Con người ấy, đóng đến tận cùng những cánh cửa riêng tư của mình, lại mở ra hào hiệp, chia sẻ cũng tận cùng với những người lam lũ, với nhân dân mình. Con người ấy, là con người của xã hội, bất kể “trong” hay “ngoài”.

 

Bây giờ, người ta hay dùng nhiều từ lạ, chẳng hạn “anh em ngoài xã hội”, rồi “anh em trong xã hội”, lại “anh em xã hội”, thật không biết đâu mà lần. Nhưng với nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao - người mà năm 2020 chúng ta kỷ niệm 25 năm ngày ông qua đời, tôi muốn gọi ông là “Văn Cao, người của xã hội”. Đã là người của xã hội, thì có thể ở trong xã hội, ở ngoài xã hội, hoặc ở đâu đó cũng được, ở đâu cũng là một Văn Cao ấy thôi.
Một Văn Cao với thân hình gầy gò, mới 60 tuổi lưng đã hơi còng, nhiều lúc anh em xã hội đi cùng ông ngoài phố, gặp lúc gió to, cứ sợ ông bị “gió thổi bay mất”, chứ không phải “tóc gió thôi bay” như một bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến. Bởi Văn Cao, theo tôi đoán, chưa bao giờ cân được quá 40 kg, cộng cả quần áo và giày hay dép. Một người “gió thổi bay” như thế, lại là người bão quật không đổ. Đúng như vậy.

Trong cuộc đời nhiều hiểm nguy, nhiều bất trắc, lắm khổ đau như cuộc đời Văn Cao, đã bao lần ông phải “đi trong bão”, phải trực diện đương đầu với bão. Vậy mà, lạ thay, con người gầy gò vóc dáng nhỏ bé ấy vẫn đứng vững, đi vững, nói nhẹ nhàng nhưng rất vững. Và dù chỉ vẽ một tấm minh họa nhỏ xíu cho Báo Văn nghệ, ông vẫn vẽ với tất cả niềm say mê và tinh thần trách nhiệm của một người lao động lương thiện.

Tôi không hiểu vì sao, khi mới chính thức gặp gỡ Văn Cao lần đầu, tôi đã thương quý ông ngay. Bất chấp chuyện ông là người nổi tiếng, bất chấp ông là một thiên tài, như nhiều nhà văn nghệ tầm cỡ đã công nhận. Với tôi, thương quý là thương quý, thế thôi. Vì tôi đã cảm nhận được một kênh kết nối nào đó, vô hình và nhỏ bé, kết nối một người bình thường là tôi với một người lớn lao bình dị là Văn Cao.

Và chúng tôi đã chơi với nhau như hai anh em “ngoài xã hội” đúng nghĩa, bỏ qua tất cả các nghi thức xã giao dù đơn giản nhất. Thích thì nhích, thích là chơi, thế thôi.

Từ nhỏ, tôi đã say mê đọc “Thủy Hử”, đã thần tượng những “anh hùng Lương Sơn Bạc”, đã thấm cách sống, cách hành xử của những con người “ngoài xã hội” ấy. Theo lập ngôn mà bây giờ người ta hay nói, họ đã truyền cảm hứng sống cho tôi, rất tự nhiên và thật hồn nhiên.

Trước khi gặp Văn Cao, tôi đã có bao nhiêu năm sống như thế, đã lang thang và cơ nhỡ, đã ăn những bát cơm uống những chén rượu của nhân dân, trong kháng chiến rồi xuyên qua hòa bình, “Bữa đói bữa no áo quần lấm láp”, như một câu thơ của tôi trong trường ca “Những người đi tới biển”.

Nói tới trường ca này, tôi phải công nhận ngay, nó là tiếp nối của trường ca “Những người trên cửa biển” của Văn Cao viết trước đó mấy chục năm, một trường ca viết về Hải Phòng. Tôi đã đọc trường ca này trong một tuyển tập thơ của NXB Văn Học, đã in từ lâu lắm. Tôi đọc, và mê luôn, dù lúc ấy tôi chưa viết một trường ca nào, thơ ngắn cũng mới chập chững.

Khi bắt tay vào viết trường ca này, tôi muốn đặt tên cho nó là “Tháng năm và giây phút”, nhưng rồi, một khoảnh khắc nào đó, “Những người trên cửa biển”, cái tên ấy đã bất chợt hiện lên. Trường ca của Văn Cao viết về nhân dân “ở ngay chỗ đó”, chỗ mà nhân dân đứng từ bao đời. Trường ca của tôi muốn viết về con đường thế hệ chúng tôi, và chính bản thân tôi, tìm đến với nhân dân để xác định ý nghĩa cuộc đời mình.

Đó là nhận thức về nhân dân, ngay trong những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Và thế hệ chúng tôi đã “đi tới biển”. Biển ấy, chính là nhân dân. Sự tiếp nối giữa hai trường ca là như vậy, vì chúng tôi là thế hệ đến sau, ra chiến trường sau khi ngồi trên ghế nhà trường, những trải nghiệm cuộc sống còn rất ít. Những va đập cũng chưa đáng gì. Trong khi Văn Cao gần như đã trải qua tất cả, đã thử thách lòng chung thủy của chính mình với nhân dân sau bao đau đớn, hy vọng, thất vọng, thậm chí, tả tơi.

Tôi còn nhớ, có một bài thơ ngắn của Văn Cao, bài Khuôn mặt em - Đó là bài thơ viết trong những tháng ngày đau khổ nhất của đời ông: “Dù hai đứa chúng ta/Chưa lúc nào sung sướng/Những ngày đau khổ ấy/Khuôn mặt em/Như mảnh trăng những đêm rừng cháy”.

Với nhà thơ hiện đại, khi phải thốt lên từ “đau khổ” cho chính mình, ấy là khi sự đau khổ đã tới đỉnh. May mà còn gương mặt như “mảnh trăng những đêm rừng cháy” của người vợ, người bạn đời chung thủy và cùng chia sẻ đau khổ với mình. Gương mặt thân yêu ấy, lẽ ra tròn đầy như “vầng trăng”, ở đây chỉ còn là “mảnh trăng những đêm rừng cháy”. Thơ lay động chúng ta đến từng chữ như vậy đó.

Tôi đã yêu quý và cảm thấy gần gũi với Văn Cao từ thơ, từ nhạc của ông, nhưng hình như, còn một cái gì đó nữa mà mãi sau này tôi mới nhận ra: mình yêu quý Văn Cao vì mình cũng có “chất ngoài xã hội” giống như ông. Cái “chất” này thực ra là một niềm an ủi, với tôi, và tôi nghĩ, cả với Văn Cao.

Một con người đã lăn lộn, đã “sống với người đời” từ rất trẻ như Văn Cao, trải qua bao cơ cực như Văn Cao, trở thành một nhạc sĩ, một nhà thơ, một chiến sĩ biệt động thành Hải Phòng như Văn Cao, đã hiến cả đời mình cho cuộc cách mạng như Văn Cao, đã bị vùi dập, đau đớn như Văn Cao, thì tất cả những từng trải ấy đã làm nên con người ông, lặng lẽ mà mãnh liệt, nén chịu và kiêu hãnh, tuyệt đối tự do trong tâm hồn, trong suy nghĩ.

Con người ấy, đóng đến tận cùng những cánh cửa riêng tư của mình, lại mở ra hào hiệp, chia sẻ cũng tận cùng với những người lam lũ, với nhân dân mình. Con người ấy, là con người của xã hội, bất kể “trong” hay “ngoài”.

Tôi ngưỡng mộ ông vì cách sống ấy.

Khiêm nhường, kiệm lời, trong thơ và trong đời sống, nhưng Văn Cao bùng nổ trong văn học, trong nghệ thuật. Đó là sự bùng nổ lặng lẽ, cam chịu mà bất khuất.

Tôi đã nghe Văn Cao chơi piano bản nhạc Biển đêm tại nhà ông. Và tôi hiểu. Sự bùng nổ mãnh liệt nhất của ông nằm ở nhạc không lời.

Và ông đã truyền được niềm cảm hứng lặng lẽ mà bất tận ấy cho cô cháu ngoại thương yêu của mình, nghệ sĩ piano Thanh Thảo.

Tôi rất vinh dự khi được cùng mang tên với cháu ngoại Văn Cao. Đó là tình cảm lặng lẽ ông giành cho tôi, một người bạn và một đứa em có tố chất “ngoài xã hội”.

Thêm một lần tôi thấu hiểu, dù tiếp cận dưới góc độ nào, thì Văn Cao vẫn là “Người của xã hội”, tức là “Người của nhân dân”, dù lam lũ hay khá giả, thậm chí giàu có. Vì sự giàu có lớn nhất, theo Văn Cao hiểu, và cũng theo tôi hiểu, là sự giàu có của tâm hồn, của lòng nhân ái, của tình yêu thương. “Chúng ta là ai, xanh được bao lâu”, bao lâu cũng được, miễn là “còn xanh”, như một đoạn thơ của Văn Cao: “Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh/ Và đôi mắt em như hai giếng nước” (Thời gian).

Nghệ thuật của Văn Cao “còn xanh” dù trong bất cứ xã hội nào.

THANH THẢO

(Nguồn: Thời báo Văn học Nghệ thuật)