Đã từ lâu, không chỉ với sự đời mà cả với văn học, trong tôi, nhiệt tình đã nguội ngắt. Cái cảm giác xốn xang, mừng vui lẫn bàng hoàng khi được đọc một tác phẩm văn học khiến lòng mình rung động, như mọi người, tôi đã từng có nhưng những lần gần nhất cách nay cũng bao nhiêu năm rồi.

 

LỜI MÁCH BẢO CỦA THƠ

 

BẢO NINH


Sau những ngày hầu như khuya nào cũng chong đèn đọc “Dưới trăng và một bậc cửa”, đêm qua, đã dòng cuối, tôi đọc lại, giở trang bất kỳ.

“Đã phủ ngập trên mênh mông mặt hồ, tiếng chim đơn độc và rền rĩ

Những quả đồi cựa mình và lặng lẽ bước đi

Những đám mây tha phương đã trở về, đứng bên kia đầu dốc

Ngước nhìn lên trong đêm mờ sao, và tôi nhận thấy…’’

Tôi tự thấy ngỡ ngàng. Đã từ lâu, không chỉ với sự đời mà cả với văn học, trong tôi, nhiệt tình đã nguội ngắt. Cái cảm giác xốn xang, mừng vui lẫn bàng hoàng khi được đọc một tác phẩm văn học khiến lòng mình rung động, như mọi người, tôi đã từng có nhưng những lần gần nhất cách nay cũng bao nhiêu năm rồi. “Thời xa vắng”. “Tướng về hưu”. “Những người thợ xẻ”. “Những bài học nông thôn”. “Bước qua lời nguyền”. “Mình và Họ”… Mả đấy là văn xuôi, các truyện ngắn và tiểu thuyết. Đây là thơ, lại không phải thông lệ văn vần, và có lẽ cũng không phải Hậu hiện đại, dạng thức thơ đang dần một thịnh hành.

Trước, tôi đã tìm đến một số tác phẩm được các nhà nghiên cứu định danh là thế, là Hậu hiện đại, mà chắc là do sự đọc và hiểu cố hữu của mình làm cho vướng vấp nên dù rất cố tôi vẫn như bị bật dội ra, không vào nổi. Nhưng, với “Dưới trăng và một bậc cửa”, chẳng những không hề bị chữ nghĩa của nó làm khó, tôi còn “ tâm đầu ý hợp ” ngay từ trang đầu, qua hàng đêm, từng dòng. Bởi vậy, từ sự cảm thụ nhập tâm như thế của bản thân, tôi tự cho rằng tập thơ tuyệt vời đột ngột và khác lạ này không phải là Hậu hiện đại, hoặc phải thì “hậu hiện đại” này hoàn toàn khác những “hậu hiện đại” kia.

Thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đẹp và bình dị, ngôn từ đậm đà, mộc mạc, không gian thơ thân thuộc, gần gũi. Anh thực sự là một thi sĩ của làng quê, sông hồ và đồng nội… Lời bình này tôi được nghe từ nhiều năm trước trong một cuộc luận bàn bột phát và rất trái chiều nhau, nảy lửa, về “Sự mất ngủ của lửa”. Ngoại đạo, song khi đó tôi đã thầm, chỉ dám thầm thôi, đồng tình với nhận định ấy. Đúng thế, thơ Nguyễn Quang Thiều, từ “Sự mất ngủ của lửa” ngày đó, đến “Những người đàn bà gánh nước sông”, rồi “Nhịp điệu châu thổ mới”, và giờ đây, “Dưới trăng và một bậc cửa”, đẹp và bình dị. Qua suốt chiều dài của gần hai trăm trang thơ và trường ca, dọc ngang, độc giả không bị vấp một chữ một từ hóc búa nào, không va phải câu nào đoạn nào ý tứ bịt bùng đánh đố ; trái lại, cũng không gặp phải những câu thơ màu mè điệu nghệ, cầu kỳ mà dễ dãi, bóng bẩy mà trơn tuột, rất hay gặp trong không chỉ văn chương thời nay.

Vậy nhưng, tôi cảm thơ Thiều không phải bởi vì thế.

Tôi không biết diễn đạt thế nào. Từ ngữ và câu cú văn xuôi quen viết mỗi ngày không thể hiện được tâm trạng những đêm vừa qua đọc “Dưới trăng và một bậc cửa”. Có lẽ chỉ thơ mới ứng, và tôi muốn mượn từ tập thơ câu thơ này :

“Chợt nhận ra ngôi nhà của mình, nhận ra thơ ấu của mình

Nhận ra cơn mơ của mình đang đi trên con đường đơn độc”

Nhập tâm vào tập thơ, con người tôi như lạc khỏi bản thể và khỏi thực tại, trở nên siêu thực đến độ có lẽ cũng đã gần như tác giả, nhận ra được thơ ấu của mình, cơn mơ của mình, đang đi. Tuy nhiên, trạng thái nhập tâm của tôi vào tập thơ lại là một trạng thái nhập tâm tỉnh thức ; tâm thức sáng tỏ, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, những ý nghĩ miên man theo dòng thơ, và những ý nghĩ bất chợt, xuất thần, vượt hẳn ra ngoài ý nghĩa của câu thơ. Và thậm chí cả những ý nghĩ triết lý, vốn là sự rất hiếm khi tôi thấy ở mình.

Với tôi, “Dưới trăng và một bậc cửa”, là một miền đất được nhà thơ “lập ra”, dành cho tôi. Miền đất này vừa bình dị và mộc mạc những cảnh sắc của đời sống thực tại thân thuộc, làng quê, sông hồ, đồng nội, với người Nông Dân Già, với bà nội tôi, em gái tôi, lại vừa là một miền đất của những quả đồi có thể cựa mình bước đi, của những đám mây tha phương trở về dừng bước nơi đầu dốc, của những cây cầu được bắc vào trong xa xôi, của khu vườn đang mang thai, của những ngôi nhà đang chạy trốn, của những ngôi nhà đang sụp lạy, của vở kịch đã mấy trăm năm rồi vẫn diễn, của những người chết trở về mượn đời sống chúng ta… Và cái miền châu thổ “hiện thực huyền ảo” của “Dưới trăng và một bậc cửa” này như là được dành riêng cho tôi là bởi vì trong nó hàm chứa những ý tưởng mà bao lâu nay tôi vẫn chập chờn nằm mộng thấy và vẫn thầm mong là rồi ra mình sẽ nghĩ thấu được tới, sẽ chạm bút được vào.



Cũng như nhiều người viết văn xuôi khác, hàng ngày, sáng chiều tôi thường vất vả cặm cụi viết một cái gì đấy, và về khuya, nếu thời gian và không gian cho phép thì lẳng lặng một mình một “đêm thơ” riêng mình. Không chỉ là sở thích, đây là một nhu cầu thiết thân. Thơ, thầm đọc trong đêm, làm khuây đi cái ban ngày thường nhật, và hơn thế, đưa đến cho buổi sáng ngày hôm sau một sức viết, một đà viết, và có khi là cả một hướng viết mà nhờ thế sẽ vượt qua được những bế tắc đang kìm chân bản thảo.

Tác động khai mở của thơ có thể là lập tức lúc tôi đang tập thơ trên tay, nhưng thường khi là sau đấy, trong giấc ngủ. Thơ ngấm vào giấc ngủ giúp tôi trong đêm thấy ra được một từ, hoặc một câu, hoặc cả một đoạn dài văn chương đặc biệt ưng ý, thậm chí mách cho tôi một cốt truyện mà tôi biết chắc là hay vô cùng, để rồi lúc sáng ra, tỉnh dậy, không sao nhớ lại nổi, khôn xiết xót xa tiếc nuối.

Cố nhiên, với tôi, những bài thơ có thể ảnh hưởng trực tiếp lên “văn xuôi” của mình như thế không mấy. Bởi vậy tôi không đọc rộng ra mà bấy lâu chỉ cứ hàng đêm những bài thơ đó, nhà thơ đó. Và trong số ít đó, nhiều nhất là thơ Thiều. Thơ Thiều của những năm 1990, của mấy năm gần đây, và bây giờ đây, tập thơ này.

Trong “Dưới trăng và một bậc cửa” có những trường đoạn tôi nhớ là đã đọc từ nhiều năm trước, mà bây giờ trong tổng thể của tập thơ, những trường đoạn ấy tôi thấy khác hẳn, vượt bậc lên, tầm cao hơn. Là bởi vì, có thể ví như, những năm trước đây tôi chỉ mới thấy từng quãng của dòng sông, còn bây giờ là suốt dọc triền sông, toàn cảnh.

Đời người, đời thơ, những ai có thể mở ra được cả một miền đất, cả một triền sông như nhà thơ này, tập thơ này?

Đêm qua, đã trang cuối cùng, tôi ngược dòng tập thơ đọc lại, nhưng không từ đầu, mà trang bất kỳ.

“Đã phủ ngập trên mênh mông mặt hồ, tiếng chim đơn độc và rền rĩ

Những quả đồi cựa mình và lặng lẽ bước đi

Những đám mây tha phương đã trở về, đứng bên kia đầu dốc

Ngước nhìn lên trong đêm mờ sao, và tôi nhận thấy

Linh hồn của những người chết trên mảnh đất này

Bay lượn nặng nề cùng linh hồn những chiếc thuyền thúng

Và linh hồn những con chó chạy ra mép nước sủa vang

đón linh hồn những ông chủ

Linh hồn một bà già hấp hối đòi gặp linh hồn con cháu

Ngước nhìn lên và tôi thấy linh hồn ông nội tôi

Đang dựng lại đình làng và linh hồn bà nội

Đang đội đất đắp đê dài đến tận chân trời”

Không hiểu là bởi vì đâu, phải chăng là do trong sự đọc của mình thường trực một cái nhìn văn xuôi, nên tôi, gần như là bằng trực giác vậy, thật mắt nhìn thấy, hiển hiện, trong trang thơ tuyệt ảo này của “Bài ca những con chim đêm” phần hồn của một cuốn tiểu thuyết mà phần chữ còn chưa được viết ra.

Mà không chỉ một trang này, hầu như trang nào của tập thơ cũng gợi cho tôi tứ của một thiên truyện. Thế nên, với tôi, “Dưới trăng và một bậc cửa” là một tập thơ mang dung lượng của vô kể những ý tưởng tiểu thuyết. Thậm chí thực sự hẳn ra là một thiên tiểu thuyết. Chẳng hạn, “Cây ánh sáng”, hay “Hồi tưởng”, hay “Nhân chứng của một cái chết”, mà đặc biệt là “Khúc ba”.

“… Nếu ngày ấy tôi lên thuyền tôi đã ở bến bờ khác… “

Cô đọng tới tột mức trong hai trang thơ, Khúc ba là một tiểu thuyết bi kịch, trữ tỉnh và huyền ảo, mà đọc đi đọc lại lần nào tôi cũng bị lay động tận đáy lòng.

Cũng kết tinh lại chỉ trong hai trang thơ, “Hồi tưởng tháng Chín” (trong Hồi tưởng) , với tôi, là một tiểu thuyết triết lý, hoặc có thể nói, một ngụ ngôn tiểu thuyết, hết sức cao thâm và hàm súc. Tôi cảm tưởng đây là một truyện ngụ ngôn về chính tôi, về những năm tháng viết văn đằng đẵng của tôi, về sự mò mẫm và về niềm vô vọng.

“Chúng ta cố ngước mắt kiếm tìm dấu vết

Và lạc ngay trước cửa ngõ nhà mình”

Thú thực là tôi thấy buồn cho mình. Tôi đã từng có mặt trong thực cảnh của hai trang thơ đó : một buổi sáng ngập dưới sương mù… bộ hành tất cả đều như bỗng nhiên bị lòa, hoảng hốt hỏi nhau về con đường vẫn thường đi… duy nhất một người, người mù, là bình thản, thong thả bước đi giữa những hàng cây… Có mặt trong cảnh tượng đó và là một người viết văn, song chỉ thế thôi, tôi chỉ nhìn thấy, với một chút cảm giác là lạ chứ không nhận thấy, không nghĩ tiếp được, không manh nha nổi trong tâm trí một ý tưởng văn chương nào như là đáng lẽ ra

“Nhưng chúng ta không sao hình dung được

Con đường trong ngôn ngữ của trí tưởng tượng giữa bóng tối”

Nói chung là rất buồn, cảm nhận khi vừa đọc xong “Dưới trăng và một bậc cửa”, một nỗi buồn thẳm sâu, mênh mang khôn tả, xâm chiếm tâm hồn tôi. Nỗi buồn ấy tôi tưởng chừng có thể trực tiếp chạm tay vào trên từng trang sách, và có thể cả nhìn thấy nó, ngoài cửa sổ.

Cửa sổ căn phòng mà tôi hằng đêm chong đèn đọc sách cũng giống ô cửa sổ quên đóng và đèn quên tắt của nhà thơ trông ra một mặt hồ và ra xa hơn nữa tới một triền đồi. Thực cảnh là vậy, và bấy lâu qua cửa sổ tôi chỉ thấy được đúng như thể, hồ nước và những quả đồi, nhưng từ đêm qua, như là từ trong tập thơ nhìn ra, tôi nhìn thấy một hiện thực khác, một cõi khác của thế gian

“Ngước nhìn lên trong đêm mê sảng của một hồ nước và như một chứng nhân

Của lịch sử lặng câm và tôi nhìn thấy…”

Đấy là một cõi mê loạn mà khôn xiết sầu thương thống thiết hiển hiện trong những lời thơ u sầu mà uy nghi và trầm mặc, với giọng thơ, nhịp thơ buồn vô hạn.

“Linh hồn những ông vua vẫn mê đắm những linh hồn tì thiếp

Linh hồn những ngựa bạch vẫn kéo theo linh hồn những cỗ xe

Và linh hồn những đao phủ bay song song linh hồn những cái đầu bị chặt

Một đoàn dài linh hồn những người lính đang tìm về linh hồn những ngôi nhà

Và bên này hồ nước linh hồn những người đàn bà góa bụa…”

Và:

“Dưới gốc thông già, linh hồn cái đầu một nhà thơ đang đọc một linh hồn sách

Và bay quanh ông vừa cười vừa khóc, linh hồn ba họ

Ngước nhìn lên và cố tìm linh hồn chén rượu độc

Chỉ thấy linh hồn một ông vua cắn mãi không đứt lưỡi mình…”

Biết là chẳng lẽ nào lại cứ miên man dẫn hết câu thơ này tới câu thơ khác của tập thơ, mà tôi không đừng được, không thể cưỡng được sức cuốn âm thầm mảnh liệt của những dòng thơ ấy, những dòng thơ tuyệt tác “linh hồn của kiêu hãnh, khát vọng mang xúc cảm vĩ đại”

Đêm qua, đứng bên cửa sổ, theo mách bảo của nhà thơ, tôi ngước nhìn lên

“Ngước nhìn lên ngôi sao mỗi lúc một sáng hơn

Mỗi lúc nghe một rõ hơn như chính từ bản thân mình

Giọng nói xa lạ và quen thuộc

Cả hồ nước mở ra một con mắt

Sáng dần lên một đóa hoa”

Lời mách bảo của thơ như là lời mách bảo nghe thấy từ trong tiếng sấm vọng về từ bên kia hồ, như lời của trời đất, khiến tôi bàng hoàng, choáng ngợp.