Tôi thì đã rèn được thói quen bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng viết được, chỉ cần có thời gian thôi. Rất nhiều cuốn sách tôi viết khi “nấp” sau cánh cửa phòng làm việc ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Thậm chí “Cửa hiệu giặt là”, tôi viết khi đang học nghị quyết.

 

Hạnh phúc nhất của nhà văn là được đi và viết

HỮU VIỆT (thực hiện)

 

Có thể nói Đỗ Bích Thúy là một trong những nhà văn nữ nổi bật nhất trên văn đàn hiện nay. Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Giải thưởng Liên hiệp VHNT Hà Nội. Giải nhất Hội VHNT thiểu số. Hơn hai mươi năm cầm bút, hơn hai mươi đầu sách (tính cả hai tác phẩm sắp xuất bản). Viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, kịch bản phim truyền hình dài tập, phim truyện điện ảnh… Đằng sau người đàn bà viết văn lúc nào trông lúc nào cũng tươi tắn, thong dong, đúng giờ ấy là những khúc quanh của đời sống và văn chương, những nỗ lực phi thường sống, đi và viết.

 

Nhà thơ Hữu Việt (HV): Ta bắt đầu từ dòng trạng thái trên facebook của Thúy: “Rừng ở đâu nhà tôi ở đó…”. Vì sao?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy (ĐBT): Tuy chỉ là câu viết vui trên facebook nhưng nó là tinh thần xuyên suốt cuộc đời viết văn của tôi. Càng ở Hà Nội lâu, (tính đến nay đã 20 năm) tôi càng thấy cái mình có thể viết đắm đuối nhất, kỹ lưỡng nhất, viết cho đến lúc già… vẫn là về miền núi, không thể chọn được đề tài nào phù hợp hơn miền núi. Mỗi khi đặt bút viết, cảm giác như được quay về với ngôi nhà của mình, được uống nước trong cái ấm nước ám khói mẹ đun trong căn bếp nhà mình. Càng viết nhiều càng thấy mình viết chưa bao giờ đủ cả. Đó thực sự là may mắn với người cầm bút. Nếu sau này vì một lý do nào đó mình không viết được hoặc không được viết nữa thì cuộc đời chắc là buồn lắm. Vì mình đã quá gắn bó với một đề tài quá mênh mông, phong phú, giàu có với người cầm bút.

 

HV: Cách đây gần hai năm, Thúy đã làm xôn xao làng văn và làng báo khi xin thôi vị trí Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, về Ban sáng tác làm phóng viên bình thường…

ĐBT: Tôi muốn được làm chủ thời gian cũng như lịch làm việc của mình, tập trung cho những việc thích nhất trong cuộc đời, đó là đi và viết. Cũng phải mất hai năm cấp trên mới đồng ý. Nghĩ lại thì đây là quyết định quá đúng đắn với tôi, vì hai năm vừa qua, tôi thấy mình làm được nhiều điều có ý nghĩa với bản thân, đó là làm tất cả những việc mình thích, đi bất kỳ lúc nào mình muốn, điều mà khi còn ở cương vị quản lý thì không thể. Hạnh phúc nhất của người viết là được đi, được thả mình vào trong đời sống, cảm nhận từng hơi thở của nó. Thời gian gần đây tôi viết báo nhiều hơn và thấy phấn khích với điều ấy.

 

HV: Nhà văn Nguyễn Việt Hà từng nói với tôi rằng anh đang hạn chế, tiến tới ngừng viết báo, vì thấy viết báo ảnh hưởng không tốt tới viết văn. Với Thúy thì thế nào?

ĐBT: Viết báo sử dụng cảm xúc bề mặt, nóng hổi, có thể viết ngay sau mỗi chuyến đi, còn văn chương là những gì còn đọng lại. Tôi chưa bao giờ sợ báo làm “hỏng” văn, thậm chí khi viết báo, tư duy về một vấn đề nào đó sẽ tỉnh táo, kỹ lưỡng, khách quan, nhiều chiều hơn, mà nếu chỉ viết văn thì có khi mình sẽ bỏ qua mất. Tuy nhiên, người viết cũng phải có ý thức không để cho cái này lấn át cái kia, kiểu như chia não mình ra thành nhiều ngăn ấy.

 

HV: Thời gian gần đây bạn đọc thấy Thúy chủ yếu viết tiểu thuyết, kịch bản phim, tản văn… Bản thân tôi thi thoảng muốn đặt Thúy viết một truyện ngắn cho tòa soạn cũng thường bị từ chối. Báo không xung đột với văn, nhưng những thể loại vừa kể trên thì có xung đột với truyện ngắn, thậm chí triệt tiêu nó không?

ĐBT: Thi thoảng tôi vẫn viết truyện ngắn đấy, nhưng rất ít. Thật ra, không phải cái nào triệt tiêu cái nào, chẳng qua đến một giai đoạn tôi không có nhu cầu viết truyện ngắn nữa. Tôi muốn đặt ra trước văn chương những vấn đề rộng lớn hơn, phổ quát hơn; thân phận, tâm lý nhân vật sâu sắc hơn, nhiều tầng nghĩa hơn, có thể đi thật dài, thật xa, chứ không chỉ là một lát cắt cuộc sống như trong truyện ngắn.

 

HV: Phải chăng chiếc áo truyện ngắn với Thúy quá chật, hay Thúy muốn khám phá những thể loại dài hơi hơn?

ĐBT: Cả hai. Năm 2013, sau khi xuất bản cuốn “Đàn bà đẹp”, hầu như tôi không viết truyện ngắn nữa mà tập trung cho tiểu thuyết. Viết tiểu thuyết rất mất sức. Mỗi khi viết xong một cuốn tôi gần như lăn ra ốm. Ví dụ “Chúa đất” tôi viết trong vòng 17 ngày, chỉ viết, không làm việc gì khác. Sau đó ốm một tuần liền. Không ăn được, mất ngủ, không buồn, không vui, trong người trống rỗng. Lao động tiểu thuyết hình như quá sức với phụ nữ. Nhưng dù vậy, thì tôi vẫn muốn dành sức cho tiểu thuyết, ngay cả khi không còn bị áp lực bởi tên tuổi, vị trí hay số lượng đầu sách, thậm chí cả việc bán sách… ngoài áp lực duy nhất là viết được cuốn sách mình thấy thỏa mãn.

 

HV: Gần đây, có cuốn sách nào đã mang lại cho Thúy sự thỏa mãn?

ĐBT: Tiểu thuyết “Chúa đất”, tôi cảm thấy đạt đến gần mục đích mình đặt ra nhất. Nhưng làm tôi thấy hạnh phúc nhất lại là cuốn tản văn “Tôi đã trở về trên núi cao”, bởi khi viết nó tôi đã có thể nói ra rất nhiều những riêng tư, thậm chí cả những... bí mật cá nhân mà thể loại hư cấu không làm được. Viết ra được những trĩu nặng cá nhân không phải chuyện dễ dàng, vì phải viết thế nào để đạt được mục đích ấy, nhưng lại không khiến bạn đọc cảm thấy bị làm phiền.

 

HV: Nhân nói về trạng thái kiệt sức, tôi nhớ đến Paustovsky. Ông nói đại ý, nhà văn phải viết về những thúc giục tự nhiên, phải hết sức hào hiệp, phóng khoáng, không tiếc bản thân mình, không sợ phải bỏ hết vốn liếng cho dù chỉ vào một truyện ngắn cỏn con. Có thể sau đó sẽ phải gánh chịu cảm giác trống rỗng, nhưng rồi ý đồ mới, đề tài mới sẽ được gợi lại, bởi trí tưởng tượng cũng vô tận như chính bản thân cuộc sống.

ĐBT: Hồi tôi mới về Văn nghệ Quân đội, có lần nhà văn Chu Lai bảo tôi rằng: Cháu có rất nhiều chi tiết hay, nên biết tiết kiệm, vì khi đã dùng rồi thì không dùng lại được nữa. Câu nói này đã khiến tôi giật mình và có một thời gian tôi đã tiết kiệm thật. Nhưng về sau tôi nhận ra không cần phải làm thế, bởi hiện thực cuộc sống quá sinh động, mình không thể nạp hết cũng như không thể viết hết về nó… thì việc gì phải tiết kiệm. Hóa ra điều này cũng gần với những gì Paustovsky đã nói.

 

HV: Tôi nhận thấy đội ngũ viết về đề tài dân tộc và miền núi hay, ngoài Cao Duy Sơn, Y Phương và một số nhà văn khác, thì hầu hết vẫn là người miền xuôi, trước kia là Tô Hoài, Ma Văn Kháng… bây giờ là Đỗ Bích Thúy, Tống Ngọc Hân… Theo Thúy, tại sao vẫn chưa có nhiều nhà văn người dân tộc thiểu số viết về đề tài mà lẽ ra họ là những người thấu hiểu nhất?

ĐBT: Người Kinh có lợi thế là được tự do lựa chọn viết về dân tộc nào mình muốn, ví dụ tôi viết về dân tộc Tày, dân tộc Mông, thi thoảng là dân tộc Dao, thậm chí tôi còn có ý định viết về dân tộc Mường khi có điều kiện. Nhưng. các tác giả là người dân tộc thiểu số lại hạn chế là chỉ viết về dân tộc của họ. Họ còn gặp một số khó khăn như: đội ngũ người viết ít, vì không nhiều người có điều kiện học đến nơi đến chốn; tư duy trên nền tảng văn hóa dân tộc mình, nhưng khi viết phải chuyển tải qua vỏ ngôn ngữ là tiếng Kinh nên sẽ gặp khó khăn; Họ cũng ít có điều kiện va chạm với đời sống văn chương vì phần lớn vẫn đang sống và làm việc tại các địa phương. Nếu tôi vẫn ở Hà Giang thì chắc sẽ không có những thành công như ngày hôm nay. Môi trường văn chương vô cùng quan trọng với người viết, nó tác động tới ý thức làm việc chuyên nghiệp, nó thúc ép nhà văn phải lao động đến kiệt sức và chịu một áp lực loại trừ mạnh mẽ, mà nếu chỉ ở trong phạm vi địa phương không bao giờ có được. Ngày xưa các chú nói với tôi là phải cho Thúy một bầu trời cao rộng hơn để nó bay, chứ để trong bầu trời nhỏ hẹp này thì không thể phát triển được…

HV: Chú nào đã nói câu ấy?

ĐBT: Chú Cao Xuân Thái, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Giang, nói khi nhà văn Nguyễn Trí Huân và Nguyễn Bảo lên Hà Giang xin tôi về Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, trong lúc tỉnh thì vẫn muốn giữ lại vì đang thiếu người làm việc. Cả cuộc đời văn chương, người đầu tiên tôi phải thực sự mang ơn chính là chú ấy. Chú đọc được một số truyện ngắn của tôi in trên báo Tiền Phong, tìm đến tận nhà, đưa về tôi Hội Văn nghệ Hà Giang, sau một thời gian, cho chuyển sang báo Hà Giang. Nhờ làm báo, tôi đã đã được đi nhiều, và bị ngợp vào văn hóa Mông, không thể hình dung trên mảnh đất mình đang sống lại có một miền văn hóa kỳ diệu như thế… Văn hóa Mông hấp dẫn tôi một cách tự nhiên cho dù khi ấy tôi hoàn toàn chưa có ý sẽ nghĩ tích lũy lại để sau này viết văn.

 

HV: Có một cuốn tiểu thuyết ngoài mạch “miền núi” của Thúy, đó là “Cửa hiệu giặt là”. Phải chăng Thúy từng muốn thử sức hay khám phá bản thân mình ở một vùng đất mới – đô thị?

ĐBT: Tôi chưa bao giờ có ý định thử sức với cái gì cả. Những gì tôi viết đều là những gì tôi muốn. Khi viết “Cửa hiệu giặt là”, tôi có bảo với cô bạn thân lâu lắm rồi tao mới được nói tiếng Kinh, tức là viết bằng tiếng phổ thông với tư duy của người Kinh. Lúc đó tôi không còn ở phố Lê Văn Hưu, bối cảnh chính của tiểu thuyết nữa. Tôi nghiệm ra trong cuộc đời mình, khi rời một nơi chốn nào, nghĩa là có độ lùi về không gian, thời gian, thì những gì còn đọng lại là đẹp nhất, lấp lánh nhất…

 

HV: Như ai đó đã từng nói: Văn học là cái còn lại của những cái đã mất đi.

ĐBT: Đúng thế. Tôi đã giữ lại cho mình những gì đẹp đẽ nhất về con phố ấy, về những năm tháng tôi đứng từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối để là quần áo trong cửa hàng giặt là của nhà chồng tôi. Đấy cũng là cuốn tiểu thuyết phần lớn nhân vật đều có nguyên mẫu ngoài đời, sinh động vô cùng. Họ là những nhân vật văn học điển hình, tôi hầu như bê nguyên vào trang viết, không phải tưởng tượng, vay mượn hay hư cấu gì mấy mà vẫn lấp lánh hiển thị Hà Nội ngày xưa trong cuộc sống hôm nay.

 

HV: Về đô thị, Thúy chỉ có mỗi cuốn ấy là đáng kể thôi đúng không?

ĐBT: Cũng có thêm dăm, sáu cái truyện ngắn nữa, nhưng nói chung đó vẫn không phải sở trường của mình. Tôi đã từng nói: Điều hạnh phúc nhất của người viết là cày xới trên mảnh ruộng trước anh chưa có ai làm, hoặc mới chỉ làm lớt phớt thôi. Hà Nội là một cánh đồng quá lớn với quá nhiều người đã cày xới và tôi thấy mình hết cơ hội để cày rồi.

 

HV: Nhìn Thúy lúc nào cũng thấy thảnh thơi, thích đi thì đi, thích làm gì thì làm, không phải tất bật với trách nhiệm làm mẹ, làm vợ, làm con… Thúy đã thu xếp những việc ấy như thế nào?

ĐBT:Tôi tự thấy mình là người có tư duy khoa học và có khả năng thích nghi tốt. Kiểu như trong môi trường nào cũng sống được, làm việc được, vui vẻ được. Tôi tự lập sớm. Bố mẹ nghèo, gia đình cũng không có ai theo văn chương, tôi lại muốn thực hiện ước mơ của mình, nên cứ lụi hụi đi trong đời sống với nỗi cô đơn của một người viết. Tôi tự rèn bản thân luôn sắp xếp cuộc sống một cách hợp lý, khoa học nhất có thể. Và vì thế mà không mấy khi phải tất bật, cũng không mấy khi phải bỏ qua những việc cần làm, muốn làm. Nhiều người nói trông tôi lúc nào cũng thảnh thơi, vô lo, thật ra tôi đã có những năm tháng rất vất vả, nặng gánh, cũng có những lúc gần như tuyệt vọng, có những lúc cảm thấy mình không thể chịu đựng được nữa. Nhưng rồi mọi thứ cũng đi qua cả. Thậm chí giờ nghĩ lại tôi còn tự thấy ngạc nhiên, rằng làm sao mình có thể đi qua được nhỉ?

 

HV: Thúy đã “sắp xếp khoa học” thời gian viết văn như thế nào?

ĐBT: Nhiều người phải có thời gian, rồi không gian yên tĩnh mới viết. Tôi thì đã rèn được thói quen bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng viết được, chỉ cần có thời gian thôi. Rất nhiều cuốn sách tôi viết khi “nấp” sau cánh cửa phòng làm việc ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Thậm chí “Cửa hiệu giặt là”, tôi viết khi đang học nghị quyết.

 

HV: Hóa ra không phải mình Thúy, nhà văn Tống Ngọc Hân cũng từng chia sẻ với tôi, rất nhiều truyện ngắn chị đã viết trên điện thoại trong thời gian trông cửa hàng và bán hàng… Các nhà văn nữ có cách sắp xếp thật đặc biệt.

ĐBT: Nhưng với riêng phụ nữ, cuộc sống vẫn có những cái không sắp xếp khoa học nào làm được.

 

HV: Thúy có thể chia sẻ về cuộc hôn nhân của mình không? Đây không phải là tò mò, mà bởi vì bất cứ biến cố nào xảy ra với nhà văn thì cũng đều tác động đến việc sáng tạo của nhà văn ấy…

ĐBT: Tôi từng là một phụ nữ sống theo lối truyền thống, chu toàn, nhẫn nhịn, chịu đựng, ít khi phản biện nên cũng có cái dở. Lẽ ra, đã bước vào cuộc hôn nhân thì vợ chồng phải có sự cân bằng, vị trí trong gia đình phải tương đương, làm gì cũng nên bàn bạc, thống nhất, không được giấu diếm nhau bất cứ điều gì. Nhưng giữa vợ chồng tôi đã để xảy ra một khoảng trống sâu hoắm, không thể vượt qua nổi. Tôi từng nói nửa đùa nửa thật là với tư cách một phụ nữ thì tôi làm hỏng nhiều thứ quá. Làm vợ thì không hiểu nổi chồng, làm mẹ thì không giữ được bố cho các con, làm con thì khiến bố mẹ buồn lòng…

 

HV: Chỉ được mỗi văn chương thôi, nhưng đó cũng là điều nhiều người ao ước. Kế hoạch năm nay của Thúy là gì? Đã thực hiện đến đâu rồi?

ĐBT: Năm nay tôi sẽ xuất bản cùng một lúc 4 cuốn: “Tiếng đàn môi”, “Bóng của cây sồi” (tái bản), “Người yêu ơi” (tiểu thuyết cùng tên với kịch bản phim) và tản văn “Thương nhau như người thân”. Cuốn tản văn này tôi cũng gửi vào rất nhiều riêng tư, cũng cảm thấy rất thỏa mãn (cười). Và từ sau cuốn “Tôi đã trở về trên núi cao” trở đi thì tôi dự định sẽ chỉ in các cuốn tiếp theo trên một khổ sách. Tôi muốn những bạn đọc yêu quý mình có thể giữ được trên giá một bộ sách bằng bặn, đẹp đẽ, không lôm nhôm cuốn to cuốn nhỏ, với một sự chăm sóc thật cẩn thận về mĩ thuật mà cho đến giờ thì tôi vẫn trông cậy vào anh Lê Thiết Cương. Nhìn lại gần 20 cuốn đã in thì điều tôi thấy tiếc nhất chính là mình đã không nghĩ ra ý tưởng chỉ chọn lựa một khổ sách thống nhất sớm hơn.