Tiểu thuyết “Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston của Đỗ Viết Nghiệm do Nhà Xuất bản Công an Nhân dân ấn hành, là một thể nghiệm mới về tiểu thuyết thuần tư liệu. Nhà văn đã đưa vào trong tác phẩm nhiều sự thật chưa được biết đến; như những tư liệu quý, nó làm nên sức sống của văn chương

 

Âm thanh Đồng Khởi trên nền nhạc giao hưởng

NGUYỄN TRƯỜNG

Đại tá nhà văn Đỗ Viết Nghiệm từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà, về hưu sống ở Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông viết nhiều: Hoa Mưa (1998), Rừng không cây (2007), Dòng sông phù sa (2000), Khúcđồng giao (2001), Cơm vua (2010), Tiểu thuyết Đường đen nước đỏ (2011), Chim lạc bay về (2014)… các truyện ngắn và bút ký đăng chủ yếu trên Tạp chí Văn Nghệ Quân đội và Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuốn tiểu thuyết “Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston của Đỗ Viết Nghiệm - Nhà Xuất bản Công an Nhân dân, 2020, là một thể nghiệm mới về tiểu thuyết thuần tư liệu. Nhà văn đã đưa vào trong tác phẩm nhiều sự thật chưa được biết đến; như những tư liệu quý, nó làm nên sức sống của văn chương, điểm thêm cho trang sử hào hùng của Bến Tre sức sống của cuộc đời thực, cái mà nhà viết sử không hoặc chưa làm được.

Cuốn tiểu thuyết xuất bản quý I năm 2020, lôi cuốn ngay từ trang đầu bởi phần một có tên Tiếng khóc của sông. Một ông cụ ngồi câu bên bờ sông Ba Lai, “Chiếc phao nhấp nháy, kéo rê một đường ngoằn ngoèo làm dây căng đét” nhưng dường như cụ không để ý đến cá đã cắn câu. Hay quá! Một Khương Tử Nha ngồi câu bên sông Vị chăng? Hẳn là ông không câu cá mà đang buông bỏ cái ngã chấp để lắng nghe “Tiếng khóc của dòng sông”, hứa hẹn cái gì đó về triết học? Khi các cháu gái thấy ông không biết cá cắn câu, đã nhắc nhở, nhưng ông chỉ nói một mình: “Ờ tuổi các con không hiểu và cũng không thể nghe sông khóc bao giờ”.

Tưởng là tác giả sẽ đi theo mạch triết học đó, nhưng không, những trang tiếp theo là không khí gần trăm năm về trước khi mà người Pháp đang thống trị nước ta, chúng đang đàn áp nhân dân ta rất khốc liệt, người dân làng An Đức, gần cửa sông Hàm Luông, của tỉnh Bến Tre đêm nào cũng nghe tiếng sông khóc, không phải sông khóc mà lòng người đang khóc vì biết bao oan hồn …

Trong tiểu thuyết, tác giả tập trung vào mô tả nhân vật chính Võ Văn Phẩm, phải từ bỏ quê hương Bến Tre về miền Đông Nam bộ cùng anh trai đi làm phu đồn điền cao su, thực ra là lánh nạn. Anh Hai Khoản vừa làm công nhân vừa tham gia Việt Minh, lãnh đạo anh em làm cao su, (bây giờ sử gọi là công nhân đồn điền cao su) vùng lên chống Pháp. Biết tiếng Pháp nên Võ Văn Phẩm được De Lafon, chủ đồn điền công ty cao su Michelin nhận về làm thư ký cho hắn. Đến đây, bạn đọc hồi hộp tưởng Ba Phẩm sẽ làm một tình báo cho Việt Minh, mà đường dây là người anh ruột của mình là Hai Khoản. Té ra đây chỉ là giai đoạn giác ngộ, chưa đến mức đứng vào hàng ngũ cách mạng như sơ đồ nhận thức mà ta thường gán ghép thành công thức quen thuộc. Thông qua nhận thức của Ba Phẩm, bạn đọc thấy được những âm mưu, tội ác của bọn xâm lược.

Ba Phẩm từ biệt miền Đông, trở về Bến Tre với quyết tâm có chết cũng chết ở quê hương. Anh tham gia ngay vào tổ chức Thanh niên tiền phong cách mạng, được giao Trưởng ban An ninh huyện, rồi lên Bí thư huyện Ba Tri… Phong trào cách mạng huyện Ba Tri lên rất cao, nhiều lần các xã nổi dậy làm chủ được địa phương. Ba Phẩm càng có uy tín, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Phát huy cách làm sáng tạo đó, ông cùng ban lãnh đạo phát động toàn tỉnh nổi dậy chống trả lại bọn Mỹ Diệm, bảo vệ xóm làng. Khí thế cách mạng sục sôi trong toàn tỉnh, vùng lên như bão tố.

Lúc có “Bạch thư” tóm tắt Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng gửi về chủ trương kế hoạch nổi dậy toàn miền Nam, Ba Phẩm nắm lấy bửu bối ấy quyết định phát động phong trào “Nổi dậy”. Ông mạnh dạn cho triển khai trước, khi chưa triệu tập đủ thành phần hội nghị tỉnh ủy.

Phong trào Đồng Khởi lần 1 đã diễn ra long trời lở đất ở Bến Tre, có sức mạnh tác động vào phong trào chung cách mạng miền Nam. Tuy nhiên sau đó ít lâu, một cuộc họp tỉnh ủy, người ta đã mang việc làm nóng vội này của Ba Phẩm ra kiểm điểm một cách gay gắt. Cuộc họp kết luận: “Bí thư Tỉnh ủy triển khai nghị quyết một cách đơn lẻ, trong khi chưa được thông qua hội nghị tỉnh ủy là “phạm luật”. Có ý kiến còn nêu Ba Phẩm “hèn nhát”. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thiếu sự thông suốt, thiếu đồng đều trong hành động giữa các địa phương… hạn chế tới thắng lợi chung…”. Căn cứ về tự phê bình và phê bình, hội nghị yêu cầu Bí thư Ba Phẩm tự giác nhận kỷ luật cảnh cáo, ghi lý lịch, thôi chức Bí thư, xuống làm tỉnh ủy viên. Cũng tại hội nghị này chị Ba Định được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Thường vụ Hai Thủy được cử làm Phó Bí thư.

Sang ngày thứ năm khi cuộc họp tỉnh ủy sắp kết thúc, tỉnh ủy nhận được điện của trên gửi xuống rút Hai Thủy về Khu làm Phó Ban quân sự. Hội nghị tỉnh ủy Bến Tre phân công lại, Ba Phẩm bất ngờ được bầu vào Ban thường vụ, phân công giữ chức Phó Bí thư tỉnh ủy thay Hai Thủy. Rồi chưa đến một năm sau, Khu ủy lại điều Ba Định về trên nhận nhiệm vụ mới. Ba Phẩm lại được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Nhờ cuốn tiểu thuyết, độc giả hình dung được nội bộ tỉnh cũng có nhiều vấn đề, do các nhân vật trong tiểu thuyết toàn là tên thật, họ đấu tranh phê bình với nhau “nảy lửa”. Do viết đúng sự thật nên sức hấp dẫn cao. Đây là chuyện người thật việc thật, mô tả thế nào để mọi người chấp nhận được, nhất là không làm mờ đi hình ảnh Anh hùng nữ tướng Ba Định quả là quá khó với tác giả. Trong cuốn sách còn có chương viết về anh em Ngô Đình Diệm, tuy ngắn nhưng sinh động. Tổng thống Ngô Đình Diệm muốn cử trung tá Phạm Ngọc Thảo về làm Tỉnh trưởng Bến Tre. Cố vấn Ngô Đình Nhu không muốn, vì chưa tin Phạm Ngọc Thảo nên mỗi người một ý. Bởi vậy chỉ mấy trang về hai nhân vật chủ chốt này, đã hiện lên tính cách hai anh em nhà họ Ngô cũng như tầm nhìn và khả năng của mỗi người, qua đó càng nổi bật tài trí của nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo.

Quả nhiên Phạm Ngọc Thảo khi về Bến Tre đã trở nên một tỉnh trưởng khó hiểu, chính ông đã ra lệnh thả hàng ngàn tù chính trị, tổ chức những trận càn quét liên miên nhưng không mang lại kết quả, ngược lại còn bị Cộng Sản giết chết nhiều binh sĩ quốc gia. Những chương đoạn về cô Ba Định, về Phạm Ngọc Thảo càng làm cho không khí cuốn tiểu thuyết sinh động hơn, giúp người đọc hình dung rộng hơn không khí của một chiến trường khốc liệt như Bến Tre, qua đó càng thấy lòng yêu nước của nhân dân ta, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, vì đất nước chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm những điều chưa biết hết.

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã tâm sự về nghề nghiệp: “Tiểu thuyết không viết lại cái người ta đã biết, mà cần phải khám phá những điều mới mẻ, đấy cũng là yêu cầu số một của người cầm bút”. Vậy cái mới của cuốn tiểu thuyết Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston là gì? Đỗ Viết Nghiệm dẫn người đọc đi hết sự kiện này đến sự kiện khác tưởng sẽ xảy ra, hoặc sắp xảy ra, rồi lại không xảy ra làm thành những nút thắt hấp dẫn lôi cuốn.

Cách bố cục có ý nghĩa biểu trưng: Khi Ba Phẩm trên đường nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy An Giang thì trên có chủ trương gửi con em tham gia cách mạng ra miền Bắc học tập, chuẩn bị lớp trí thức mới sau này đất nước thống nhất. Võ Đăng Tín là con trai duy nhất của Ba Phẩm và vợ là Trường Giang (Một nhân vật nữ tham gia cách mạng rất sớm, sát cánh cùng Ba Phẩm vượt qua bao hiểm nghèo) được cử ra Bắc đi học, lúc đó Tín mới là cậu thiếu niên. Dù cầm tấm giấy được sang Liên Xô du học nhưng Võ Đăng Tín lại xin ở lại, chọn vào học ở trường Âm nhạc Việt Nam ở Hà Nội. Đất nước thống nhất Tín trở vào miền Nam công tác và trở thành Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Ký ức Đồng Khởi ở quê hương luôn ám ảnh người nghệ sĩ trẻ, hàng đêm anh như nghe được tiếng mõ, tiếng trống thúc, tiếng thét của hàng ngàn người rầm rập tràn lên thị trấn, thị xã đòi bọn tay sai đền mạng cho đồng bào. Mắt anh như thấy hàng ngàn ngọn đuốc sáng rực trong đêm, người nông dân quê anh với những đôi mắt nẩy lửa kéo đi đòi quyền sống, họ bất chấp cái chết, tù đày, tra tấn, tất cả vùng đứng lên... Những hình ảnh, những âm thanh đó đã thôi thúc Tín viết nên bản giao hưởng Ký ức Đồng Khởi bất hủ.

Trong một lần đoàn giao hưởng thành phố Hồ Chí Minh nhận lời mời từ Nhật Bản tham gia liên hoan dàn nhạc giao hưởng châu Á tại thành phố Tokyo. Tham gia còn có đoàn nhạc giao hưởng thành phố Boston của Mỹ. Sau chương trình biểu diễn của nước chủ nhà gây được nhiều ấn tượng, đến chương trình biểu diễn của đoàn Việt Nam. Ký ức Đồng Khởi vang lên đưa khán giả trở về miền sông nước miền Nam Việt Nam, êm đềm cây trái, với những rặng dừa trĩu quả... tiếng nhạc bỗng vút lên âm thanh của chiến tranh, của không khí Đồng Khởi rầm rập oai hùng, đội quân tóc dài “đi như nước lũ tràn về”...

Và cuốn tiểu thuyết là âm thanh, (kể cả hình ảnh) của bản nhạc giao hưởng trong đó có cha mẹ tác giả, và cả hình ảnh người bác ruột tác giả cùng hàng ngàn vạn người đã ngã xuống vì độc lập tự do. Ký ức Đồng khởi kết thúc, khán phòng bừng sáng ánh đèn, mọi người đứng dậy vỗ tay, người ta nhìn nhau với đôi mắt long lanh, hình như có nhiều người khóc”...

Trưởng đoàn nhạc giao hưởng người Mỹ tên là Bigart gặp Võ Đăng Tín đề nghị mua bản quyền Ký ức Đồng Khởi nhưng Tín không bán mà anh tặng lại Bigart. Sau đó dàn nhạc giao hưởng Boston đã hai lần biểu diễn bản Ký ức đồng Khởi ngay tại nước Mỹ, chi tiết này thật ý nghĩa. Cẩn thận Bigart đã quay clip chương trình biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng Boston gửi sang Việt Nam trân trọng tặng Võ Đăng Tín kèm theo lá thư rất xúc động: “... Âm nhạc thật tuyệt vời, âm nhạc sẽ là một trong những cây cầu gắn kết hai dân tộc, hai đất nước xích lại gần nhau hơn”.

Bố cục cuốn tiểu thuyết trên nền nhạc giao hưởng bản Ký ức Đồng Khởi như là tuyệt tác. Nhưng cuốn tiểu thuyết này lại dễ đọc, không gây cho bạn đọc sự nhàm chán chính là cách hành văn. Tác giả có giọng kể  vừa lôi cuốn, vừa có hình ảnh sinh động. Tả sự im lặng nhưng vẫn đầy âm thanh: “Giồng Ao buổi sáng êm đềm giả tạo, lặng im tới mức nghe được cả tiếng sóng con nước triều lên ộp ạp ngoài sông Hàm Luông vọng vào. Chỉ có tiếng chim hót và tiếng xào xạc của gió vỗ vào mái lá những căn chòi dựng tạm giữa rừng dừa nước”. Tả về Rạch Bùn cũng đặc trưng sông nước Bến Tre: “Rạch Bùn không rộng, chiều ngang độ ba chục mét chảy thông ra sông Hàm Luông. Con rạch cũng không sâu nhưng khi triều lên nước ngập đến ngọn cây dừa nước, cây bần, cây mắm, cảm giác lúc này con rạch rộng nhiều hơn thực tế của nó. Nhưng khi con nước xuống, rạch lộ ra cái đáy chỉ còn một vệt nước ngoằn ngoèo và lai láng một thảm bùn. Bùn nhờn nhờn như mỡ, óng ánh đặc sệt như dầu, bùn mênh mang, từng đàn cá thòi lòi chui lên từ các lỗ bên cạnh các gốc cây bần, cây đước. Cá thòi lòi đầu to, mắt thô lố nhưng nhanh như mũi tên”… Thật cảm động khi tác giả viết khi kết thúc cuốn tiểu thuyết: “Võ Đăng Tín cùng vợ, con trai, con gái từ Thành phố Hồ Chí Minh về Bến Tre. Chuyến đi mang ý nghĩa tưởng nhớ thân sinh ra họ, vừa được tỉnh Bến Tre đặt tên đường Võ Văn Phẩm, nhưng trong chiến tranh người ta biết ông còn tên khác là Tám Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang vào những năm khói lửa khốc liệt, hào hùng nhất của phong trào cách mạng miền Nam. Con đường dài hơn hai ngàn mét, ngoằn ngoèo uốn lượn, có đoạn cắt qua đại lộ Võ Nguyên Giáp, hai bên đường có rất ít nhà cao tầng, nhưng bù lại có nhiều vườn cây râm mát và mỗi buổi sáng thức dậy người ta nghe tràn nghập tiếng chim hót. Võ Đăng Tín nói “Con đường giống như cuộc đời thăng trầm một thời của ba tôi”…

Tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng mà hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc, yêu cầu tác giả phải đầu tư tâm huyết, tìm tòi, làm mới cách thể hiện và cũng cần phải có giọng văn hay - cái này là trời phú, dẫu có muốn chưa chắc đã làm được.