Bất cứ một dân tộc nào còn mang món nợ tinh thần chưa trang trải xong, trong lòng dạ tràn đầy năng lượng sáng tạo, những nét riêng và những của trời phú; dân tộc ấy nhất thiết phải mang ngôn ngữ nói và viết độc đáo riêng để phản ánh mọi việc, mọi chuyện của xứ sở mình.


KHO BÁU LỚN NHẤT CỦA NƯỚC NGA LÀ NỀN VĂN HỌC

 (Bài nhận định trên báo “El Universal - Columbia)

Cuộc sống đó là sự khám phá không ngơi nghỉ. Chúng ta bước đi, tự khai thông cho mình những con đường và trên những con đường đó lúc thì ta gặp được những bông hoa, lúc thì là những con người và đôi khi còn gặp cả những hố sâu mà chúng ta có thể rơi xuống; một đôi khi trong những bài ca của gió chúng ta còn nghe được những lời hay ý đẹp. Và cứ như thế. Cứ như thế chúng ta tự trang bị cho mình điều này, lẽ kia. Trong chặng đường đời ấy chúng ta để lại gì ở phía sau. Và điều gì nữa chúng ta sẽ gặp được trên đoạn đường đi tiếp. Nhưng đôi khi như một sự tình cờ chúng ta phát hiện ra một trong những viên đá quý hiếm hoi mà tia sáng lấp lánh của chúng, phận số không cho phép chúng ta được gặp lại hai lần. Nhưng nếu chúng ta không nâng vật báu đó lên khỏi mặt đất, có một người khác nhất định sẽ làm việc này không một chút do dự. Những khám phá và những phát hiện may mắn như thế giá trị biết bao, mong chúng ta đừng bỏ qua. Những cơ may đó sẽ còn lại với chúng ta tận đến khi đôi chân chúng ta không khước từ bước đi trên con đường đời. Và thậm chí khi những lần phát hiện như thế làm tràn đầy trong ta sự bình yên, tăng thêm cho ta sức mạnh để bước tiếp trên con đường đời, dù không bước ra thế giới bên ngoài, chúng ta sẽ bước tiếp vào thế giới bên trong.

Giữa những khai phá xuất sắc mà chúng ta luôn luôn thực hiện, có một khám phá trở thành một phép màu thực sự. Viên kim cương này phát hào quang rực rỡ đến độ làm bừng sáng lên tất cả những thành tựu còn lại của một xứ sở lớn nhất trên thế giới. Tôi tự cho phép mình nói về nền văn học Nga- đó là báu vật đẹp nhất mà xứ sở này có được. Đó là cốc mật ngọt đã tìm thấy mà trong công thức pha chế ra nó được giữ gìn trân trọng trong chiều sâu của tâm hồn Nga. Vượt lên tất cả có thể Gogol đã diễn tả trong trích đoạn sau đây từ cuốn tiểu thuyết “Những linh hồn chết của ông: “Bất cứ một dân tộc nào còn mang món nợ tinh thần chưa trang trải xong, trong lòng dạ tràn đầy năng lượng sáng tạo, những nét riêng và những của trời phú; dân tộc ấy nhất thiết phải mang ngôn ngữ nói và viết độc đáo riêng để phản ánh mọi việc, mọi chuyện của xứ sở mình. Không có từ chữ nào tinh tế, mạnh mẽ phóng ra từ con tim đang sôi réo, đang động đậy như những gì người Nga đang nói và viết ra”.  

Như chúng ta đã thấy (hoặc nói đúng ra, như chúng ta đã cảm nhận được) trong những dòng trên mang cốt cách đặc biệt riêng của Gogol. Những lới khẳng định ấy như bao bọc chúng ta trong ánh lấp lánh vàng của một cội nguồn mà theo quán tính chúng ta muốn một lần nữa được ngụp lặn và tiếp tục được nuôi dưỡng bới những từ những chữ Nga. Chính vì sự biết ơn trước nền văn học của đất nước rộng lớn ấy câu lạc bộ sách “Abako quyết định đầu năm nay tổ chức kỷ niệm lần thứ 10 ngày cho ra đời loạt bài bàn tới văn học Nga.

Chúng ta sẽ bắt đầu từ tiểu thuyết “Những linh hồn chết. Tác giả của nó, Nikolai vasilevist Gogol đã viết tác phẩm này trong thời gian du hành ở châu Âu. Cái giọng hài hước quen thuộc của ông trong tác phẩm “Quan thanh tra trước đó khiến Gogol thành vật thí mạng của cơ quan kiểm duyệt, nhưng đã trở thành khá quen thuộc với độc giả. Chính vì thế Gogol muốn làm phác thảo trước cho cuốn tiểu thuyết mới của ông, thể hiện trong sách cho bạn đọc thấy sự cần thiết của những đổi thay tất phải đến với xã hội Nga mục ruỗng như thế nào, để cơ quan kiểm duyệt không thể sinh chuyện được.

Tiểu thuyết ban đầu được đặt tên là “Cuộc du ngoạn của Chichikov sẽ kể lại câu chuyện về một nhân vật tên là Pavel Ivannovist Chichikov, đã cứng tuổi… Nhân vật đi tới một tỉnh nọ để tìm gặp những tay địa chủ có thể tặng hay bán cho ông những xác chết, tức những nông dân đã chết ( được gọi chung là “những linh hồn) nhưng qua thanh tra vẫn được coi là những người còn sống.Thời ấy ở đế chế Nga công việc thanh tra diễn ra thưa thớt, nông dân thì chết nhiều và địa chủ vẫn phải nộp thuế. Chichikov đã lợi dụng khe hở này.

Có lẽ bạn sẽ đặt câu hỏi để làm gì những thây ma đó và những người chết kia sẽ mang lại lợi lộc cho ai nếu họ đã là xác chết giá lạnh.Nhưng cái mà ngài Chechikov cần tới không phải là những thi thể. Điều quan trọng là ông ta cần tới những cái tên trong cuộc thanh tra. Để làm gì à? Chính bạn cần phải đọc cuốn tiểu thuyết để khám phá ra cái ý định nhẫn tâm của nhân vật chính này. Sự ma mãnh của ngài Chichikov đã bộc lộ ngài hoàn toàn có năng lực tìm ra những người để thực hiện ước muốn của mình; con người có thể đạt tới bờ bến nào của sự nhẫn tâm khi anh ta khai thác bất cứ hoàn cảnh nào để kiếm lợi lộc cho mình.

Có thể coi “Những linh hồn chết là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Nga. Vậy có ngạc nhiên không khi chính cha đẻ của nó lại coi đấy không phải là tiểu thuyết mà là một trường ca ở dạng văn xuôi. Và chúng ta hiểu được nguyên nhân vì sao! Thứ văn xuôi tài hoa và sống động của văn hào hoàn toàn cuốn hút người đọc. Ngoài điều đó ra, người thuật chuyện trong tác phẩm lý thú này đã sắm vai trò còn tích cực hơn nhân vật chính. Với thời gian Gogol kêu gọi những bạn đọc đã trở thành người đối ẩm với mình hãy cùng ông truyền giảng bài học văn chương, chỉ ra đâu là “những nhân vật loại hai”, hoặc thậm chí đâu là “những nhân vật loại ba. Và về loại nhân vật cuối được miêu tả ít kỹ lưỡng hơn, ít những chi tiết đặc biệt hơn. Nhiệm vụ của ông tựu trung là ở chỗ để dành sự chú ý của độc giả tới tích truyện, tuy khá dài nhưng luôn luôn giữ được không khí bí ẩn và đích ngắm nhờ vào những chi tiết dần dần được tác giả hé lộ. Độc giả hoàn toàn sửng sốt và gắng để biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo , thậm chí khi các nhân vật vướng vào những công việc tưởng như chán phèo, ví như việc di chuyển các khung cửa trong phòng khách.

Những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đầy ắp những điều bất ngờ, muôn hình muôn vẻ, thậm chí còn mang chất biếm họa. Trong các nhân vật ấy có cả những mẫu người lịch thiệp có thừa cũng như những kẻ thô nháp, cục cằn. Một số tình huống của chuyện kể như găm vào trí nhớ của chúng ta, ví như việc miêu tả tiếng chó sủa khi chào đón nhân vật chính trong chuyến ông ta về làng Corobochca trong đêm mưa khuya khoắt.

Nói chung, “Những linh hồn chết là một tác phẩm tuyệt vời của Gogol. Trong sách khi thì nhà văn nói về Tổ quốc của mình, khi thì về nỗi xúc động và niềm tự hào về nước Nga- một nước Nga bị làm cho bại hoại, trì trệ hiển hiện trong toàn bộ cuốn sách. Nhưng Goglol vẫn bộc lộ qua từng trang, từng trang tình yêu của mình với nước Nga ấy. Nếu không nhắm tới cái đích như chúng ta vừa kể, liệu nhà văn dồn công sức lao động khổng lồ làm gì để mong có những sự đổi thay?  Nhiều đoạn của “Những linh hồn chếtsẽ còn đọng mãi trong ký ức người đọc. Mỗi đoạn được đọc to lên với niềm khoái cảm khó lòng diễn tả hết. Ví như đoạn văn dưới đây:

“Hỏi vì sao người ta xây dựng cái làng Corobochca lâu đến như vậy? Coroboshca  sẽ có một đời sống thôn dã hay không phải như thế! Trên thế gian này chẳng phải là ngây thơ mà người ta gột dựng lên nó:một thoáng vui biến ngay thành một thoáng buồn và nếu chỉ đứng lâu mà ngắm nhìn nó thì đến thánh cũng phát điên lên … Thôi hãy bỏ qua, bỏ qua. Nói về việc ấy để làm gì? Thử hỏi để làm gì vào giữa những giây phút thảnh thơi, vô lo nghĩ, không bận bịu này bỗng nhiên lại để những ý nghĩ ấy hiện lên? Ngay cả nụ cười cũng không kịp thoáng qua trên gương mặt, khiến ta biến thành một người khác trong đám người, một thứ ánh sáng khác rọi chiếu gương mặt ta…”  

TÔ HOÀNG

( chọn dịch qua bản tiếng Nga )