Nhà văn Văn Chinh nhiệt liệt biểu dương “Từ Dụ thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai: “Ngôn ngữ cung đình Huế được Trần Thùy Mai tái hiện thành thục, nó vừa sống động vừa tạo khí quyển lịch sử. Và như thế, Trần Thùy Mai xứng đáng với Huế hơn là Giả Bình Ao xứng đáng với Trường An Thiểm Tây”.




TRẦN THÙY MAI VÀ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ "TỪ DỤ THÁI HẬU"

VĂN CHINH

Mươi năm trước, tôi có nhận xét với các nhà văn tỉnh Thiểm Tây rằng, hiếm có cố đô nào hơn một nghìn tuổi trải từ Chu, Tần, Hán, Đường…như ở đây; nên dễ hiểu là dân Trường An sống bằng lợi tức quá khứ, các nhà văn cũng vậy. Rồi quay sang các nhà văn Việt Nam cùng đi, tôi nói, cố đô Huế so với Trường An có nhiều nét tương đồng, tiếc rằng Huế không có Giả Bình Ao của mình!

Vậy nên tôi đã gần như là người đầu tiên mua “Từ Dụ thái hậu” trong ngày NXB Phụ nữ tổ chức ra mắt sách. Về nhà đọc xong, vẫn không hết bất ngờ, sao Giả Bình Ao của Huế lại là Trần Thùy Mai, người mà sau gần 40 năm cầm bút chỉ chuyên viết truyện ngắn? Một bất ngờ khác, Trần Thùy Mai là nữ nhi đặc trưng, nhỏ nhẹ thùy mị, rất Huế. Mà nhân vật của chị thì đồ sộ, mưu ma chước quỷ hoặc chiến lược thì tầm cỡ kinh bang tế thế? Khác hẳn Giả Bình Ao, nhân vật chính của “Phế đô” của ông nhàn dật, phù phiếm, một thứ ông Mệ và lịch sử trong “Phế đô” chỉ là thứ gia vị, thứ sơn thếp cho hạng người vô nghĩa lý một cách long trọng.

“Từ Dụ thái hậu” là tiểu thuyết lịch sử, nó tiếp bước những “Hoàng Lê nhất thống chí”, “Vũ Như Tô”, cổ điển và mẫn tuệ. Trước hết, nó tái hiện hơn nửa thế kỷ trải bốn đời vua triều Nguyễn với những mưu toan quyền lực sục sôi, những ý chí giành giật ngôi báu từ chốn thâm cung, khuê phòng. Vậy rồi bằng một bút pháp được khách quan tối đa, các nhân vật đồ sộ hiện ra sống động, trùng điệp, chất ngất.

Thành công nhất phải kể đến thái hậu Trần Thị Đang. Bà là vợ thứ của vua Gia Long, được đích thân mẹ vua và vợ cả Tống Thị Lan cưới cho để theo hầu chồng những năm hàn vi, bị nhà Tây Sơn đánh đuổi phải trốn chui lủi ngoài biển đảo rồi trôi giạt xứ người. Với lý lịch đầy công lao như thế, bà Nhị phi tự biết giá trị của mình, khai thác nó làm lợi khí để lũng đoạn hậu cung mà không vị vua nào không biết rõ nhược tật của bà, từ Gia Long trở đi, nhưng không ai dám đàn hặc truất quyền. Chính bà là người Việt đầu tiên tham nhũng chính sách: Bà cùng vua con Minh Mệnh đề ra chủ trương “tứ bất lập”của nhà Nguyễn, trong đó có “không lập Hoàng hậu” và “không lập tể tướng” để loại đại công thần Lê Văn Duyệt ra khỏi triều đình, còn mình thì thành chủ tể hậu cung suốt đời. Lê Văn Duyệt là đại công thần của nhà Nguyễn còn hơn cả Tiêu Hà nhà Hán. Ông không những có công đầu trong cuộc đánh nhà Tây Sơn, mà còn có tài chính trị, dân miền Nam dưới thời ông làm Tổng trấn Gia Định an sinh, sung túc. Ông cũng có công dẹp loạn Đá Vách năm xưa, dẹp bằng cách phế chức bỏ tù viên quan địa phương, do y hà hiếp “ăn không từ thứ gì” của dân đen, khiến họ bị bần cùng mà sinh đạo tặc. Có thể nói, Lê Văn Duyệt đã đặt nền tảng thanh liêm cho quan chế nhà Nguyễn, từng có tích bố vợ vua tham nhũng cũng bị trừng trị. Vậy mà vẫn chịu cay đắng dưới âm mưu ám muội của Trần Thị Đang. Là một phụ nữ thông minh, sắc sảo, rất giỏi chính sự cũng như đọc thấu tâm lý người, bà đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để hãm hại đối thủ.

Đó là vụ bà chính trị hóa món ăn, vu cho bánh gai, bánh phu thê mà tam phi Ngọc Bình ăn là bánh của ngụy Tây Sơn. Là vụ bà dựng hiện trường giả mà buộc cho Tống Thị Quyên tội thông dâm với con ruột Mỹ Đường rồi buộc nốt Lê Văn Duyệt phải làm cái việc rồi ra sẽ là vết nhơ của vị Tổng trấn hiển hách, là bỏ Tống Thị vào rọ, buộc đá thả sông còn dòng cả vua Gia Long mà đích tôn là Mỹ Đường hóa dại. Hơn nữa, Tổng tài Sử quán Phạm Đăng Hưng đã bị vô hiệu vì không chịu chép vụ án nhơ nhớp ấy, để Phó tổng tài nhơn nhơn ghi vào sử sách ngay trước mắt ông. Nghe nói Từ Hy Thái hậu ghê gớm lắm, nhưng xét toàn bộ những việc bà ấy làm, không việc nào khả dĩ so với việc này của Thái hậu Trần Thị Đang, một mũi tên trúng ba đích: Vua vô hiệu Phạm Đăng Hưng là vô hiệu tai mắt chính trực của nước, kéo đại công thần Lê Văn Duyệt hiển hách ngoài chiến trận, trong chính trường như một Quản Trọng, Tiêu Hà xuống thành ra kẻ tham dự vụ án nhơ nhớp chốn hậu cung và cuối cùng là loại bỏ dòng chính thống ra khỏi guồng máy quyền lực, loại vĩnh viễn.
Nhân vật Thái hậu Trần Thị Đang còn làm nhiều vụ hơn thế, ấy là nấu chảy ấn “Hoàng hậu chi bảo” (phong cho vợ yêu của Minh Mệnh là Hiền tần Ngô Thị Chính) mà Minh Mệnh là một ông vua đầy ý chí, nhưng vẫn chịu thua; ấy là vụ tru diệt cả nhà Lê Văn Duyệt. Việc giết hại công thần khai quốc trong lịch sử, chúng ta từng biết thời nhà Lê có Nguyễn Thị Anh với thảm kịch Lệ Chi Viên, nhưng mẹ con bà Trần Thị Đang làm khôn khéo hơn nhiều, không để lại một một tí ti dấu vết, ấy là từ từ biến gia thế một đại trung thần, đẩy nó đến tận cùng để có được hậu quả, cùng tắc phản và triều đình trị tội phản quốc.

Một trong những việc từ từ “mưa a xit nhẹ mà thấm lâu”, ấy là Trần Thị Đang thay công chúa Ngọc Trinh xinh đẹp đã hứa gả cho con trai (nuôi) Lê Văn Duyệt bằng công chúa con vua Gia Long là Ngọc Ngôn thiểu năng trí tuệ. Vua Minh Mạng từng là tùy tướng của Lê Văn Duyệt, từng hết lòng yêu kính nể trọng Lê. Nhưng Thái hậu biết rõ con mình, khi đã làm vua thì không muốn trong nước có ai giỏi hơn mình, nên đã toa rập để vừa loại ảnh hưởng đối thủ vừa ghi nợ cho vua con, để bà tung tác trong các việc khác. Bà tồn tại và đắc thế trong cái thế buộc đối phương phải sử dụng tài trí mưu lược của mình, đồng thời luôn luôn dùng mật thám và lực lượng đặc nhiệm mà tăng cường nanh vuốt, thực lực.

Vua Gia Long là nhân vật thành công thứ hai của Từ Dụ thái hậu, ông hiện ra không phải bằng tư liệu chắp vá, mà như một con người thật, một vị tướng, một chính trị gia từng trải. Là người khéo cai trị, bằng cách vừa lôi kéo các sĩ phu Bắc Hà, vừa đặt ngai vàng trong độc tôn Nho giáo để giữ yên quyền lợi quan chức. Trong thế nước do ông vừa thống nhất vừa mở rộng sau hơn 200 năm tổ tiên ông và chúa Trịnh nội chiến, lại đánh bại nhà Tây Sơn với ít nhiều bằng sách lược “cõng rắn cắn gà nhà”, ông sẽ khó giữ yên lòng dân, mà cha mẹ dân là quan chức, nếu nống vai trò các cha cố Gia tô giáo vốn vẫn được coi là một với các thế lực Tây dương, ông sẽ bị coi là tiếp tục vọng ngoại và khiến bách quan nơm nớp lo mất đặc lợi; nhưng cũng không làm khó rồi đi đến cấm đạo (tà) như các vua con cháu ông về sau với chính sự giúp sức của vợ ông, bà Thái hậu họ Trần như một phép củng cố quyền lực cho hoàng gia.

Ở trên tôi đã nói qua về tính cổ điển và mẫn tuệ của tiểu thuyết. Đặc điểm của cổ điển là các nhân vật bao giờ cũng vừa châu tuần quanh nhân vật chính vừa tham dự vào câu chuyện chung, kẻ nọ làm bật tính cách người kia hoặc cùng trong một âm mưu, toan tính do nhân vật chính chèo lái, dẫn dắt. Ở khía cạnh này, vua Gia Long và nhị phi Trần là cặp đôi tiêu biểu. Vua biết rõ nhược điểm của bà, cái nhược điểm rồi ra sẽ hãm hại con cháu của chính ông nhưng không truất ngôi bà vì ông cũng biết rõ, bà là một thế lực giúp ông củng cố quyền lực. Ngược lại, bà vừa học ông vừa lợi dụng ông để tăng cường sức mạnh cá nhân. Nhưng các nhân vật sống đời của nó, nhân vật nọ không “biết tỏng”nhân vật kia, cái lý cố sâu xa của việc vua Gia Long sủng ái tam phi Ngọc Bình lại là vua vày vò nàng đến khóc lóc nhăn nhó rồi mới hành sự, vua coi cái đau đớn của nàng là đau đớn của Tây Sơn, và vua Gia Long hành sự Ngọc Bình trong tâm thế trả thù Tây Sơn – cũng là tái khẳng định chiến thắng của mình, hằng đêm, hơn 20 đêm mỗi tháng. Đây là tư tưởng mỹ học độc đáo, chưa từng có về cái dục. Nàng Ngọc Bình, kẻ duy nhất trong thế giới nghệ thuật được “sủng ái” nhưng lại bất hạnh, tủi nhục và nàng biết rõ điều đó. Hiệu ứng của chi tiết độc đáo này văng rất xa vào quá khứ chiến trận, cái quá khứ nhục nhằn cay đắng mà ông từng chịu. Và đứa con của họ, công chúa Ngọc Ngôn thì thiểu năng đần độn, như một quả báo nhỡn tiền đối với sự quái thai của thù hận mà nhân danh sủng ái!
Nhưng hậu quả của chi tiết còn để lụy cho con cái nàng: khi vua chết, các con Ngọc Bình bị Trần Thị Đang giam vào lãnh cung để “tự sinh tự diệt” cho hả những đêm trằn trọc một mình, cũng lại tạo cớ để bà Từ Dụ thái hậu tham dự mà bật lên tính cách, nhưng đó là việc về sau.

Cặp nhân vật Phạm Đăng Hưng - Trương Đăng Quế từ chọn lọc bách tính mà tham dự triều chính Gia Long, Phạm do Lê Văn Duyệt tiến dẫn còn Trương lại do chính Phạm Đăng Hưng tiến cử. Có thể ví, cặp nhân vật này là “chân trắng” giữa một triều đình đầy rẫy công huân theo vua từ ngày hàn vi gian nan; họ xuất hiện với ít nhiều tính lý tưởng chính trị, mọi thành công hay thất bại của họ đều từ lý tưởng tính mà ra. Phạm Đăng Hưng ngay thẳng, mẫn tiệp và trung chính, vua Minh Mệnh vào lúc sáng suốt nhất đã biết ông rất rõ và sử dụng ông vào chức Tổng tài Quốc sử quán, lại thường xuyên coi ông là Gián ngự đại phu, rất yêu mến. Chỉ đến khi vụ án Tống Thị Quyên – Mỹ Đường do Thái hậu Trần giá họa thì mâu thuẫn mới xẩy ra. Với Minh Mệnh, trung quân là tuyệt đối trung thành với tiền đề vua bao giờ cũng đúng; nhưng với Phạm Đăng Hưng, vua cũng có thể sai lầm và trung quân liền nghĩa với ái quốc, là giúp vua tránh sai lầm để làm cho nước hưng thịnh, cho xã hội công bằng trung chính. Lẽ thường, cãi vua là rơi đầu; nhưng ở đây vua Minh Mệnh chỉ thôi không dùng Phạm nữa mà vẫn giữ nguyên phẩm chức, cũng là cao thượng một tính cách; còn Phạm Đăng Hưng thì như một thất bại của khát vọng trung chính và “tồn tại” như một ngậm ngùi của lẽ phải bất lực.

Trương Đăng Quế là học trò xứ Quảng, có công đánh đuổi bọn lục lâm thảo khấu mà cứu được mẹ con Phạm Thị Hằng. Chàng Lục Vân Tiên yêu Kiều Nguyệt Nga và trong con mắt thiếu nữ mười tuổi, nàng cũng thầm yêu chàng. Đấy là cái cơ sở để 1, khi ra kinh ứng thí, Quế bị chủ khảo đánh trượt để thế người của y, Phạm Đăng Hưng đã khiếu nại và hoàng tử Đảm thay vua phúc khảo, đã trực tiếp chấm lại mà lấy Quế đỗ đầu và 2, để khi kế vị ngai vàng thành vua Minh Mạng, Đảm đã trọng dụng Trương Đăng Quế.

Chúng ta biết rằng, mấy ngàn năm phong kiến, triều đình sớm muộn đều trở thành ước lệ, quan liêu, xảo trá. Thời ấy, nước là của vua và hoàng gia, cho nên gặp được kẻ tài giỏi cả văn lẫn võ, hoàng gia sẽ mở rộng cửa mời đón như đón cái mới mẻ, tinh khôi, sức mạnh khả dĩ giúp mình giữ yên xã tắc. Các kỳ thi hiếu liêm, tiến sĩ có lý cố như thế. Trương Đăng Quế do đó mà từ bạch đinh chân trắng bước vào triều chính. Quả thực, Quế đánh Nam dẹp Bắc, đánh đâu thắng đó, giữ cơ đồ nhà Nguyễn vững vàng suốt cuộc đời dài của ông. Nhưng, cùng là tài kinh bang tế thế như nhau, Trương khôn ngoan hơn Lê Văn Duyệt, cũng mềm dẻo hơn Phạm Đăng Hưng với chỉ một triết lý: Để khả dĩ làm được gì tốt đẹp cho dân, cho nước, cho người mình yêu, thì trước hết phải giữ được cái đầu mình còn trên cổ mình.

Trong dã sử, có lời huyền hoặc rằng, Trương Đăng Quế và Thái hậu Phạm Thị Hằng có tư tình (bà góa chồng khi chưa tới 40) và thậm chí, hoàng tử Hồng Nhậm con bà bị “coi là” con của Trương Đăng Quế. Lời huyền hoặc này cắt nghĩa vì sao, Trương lại hết lòng phò tá vua Tự Đức, dám cưỡng lại Thái thái hậu Trần Thị Đang vốn rắp tâm đôn con cả Hồng Bảo nối nghiệp vua cha Thiệu Trị. Trương đã thành công nhờ thế lực do mình gây dựng, do phẩm chất sáng suốt dứt khoát và cũng một phần do “thiên vị” cố nhân Phạm Thị. Pha tranh đoạt cuối cùng này của Thái thái hậu Trần Thị là những trang rực rỡ của tiểu thuyết: Bà Thái thái hậu vốn thông minh sắc sảo, lại biết quá rõ Quý tần Cam Lộ và đứa con trai Hồng Bảo sinh ra trong âm mưu sắp đặt của bà, họ có rất ít tài năng và đức độ. Nhưng bà toan tính vụ Hồng Bảo là toan tính cho chính mình, vì biết rằng, khi lũ bất tài vô hạnh ấy nối ngôi, thì ngôi cao quyền lực sẽ vẫn ở tay bà. Nhưng bà đã sai lầm và thất bại, vì tuy rất thông minh sắc sảo nhưng bà chưa đủ sáng suốt sinh ra từ vô tư khách quan để nhìn trước cái hệ lụy trong mưu toan của chính mình: Bà đã bằng âm mưu đưa cháu nội mình, do tự mình nuôi nấng từ tấm bé là Miên Tông lên ngôi; thì cũng tức là gián tiếp đưa Phạm Thị Hằng lên ngôi. Sai lầm chết người này, suy cho cùng, là do bà không có tình yêu. Bà cứ đinh ninh, đã là con người thì ai cũng ham quyền lực và danh vọng, cái vốn rất sẵn trong cạp váy bà, để rồi bị chính quyền lực và danh vọng – tức là bà chi phối!

Không có tình yêu thì không thể tin nổi sức mạnh của tình yêu giữa Miên Tông và Phạm Thị Hằng, một tình yêu đến trước hôn nhân, câu chuyện hy hữu trong các triều đại phong kiến này đã đóng một vai trò lịch sử; đã kết thúc cuộc đời oanh liệt với những âm mưu kiệt hiệt của Trần Thị Đang – một người đàn bà không có tình yêu!

Làm sao bà có thể hiểu nổi, vì tình yêu, vua Thiệu Trị đã bất chấp ý chí và thế lực rùng rợn của bà, vẫn bí mật tổ chức lễ tấn phong Hoàng quý phi cho Phạm Thị Hằng, cũng tức là đồng nghĩa với việc nhấc cái mũ mẫu nghi thiên hạ từ đầu bà mà đội lên đầu nàng? Vì tình yêu, Trương Đăng Quế đã bất chấp sức mạnh gắn kết hoàng gia, đứng đầu là Thái thái hậu Trần Thị Đang – khối đen man rợ của quyền lực, để phò nàng và con trai của nàng; bà làm sao có thể hiểu nổi, khi mà sức mạnh ngoại tộc, đối với bà, đến như Phạm Đăng Hưng Lê Văn Duyệt chỉ là cục đất sét mặc sức bà nhào nặn?

Từ đây, chúng ta bắt đầu theo dõi bước chân của tình yêu Phạm Thị Hằng dần dà đi đến quyền lực. Nàng có phẩm chất hồn hậu, lại được cha dạy chữ để theo đạo Thánh hiền – một thứ đạo làm người có nhân đức. Nhưng dường như phúc ấm tổ tiên nhà Nguyễn đã run rẩy để nàng gặp Miên Tông từ rất sớm, ngay từ thuở hàn vi và cả hai đều quý mến nhau. Đời nàng có hai người đàn ông đều rất yêu nàng, với Trương Đăng Quế sinh trưởng nơi thôn ổ, nàng là một lãng mạn khuê các; còn với kẻ sinh trưởng trong nhung lụa Miên Tông, nàng lại là hiện thân của sức sống tươi trẻ hồn hậu chốn dân gian– cái mà cả hai cùng thiếu. Miên Tông rồi sẽ là vua Thiệu Trị, một ông vua hiếm hoi lấy vợ bằng tình yêu và rất đỗi chung thủy, từng nói “ta phong Hoàng quý phi cho khanh bất chấp bà nội và sẵn sàng chia sẻ mọi tai ương như mọi cặp vợ chồng thứ dân.” Nhưng Phạm Thị Hằng xứng đáng được vua trân trọng. Nàng đã bất chấp tính mạng, bất chấp danh giá và quyền lợi, giả làm thái giám để tìm tới dinh Thượng thư Binh bộ Trương Đăng Quế nhờ cứu công chúa Ngọc Ngôn và con trai – tử tù mới 9 tháng tuổi. Nàng có phẩm tính quan trọng của phụ nữ Việt: Nhẫn nhịn, dù bị đánh đòn, bị Thái hậu trói vào cọc giam nắng mà cắn răng chịu đựng, không một lời than vãn với chồng. Khi chồng lên làm vua, nàng lại bị Thái thái hậu - bà nội vu cho tội thông dâm với Trương Đăng Quế, đòn cuối cùng này Thái thái hậu đã chuẩn bị từ lâu, có cả tang chứng lẫn nhân chứng, lại có cái “vỏ” của sự thật là quả thực trong một đêm nọ nàng đã giả thái giám đến nhà họ Trương. Vua Thiệu Trị từng có lúc ghẻ lạnh với nàng, vì “cái vỏ” của sự thật dưới sự đơm đặt của Thái hậu có lý quá. Nhưng vốn không tin bà nội, lại cảm thấy chả có đâu vợ chồng (là vợ vua) đang yêu nhau thế mà tự dưng vợ lại ngoại tình, nên vua đã bênh vực để nàng không bị ghép tội chết. Đến khi vua Thiệu Trị và Thái hậu đã chết, cái vỏ sự thật ấy còn được cháu yêu của Thái hậu là Hồng Bảo và đám thái giám hậu cung đã mưu toan hãm hại nàng một lần nữa. Với quyền lực trong tay, Phạm Thị Hằng có thể “cắt lưỡi” chém đầu kẻ làm chứng giả; nhưng lại chọn cách khó nhọc hơn là thừa nhận cái vỏ sự thật để đưa nhân chứng thật ra nói rõ toàn bộ cái lõi sự thật. Trường đoạn này của tiểu thuyết thật ly kỳ rùng rợn, cùng với trường đoạn Thái thái hậu bày đặt trò chơi hầu đồng để bà đồng nói lời vua Gia Long về vụ án thông dâm, về hoàng tử trưởng Hồng Bảo nhưng đồng lên lại nói về ba cái chết có vẻ như là cái chết của Thiệu Trị, bà Thái thái hậu cùng Hồng Bảo với tội danh phản nghịch mười mươi; là hai trường đoạn hay đến mức cổ điển.

Nhưng một trong những trường đoạn hay nhất của tiểu thuyết phải kể đến là khi Trương Đăng Quế và Phạm Thị Hằng bộc lộ tình yêu khi cả hai đối diện, ở chốn thâm cung. Nàng có quyền, có điều kiện để sống đời tình ái với chàng, chàng cũng không mong gì hơn. Nhưng ngay sau khi nàng bộc lộ con người mình trước chàng, nàng đã quay lưng bước lên ngai Thái hậu để chàng đứng dưới với tư cách đại thần cố mệnh. Để giữ cho tình yêu của hai người vĩnh viễn thanh cao, mãi mãi lớn lao - đầy lãng mạn mà hết sức thuyết phục.

Đây có lẽ là chỗ cần bàn đến nhất của tiểu thuyết. Vâng, cái đẹp và cái đức hạnh dường như đã chiến thắng quyền lực và dục vọng? Nhưng, về mặt lịch sử, thật khó cắt nghĩa là, sau khi cái đẹp, cái tốt đã chiến thắng cái xấu, cái thấp hèn thì tại sao ngay sau đấy, khi Tự Đức băng hà lại xẩy ra loạn tam vương và ngay khi còn tại vị, vua Tự Đức nổi tiếng như là một ông vua tài năng thơ phú ghê lắm, lại là ông vua chịu tiếng là “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khi dân” – chịu mất sáu tỉnh Nam bộ về tay người Pháp? Nhà văn chỉ chịu trách nhiệm trước những gì xảy ra trong tiểu thuyết, chứ không chịu trách nhiệm trước những gì xảy ra trong lịch sử. Đành rằng thế, nhưng tính lý tưởng của tác giả rõ ràng đã không chịu nổi thử thách của thời gian. Nó còn tố lên rằng, khi anh (chị/ ông / bà) còn bị tính lý tưởng chi phối thì sớm muộn đều rơi vào cảm tính; đứng ở phe này mà lên án, cắt nghĩa phía bên kia theo chủ quan của mình.

Dù còn chỗ đáng bàn ấy, thì “Từ Dụ thái hậu” vẫn xứng đáng để tôi đọc và sử dụng 5 ngày nghỉ lễ năm 2019 để viết bài phê bình này. Để chúc mừng Huế, chúc mừng tác giả, tôi muốn nói thêm: Ngôn ngữ cung đình Huế được Trần Thùy Mai tái hiện thành thục, nó vừa sống động vừa tạo khí quyển lịch sử. Và như thế, Trần Thùy Mai xứng đáng với Huế hơn là Giả Bình Ao xứng đáng với Trường An Thiểm Tây!