Nhà báo Phạm Huy Hoàn kể: “Năm 2004 tôi nghỉ hưu. Trước khi nghỉ ba tháng thì Hội khuyến học đã xin từ trước, bảo, đừng nhận lời ở đâu nhé, về đây giúp chúng tôi. Bấy giờ tờ Dân trí báo giấy xập xệ lắm, tôi về tiếp quản tờ báo còn đang nợ 60 triệu, anh em làm việc không có lương. Bây giờ mỗi năm, Dân trí điện tử vẫn chuyển kha khá tiền cho báo giấy...”

 

NHÀ BÁO PHẠM HUY HOÀN

 

“Gia đình tôi là tư sản lớn ở Hà Nội, có hàng chục ngôi nhà to. Sau cải tạo công thương, nhà nước trưng thu cả, dù gia đình có được hỗ trợ một khoản tiền nhỏ, nhưng cái tiếng tư sản thì vẫn để lại những ảnh hưởng, hệ luỵ mãi sau này.

Bố mẹ tôi sinh được 10 người con trai, 2 con gái. Ngày xưa nhà giàu thường sinh đông con. Ai cũng được cho ăn học cẩn thận, bản thân tôi học trường Pháp từ nhỏ.

Hết phổ thông tôi thi vào Đại học Bách Khoa. Điểm thi của tôi cao, theo tiêu chuẩn thì tôi được chọn khoa. Nhưng có thể vì là con nhà tư sản nên tôi không được nhập học mà phải chuyển về học ĐH Sư phạm X. Sau 3 tháng cố làm đơn xin học ở Bách Khoa không được, tôi cũng làm đơn xin rút hồ sơ của tôi ở Đại học Sư phạm X. vì thấy học ở đây chán quá, chẳng ra làm sao cả. Tôi lên Ban Giám hiệu, thầy Hiệu trưởng bảo: Cậu bị điên à, người ta thi vào không được, mình thi điểm cao thế mà lại đòi bỏ học. Tôi nói: Em nghĩ kỹ rồi, xin thầy cho em được thoả nguyện. Thầy hiệu trưởng lại nói: Thế thì về nghĩ thêm một tuần nữa rồi hãy quay lại đây. Tôi nói: Em đã nghĩ 3 tháng nay, thêm 1 tuần nữa thì cũng không thay đổi được! Nghe thế thầy Hiệu trưởng cáu: Vậy ký vào tờ giấy này, rút thì rút luôn bây giờ đi! Tôi đã ký và giữ bộ hồ sơ này làm kỷ niệm.

Rời Đại học Sư phạm X. ngày ấy cùng tôi còn có một người bạn ở Hải Phòng. Tôi nghĩ bụng, nếu bị quy là thành phần tư sản, thì mình đi vô sản hoá xem sao. Tôi và người bạn kia rủ nhau làm phu khuân vác ở Cảng Hải Phòng. Hằng ngày bốc hàng, sơn lại vỏ tàu... không từ việc gì cả.

Nhưng cuộc đời có nhiều cái bất ngờ! Ông Phan Trọng Tuệ, khi ấy là Bộ trưởng Bộ GTVT (sau này lên đến Phó Thủ tướng) dẫn một đoàn chuyên gia Pháp xuống khảo sát Cảng Hải Phòng, tình cờ đến chỗ chúng tôi đang làm việc. Khi ấy tôi đang cạo rỉ sét vỏ một con tàu. Nghe thấy người thông ngôn lúng túng khi dịch trao đổi giữa ta và bạn, tôi đến gần vị chuyên gia, kín đáo nói để tôi dịch giúp. Sau một vài câu trao đổi, vị chuyên gia ngạc nhiên nói với ông Tuệ: Các ông dùng người kiểu gì thế này? Một người giỏi tiếng Pháp như thế, sao lại để nó làm việc ở đây? Ông Tuệ cho gọi Giám đốc Cảng Hải Phòng lên hỏi lại đúng câu đó. Anh Giám đốc tủm tỉm cười: Phu khuân vác thì phải làm việc ở đây chứ ạ! Cả ngày nó im như thóc cạo rỉ, có nói câu nào đâu nên chúng em không biết nó giỏi tiếng Pháp thế!

Ông Tuệ quay sang tôi bảo: Cậu về thay quần áo, từ ngày mai đi dịch cho đoàn nhé!

Sau đợt đó, ông Tuệ xin cho tôi về giúp việc ở Phòng đối ngoại của Cục Cơ khí Bộ Giao thông. Sau ba năm, ông bảo: Bây giờ chú cho cháu đi học tiếp tại Đại học Giao thông. Cháu là cán bộ đi học, nên không lo xét thành phần nữa. Nhưng chuyện này chỉ có ba người biết thôi nhé: Chú, cháu và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Tốt nghiệp Khoa Cơ khí ô tô, tôi về công tác tại Nhà máy ô tô Hoà Bình (tức là VMC bây giờ). Thời gian rảnh rỗi, tôi đi học thêm ngoại ngữ. Trường ĐH Ngoại ngữ đối diện với nhà máy. Có sẵn nền tảng tiếng Pháp, tôi học thêm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức. Cuối tuần tôi thường ghé hiệu sách Ngoại văn, đã dặn trước cô bán hàng để cho một số tờ báo nước ngoài. Về nhà tôi dịch, chủ yếu là các bài về khoa học, kỹ thuật. Rồi tôi gửi các báo: Nhân Dân, Độc Lập (khi ấy còn đảng Dân chủ), Quân đội Nhân dân, Lao Động... Các báo thấy tôi cộng tác đều thì rủ tôi về làm báo chuyên nghiệp. Khi ấy tôi cũng thích công việc này rồi. Nhiều báo mời, nhưng tôi nghĩ mình là cái anh cu li nên chọn báo Lao Động.

Ở báo Lao Động, tôi được giao làm trang khoa học, mỗi tuần một trang to tướng, chủ yếu là dịch từ báo nước ngoài. Được vài năm thì chị Trưởng ban Quốc tế của báo đến tuổi nghỉ hưu, tôi được cấp trên nhắm vào vị trí này. Và đây cũng là vụ kiện cáo đầu tiên trong rất nhiều vụ kiện cáo mà tôi phải đối mặt. Chị Trưởng ban kiện tôi là con nhà tư sản nên không thể phụ trách một ban quan trọng như ban Quốc tế vốn là một ban làm về chính trị là chủ yếu. Tôi còn nhớ mãi câu của TBT Lao Động khi ấy là ông Xuân Cang nói với chị: TBT ĐCS Liên Xô Brejenhev mới mất, nhưng trái đất vẫn quay đấy thôi. Chị không phải lo lắng gì cả, việc của ban Quốc tế đã có chúng tôi lo.

Tôi về làm ở ban Quốc tế được vài năm thì cơ may lại đến. Bấy giờ có tiêu chuẩn đi học về báo chí ở Đức, điều kiện là phải biết ít nhất hai ngoại ngữ, bên Hội nhà báo tìm mãi, không ra người đáp ứng được điều kiện này. Ông Xuân Cang nghe thấy, bèn bảo: Thằng Hoàn bên tôi thừa sức. Mọi người không tin, nhưng tìm mãi không được ai nên cho tôi đi thử tuyển. Vào đại sứ quán Đức, đầu tiên họ hỏi chuyện bằng tiếng Pháp, sau đó chuyển sang tiếng Anh. Khi đang nói tiếng Anh, tôi buột mồm nói sang tiếng Đức. Thế là nói chuyện thẳng bằng tiếng Đức luôn. Họ bảo, ok về làm thủ tục, lên đường ngay cho kịp.

Khi tôi chân ướt chân ráo bước vào lớp, vừa nói mấy lời xin lỗi vì đến muộn, chậm không phải do tôi mà tại nước tôi nó thế... thì bất ngờ tất cả lớp vỗ tay hoan hô. Tôi chưa hiểu lý do gì. Mọi người cười cười giải thích: Ông không phải băn khoăn, chúng tôi mới là những người phải cảm ơn ông, chính vì ông sang muộn nên lớp phải chờ, chúng tôi được đi chơi Berlin hai tuần mà vẫn được hưởng nguyên học bổng.

Lớp có học sinh đến từ mười mấy nước, vì tôi thạo nhiều ngoại ngữ nên được bầu làm lớp trưởng. Đấy là thời gian mà tôi được học nghề báo bài bản, chuyên nghiệp nhất. Toàn bộ kiến thức làm báo của mình sau này là ở đây, trong quãng thời gian gần hai năm đó.

Học xong tôi lại về báo Lao Động. Nhưng vì mình là con nhà tư sản nên không được vào Đảng, mà không vào Đảng thì không phát triển được. Thấy thời gian trôi vô nghĩa, chẳng mấy chốc tuổi già đến nên tôi quyết định bỏ nghề báo. Thôi thì đi châu Phi làm chuyên gia vài năm, kiếm vài chục cái xe máy second hand về cho gia đình. Ông Tống Văn Công là TBT lúc bấy giờ, ngăn tôi mãi không được, đành phải đồng ý. Tôi thi, trúng ngay. Bấy giờ thi đi chuyên gia giống như sinh viên thi hết môn, bốc thăm trúng đề nào thì giảng bài bằng đề ấy cho hội đồng tuyển chọn nghe. Tôi bốc phải đề về sức bền vật liệu, thì giảng về môn ấy!

Giấy tờ xong xuôi, chỉ chờ ngày lên đường thì bỗng xảy ra một sự việc, ngày ấy báo cũng đưa tin nhiều. Một chuyên gia của ta ở Angola bị ruồi châu Phi đốt, tử vong. Vợ tôi lo quá, khuyên, anh đừng đi sang đấy làm gì nữa, nguy hiểm lắm. Tôi cũng nghĩ lại, ừ nhỉ, phải đem tính mạng mình ra đổi lấy vài chục cái xe máy có đáng không? Cân đi nhắc lại, tôi quyết định trả vé máy bay, không đi nữa.

Tôi đến gặp ông Tống Văn Công báo cáo, nói, em cảm ơn anh đã tạo điều kiện cho em được thoả nguyện, em thi đỗ rồi, đã đến ngày lên đường, nhưng vì chuyện như thế, như thế… vừa xảy ra nên em quyết định bỏ, không đi nữa. Em đến báo cáo và cảm ơn anh, chứ không có ý xin xỏ anh cho quay về báo làm việc đâu ạ.

Ông Tống Văn Công chỉ mặt tôi nói: Từ nãy đến giờ, đây là câu nói bất nhân nhất của mày! Không lôi thôi gì nữa, quay về Lao Động ngay. Việc vào Đảng của mày, tao sẽ lo.

Và ông đã làm đúng như thế. Ông là người giới thiệu, giúp đỡ, làm hồ sơ, đi thẩm tra lý lịch, kết nạp tôi vào Đảng. Sau khi vào Đảng đúng ba tháng, ông bổ nhiệm tôi làm Phó TBT. Có thể nói, suốt đời tôi không bao giờ quên cái ơn ấy!

Nhưng điều tôi buồn nhất là sau này, chính ông Tống Văn Công lại là người phản đối mạnh mẽ nhất việc bổ nhiệm tôi làm TBT báo Lao Động. Cùng với ông là cả dàn cán bộ chủ chốt của báo. Họ phản đối và đòi rời tờ báo ra đi. Họ bảo: Thằng Hoàn mà làm TBT thì chỉ 3 tuần là tờ báo sập! Riêng ông Tống Văn Công thì nói: Chỉ một tuần là hỏng!

Nguyên nhân chính là vì mọi người muốn ông Công ở lại tiếp tục làm TBT. Nhưng tình thế lúc ấy thì không thể được...

Tôi hiểu và không bao giờ giận ông Công cả. Tôi luôn ghi nhớ cái ơn sâu của ông với tôi.

Năm 1999, kỷ niệm 70 năm báo Lao Động, chúng tôi tổ chức trong Dinh Thống Nhất, mời tất cả mọi người từng làm ở báo, mời cả gần 40 người thuộc thành phần chủ chốt báo Lao Động đã ra đi khi tôi lên làm TBT. Tôi phát biểu: Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ anh Tống Văn Công. Tờ báo Lao Động như ngày hôm nay công chính thuộc về anh ấy. Anh là kiến trúc sư trưởng của tờ báo, còn tôi chỉ là người thợ xây theo kiến trúc của anh ấy. Anh còn là một người anh lo cho tôi chí tình, tôi không bao giờ quên cái ơn này! Nghe tôi nói xong, ông Công cảm động, rơm rớm nước mắt, bắt tay cảm ơn tôi.

Năm 2004 tôi nghỉ hưu. Trước khi nghỉ ba tháng thì Hội khuyến học đã xin từ trước, bảo, đừng nhận lời ở đâu nhé, về đây giúp chúng tôi. Bấy giờ tờ Dân trí báo giấy xập xệ lắm, tôi về tiếp quản tờ báo còn đang nợ 60 triệu, anh em làm việc không có lương. Bây giờ mỗi năm, Dân trí điện tử vẫn chuyển kha khá tiền cho báo giấy...”

“Có lẽ vì tôi đã trải qua thời gian đi lao động cu li cu leo nên tôi thương người nghèo. Làm gì cho họ với cả tấm lòng nên được gặp nhiều may mắn chăng? Quỹ Tấm lòng vàng của Lao Động, những người đóng góp đầu tiên lại chính là người lao động! Khi mới phát động, anh em công nhân Cảng Hải Phòng đã đóng góp hơn 250 triệu đồng. Có một chuyện vui thế này. Một trong những anh bạn bốc vác với tôi thời xưa, sau này làm cho chủ nước ngoài. Có lần xem TV, thấy tôi phát biểu, trao học bổng ở đâu đó, anh khoe với ông chủ: Đây là bạn tôi. Ông chủ không tin, bảo, nếu đúng như thế thì ông mời được ông Hoàn đi ăn cơm với tôi, tôi sẽ thưởng ông 500 đô! Khi ngồi ăn cơm với nhau, ông chủ kia mới tin là thật”.

HỮU VIỆT (ghi)