Có một lần Nguyễn Minh Châu đã nói: “Mình viết văn suốt đời tràng giang đại hải, có khi chỉ còn lại được vài cái truyện ngắn”. Những truyện ngắn và những bài viết của ông càng về cuối đời càng lộ rõ tư chất của ông. Ông đã tìm được cái của chính mình, cái mà mình mong mỏi ký thác với người đời. Những trang văn như vậy thì thật là quý hiếm.
ANH CHÂU NGƯỜI LÀNG
Vào một ngày tháng Chạp, trong buồng bệnh của viện quân y 108 bốn giường mà người ta chỉ xếp có hai người, Nguyễn Minh Châu nói với tôi:
- Tôi đã yếu rồi, không còn sức viết nữa, nếu ông còn theo đuổi nghiệp văn, ông phải viết một cuốn sách về cái ngõ của mình, về cái làng Thơi của mình…
Tôi ngồi nghe ông nói những kỷ niệm quê hương. Thực ra tôi chưa lấy lại được cho mình những cảm xúc có thể viết dù vài trang, những điều tôi có thể hiểu cặn kẽ hơn ông. Tâm trí tôi chỉ dồn vào những vết xuất hiện trên mặt ông. Tôi hiểu rằng cái chết vật chất sẽ đến với ông ít ngày nữa. Và tôi ngạc nhiên về ông, một con người suốt đời lấy nghề văn làm lẽ sống cho mình, đến những ngày cuối cùng vẫn rất là “cổ điển” trong quan niệm văn chương. Ông khác rất nhiều với chúng tôi, những người lớp sau, tỉnh táo hơn (đồng thời cũng đần độn hơn): chúng tôi hiểu rằng văn chương chẳng là cái gì cả nếu như anh không đủ điều kiện để sống một cuộc đời bình thường. Điều đó tôi không thể nào nói với ông được.
Ông lại nói:
- Cái làng mình lạ lắm. Đến như ông Máckét cũng không thể nào tưởng tượng ra được. Ông có biết ông… không? Ông ta đi biển, thuyền đắm, năm ngày sau xác mới trôi về qua cửa lạch Thơi, theo thủy triều qua cống Bà Nhiên mà thời nhỏ đứa nào chẳng một lần chui qua, vào đến tận cổng nhà mới nổi lên để cả làng làm đám ma. Hay như anh… uống rượu say, tự tay mổ bụng mình, lôi cả đống ruột ra, ai cũng nghĩ rằng anh ta sẽ chết. Có một bà đi bán cá về, lấy cái rổ đựng cá úp đống ruột lại, đưa lên bệnh viện huyện. Anh ta sống đến tận bây giờ. Ông phải viết về những điều đó.
Tôi ngồi nghe ông nói và không hứa với ông một điều gì cụ thể. Tôi không chắc gì mình viết được những điều ông vừa nói. Nhưng tôi biết ơn ông vì ông đã gây cho tôi ấn tượng mạnh mẽ rằng những điều có thật quanh ta, chỉ vì những lý do khác nhau ta đã bỏ qua, ta đã không chịu hiểu thấu đáo nó, ta đã không nói lên được bản chất của nó bằng tiếng nói nghệ thuật chân thật.
Nhà tôi chỉ cách nhà ông vài chục thước. Khi tôi lớn lên ông đã rời quê đi bộ đội. Tôi biết ông qua những trang văn của ông. Chúng tôi sinh ra ở cái làng Thơi có tên chữ là Văn Thai, một làng biển với những người bạn giã nổi tiếng quanh vùng vì những hành động khác thường. Một trận đá bóng với làng bên nếu làng tôi thua thế nào cũng có đánh nhau. Hội đua thuyền đầu năm người ta phải chia ra một thuyền đàn anh và một thuyền đàn em. Năm nào thuyền đàn em thắng cuộc không có chuyện gì xảy ra. Năm nào thuyền đàn anh thắng chắc chắn có đánh nhau. Ông có gợi cho bạn đọc đôi điều về làng mình trong các tác phẩm của ông trong các truyện ngắn Phiên chợ Giát hay Khách ở quê ra, nhưng ông chưa viết hết về nó. Điều đó đã làm ông không yên lòng. Nhớ thời cải cách ruộng đất, lúc đó tôi chỉ mười tuổi trên đường đi học, qua bài đấu tố địa chủ đọc được câu khẩu hiệu: “Đả đảo tên đại địa chủ, cường hào ác bá, thống trị ngư dân Nguyễn Huy Phiên”. Nguyễn Huy Phiên là bố anh Châu. Nhà anh Châu giàu nhất làng, có khoảng 20 mẫu ruộng, mười chiếc thuyền đánh cá và ông cụ có làm lý trưởng. Đặc biệt gia đình anh Châu có một tòa nhà lớn gần hai dãy nhà và một cái sân rộng, bọn con nít chúng tôi thường vào đó vui đùa mà không bị người nhà xua đuổi. Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cụ đã khao một tiểu đoàn nhiều bữa tiệc trong cái sân này để chiến sĩ lên đường chiến đấu. Có một nhạc sĩ nghiệp dư của tiểu đoàn đã sáng tác bài hát ca ngợi cụ, mở đầu là câu: Làng ta có ông Lý Bích… (chị Bích là con đầu trong gia đình). Năm 1949, Pháp đổ bộ lên Quỳnh Lưu, đốt hết thuyền đánh cá của nhà tôi, mẹ tôi phải vay tiền ông Lý để đóng thuyền đi biển, tất nhiên là có tính lãi. Trong cải cách ruộng đất, mẹ tôi bị ép lên đấu tố ông Lý, bà lần lựa không lên, lúc thì lấy cớ đau đầu, lúc thì lên chợ Giát thăm cậu tôi đang ốm. Bà nói: Người ta cho vay tiền giúp đỡ làm ăn sao lại đấu tố họ. Sau mấy ngày đấu tố, tòa tuyên án: Tên Nguyễn Huy Phiên đáng bị tử hình, nhưng vì có năm người con đi bộ đội nên hạ xuống chung thân”. Anh Châu là em út, trong năm người con bộ đội ấy. Ông cụ mất trong tù…
Lẽ nào bây giờ ông lại ký thác cho tôi…
Rồi suốt buổi sáng hôm đó, ông kể cho tôi nghe chặng đường thăng trầm của người bạn thân ông, nhà văn Nguyễn Khải được người ta hứa hẹn cho chút ít quyền lực mà không biết cách nắm lấy quyền lực về mình, cứ loay hoay để vừa có quyền lực vừa được lòng mọi người: - “Tôi biết thằng này nó lười lắm, mà từ trong Nam ra phải tự nấu lấy ăn, một ngày tiếp không biết bao nhiêu người đến bàn mưu tính kế, phải sống một mình giữa những ngày giá lạnh Hà Nội. Tôi thương quá mang cho cái chăn bông và nói với nó: Thế ra làm lãnh đạo cũng tốn nhiều công phu nhỉ?” - Và ông cười, cái cười sảng khoái tưởng như có thể làm mờ đi những vết xuất huyết trên da mặt ông.
Một tháng trước, ông có viết thư vào Đà Nẵng nhờ tôi tìm cây nữ hoàng cung. Trong thư ông hy vọng cây thuốc ấy sẽ chữa khỏi chứng ung thư máu. Vào đêm mười bốn ta, tôi lên chùa, ăn chay chờ sang rằm cắt lá thuốc cho ông. Lúc ra sân bay thì đã quá trễ. Khách đi máy bay đã kiểm tra an ninh và vào phòng đợi. Tôi vẫy đại vài người đến với mình. Ai lại có thể vui vẻ khi một người không quen biết đưa cho một gói giấy to để mang lên máy bay. Khi nghe tôi nói lý do của việc gởi gắm bất ngờ này, một anh bạn trả lời: “Có phải cái ông “ai điếu cho một nền văn chương” không? Em ở Bộ Tài chính, em sẽ chuyển đến cho nhà văn Châu”. Gói lá thuốc đó đã được chuyển đúng địa chỉ ngay ngày hôm đó.
… Còn bây giờ tôi đang ngồi trong căn hộ mà người ta mới phân cho ông. Căn hộ mang tên ông, nhưng ông chưa được ở một giờ. Ông chỉ hiện hữu ở đây với tấm ảnh trên bàn thờ mới lập, khói hương nghi ngút. Lúc tôi và nhà văn dịch giả Nguyễn Trung Đức đến, không có bạn văn chương nào, chỉ có các đồng đội cũ của ông, các chiến sĩ của Sư đoàn 320. Vợ ông, đối với tôi là chị Doanh, nói:
- Anh Châu mất vào thời điểm mà nhiều người thương anh, nhưng cũng không ít người ghét anh. Mười tháng nay, từ khi anh lâm bệnh, trăm sự là nhờ bạn bè từ trong Nam ngoài Bắc cả…
Chị kể chúng tôi nghe việc chưa biết sẽ quàn di hài ông ở đâu vì những người có thẩm quyền đang bàn luận. Tôi hỏi: - Hay chị đưa anh Châu về quê. Chiều nay tôi ghé qua Nghệ An báo với các anh trong đó, có thể thu xếp được việc này. Chị Doanh lưỡng lự: - Biết trong quê có phần mộ của các cụ, anh Châu về đó cũng ấm cúng, nhưng các cháu làm ngoài này cả, sợ xa xôi quá, tôi và các cháu đi lại thăm viếng không được nhiều, anh Châu buồn.
Tôi không biết nói gì hơn, chỉ đứng dậy thắp nén hương cho ông.
Một nhà văn cùng thế hệ với ông một lần tâm sự: Thế hệ nhà văn chúng tôi có thể chia ra làm ba loại người. Loại thứ nhất, họ đang dũng cảm tự vượt lên mình, tiếp tục sáng tác, chất lượng ngày càng khá hơn, dám chiến đấu để trở về với cái thực của chính mình. Loại thứ hai là những người viết ít hoặc không viết nữa nhưng họ tâm huyết với văn học, làm mọi điều để văn học tiến lên, để đổi mới thực sự bằng công việc của chính họ. Loại thứ ba là những người mà chỉ riêng việc xuất hiện tài năng mới kiểu Nguyễn Huy Thiệp họ cũng không chịu được. Người xếp hàng đầu loại thứ nhất là Nguyễn Minh Châu. Họ là những người dũng cảm nhất của thế hệ chúng tôi.
Lại nhớ một lần tôi được nghe kể câu chuyện Nguyễn Minh Châu đi thực tế với một nhà văn trẻ thời danh. Đến đâu người ta cũng chỉ nói chuyện nhà văn trẻ, còn ông thì thành nhân vật thứ yếu. Trong cả chuyến đi, ông nhận biết điều đó, chung vui với những tình cảm của người đọc đối với những trang văn mới mẻ trên văn đàn nước ta. Ứng xử của ông làm cho nhiều người càng quí trọng ông hơn. Có một lần ông đã nói: Mình viết văn suốt đời tràng giang đại hải, có khi chỉ còn lại được vài cái truyện ngắn.
Những truyện ngắn và những bài viết của ông càng về cuối đời càng lộ rõ tư chất của ông. Ông đã tìm được cái của chính mình, cái mà mình mong mỏi ký thác với người đời. Những trang văn như vậy thì thật là quý hiếm. Người viết văn chân chính nào mà không gắng sức để đạt đến những điều như vậy. Mong sao văn chương ta có nhiều những trang như vậy, những trang văn của chính nhà văn, không vay mượn, không bị thúc bách, cám dỗ bởi bất cứ động lực nào.
Tôi đi trong đêm đông Hà Nội, giữa những lâu đài, dinh thự, cái đã rêu phong, cái mới xây cất, cái sáng rực đèn, cái chìm trong những rặng cây. Vậy mà nơi để đặt di hài một nhà văn để bạn bè, để người đọc đến viếng thì người ta còn phải bàn bạc chán.
Ông là một con người dũng cảm, một chiến sĩ chiến đấu đến cùng cho điều mình nhận thức là đúng. Cái chết của những người như ông làm ta có cảm giác bình yên. Bình yên cho người vừa nằm xuống, bình yên cho chính mình. Lời ca một bài hát “lòng vẫn bình yên mà sao buồn thế” cứ ám ảnh mãi trong tôi.
Ông đã đưa tôi vào một hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi về làng, bạn bè thân quen, bà con họ hàng cả đến những người có chức sắc đều hỏi tôi: “Chú Lợi phải viết một tác phẩm về làng ta đi, bác Châu đã giao cho chú rồi đấy”. Tôi chỉ cười trừ, không hứa hẹn gì. Thật ra tất cả những gì tinh túy của làng tôi thì đã có trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu rồi, chắc khó có ai làm được việc nay tốt hơn ông.
Hôm viếng tang ông, tôi có việc phải rời Hà Nội, nhờ nhà văn Nguyễn Trung Đức đặt cho một vòng hoa. Anh Đức hỏi: “Lợi đề gì trên vòng hoa?”. Tôi trả lời: “Kính viếng anh Châu, người làng”.
THÁI BÁ LỢI