Thơ Thanh Thảo là thứ thơ nguyên chất, Có tư tưởng, nhiều biến hóa. Anh bám các sự kiện rất giỏi và giỏi hơn là đồng cảm, trân trọng, bảo vệ những con người bình thường nhất. Người làm thơ ai mà chả đa cảm. Thanh Thảo đa cảm với những gì căn cốt, sinh tử với đời sống. Anh theo đuổi không mệt mỏi các giá trị gốc

 

THANH THẢO - NGƯỜI ĐEM ĐẾN NHỮNG GIÁ TRỊ BỔ SUNG

HỮU THỈNH

Năm 1974, Tạp chí Tác Phẩm Mới của Hội Nhà văn Việt Nam đăng chùm thơ 13 bài của Thanh Thảo với lời giới thiệu của Chế Lan Viên. Những thi phẩm mới nhất mang nhãn hiệu “từ miền Nam gửi ra” này nhanh chóng chiếm được sự chú ý của các bạn đồng nghiệp và công chúng yêu thơ. Đó là những ngày Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết chưa lâu, Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh không quân tàn khốc chống miền Bắc.

Người ta nhẹ nhõm cởi chiếc mũ rơm và tấm áo ngụy trang để đón mừng những ngày hòa bình đầu tiên, dù chiến trường miền Nam vẫn khốc liệt. Giới văn học có một niềm vui kép. Thanh Thảo đâu có tính được cho mình một kiểu xuất hiện quá hên đến như vậy. Trước anh và sau anh, cũng có nhiều người được biết đến, được khen ngợi, trong một cuộc thi văn chương theo kiểu đội hình.

Sau này họ sẽ phải rất vất vả vươn ra khỏi dàn đồng ca. Còn Thanh Thảo giống như một số trường hợp khác, ngay từ lúc đầu đã xuất hiện theo kiểu một tác giả. Người ta mừng cho anh, cho cả nền thơ chung. Tuy vậy trong niềm vui cũng đeo đẳng một câu hỏi: Rồi đây, chàng trai mới 28 tuổi này sẽ tiếp tục tự vượt mình như thế nào?

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì nước chảy qua cầu đã được 45 năm kể từ cái ngày Thanh Thảo trình xuất trên sân khấu thơ quá ngoạn mục. Trong gần nửa thế kỷ ấy cái gì đã xảy ra? Và sức khỏe thơ của anh thế nào? Mười sáu tập trường ca, sáu tập thơ ngắn. Khá nhiều giải thưởng mà giải thưởng cao nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I. Rồi bao nhiêu những bài báo, những bài bình luận bóng đá rất có thẩm quyền. Ngần ấy thứ đủ để không làm thất vọng những người yêu quý anh.

Như thường lệ, tôi đọc Thanh Thảo với thói quen đọc thơ hàng ngày: Đọc ngược văn bản. Nghĩa là, qua thơ, tôi đi tìm tác giả. Hồi này anh đang quan tâm đến vấn đề gì? Cuộc sống? Tâm hồn? Nghệ thuật? Và sau cùng là ấn tượng mà anh để lại cho người đọc? Lời đáp từ những câu hỏi đó giúp ta hiểu hành trình thơ của tác giả.

Về Thanh Thảo, ta còn có thể bàn dài dài, còn câu chuyện hôm nay là tuyển tập những bài thơ ngắn với cái tên “Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ”, dày hơn 200 trang với tương tự ngần ấy bài thơ vắt qua nhiều năm tháng.

Đây là những bài thơ ngắn anh viết trong khoảng 10 năm từ 1990 đến 1999, khép lại thế kỷ XX, thế kỷ dồn dập những cơn bão lịch sử. Hầu hết trong số đó đã được đăng báo, nay tập hợp lại cho ta một cách nhìn tổng quát về những nấc thang tâm trạng của anh trong một thời đoạn nhiều chấn động lớn lao mà các sử gia còn phải tốn nhiều giấy mực.

Thật táo gan cho nhà thơ khi viết:

Những thanh gươm, yên ngựa
giờ đã cũ mèm rồi
bài ca của chúng tôi
là bài ca ống cóng

Khẩu khí có vẻ cực đoan nhưng tình yêu thế hệ, trách nhiệm thế hệ lại khiến chúng ta cảm động và hy vọng. Đây không phải là câu chuyện tự làm khó cho mình, mà thực sự là một người có đủ tự tin. Không biết niềm tin người lính hay niềm tin thơ ca, cái nào là quyết định cho một tuyên ngôn nghệ thuật như thế ?

Tôi cho là cả hai. Thơ Thanh Thảo là thứ thơ nguyên chất, Có tư tưởng, nhiều biến hóa. Anh bám các sự kiện rất giỏi và giỏi hơn là đồng cảm, trân trọng, bảo vệ những con người bình thường nhất. Người làm thơ ai mà chả đa cảm. Thanh Thảo đa cảm với những gì căn cốt, sinh tử với đời sống. Anh theo đuổi không mệt mỏi các giá trị gốc. Trong bài thơ tặng Trần Vàng Sao, anh viết:

Em hiện lên
từ những chất liệu tối giản (Thơ)

Vâng, tối giản, tên gọi khác của hàm xúc. Một câu thơ như để tác giả tự nói về mình. Trường ca của anh tối giản, thơ ngắn tối giản; thơ cực ngắn càng tối giản. Vì nguyên chất mà tối giản. Vì tối giản mà làm nên nguyên chất. Ngày xưa, tôi thích những câu thơ của anh đẹp một cách tài hoa:

- Có những chiếc áo
sống lâu hơn một cuộc đời

- Xin mẹ cứ nhai trầu cho buổi chiều yên tĩnh

- Với xương rồng họ tìm cách nở hoa

Những câu thơ ấy bây giờ vẫn hay, vẫn còn mới, vẫn rung động. Dần dà, Thanh Thảo theo đuổi một vẻ đẹp khác, đó là phát hiện, là suy tưởng. Cái khác giai đoạn đầu là anh có ý thức ghìm bớt sự nồng nàn cảm tính để theo đuổi và làm bật lên những vẻ đẹp lý tính. Rất nhiều bài thơ của anh được mở đầu một cách bộc phát, phóng vụt như thể nó đã được ủ nén từ lâu.

Anh nhanh chóng tạo ra một trường cảm, rồi mời gọi chúng ta. Thơ anh càng về sau càng nhiều ngẫu hứng với những động từ mạnh, những mảng màu chói gắt nhưng lại cũng rất nhiều khoảng lặng. Những khoảng lặng vì có nhiều khoảng trống. Thơ Thanh Thảo ngày càng phức hợp, nhiều hợp âm, nhiều liên tưởng bất ngờ, mở ra một không gian thẩm mỹ thoáng rộng.

Đó là một bước phát triển đáng ghi nhận. Thanh Thảo vì có tư tưởng mà trở nên phong phú, anh dấn thân vào mọi đề tài, mọi lĩnh vực cuộc sống, thứ nào cũng say mê, cũng cuốn hút như thứ nào. Chẳng hạn bóng đá, môn thể thao giải trí nhất hành tinh, anh viết đi viết lại nhiều lần, mỗi lần lại có một cái gì đó. Thanh Thảo thiết kế đường ban khá lắt léo, chính xác để cuối cùng đi đến cú sút quyết định:

tự trọng là kính trọng tương lai
và để tương lai kính trọng mình

Vì chỉ có tư tưởng, văn học nói chung và thơ ca nói riêng mới được coi là “một thứ triết học pha loãng” như một triết gia phương Tây đã nhận xét. Vì có tư tưởng nên mọi đề tài với anh chỉ còn là những cuộc gặpgỡngẫu nhiên. Những tài năng thực sự đều biết cách tìm ra cái tất yếu xuyên qua vô vàn những cái ngẫu nhiên ấy. Chẳnghạn uống bia, Thanh Thảo khá nhiều lần nhắc đến bia và có hẳn một bài thơ khá hay.

bia hơi
nơi anh gặp những người anh chưa gặp
nơi anh nhức đầu về thế tục
nơi anh nhức đầu về toàn cục
nơi anh nhức đầu vì
bia hơi
khoảng sân trống dành cho toàn nhân loại
(Bia hơi)

Với cảm thức nhân thế sâu đậm, Thanh Thảo rất có ý thức đào sâu vào bản thể, vừa lắng nghe mình, vừa tự phát hiện lại cái tôi lăn lóc trong trải nghiệm. Vì cái tôi lăn lóc ấy mà những triết luận vụt lóe lên đâu đó thật tự nhiên. Anh vừa làm ta bất ngờ lại vừa thú vị cảm thấy cái điều anh đem đến hôm nay hình như đã có lần làm ta váng vất đâu đó, nhưng ta bất lực, còn Thanh Thảo thì thanh thoát tiếng tơ. Nhà thơ trở nên cần thiết sắm vai một nhạc trưởng:

Tôi đặt tay vào cành cây
tin cậy
như vai một người bạn
cùng im lặng lớn lên, suy nghĩ

Trong nhiều con đường thành đạt
tự nâng mình tỏa mình như bóng mát
cũng là một con đường

có sự trong trắng bẩm sinh
có sự trong trắng qua đớn đau chà xát
có lòng tốt nhằm chứng minh
có lòng tốt quên mình như bóng mát

(Bài tập từ hai chủ đề)

Cấu trúc trong nhiều bài thơ của Thanh Thảo gây cho tôi cái cảm giác: Lúc đầu là một trái cây, tiếp sau là một trái banh, sau cùng là một quả nổ. Quả nổ nghệ thuật. Khi tứ thơ được đẩy tới cao trào, khi khả năng phát hiện đã được tích đầy, bơm căng, tạo thành một vụ nổ phát sáng bừng lóe, một cú sút thẩm mỹ. Anh có đủ tài năng để trình diễn nó như một sinh mệnh nghệ thuật, tức là một thực thể, một sự sống, để tác động vào ta nguyên khối.

Con lại về nhà thây má
cây mai mới trông bật hoa
như mắt nắng lạc giữa vùng lụt bão
như mắt má
đăm đăm góc vườn
trong veo màu vú sữa

...Con lặng như cây dừa
không hiểu sao mình đậu quả

Nói không hiểu mà thực là rất hiểu. Câu thơ thu vào, tự soi chiếu trước biết bao cái cao cả của đời sống. Một cách tôn vinh thành thực và cảm động.

Tôi dẫn ra hơi dài, chỉ để nói Thanh Thảo là một nhà thơ có tiềm năng, luôn luôn cảnh giác với những lối mòn. Là một nhà thơ có tư tưởng, anh cần mẫn đi tìm mảnh đất nuôi dưỡng nó. Đó là đời sống. Cũng có thể xem như đi tìm nơi cắm cọc cho sợi dây diều. Và anh đã có nhiều vụ gặt. Trong cuộc hành hương này anh liên tục hóa thân, để phát huy cái vạn năng của tâm hồn, để nhập thân với những cảnh đời, những lầy lội, những vâm váp mặn mòi mà đời sống chỉ ưu ái cho những ai giàu trắc ẩn.

Anh viết về những chuyến tàu kiếm sống thời bao cấp, về những người lao động ở Liên Xô, ở I-rắc, về trận lụt khủng khiếp cuối năm 1990, 1991, về em bé bán vé số, về những bà má, về đồng đội. Với mảng đề tài này anh chọn cách tiếp cận khác. Không tượng trưng, siêu thực, hỗn độn, mờ chồng, tân hình thức gì cả. Thậm chí, anh dấu cả mình đi, để cho chính sự sống lên tiếng.

Anh chọn sự chân thành làm nghệ thuật cao nhất. Có những bài thơ bề bộn, đan xen nhiều mảng tối sáng, mang dáng vẻ một bút ký thơ. Bài thơ có thể dài ra, nhưng từng câu từng chữ vẫn theo nguyên tắc tối giản. Tự nhiên hơn, vì vậy mà cảm động hơn. Một người hay nói đến bóng đá, đến bia, nhưng đặc biệt nhạy cảm với những gì khuất lấp, chịu đựng, hy sinh. Anh chống lại sự xa xỉ thơ, dửng dưng, vô cảm. Những ai lam lũ, thầm lặng, nguyên chất, sẽ tìm thấy nhà thơ của mình. Anh viết về cơn bão lịch sử:

- ngọn bấc đi cùng kiệt con đường
thổi khô dính mảng bùn trên lưng mẹ
thổi buốt rát những lều tranh hoang phế
thổi định hình cơn bão dữ mùa thu

trườn qua được ba mùa vật vã
tôi thu mình theo kiểu một chồi non

(Mùa đông 1989)

Đúng chất của Thanh Thảo. Thơ anh ít thán từ, thán từ rất “nguy hiểm” vì nó dễ dẫn đến trống rỗng. Khi nào cái cảm và cái nghĩ của anh đạt đến độ nhuần nhuyễn thì câu thơ có sức ám ảnh lạ lùng. Lại một trận bão khác:

giữa bao nhiêu số phận đắm chìm
nối một bàn tay như cánh chim đơn độc
bàn tay ấy buông rời năm Chín mốt
năm đảo điên tan nát nhọc nhằn
bàn tay ấy cố vói lên lần chót
quờ chiếc phao cứu mạng của mùa xuân

Là người có tiên thiện mạnh mẽ, Thanh Thảo sớm có cách nhìn riêng, những suy nghĩ độc lập về đổi mới thơ. “Bài ca ống cóng” của lính là bài ca của người trong cuộc, trải nghiệm trực tiếp với mọi thử thách hiểm nghèo trong chiến tranh. Xù xì, gai góc, vạm vỡ, nhưng không dễ dãi. Sợ nhất là dễ dãi. Một nhà thơ có đời sống, có trải nghiệm, có gốc rễ, quan niệm về nghệ thuật sẽ nghiêm túc hơn mọi sự vồ vập của lạ, pha trộn sống sít.

Ai dám bảo Thanh Thảo không chịu tìm và có lúc anh đã thử theo các trường phái này nọ và khi nào anh cố làm điều đó thì không mấy thành công. Thanh Thảo biết rõ điều đó. Rồi anh lặng lẽ lắng nghe dư âm, lắng nghe tiếng dội lại của nó, để tự điều chỉnh. Điều chỉnh đối với anh là trở lại chính mình. Thơ anh trực diện với những khắc khoải nội tâm nhiều cung bậc. Đây là lúc ta có thể cảm nhận trực tiếp thế giới nội tâm thầm kín của anh:

ngày trẻ
tôi tiêu những ngày của mình như mưa xuống cát
bây giờ tôi dè sẻn từng chiếc lá
trên cành
cái hộp diêm nhốt dế than tôi nhốt
chút hơi ấm mùa đông chút gió mát mùa hè
chiếc hộp diêm sơn mờ nhãn hiệu

(Khúc chậm 2000)

Anh trở về tuổi nhỏ của anh, tự nhiên thoải mái, mà sao ta thấy anh đang nói hộ chúng ta một điều gì. Dè sẻn từng ngày sống “như dè sẻn từng chiếc lá”, một tâm sự xúc động. Và nó nói với chúng ta rất nhiều về anh. Nó giúp ta nhận ra cuộc sống tâm hồn của anh, ở chiều sâu. Rất riêng tư mà lại tham gia vào số đông, vì nó gợi thức.

Nhiều khi, ta bắt gặp những bài thơ của anh mang nhu cái tên rất trừu tượng, như Đơn giản, Dao động sóng, Thời khắc, Trụ lại, Xanh, Rời rạc, Đong đưa, Bài tập từ hai chủ đề... tự nhiên cả ra cái ý nghĩ lo lắng cho anh, không biết anh xoay xở với nó ra sao. Làm xiếc chăng? Không. Anh không thích đánh quả tù mù. Ngay cả những trường hợp tưởng rất “tù mù” này, anh lại kéo chúng ta gần với đời sống hơn nữa. Và vì vậy mà gần với tâm hồn anh hơn nữa. Chẳng hạn bài Dao động sóng:

đuổi theo tôi những giấc mơ buồn
hiện lên gương mặt mẹ già khuất bóng

suốt đời tôi hai bóng cây an ủi
những dấu chân nào còn lại
đường làng
ánh mắt nào mưa đã xóa đi
đăm đắm mọc những vệt sao bé nhỏ
trên vạch ngang chia lìa hai nỗi khổ
mùi khói thơm cay bếp nhà ta
trong khu vườn lá chuối xanh đẫm
còn đâu đây hôm sớm vào ra

Trong những trường hợp thành thực nhất, Thanh Thảo làm ta mất thăng bằng, không yên ổn. Đúng như anh nói, Vòng xích thời gian nghiệt ngã làm sao quay ngược. Làm sao? Bất lực. Tưởng là bất lực. Ấy vậy mà anh đã vượt qua, ít nhất là đối với tôi. Với đoạn thơ trên, chúng ta cùng nhau “vặn” lại chiều kim thời gian của mình với trập trùng những khúc hồi tưởng như không có điểm dừng. Chỉ một câu “còn đâu đây hôm sớm vào ra”, viết như không vậy, mà làm tôi nhói đau, buồn bã nhớ đến mẹ. Nhớ lại tức là sống lại. Thơ làm cho chúng ta tái sinh. Văn học có khả năng hơn hết giúp ta làm được việc khó khăn này.

Có một dạo, chúng ta đặt ra câu hỏi Thơ cần hướng nội hay hướng ngoại? Bàn tán mãi, không tới hồi kết. Nói đúng hơn hồi kết nhường lại cho những bài thơ hay. Có thơ hay là có lời giải đáp cho tất cả. Nhưng quy luật tiếp nhận thật lạ lùng, càng gặp thơ hay, người ta lại càng khao khát những cái hay khác nữa. Cơn khát thẩm mỹ là vô tận. Thanh Thảo nói về thơ, theo cách riêng của anh:

tự do không phải món ăn đắt tiền
nhiều khi nó chỉ là trái bắp nấu
trên bảng tổng sắp các giá trị
thơ xếp hạng sau cùng
như một trái bắp nấu
như tự do

(Không đề)

Tập thơ mang tính tuyển sớm này, chỉ là một góc nhỏ trong tổng thành của Thanh Thảo. Là người dõi theo anh một cách nghiêm nhặt nhất, vì tất cả những gì đã làm nên sự gắn kết đặc biệt, tôi phải thành thực nói rằng, mỗi lần anh đưa ra một cái gì, là một lần tôi phát hiện ra anh có một cái gì đó. Cái gì đó, khá trừu tượng, chỉ những ai lặn thật sâu vào nghề, mới cảm thấy hết được. Thanh Thảo luôn luôn mới.

Đương nhiên, những gì ta thử bước vào, thử đụng tới, thử gặp gỡ hôm nay, còn có thể còn cần bàn thảo nhiều nữa, nhiều thứ để bàn, thậm chí để tranh luận. Nhưng rút cuộc, anh là một người khách lạ đến từ một chân trời tạm. Con người ấy không chịu dừng ở đâu lâu. Một hành trình thơ đang tiếp diễn. Một người thơ có khả năng đem đến những giá trị bổ sung.

 

 

Nguồn: Thời báo Văn Học Nghệ Thuật