Nhờ vốn văn hóa mấy năm ở Trường Viết văn Nguyễn Du mà Y Phương có cuộc phát hiện quan trọng. Tốt nghiệp Y Phương trở về quê, và chính ở cái làng Hiếu Lễ, thuộc huyện Trùng Khánh, Cao Bằng xa xôi ấy, Y Phương phát hiện ra chính mình: Trở về với dân tộc. Đấy là một phát hiện quyết định thay đổi hoàn toàn số phận của anh.

 

Y Phương - Người đục đá kê cao quê hương

HỮU THỈNH

Tôi đã được nghe nói về một Y Phương - Hứa Vĩnh Sước từ lâu, nhưng chỉ thực sự đọc anh trong cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983-1984. Trong cuộc thi này, hai bài thơ “Tên làng và Phòng tuyến Khâu Liêu của Y Phương được trao giải nhất. Đứng chung giải nhất với anh là Đoàn Minh Tuấn, một chiến sĩ tình nguyện đang chiến đấu ở Cămpuchia. Lúc đó, tôi làm trưởng Ban Thơ, và được giao trưởng Ban Sơ khảo của cuộc thi. Ở cả hai vòng sơ khảo và chung khảo, Y Phương đều được sự đồng thuận đánh giá cao nhất.

Ơi cái làng của mẹ sinh con
Có ngôi nhà xây bằng đá hộc
Có con đường trâu bò vàng đen đi kĩu kịt Có niềm vui lúa chín tràn trề
Có tình yêu tan thành tiếng thác
Vang lên trời
Vọng xuống đất
Cái tên làng Hiếu Lễ của con.

Trong các cuộc họp Sơ khảo và Chung khảo, tôi có nói rằng, chúng ta vui không chỉ vì có những bài thơ hay, mà vui nhất là chúng ta đã phát hiện ra một tác giả, nhà thơ Y Phương rồi sẽ đi xa. Vì sao tôi dám nói như vậy? Vì trước khi người ta phát hiện ra Y Phương thì anh đã làm một cuộc trường chinh rất gian khổ để phát hiện ra chính mình. Quá trình này, bắt đầu từ những năm học phổ thông với thầy giáo dạy văn là nhà thơ Nguyễn Thái Vận. Năm 1968, Y Phương nhập ngũ, sau đó đi B dài, vào tận R, cơ quan Bộ chỉ huy quân sự Miền. Sau chiến tranh, giải ngũ, làm thơ đăng báo nhiều nơi. Nhưng thơ anh khi đó vẫn loanh quanh đâu đó ở ngoài hành lang văn học. Y Phương quyết chí đi học Trường viết văn Nguyễn Du.

Ở đó, trước khi ra trường, anh bị một trận ốm thập tử nhất sinh, và may mắn qua khỏi do một thầy thuốc tình cờ. Nhờ vốn văn hóa mấy năm ở Trường Viết văn Nguyễn Du mà anh có cuộc phát hiện ấy. Tốt nghiệp Y Phương trở về quê, và chính ở cái làng Hiếu Lễ, thuộc huyện Trùng Khánh, Cao Bằng xa xôi ấy, Y Phương phát hiện ra chính mình: Trở về với dân tộc. Đấy là một phát hiện quyết định thay đổi hoàn toàn số phận của anh. Với quyết định ấy, nền thơ đương đại của chúng ta vui mừng đón nhận một tiếng nói mới, một giọng điệu mới, rất độc đáo, rất đặc sắc, đại diện ưu tú của văn hóa Tày.

Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt đỏ phừng
Thừa sức vác ông chồng chạy phăm phăm lên núi

Mùa hoa
Mùa đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ.

Rất Tày, không sao trộn lẫn được. Đọc Y Phương tôi luôn tự hỏi, tóm lại, anh hay nhất là điểm nào? Đóng góp quan trọng nhất của anh ở đâu? Và tôi tự trả lời. Hay nhất, đóng góp quan trọng nhất của Y Phương là anh đã tìm ra cách để trở thành một nhà thơ theo đúng nghĩa của nó. Khi đã có cái đó rồi, thì từng bài, từng tác phẩm chỉ là những mùa quả nối tiếp nhau trên một thân cây lớn. Tôi thán phục và trân trọng một người biết nâng niu, tan nhuyễn, thấm đẫm văn hóa của dân tộc mình, coi đó là thánh đường thiêng liêng nhất. Chỉ điều đó, và chỉ riêng điều đó mới làm nên nhân cách văn hóa của anh, làm nên đặc sản tâm hồn, đặc sản thơ ca của anh.

Ôi, một người tìm ra đường và đi đúng đường khi tuổi đời bước vào những năm tháng quan trọng nhất. Vào tuổi ấy, Y Phương đã trả lời mạch lạc và đầy tự tin câu hỏi: Anh là ai? Anh từ đâu đến, một câu hỏi sống còn của thơ ca. Ông F. Mayo, nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã nói rằng: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”. Khái niệm này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị Liên Chính phủ về các chính sách văn hóa tại Vơnidơ năm 1970 (Theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam).

Và khi đã được tắm trong cái biển văn hóa của dân tộc mình, Y Phương được nuôi dưỡng, được truyền cảm mãnh liệt để anh tha hồ vẫy vùng, tha hồ bay lượn trong một niềm cảm khoái bất tận, đến mức anh chỉ cần hạ một câu, viết một chữ, người ta cũng nhận ra anh ngay. Tìm ra cách để trở thành một thi sĩ theo một kiểu riêng là việc khó khăn nhất và cũng là vinh quang nhất của một người theo đuổi nghiệp thơ.

Nhưng đặc sắc không phải là đơn lẻ, đặc thù nhưng không dị biệt. Chính là anh càng đi đến tận cùng dân tộc anh thì anh lại bắt gặp cái mẫu số chung của cộng đồng các dân tộc khác. Y Phương là bông hoa đẹp của Trường Viết văn Nguyễn Du. Những năm học Trường Viết văn Nguyễn Du đã cho anh nhiều thứ. Một trong những thứ đó là, anh yêu văn hóa của dân tộc mình rồi đến lượt anh, anh lại phải biết làm giàu cho nền văn hóa ấy. Y Phương giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại theo cách của anh.

Dưới cấp tướng là cấp tá
Dưới cấp tá là cấp úy

Dưới cấp úy là binh nhất binh nhì
Dưới binh nhì là... chiếc ba lô
Chiếc ba lô bé nhỏ
Treo vách nhà
Đựng những ngày đẹp nhất đi xa

(Chiếc ba lô)

Vẫn là Y Phương, rất độc đáo nhưng rất hiện đại, một cấu trúc không thể chặt chẽ hơn. Một kết thúc đầy bất ngờ và gợi mở. Thơ Y Phương mỗi bài hay một vẻ, nhưng giống nhau là rất bất ngờ, rất giàu phát hiện. Phát hiện, phát hiện và phát hiện, đây là nơi thử tài cao thấp của một nhà thơ. Y Phương giỏi vì thơ ngắn và trường ca, anh đều giàu có về phát hiện.

... Khi cha mẹ đi rồi
Các con mình mồ côi
Khi tình yêu mất rồi
Những nụ hôn mồ côi

Mồ côi
Mồ côi
Ồ không sao Khi mặt trời rơi
Những đứa con của họ bắt đầu sáng lấp lánh
(Sáng lấp lánh)

Nhờ có nhiều phát hiện, thơ Y Phương liên tiếp mở ra nhiều chân trời. Tất cả những ưu điểm đó, dồn đúc lại trong trường ca Đò trăng.

 

Đò trăng lấy bối cảnh chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 làm điểm tựa. Anh không kể lại lịch sử mà làm sống lại lịch sử với sự chồng lấn của nhiều vùng hồi ức. Trường ca chia làm 24 chương, tác giả gọi là 24 khúc ca . Mỗi khúc ca có tên riêng. Những khúc ca ấy gắn kết nhau trong một cấu trúc liên hoàn thành một tổng thể hoàn chỉnh. Nhưng bạn có thể tháo ra, nếu muốn, để đọc nó trong cảm nhận mỗi khúc ca là một bài thơ hoàn chỉnh. Đây là một sự sáng tạo đáng chú ý.

Tôi dừng lại khá lâu ở khúc ca: Hành trình kiếm tìm. Đó là một cuộc khai quật đi tìm hài cốt của những người đã hy sinh trong chiến tranh. Pháp sư, hình ảnh quen thuộc của các thầy mo, dẫn đầu vào núi, cũng thực là đi vào cõi tâm linh. Tác giả dùng hình thức lặp lại ở các từ cuối câu như những tiếng dội lại của vách đá. Và cũng có thể xem như tiếng dội lại của quá khứ.

Họ lũ lượt đi qua vườn mía. Vườn mía
Qua vườn gừng. Vườn gừng
Đến cửa nắng. Cửa nắng
Lọt cửa gió. Cửa gió
Xuyên cửa trăng. Cửa trăng
Chạm sao sáng lung linh. Lung linh.

Rồi cuộc khai quật bắt đầu. Và hài cốt của chồng ta/ cháu ta/ em ta/ người làng xã ta/ của binh nhất binh nhì lần lượt hiện ra, tầng tầng lớp lớp. Và những nén hương đã được thắp lên gọi linh hồn những người chết nhập vào hài cốt của họ. Một lễ cải mả thiêng liêng, đau đớn, được tưới bằng nước mắt, được ru bằng bao nhiêu nức nở, nghẹn ngào. Và khúc ca được khép lại:

Trên thế giới này đầy người
Có ai đau khổ như mẹ tôi không
Trước mặt là biển Đông
Sóng trào lên nước mắt
Trên thế gian này đầy người
Có ai đau khổ như mẹ tôi không
Sau lưng
Dãy Trường Sơn
Là mộ phần của toàn dân tộc.

Một sự khái quát vô cùng táo bạo. Tác giả đã gọi đúng chất bi hùng của lịch sử. Hành trình kiếm tìm hài cốt biến thành một cuộc hành trình vĩ đại của lòng tri ân. Một khúc mở đầu mang tính lễ nghi làm sống lại những hy sinh, những chiến công bất diệt. Tiếp đó, các khúc ca được cấu trúc theo lối đan xen hài hòa giữa trục tung và trục hoành.

Trục tung là chiến dịch Hồ Chí Minh, trùng hoành là quê hương xứ xở, là những con người bằng xương bằng thịt, chìm nổi, khuất lấp, lồng lộng chiếu ánh trăng của hoài niệm. Dưới ánh trăng đó, sống chết đan xen vào nhau, quê hương và chiến trận đan xen vào nhau, bóng người mẹ đi cấy lấp lánh chen vào những vành mũ tai bèo đang tiến về Sài Gòn. Một hợp âm, một hợp cảnh, một hợp lực tạo nên sức mạnh và diện mạo của cả đất nước trong những ngày tháng 4 lịch sử. Trong những tháng năm ấy, những người lính mặt trận lại nghe tháy lời nhắn gửi từ quê nhà.

Dân tộc Tày của tôi lại nói
Hãy giữ mình như giữ lửa
Cứ ngồi ngay
Đừng sợ bóng người cong

Cái tài của nhà thơ là sử dụng những chi tiết nhỏ nhất để nói về những cái lớn nhất. Miêu tả sức mạnh vũ bão của đoàn quân tiến vào dinh Độc Lập, tác giả đưa ra hình ảnh một hạt bụi:

Anh đưa tay vuốt tóc
Làm những hạt bụi nâu bụi vàng
nhẹ nhàng rụng xuống
Những hạt bụi từ Trảng Bom
Trảng Bàng
Nước Trong
Hố Nai
Những hạt bụi hành quân
Ban đêm không ngủ
Ban ngày không nghỉ
Bây giờ những hạt bụi kia soi vào mắt ai

Người ấy co rúm lại.

Y Phương viết về tình cảm của mẹ, cũng là của hậu phương thông qua một chi tiết rất cảm động.

Cố đợi con mẹ nhé
Mẹ đừng lần tìm trong rương chiếc áo cũ

Những chiếc áo từ ngày xửa ngày xưa
Ngày con đi học

Mẹ đừng ngửi
Mẹ đừng đắp
Con xin mẹ
Làm như thế thì mẹ lại nhớ
Mẹ bảo
Mẹ chỉ choàng chiếc áo hong hơi con thôi

Ở nơi xa
Con hãy nhìn và thầm gọi chiếc áo này

Chiếc áo có hằng hà thần linh sức mạnh
Nó sẽ che chở cho con
Bom đạn sẽ bay đi chỗ khác

Cũng vẫn một trái tim thổn thức như thế, ngòi bút trữ tình của tác giả lặn tới đáy nỗi dày vò thầm kín của những người vợ xa chồng. Đó là nỗi dày vò cháy bỏng về hạnh phúc thân xác vô cùng chính đáng và bình thường như một nhu cầu có thật của đời sống. Ai bảo những đêm dày vò ấy, những nén chịu nghiêng giường nghiêng chiếu ấy không phải là sự hy sinh?

Đêm đêm
Biết bao người đoan trang xõa tóc
co chân nằm ngửa
Than thở nhìn trời
Đàn ông đâu hết cả rồi

Này! Nàng trăng biết không
Em ba mươi bốn năm vẫn trinh
Chưa biết hơi thở nóng
Buồn buồn bò lên gáy

Đò trăng là trường ca về tình yêu Tổ quốc. Đó là một trong những trường ca thành công sau chiến tranh. Y Phương biết khai thác những thế mạnh của mình, để tạo nên một tổng phổ đặc sản, một sức vóc vạm vỡ, những gửi gắm sâu xa, mang đậm bản sắc Tày. Kế thừa và phát huy bản sắc Tày chính là hành động “đục đá kê cao quê hương” như anh đã viết trong bài thơ Nói với con.

Hà Nội, ngày 10/8/2020

  

(Nguồn: Thời báo Văn Học Nghệ Thuật)