Bộ phim “Long thành cầm giả ca” được xây dựng trên nền thi tứ một bài thơ rút trong tập “Bắc hành tạp lục” của Nguyễn Du. Ấy là “Bài ca về người chơi đàn cầm ở Long Thành”.

 

“LONG THÀNH CẦM GIẢ CA” ĐÁNH THỨC HỒN VIỆT

NGUYỄN MINH NGỌC

 

Sáng 20-9-2010, nhà thơ Văn Lê nhắn mời tôi lên Hãng phim Giải phóng xem trình chiếu ra mắt bộ phim nhựa “Long Thành cầm giả ca” do Đào Bá Sơn làm đạo diễn. Trước đó, kịch bản phim của Văn Lê đã được Bộ VH-TT và DL trao giải nhất cuộc thi sáng tác về đề tài “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thú thực đã rất lâu tôi mới có dịp bước vào rạp chiếu phim, do vậy cảm giác chung khá mơ hồ, bởi không biết khán giả sẽ đón nhận như thế nào? Bởi đã có một số phim về đề tài lịch sử vừa xuất hiện đã bị công chúng tẩy chay… Nhưng khi đèn trong rạp vụt tắt, thì dần dà tôi có được câu trả lời. Suốt gần 3 tiếng đồng hồ, hầu như không có một tiếng động nào khác ngoài chuỗi âm thanh của phim trên màn ảnh lớn. Khán giả bị hút vào từng khuôn hình, từng thước phim, vào trang phục và đạo cụ, vào âm thanh và ánh sáng. Có lẽ hiếm thấy một bộ phim nào lại có được cái phong vị Việt đậm đà thuần khiết đến vậy. Từ làn điệu hát văn, ca trù, rồi các loại nhạc cụ như: đàn nguyệt, trống, phách, sanh tiền… cho đến những xống áo, dải yếm đào, thật nền nã và mát mắt. Các nhà làm phim đã có lý khi chọn gam màu nâu gần gũi và thương mến lạ. Nếp sinh hoạt của người Việt cách nay hàng trăm năm, từ cái cối đá xay bột, đến việc giã giò, gói bánh chưng, cách thưởng thức từng chung rượu… Khung cảnh làng quê với cây đa, giếng nước, triền đê, bến sông, rồi chốn kinh kỳ đô hội, được phục dựng một cách công phu, kỹ lưỡng, tạo nên chất thơ sâu lắng cho bộ phim. Đặc biệt, trường đoạn về lớp học ca kỹ với các cô bé nhí nhảnh tập xướng âm bằng cách chúi đầu vào chum, việc dầm tay vào chậu thuốc bắc để chăm chút cho ngón đàn được điệu nghệ hơn… thật sống động và nên thơ. Sự khổ luyện mới thanh khiết và tao nhã làm sao! Sau những giờ miệt mài rèn giũa, hễ được nghỉ là họ lại chạy tóe ra hồn nhiên đùa nghịch. Ngay từ tuổi trăng tròn, những người con gái ấy đã nhập tâm bài học về cách phả hồn mình vào trong mỗi giọt đàn, tạo nên sự ma mị đầy quyến rũ của từng thanh âm.

Bộ phim về đề tài lịch sử được xây dựng trên nền thi tứ một bài thơ rút trong tập “Bắc hành tạp lục” của Nguyễn Du. Ấy là “Bài ca về người chơi đàn cầm ở Long Thành”. Bối cảnh phim đưa ta trở lại thời vua Lê chúa Trịnh, cái thời hôn quân bạo chúa nhiễu nhương, nạn kiêu binh trở thành mối hiểm họa khôn lường cho dân chúng. Trong cơn binh lửa, mạng sống con người nào có khác chi con ong, cái kiến! Xuyên suốt bộ phim là thân phận của một người phụ nữ trót mang lấy nghiệp cầm ca, từ tuổi xuân vừa chớm hé có tên là Gái cho đến lúc vào nghề thập thành, được người thầy ban cho cái tên Cầm. Cùng lứa với nàng, ai đàn hay, hát ngọt, tài cao và xinh đẹp hơn người thì được sung vào đội nhạc cung đình, chuyên đàn đúm hầu hạ trong cung vua phủ chúa. Sệ xuống một chút thì phục vụ đám quan lại, thư sinh; loại tầm tầm thì vào sòng bài hoặc tửu quán. Tài sắc vẹn toàn, ngỡ là vinh hoa, nhưng hóa ra một kiếp người được sinh ra chỉ để mua vui cho thiên hạ. Thật phù phiếm và đau đớn xiết bao. Hết thời Lê mạt đến Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn, các triều đại kế tiếp nhau theo dòng chảy lịch sử. Thời thế có thể đổi thay, song văn hóa luôn trường tồn cùng dân tộc! Ấy là thông điệp mà các nhà làm phim muốn gửi gắm đến người xem.

Thông qua thân phận nàng Cầm, rồi mẹ nàng, dì nàng, những người trót đa mang nghề “con hát”, các nhà làm phim còn đề cập đến số phận bao kẻ tao nhân mặc khách bị xô đẩy và bị cuốn vào vòng xoáy của lịch sử, bị xã hội loạn ly dập vùi không thương tiếc. Mối tình của chàng Tố Như (Quách Ngọc Ngoan thủ vai) với cô Cầm (Nhật Kim Anh đóng) là mối tình đẹp đẽ, thanh tao, nhưng cũng thật mong manh. Chàng là một thi sĩ dòng dõi gia thế, tâm hồn lãng mạn song thể chất có phần yếu đuối. Thêm vào đó, sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến khiến cho những người có chữ không dễ gì vượt qua được. Có lẽ vì thế mà dễ biệt ly, để lại dư vị buồn và đắng chát cho mỗi người. Dẫu biết rằng đây chỉ là cái cớ để các tác giả dẫn dụ người xem đắm mình trong khung cảnh lịch sử của một thời tao loạn, song có cảm giác đây vẫn là mối tình sách vở. Một mối tình thoảng qua chưa có gì gắn bó sâu sắc, vậy mà Cầm đã muốn trao thân cho Tố Như, và dĩ nhiên, chàng thi sĩ đã khước từ. Đây là chi tiết khiến người xem hãy còn đôi chút phân vân, liệu rằng như vậy có hạ thấp nhân cách của người ca nương hay không? Bởi định kiến của người đời vẫn thường rẻ rúng cái nghề “xướng ca”. Rồi nữa, liệu chàng thi sĩ có cao thượng hơn khi không dám vin cành ăn trái cấm? Tôi không nghĩ một người con gái từng được mẹ nuôi dạy từ tấm bé là phải “sống có lễ tiết” biết yêu kính, biết nhường nhịn lại có thể buông tuồng, dễ dãi. Hành động tự nguyện trao thân ấy hoàn toàn có thể lý giải được, nếu đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nàng Kiều từng yêu chàng Kim say đắm mà vẫn e ấp, giữ gìn. Về sau khi bị rơi vào tay phường bất lương, nàng vẫn khôn nguôi nhớ về mối tình đầu, xót xa ân hận: “Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”.

“Long Thành cầm giả ca” là một bộ phim dường như không có cốt truyện, do vậy thật không dễ nắm bắt. Không khai thác yếu tố sex hoặc võ thuật, các nhà làm phim vẫn tạo nên một tác phẩm điện ảnh lấp lánh, có chiều sâu và hấp dẫn. Hình ảnh mở đầu và cảnh kết của phim giống như một tiếng thở dài não nuột, một nỗi đau giằng xé, cám cảnh cho thân phận con người. Có thể nói đây là một bộ phim lịch sử mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đúng nghĩa, rất đáng trân trọng.