Nếu để các thế hệ con em chúng ta đánh mất lòng ái quốc thì sẽ có thể lại đối diện với nguy cơ mất nước. Sau cả trăm năm tranh đấu, nay đất nước đã đứng lên được rồi. Đừng mất cảnh giác để lọt vào quỹ đạo của thù trong giặc ngoài, không khéo đất nước lại phải… ngồi xuống một phen nữa đấy!
Tiểu sử
Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Thân phụ là ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa chở khách. Mẹ là bà Nguyễn Thị Đậu, buôn bán bún bì chả tại chợ Đất Đỏ. Từ nhỏ chị đã phụ giúp cha mẹ để mưu sinh. Sau khi quân Pháp tái chiếm vùng Đất Đỏ vào cuối năm 1945, các anh trai của chị đã thoát ly theo kháng chiến. Chị phải bỏ dở việc học, ở nhà giúp mẹ cha kiếm sống và bí mật tiếp tế cho các anh. Năm 1946, chị theo anh trai là Võ Văn Me vào khu kháng chiến, làm liên lạc viên. Năm 1947, chị chính thức được kết nạp vào đội công tác võ trang tuyên truyền. Từ đó, chị tham gia chiến đấu, lập nhiều thành tích – đặc biệt là trận tập kích bằng lựu đạn nhắm vào bọn giặc Pháp và Việt gian tại lễ đài kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 năm 1949 tại Đất Đỏ. Theo trang thông tin của huyện Đất Đỏ, thì vào tháng 12 năm 1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị bị quân Pháp bắt được. Sau khi bị bắt, chị lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa và khám Chí Hòa. Sau cùng chị bị giặc đưa ra Côn Đảo để thi hành án tử hình vào sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952. Lúc ấy chị vừa mới qua tuổi 18. Chị là nữ tù nhân đầu tiên, duy nhất bị đưa ra Côn Đảo và bị xử tử trong thời kháng chiến chống Pháp.
Sau khi hy sinh, chị Sáu được chôn ở nghĩa trang Hàng Dương. Suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mộ Võ Thị Sáu được các thế hệ tù nhân yêu nước ở Côn Đảo – kể cả một số thường phạm và viên chức quản lý nhà tù Côn Đảo tìm cách bảo vệ, chăm sóc nhang khói. Đặc biệt có viên Thiếu tá Tăng Tư, chúa đảo từ năm 1963-1964 đã bỏ tiền túi về Chợ Lớn làm một cái bia bằng xi măng, đem ra Côn Đảo dựng trên mộ chị Sáu.
Tấm gương chiến đấu của chị Võ Thị Sáu đã được tôn vinh như một biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Tên của chị Võ Thị Sáu đã được đặt cho nhiều con đường, ngôi trường, công viên, tên Đoàn, tên Đội, tên quỹ học bổng… trên nhiều tỉnh thành trong nước. Tuổi thanh xuân ngắn ngủi và bi hùng của chị là nguồn cảm xúc sáng tác và biểu diễn của nhiều văn nghệ sĩ cách mạng trong các lãnh vực thơ, văn, ca nhạc, sân khấu, điện ảnh.
Năm 1993, Liệt sĩ Võ Thị Sáu được Chủ tịch Lê Đức Anh thay mặt nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng võ trang nhân dân.
Xàm ngôn và phản biện
Theo thông tin từ một số trang mạng lưu hành lâu nay thì vào khoảng đầu năm 2017, một nhóm trí thức văn nghệ sĩ tập họp ở quán Cà phê Sỏi Đá trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3 – TP. Hồ Chí Minh để thực hiện một video clip có nội dung vu khống, phỉ báng chị Võ Thị Sáu nhằm phục vụ ý đồ chính trị của họ. Chủ trì buổi họp là nhà văn lão thành Nguyên Ngọc. Đạo diễn, kiêm quay phim là Ts. Nguyễn Quang A. Diễn viên chính là nhà thơ Nguyễn Duy cùng một số diễn viên phụ khác – tôi mạn phép gọi họ là “Nhóm Sỏi Đá”. Họ đều là những nhân vật đã được chú ý từ lâu qua các hoạt động văn hóa chính trị tự phát như việc thành lập Viện Phan Châu Trinh, Văn đoàn độc lập, hứa hẹn trao giải thưởng Văn Việt tại dinh “Độc Lập” vào năm 2018… Riêng trong bài này, tôi chỉ nói về việc họ làm nhục chị Võ Thị Sáu và xin nói ngay rằng về việc này họ đã sai – hoàn toàn sai. Tuy chuyện xảy ra đã khá lâu nhưng cái video clip của họ vẫn còn lưu hành trong và ngoài nước gây bức xúc trong dư luận và tính chất nguy hiểm, độc hại của nó vẫn đang chạy nọc trên mạng nên tôi thấy cần phải tiếp tục lên tiếng làm rõ cái sai của nhóm Sỏi Đá ấy để góp phần bảo vệ tâm hồn trong sáng của con em mình, nhất là các thế hệ học sinh ở những ngôi trường mang tên Võ Thị Sáu.
Chị Võ Thị Sáu không thể là “một con điên”
Trong clip, ông Nguyễn Duy dựa vào lời nói của vài nhân chứng, chủ yếu là bà đầm lai BéBê nào đó rồi la lối rằng chị Võ Thị Sáu bị chập, bị khùng. Từ đó một số kẻ phụ họa nào: Lật tẩy huyền thoại Võ Thị Sáu; Té ra lâu nay người ta đã tôn sùng một con điên…
Nên nhớ rằng những ai đã hoạt động cách mạng (hoặc hoạt động chống phá cách mạng) đều phải tuân thủ nguyên tắc gọi là 5 bước công tác tuần tự như sau: 1. Điều tra, tìm hiểu đối tượng; 2. Tuyên truyền, giáo dục lý tưởng; 3. Vận động, kết nạp vào tổ chức; 4. Huấn luyện kỹ năng; 5. Giao công tác cụ thể. Đặc biệt là muốn kết nạp ai vào tổ chức, hoạt động vũ trang bí mật ở vùng địch hậu lại càng phải tuân thủ nghiêm nhặt nguyên tắc 5 bước này nếu không có thể phải trả giá đắt. Nếu chị Sáu là một cô bé có biểu hiện tâm thần thì ngay trong bước đầu tiên (điều tra, tìm hiểu) đã bị tổ chức từ chối. Chị Sáu có mấy ông anh ruột đã thoát ly, tham gia cách mạng. Chính họ đã giới thiệu và kết nạp chị Sáu vào tổ chức vũ trang. Có lẽ nào những ông anh ấy, biết em gái mình bị khùng điên mà lại kết nạp vào tổ chức và giao lựu đạn cho Sáu đi ném chỗ này chỗ khác? Một con bé khùng điên thì đừng nói làm cách mạng, đến chơi nhảy dây, nhảy lò cò cũng bị con nít cho ra rìa ngay.
Chị Võ Thị Sáu không hề ném lựu đạn vào chợ làm hại người dân vô tội
Lại vẫn theo bà đầm lai Bé Bê thì Võ Thị Sáu tính ném lựu đạn giết bà ta nhưng hôm ấy bà ta không có mặt nên chị Sáu đã ném lựu đạn vào chợ làm bị thương nhiều người. Lại thêm một chuyện vô lý. Bởi vì nếu chưa phát hiện được mục tiêu thì đơn giản là không ném lựu đạn, chờ dịp khác chứ việc gì phải ném vào chợ? Nên nhớ vào những năm đầu kháng chiến, vũ khí đạn dược quí như vàng, không thể tùy tiện sử dụng vào mục tiêu không chính đáng. Điều quan trọng hơn là trong khu chợ nhỏ ở làng quê này còn có mẹ của chị Sáu hằng ngày buôn bán. Chị Sáu từng có thời gian phụ mẹ buôn bán bưng bê, ắt là quen biết thân thiện với không ít bà con trong chợ. Chẳng lẽ chị Sáu ném bừa lựu đạn vào chợ mà không sợ làm sát thương mẹ và những người quen thân của mình?
Khoảng 6 tháng sau ngày giải phóng 30.4.75, tôi có dịp ra Côn Đảo để làm một phim tài liệu nhan đề “Nhìn lại Côn Đảo” do Xí nghiệp Phim Tổng hợp sản xuất. Lúc ấy ở Côn Đảo còn rất nhiều cựu tù chính trị tình nguyện ở lại đảo làm công tác quản lý và khá nhiều gia đình viên chức chế độ cũ tiếp tục sinh sống. Bằng nhiều cách tìm hiểu, tôi đã được biết nhiều chuyện nhưng không có chuyện nào nói chị Sáu điên khùng, giết dân.
Năm 1998, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản công trình sách dày hơn 1.100 trang giấy cỡ A4 nhan đề “Côn Đảo – Ký sự và tư liệu”. Để thực hiện nội dung quyển sách này, bản thân tôi – (Lúc bấy giờ đã chuyển sang công tác ở NXB Trẻ) đã dành cả tháng trời để đọc kho tư liệu được đưa từ Côn Đảo vào lưu trữ ở Bạch Dinh (Vũng Tàu). Tôi đã đọc tài liệu của những người cựu tù Côn Đảo thuộc các đảng phái quốc gia không cộng sản, của một tác giả Pháp là Jean Demariaux, của tù thường phạm Sơn Vương, các luận án tiến sĩ về Côn Đảo của Nguyễn Minh Triết, Lê Hữu Phước, Nguyễn Thế Anh viết trước năm 1975 và cả hồi ký của vài viên chúa đảo thuộc chính quyền Sài Gòn. Tôi cũng đọc những bản tờ trình nguyệt để (báo cáo cuối tháng) của các chúa đảo người Pháp và người Việt. Danh mục những tài liệu nguồn ấy được liệt kê ở phần cuối sách từ trang 1.069 đến trang 1.096. Nếu cần, có thể tra khảo để thấy rằng không hề có tài liệu nào nói Võ Thị Sáu mắc bệnh điên khùng và ném lựu đạn vào chợ để giết dân.
Trong phiên tòa án binh xử Võ Thị Sáu vào tháng 4 năm 1950, tội danh của chị Sáu đã được khẳng định: Làm chết một sĩ quan Pháp và 23 người Việt cộng tác với Pháp. Nếu có thêm tội danh ném lựu đạn vào chợ để giết dân thường, lẽ nào tòa án của giặc lại bỏ qua tội ác này?
Có thể nói hầu hết những lời lẽ tệ hại nhất mà nhóm Sỏi Đá gán cho chị Sáu đều dựa trên nhân chứng là bà BéBê của Nguyễn Duy. Bà này có cha là người Pháp, mẹ là người Hoa. Công việc của bà thuở ấy là hằng ngày tiếp tế cho đồn bót của Pháp ở vùng Đất Đỏ. Rõ ràng là bà ta là người thuộc tuyến thân cận nhất với kẻ thù và nếu nghi rằng chị Sáu muốn ném lựu đạn giết bà thì đương nhiên bà ta coi chị Sáu là kẻ thù số một của mình. Để làm nhẹ cái lý lịch ngụy tặc của BéBê, nhóm Sỏi Đá nhấn mạnh chi tiết: bà từng về Việt Nam làm từ thiện lớn ở địa phương. Tuy nhiên, thời buổi bây giờ xin hãy cảnh giác với những nhà từ thiện. Có nhà chùa mượn danh từ thiện để mua bán trẻ con kiếm lời. Có đại gia từ Mỹ về nước bỏ ra cả trăm tỉ xây nhà tình thương tặng các địa phương để dọn đường làm ăn, nhưng khi trở về Mỹ lại tiếp tục chống Cộng ồn ào như cũ. Những cái mác “đại thiện nhân” ấy chưa nói lên được gì nhiều đâu. Không biết bà BéBê ấy làm từ thiện lớn đến cỡ nào mà sau vài chuyến đi về đã tìm được người trả thù rửa hận cho mình. Phải chăng: Vai mang bị bạc lè kè / Nói quấy nói quá chúng nghe ầm ầm!
Đâu là sự thực?
Từ trước đến nay có rất nhiều chuyện kể về chị Sáu ở Côn Đảo. Nào là trên đường ra pháp trường, chị Sáu vừa đi vừa hái một bông hoa cài lên mái tóc. Những lời chị mắng kẻ thù. Chị cất cao tiếng hát trước giờ bị bắn… Một số cựu tù, nhất là giới thường phạm và nhân viên coi tù thường kể những câu chuyện sau khi chết chị Sáu hiển linh… Nhóm Sỏi Đá cho rằng tất cả chuyện nói trên đều là bịa đặt. Do đó sau khi kết thúc phần luận tội, đến phần cao trào họ xách búa xúm nhau đập phá một bức tượng nhỏ nào đấy, coi là tượng Võ Thị Sáu. (Nếu tôi nhớ không lầm thì đã có lần xem thấy cảnh đập phá trong clip này nhưng gần đây tìm lại thì không thấy những hình ảnh ấy. Có lẽ ai đó đã cắt xén đi chăng?).
Vâng. Cứ tạm cho rằng những chuyện nói trên đều không có thật thì đó là do những người còn sống bày vẽ ra chứ chị Sáu có tội lỗi gì? Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… vốn có thói quen thêm mắm dặm muối. Có thể vì họ thương cảm và kính phục chị Sáu mà thêm cho chị một cánh hoa, một lời hát trước giờ phút cuối cùng để cái chết của người thiếu nữ ấy không quá bi thảm. Trong thời chiến, có ca khúc “Trên đường diệt Mỹ” của nhạc sĩ Lê Bách với ca từ: “Vui sao con đường đi đánh Mỹ. Như trẫy hội mùa Xuân, nghìn năm có một lần”… Ai cũng biết rằng con đường ấy không hề vui đến thế, nhưng đôi khi cũng cần một chút lạc quan cách mạng để nâng bước ta tiến về phía trước. Nếu là người biết đọc, biết viết, và biết phê bình văn học thì phải hiểu rằng đây chỉ là chút quyền hư cấu trong sáng tác, khác với sự nói dối vì mục đích xấu. Trong lịch sử Việt Nam có sự tích Thánh Gióng kể toàn những chuyện hoang đường như cậu bé 3 tuổi vươn vai lớn dậy, cỡi ngựa sắt phun lửa… Người ta gọi đó là huyền thoại để tô điểm lịch sử nhằm xây dựng niềm tự hào và tự tin của dân tộc trước kẻ thù có tầm vóc to lớn hơn mình. Chắc chắn không ai tin những chuyện đó là có thật nhưng cũng chưa bao giờ thấy có hạng người manh động dám vác búa đi đập tượng Thánh Gióng như kiểu anh chàng Herostratus đốt đền thờ Nữ thần Athena trong thần thoại Hy Lạp hay như nhóm Sỏi Đá hành hung chị Võ Thị Sáu.
Và cho dù gạt bỏ tất cả phần huyền thoại ấy ra thì vẫn còn lại một sự thật không thể chối cãi: Võ Thị Sáu là một thiếu nữ đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc. Đó là một người yêu nước. Nhà văn Nguyên Ngọc từng là Chủ tịch Hội đồng Viện Phan Châu Trinh hẵn không thể không biết đến lời kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào tham dự lễ tang Phan Châu Trinh đăng trên các báo ở ba miền Bắc Trung Nam nước ta vào ngày 24.3.1926: “Một dân tộc nào mà không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc”.
Nếu để các thế hệ con em chúng ta đánh mất lòng ái quốc thì sẽ có thể lại đối diện với nguy cơ mất nước. Sau cả trăm năm tranh đấu, nay đất nước đã đứng lên được rồi. Đừng mất cảnh giác để lọt vào quỹ đạo của thù trong giặc ngoài, không khéo đất nước lại phải… ngồi xuống một phen nữa đấy các bác ạ!
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
(Nguồn: Văn Nghệ TPHCM)