳ lạ của vòm trời. Joa Reskin.

Có những sự thật không cần tranh cãi nhưng chúng nằm ở đâu đó không ai ngó ngàng tới vì chúng không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của chúng ta, hoặc vì sự lười nhác hoặc bất lịch sự chúng ta không động chạm tới.

Một trong những sự thật không cần tranh cãi như thế liên quan đến nghề nghiệp viết lách, đặc biệt của những người viết văn xuôi. Sự thật ấy là ở chỗ kiến thức của tất cả các lãnh vực nghệ thuật láng giềng- thi ca, hội họa, kiến trúc, điêu khắc và âm nhạc đều làm giàu có thêm thế giới nội tâm của người viết văn xuôi và truyền cho văn xuôi tính biểu cảm đặc biệt. Văn xuôi đầy ắp ánh sáng và sắc màu của hội họa, độ tươi tắn của chữ nghĩa, chất thơ của thi ca, tính cân đối của kiến trúc, cái nhấp nhô có hình khối và độ chính xác của điêu khắc, tiết tấu và nhịp điệu của âm nhạc.

Đó là tất cả sự giàu có được bổ sung thêm của văn xuôi, giống như màu sắc bổ sung vào bức tranh.

Tôi không tin có những nhà văn không yêu thi ca và âm nhạc. Trong trường hợp tuyệt vời nhất đó là những người quá kiêu kỳ và phách lối; trong trường hợp xấu đó là những kẻ vô học.

Nhà văn không thể xem thường tất cả những gì mở rộng tầm nhìn thế giới của anh ta, nếu anh ta là một nghệ sỹ chứ không phải là người thợ thủ công, nếu anh ta là người sáng tạo ra những giá trị chứ không phải là kẻ phàm phu tục tử chỉ mỗi mục đích nạo vét cho cạn cùng những lợi lộc từ đời sống kiểu như nhai kẹo cao su Mỹ.

Thường là sau khi đọc xong một truyện ngắn, một truyện vừa hay thậm chí một cuốn tiểu thuyết dài thượt tựa như không còn lại chút gì trong ký ức, ngoài cảnh chen chúc của những bóng người xám xịt. Một sự  đau đớn, xót xa khi nhận ra những con người ấy, nhưng không nhìn thấy họ, bởi lẽ tác giả không phú cho họ một đặc điểm sống động nào.

Và diễn tiến của những truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết kiểu đó trôi đi giữa một ngày quánh đặc, giữa thứ ánh sáng và sắc màu thừa thãi, giữa những sự việc chỉ được gọi tên mà không được nhận biết bởi tác giả và sau đó là chính chúng ta, những người đọc.

Tuy đề tài có mang tính hiện đại, vẫn nhận ra sự vô bổ toát ra từ những gì được miêu tả, thường thường được viết bằng một cường lực giả vờ. Người viết ra những dòng như thế mưu toàn dùng thứ cường lực giả ấy thay thế cho niềm vui, đặc biệt là niềm vui lao động.

Nguyên nhân của thứ buồn chán này không chỉ nằm ở sự nghèo nàn của cảm xúc, ở sự ít học của tác giả mà còn ở cặp mắt lạnh tanh, nhìn gần.

Những truyện vừa và những cuốn tiểu thuyết như thế khiến ta muốn đập vỡ tung khung cửa sổ chét keo kín mít trong một căn phòng bụi bậm, ngột ngạt để những mảnh kính vỡ rơi loảng xoảng và ngay lập tức một làm gió ùa ập thổi tới, cùng với tiếng mưa rơi, tiếng hò reo của đám trẻ, tiếng còi hú của một đoàn tàu lửa, ánh lấp loáng của một khúc đường nhựa vừa được tưới nước – dường như cuộc đời này với toàn bộ sự hỗn độn khi thoạt nhìn, với ánh sáng, với sắc màu, với tiếng động đan xen tuyệt vời ùa ập kéo tới.

Chúng ta không hiếm những cuốn sách dường như được viết ra bởi những người khiếm thị. Ấy vậy mà chúng lại được trù liệu cho những người sáng mắt và chính ở đây ẩn náu sự bất nhẫn của việc cho in ra những cuốn sách như vậy.

Để sáng mắt không chỉ cần phải ngắm từ mọi phía. Cần phải học lấy cách nhìn. Có thể nhận ra con người và đất đai thật chính xác chỉ khi ta yêu con người và đất đai đó. Sự mòn xám và không sắc màu của văn chương thường là hậu quả của thứ máu lạnh chảy trong huyết quản của nhà văn, là dấu hiệu dữ dội nhất báo hiệu cái chết lâm sàng của anh ta. Và đôi khi sự kém hiểu biết đó chứng tỏ cái hẫng hụt trong trình độ văn hóa. Và việc ấy lúc này, như người ta thường nói, thì học lại đi!

Làm thế nào để nhìn thấy, để thụ cảm được ánh sáng và màu sắc –các họa sỹ có thể dạy chúng ta điều này.Họ nhìn tốt hơn chúng ta . Và họ biết cách ghi nhớ những gì nhìn thấy.

Khi tôi còn là một nhà văn trẻ, một họa sỹ bạn tôi nói với tôi:  

-Anh bạn thân mến ơi, anh còn hoàn toàn chưa nhìn thấy đâu. Nhiều điều anh mù mơ. Và thô nữa. Căn cứ vào các truyện ngắn của anh bạn, anh mới nhận ra những màu chủ yếu và quết mạnh chúng lên bề mặt , nhưng việc chuyển sắc độ và hòa sắc ở anh còn có gì đó đơn điệu lắm !

- Mình chỉ có thể làm như vậy thôi! Tôi đáp, cố bào chữa- Mắt mình thế mà!

- Vớ vẩn! Mắt bạn tốt đấy. Đừng cố cãi. Hãy nhìn lại đi, đừng lười. Hãy điều chỉnh cái nhìn, như người ta nói, như lên giây đàn.Thử một hay hai tháng nhìn tất cả với ý nghĩ anh nhất định sẽ miêu tả nó bằng màu sắc.Trên xe điện, trong xe buýt, với ý định sẽ miêu tả mọi thứ bằng màu sắc. Sau hai, ba ngày anh sẽ tin rằng ở khắp mọi nơi, anh ngắm nhìn mọi người như trước kia là chưa nhìn thấy họ, chưa đạt đủ mười phần như anh thấy họ hôm nay. Cứ thế sau hai tháng anh sẽ học được cách nhìn và anh sẽ không cần phải ép mình làm việc đó nữa.

Tôi nghe lời anh bạn họa sỹ và đương nhiên cả người cả vật hóa ra là thú vị hơn trước đây khi tôi nhìn thoáng qua và vội vã.

Trong tôi nảy sinh nỗi xót xa vì sự ngu dốt trong khoảng thời gian đã để mất. Liệu trong những năm trước đó lý ra tôi đã có thể nhận ra bao nhiêu thứ tuyệt vời! Bao nhiêu điều thú vị đã tuột trôi không vết tích và sẽ không bao giờ lặp lại!

Đó là bài học đầu tiên tôi nhận được từ người bạn họa sỹ. Bài học thứ hai còn rành rõ hơn.

Một lần vào mùa thu tôi di từ Moskva tới Leningrad, nhưng không đi qua Calinin và Bologoe mà đi từ ga Savelovski qua Caliain và Khvoinaia.

Nhiều người dân Moskva và Leningrad còn hoài nghi không biết có cung đường đó hay không. Cung đường này tuy xa hơn nhưng thú vị hơn con đường đi qua Bologoe. Thú vị hơn vì con đường đi qua xa mạc và những cánh rừng.

Người bạn đường của tôi hôm ấy dáng thấp nhỏ, mắt lươn nhưng rất tinh tường. Anh ta ăn vận lôi thôi, phía sau lưng là một cái hòm lớn chứa những thỏi sơn dầu và những cuộn toan. Chẳng khó gì mà không đoán ra anh ta là họa sỹ.

Chúng tôi trò chuyện qua lại. Anh bạn đường của tôi nói rằng anh sẽ đến thành phố Tikhvin, nơi anh có một người bạn, sẽ sống nhờ ở đó để vẽ tranh.

-Tại sao anh lại chọn nơi xa đến thế, mãi thành phố Tikhvin? –tôi hỏi.

- Ở đó tôi có một nơi khá quan thuộc- Anh bạn đường đáp chắc nịch- Đúng thế! Không thể tìm được nơi thứ hai như vậy đâu.Một cánh rừng rặt giống diệp hoàn liễu! Xen kẽ đâu đó có những cây thông hiếm hoi. Vào mùa thu cánh rừng diệp hoàn liễu là cả một bộ sưu tầm màu tuyệt vời. Những chiếc lá của loại cây này đủ màu sắc. Đỏ thắm, vàng chanh, hoa cà, thậm chí cả màu đen pha những hạt lấm tấm vàng. Khi mặt trời lên cao cả cánh rừng bỗng như một đám cháy tuyệt vời. Tôi làm việc ở đó cho tới đầu mùa đông. Còn khi mùa đông thực sự tới tôi sẽ tới bờ vịnh Phần Lan, tới Leningrad. Ở đó, anh biết không, sẽ là những ngày sương giá thú vị nhất ở nước Nga. Chưa ở nơi nào tôi được chứng kiến cảnh sương giá như thế.

Tôi nói, đương nhiên là nói đùa, với vốn hiểu biết như vậy, ông bạn đường của tôi xứng đáng là người mách lối chỉ đường cho những ai muốn có những bức tranh đẹp.

-Anh cho là vậy sao! – Anh họa sỹ trả lời một cách nghiêm túc- Tập họp một đoàn nào có gì khó. Nhưng làm vậy cũng vô vị thôi. Tất cả túm tụm tới một nơi. Khi đó mỗi người tìm cho mình một nơi đẹp riêng. Nhưng như thế cũng chả tốt đâu!

-Tại sao?

- Xứ sở mở ra mọi thứ muôn hình muôn vẻ. Trên mảnh đất Nga này có biết bao điều tuyệt vời, đủ cho cánh họa sỹ khai thác cả ngàn năm. Nhưng anh biết không, họa sỹ nói với vẻ âu lo- con người ta cũng đã bắt đầu dày xéo, tàn phá đất đai. Mà vẻ đẹp của thiên nhiên là điều gì thiêng liêng, lớn lao lắm trong đời sống xã hội. Đất đai là một trong những mục đích  cốt tử của chúng ta. Tôi không rõ anh nghĩ sao chứ tôi tin vào điều này. Không có được nhận thức ấy không thể coi là một người tân tiến được!

  Buổi trưa tôi thiếp ngủ, nhưng chỉ một lúc sau anh bạn đường đã đánh thức tôi dậy.

-Anh không giận tôi chứ? – Anh họa sỹ bối rối nói- Nhưng tốt nhất là hãy ngồi lên đi. Một bức tranh tuyệt vời đang hiển hiện trước mắt chúng ta, một cơn giông vào tháng Chín. Hãy nhìn kìa!

Tôi phóng mắt ra ngoài cửa sổ. Ở phía nam ùn ùn kéo lên một màn sương cao tới tận trời. Màn sương ấy bị sẻ ngang, bổ dọc bởi những tia chớp.

- Ôi Đức Mẹ thiêng liêng!- Anh họa sỹ kêu - Cơ man là thứ đẹp! Một sự chiếu sáng như thế kia hoàn toàn không thể ghi lại được, cho dù ngay cả ông Levitan.

- Chiếu sáng nào? Tôi bối rối cất tiếng hỏi

- Chán nhà anh quá! –anh họa sỹ cất tiếng, vẻ thất vọng- Anh nhìn đi đâu thế! Nhìn về hướng này này. Ở phía này cánh rừng tối đen, mịt mùng nhưng phía trên cánh rừng lại có vệt xếp ngang của một đám mây. Còn xa hơn một chút là mảng xanh pha vàng loãng. Đó là sự hội tụ các nguồn sáng từ đám mây. Còn xa hơn nữa tất cả nhuốm trong ánh nắng. Anh thấy không? Tất cả như được cắt ra từ một lá vàng tuyền. Nhưng tất cả cũng trong suốt, hệt như một bức tường dát gien vàng. Hoặc tương tự như người ta đang kéo theo đường chân trời một tấm khăn, đính lên tấm khăn đó những hạt mẩy vàng. Bây giờ anh hãy nhìn xuống thấp hơn, phía trên đường vạch của rừng thông. Anh có nhận ra ánh đồng lấp lánh trên những cành lá kim. Đó là ánh phản chiếu từ bức tường vàng của rừng. Bức tường ấy chuyển cho những cây thông ánh sáng của mình. Ánh sáng phản chiếu. Ghi được cảnh sắc này lên tấm toan rất khó. Mình dễ phá hỏng tất cả. Còn kia, anh nhìn đi, ở đó chỉ còn là ánh hồi quang yếu ớt, hình như tôi đã nói tới thứ ánh sáng rất dịu nhẹ, nhưng rất cần, đượng nhiên là phải do một bàn tay bình tĩnh và thủy chung lắm mới truyền đạt lại được. Anh họa sỹ nhìn tôi mỉm cười.

- Ánh sáng có sức mạnh như thế đấy khi được phản chiếu trong những cánh rừng mùa thu. Hệt như ráng hồng chiếu rọi vào căn phòng. Trong đó có cả gương mặt của anh. Và tôi sẽ vẽ anh vào khoảnh khắc ấy. Nhưng đáng tiếc, khoảnh khắc ấy sẽ vụt trôi qua rất nhanh..

- Đấy chính là công việc của những họa sỹ các anh-  Tôi nói- Để làm sao neo giữ được cái khoảng khắc ấy cho hàng trăm năm sau.

- Chúng tôi sẽ cố gắng- Anh họa sỹ đáp- Nếu cái khoảnh khắc ấy không bắt gặp chúng ta bất lực như lúc này. Nói đúng ra, người họa sỹ không bao giờ được xa rời màu sắc, những tấm toan và bút vẽ. Là nhà văn anh nhẹ nhõm hơn chúng tôi. Các anh ghi được mọi sắc màu trong trí nhớ. Anh nhìn kìa, chúng thay đổi nhanh chưa.Cánh rừng như đang rời bỏ ánh sáng bước vào đêm tối.  

Phía trước mây giông xua về phía chúng tôi những mảng rách rưới  với tốc độ vùn vụt. Đương nhiên trên mặt đất mọi màu sắc như trộn lộn vào nhau. Cả một mớ bong bong hòa quện giữa màu đỏ lựu và màu vàng loãng, màu thạch anh, màu huyết dụ và màu xanh lục bắt đầu nổi lên phía bên kia cánh rừng.

Thỉnh thoảng một tia nắng mặt trời chọc thủng đám mây rơi rớt trên những cây bạch dương đơn lẻ và những cây bạch dương thay nhau bừng sáng lên như những ngọn đuốc vàng để rồi tắt lụi ngay tắp lự. Trận gió trước cơn giông thổi tới từng đợt làm tăng thêm sự nhốn nháo màu sắc này.

-Ôi, bầu trời, có một bầu trời như thế đó- Anh họa sỹ reo to- Anh nhìn kìa! Bu trời lại vừa sinh ra cái gì nữa kìa!

Đám mây giông thở ra những cụm khói thuốc rồi nhanh chóng hạ xuống mặt đất. Lúc này toàn bộ đám mây giông đã mang màu rắn lục lóng lánh xanh. Nhưng mỗi khi tia chớp lóe sáng lại làm hé lộ ra trong đám mây kia những chiếc vòi rồng màu vàng,những hang động màu xanh và những khe nứt ngoằn ngoèo được chiếu sáng bởi những ngọn lửa màu hồng đục sâu tít phía trong.

  Tít phía trong đám mây, cái chớp lửa sắc như dao được thay thế bằng sự bùng cháy của ngọn lửa màu đồng. Còn phía sát mặt đất, giữa đám mây và những cánh rừng những dòng nước mưa bắt đầu tuôn chảy.

-Tuyệt! –Anh họa sỹ reo to kích động- cảnh quái quỷ này đâu dễ dàng nhìn thấy!

Hai chúng tôi đi lại từ khung cửa sổ vào trong phòng rồi bước ra hành lang. Gió thổi khiến những tấm màn cửa lật phật bay phát ra tiếng.

Một cơn mưa rào ào ạt đổ nước xuống. Anh họa sỹ vội vã đóng cửa sổ lại. Những sợi mưa hắt chéo chảy thành dòng trên mặt kính. Đã nhập nhoạng tối, nhưng ở tít xa nơi đường chân trời, xuyên qua làn mưa, những giải rừng cuối cùng đã ngả vàng vẫn còn sáng rõ.

-Anh có ghi nhớ được điều gì không?  Họa sỹ hỏi.

- Nhớ được điều gì đó!

- Và tôi cũng vậy- Anh họa sỹ thốt ra vẻ đắng cay- Rồi mưa sẽ tạnh, khi đó sắc màu sẽ quánh lại. Anh hiểu không, mặt trời sẽ đùa rỡn trên những chiếc cành cây, những chiếc lá cây ướt nước. Tiện đây tôi khuyên anh trước mỗi trận mưa, hãy để mắt đển ánh sáng. Trước cơn mưa, ánh sáng như thế này, mưa đổ ánh sáng đã khác đi, mưa tạnh ánh sáng hoàn toàn đặc biệt. Bởi những chiếc lá ướt phú cho môi trường xung quanh một màn sáng yếu ớt. Xám bạc, mềm mại, ấm áp. Nói chung ra nghiên cứu sắc màu và ánh sáng. Anh bạn thân mến của tôi ơi,  đó là cả một khoái cảm. Tôi không bao giờ đổi bất cứ thứ gì lấy thiên chức làm họa sỹ của tôi đâu.

Anh họa sỹ ngủ qua đêm tại một khu ga xép. Chúng tôi chia tay trên sân ga. Một ngọn đèn dầu chiếu sáng. Phía trước chuyến tàu thở nặng nề tiến tới.

Tôi đâm phát ghen với anh họa sỹ và bỗng cảm thấy mủi lòng vì những công việc khiến tôi luôn phải đi xa, để không thể nào dừng lại dù chỉ vài ngày trên phương Bắc này. Ở nơi đây mỗi ngọn gió chuyển mùa đều làm nẩy sinh bao ý tưởng để có thể viết nên một số bản trường ca bằng văn xuôi.

Hoàn toàn không thể hiểu nổi cái hoàn cảnh buộc tôi trong suốt cuộc đời mình, lần nào cũng vậy, không tự cho phép mình sống theo sự sai khiến của con tim, mà cứ luôn luôn tất bật tựa như sự bận rộn chằng giữ chân.

Màu sắc và ánh sáng trong thiên nhiên không cần chỉ quan sát bởi mình sống bởi chúng. Chất liệu chỉ cần thiết cho nghệ thuật khi chất liệu ấy chiếm được vị trí trong trái tim.

Hội họa quan trọng đối với người viết văn xuôi không chỉ bởi vì nó giúp cho anh nhận ra và yêu mến sắc màu và ánh sáng.

Hội họa quan trọng còn là ở chỗ người họa sỹ thường nhận ra  những gì mà người viết văn không nhìn thấy.

Chỉ sau khi xem bức tranh chúng ta mới bắt đầu nhìn thấy điều đó và ngạc nhiên vì trước đó chúng ta không nhận ra. (Còn tiếp)

TÔ HOÀNG 

(chuyển ngữ từ tiếng Nga trong nguyên bản “Toàn tập Pautovsky )