Hồng Tiêu- Nguyễn Đức Huy nằm trong số những nhà báo nổi tiếng một thời của Sài Gòn trong mấy thập niên từ 1930 đến 1960, cùng với các nhà báo Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Tùng Lâm, Phan Thứ Khanh…. Họ bị lãng quên một thời gian dài cho đến khi các nhà nghiên cứu bắt đầu viết về họ sau này. Nhà báo Hồng Tiêu cùng người anh Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận chủ trương tờ báo Sài Gòn Mới mà ông đứng làm chủ bút đã có một thời rất nổi tiếng.




SÁCH TƯỞNG NHỚ MỘT NHÀ BÁO SÀI GÒN XƯA

PHẠM CÔNG LUẬN

Cách nay khoảng một tháng, tôi đọc được trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần một bài viết hay. Đó là câu chuyện ở Thái Lan có phong tục là thực hiện một cuốn sách lưu hành trong gia đình dòng tộc, gọi là “sách tưởng nhớ”. Cuốn sách này bao gồm tất cả những câu chuyện, những kỷ niệm của các thành viên trong gia đình và tất cả mọi thứ liên quan đến cuộc sống của một người đã khuất trong gia đình, như là một cách tưởng nhớ họ. Mỗi quyển "sách tưởng nhớ" là một ấn bản cuộc đời độc nhất vô nhị không chỉ mang giá trị lịch sử gia đình mà đôi khi còn lưu giữ cả những đời sống văn hóa ở một thời.

Hân hạnh được tặng cuốn sách “Hồng Tiêu thi tập” tập hợp các bài thơ của nhà báo, nhà thơ Hồng Tiêu từ gia đình nhà văn Nguyễn Đông Thức, tôi liên tưởng ngay đến loại sách trong bài báo nói trên. Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy nằm trong số những nhà báo nổi tiếng một thời của Sài Gòn trong mấy thập niên từ 1930 đến 1960, cùng với các nhà báo Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Tùng Lâm, Phan Thứ Khanh…. Họ bị lãng quên một thời gian dài cho đến khi các nhà nghiên cứu bắt đầu viết về họ sau này. Nhà báo Hồng Tiêu cùng người anh Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận chủ trương tờ báo Sài Gòn Mới mà ông đứng làm chủ bút đã có một thời rất nổi tiếng. Ông từng viết cho các tờ nổi tiếng khác như Opinion, Đông Thinh, Công Luận, Đuốc Nhà Nam, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn… Ông cũng ra được vài tập tiểu thuyết, hai tập thơ và một số truyện dịch Hoa ngữ…

Cuốn “Hồng Tiêu thi tập” là một cuốn “sách tưởng nhớ” cao cấp, vì in ấn đẹp và quan trọng hơn là được tổ chức, biên tập và có những bài viết của người thân rất “chuyên nghiệp” và chân thực dù chỉ lưu hành nội bộ trong bạn bè và thân hữu.

Thực hiện cuốn này, trước hết có công lớn của Bà Tùng Long, nhà văn nổi tiếng, người vợ tào khang của nhà báo Hồng Tiêu. Có lẽ đây là công trình cuối cùng của bà dù đã khuất, vì đã kịp ghi lại theo trí nhớ hơn cả trăm bài thơ Đường Luật, cổ phong, hát nói… của chồng từ hơn nửa thế kỷ. Tiền làm sách cũng từ nhuận bút sách của bà mới in năm ngoái. Còn gì trọn vẹn hơn nữa, sau khi sinh cho ông chục người con và nuôi dạy tử tế, nuôi cả ba con riêng của chồng với người vợ trước?!

Thơ Hồng Tiêu có nhiều phần u uẩn, như bất kỳ nhà thơ ưu thời mẫn thế nào sống dưới thời Pháp thuộc, nho giáo đang suy tàn và xã hội nhiều biến động, chiến tranh có lúc tràn lan… Bà Tùng Long ghi nhận về chồng mình: ông muốn sống thật hào hùng, nghĩa khí của các thời Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, của phong trào Duy Tân…. Nhưng “trời đã phú cho thầy một tâm hồn thi sĩ, mà thi sĩ là mộng mơ, thiếu thực tế, là cao thượng, là hiền từ, trung hậu, nên rốt cuộc sự nghiệp của thầy chỉ còn lại tập thơ này và các con” (Thầy là cách gọi Cha ở một số nơi ở miền Trung).
Sông núi hẹn hò lòng vẫn nhớ
Cỏ cây đùm bọc dạ nào nguôi…
(61 tuổi tự trào)
Người đều tim óc, ai mà chẳng…
Nước có nhân dân, lại thế này…
Xót ruột muốn gào to một tiếng
Trời ơi, sinh tớ để chi đây?
(Cảm tác)
Vài câu trích dẫn ở đây có một chút về ông. Muốn hiểu sâu phải đọc chậm từng bài.

**
Tôi biết vài câu chuyện về Hồng Tiêu, như ngày xưa nhà văn Phan Khôi vẫn thường ghé ông chơi và lần nào cũng có chuyện cãi nhau. Bài báo “Làng báo Sài thành 10 năm trước - vài tay kiện tướng” trên báo Việt Thanh xuân Nhâm Thìn 1952 mô tả ông là người có tấm lòng hào hiệp: “Ông Hồng Tiêu đối với anh em bạn rất hào phóng, coi đồng tiền không ra cái quái gì. Rượu cũng như thuốc phiện, những người nào ông đã gọi là bạn chí thân, thì ông đối đãi “hết mình”.
Nhà cửa bốn mùa như cái chợ,
Tháng ngày không chật với em anh.
Lời nói của ông thật đúng như việc làm của ông”.
Bài báo còn cho biết: “Ông xuất sắc nhứt là lối viết chuyện hằng ngày, tức Tranh xã hội cho báo Sài Gòn của ông Bút Trà là anh ruột của ông”.

Đọc cuốn “Hồng Tiêu thi tập” lần này, thật thú vị khi đọc được những câu chuyện từ các con của Hồng Tiêu. Cho dù là nhà văn nhà thơ như các anh Nguyễn Đức Lập, nhà thơ Nguyễn Đức Trạch (Trạch Gầm), Nguyễn Đức Thông (nhà văn Nguyễn Đông Thức)… hay làm nghề khác, các anh chị viết về cha mình bằng tâm hồn và sự dạy dỗ nhận được từ cha mẹ đều là những nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Thật cảm động khi đọc vài đoạn thơ khóc cha của anh Nguyễn Đức Thạch:
“Khóc thầy con biết khóc sao đây?
Ba bảy năm trời vẫn trắng tay
Giấc mộng Tiêu Sơn như đã tỉnh
Sao lòng Phạm Thái vẫn còn say?”...
Của anh Nguyễn Đức Trạch:
“… thầy cho con cả khung trời ước mơ
Tiếp đời vai mộng túi thơ
Tình quê hương, nỗi đợi chờ mai sau
Phong sương chưa đủ dãi dầu
Ân tình chưa đáp trước sau như lòng
Nào hoài bão, nào chờ mong
Giữa phân ly vẫn một lòng thiết tha”

Người con lớn nhất còn sống của ông, bà Nguyễn Thị Thanh Hương (có lẽ cũng ở hàng tuổi tám mươi) trong bài “Thầy của con” kể chuyện khi gia đình tản cư về Quảng Ngãi thời máy bay Pháp bỏ bom sau khi Nhật đảo chánh. Ông bà được dân ở đó trọng vọng, mời dạy học cho trẻ trong vùng. Ông bà vừa dạy học vừa nuôi trồng quanh nhà để sống. Có lần con gà mái làm ổ trên đầu hồi mái nhà, một đứa con nít trong xóm bò lên ổ gà để hốt trứng. Nằm dưới nhà biết rõ, ông Hồng Tiêu chỉ nói lớn một câu: “Từ từ xuống, coi chứng té nha con!”. Bà Hương nghe rõ tiếng nhảy bịch xuống đất và chạy đi. Một dịp Tết, cả nhà ông nhận được nhiều quà đi Tết của học trò gồm các loại bánh nổ, bánh in và bánh thuẫn. Người ra vô tấp nập bánh đựng đầy lu, các con nghĩ “tha hồ cho chị em mình ăn”. Nhưng vài ngày sau, ông Hồng Tiêu lấy cái túi vải đựng đầy bánh, kêu con đi theo đến các nhà nghèo trong vùng phát bánh. Phát hết về nhà lấy phát tiếp. Cứ như thế lu bánh vơi đi và chỉ chừa lại một ít cho các con. Cô bé Hương lúc đó chín tuổi cảm nhận được niềm vui của người lớn, trẻ con nhà nghèo khi nhận được bánh và cô bé cũng vui lây.

Cuốn sách này giúp tôi đọc lại bài tùy bút “Phảng phất hương trà cũ” rất hay của nhà văn Nguyễn Đức Lập, định cư ở Mỹ và đã mất. Bài này tôi đã đọc trong một tờ tạp chí ở hải ngoại và vẫn nhớ câu chuyện những người bạn một thời hoạt động sôi nổi của nhà báo Hồng Tiêu. Họ đến thăm ông, uống trà trong thời suy tàn của những mộng ước ngày xưa. Có người chịu đắng cay làm thợ may để độ nhựt, có người còn thích bận áo theo mốt “Tây Hồ” của thời hoạt động đã theo đuổi, vẫn thích múa lại vào đường võ quen, thích vỗ vào lồng ngực nơi có trái tim “Chánh hay tà là ở chỗ đây nè, không phải ở võ khí!”. Bên bộ đồ trà, họ ôn lại quá khứ một thời. Rồi thời gian qua, “bạn bè của thầy tôi thỏn mỏn dần. Lớp thì chết như bác Nhà Nam, Chú Năm Cầu, chú Thanh Phong. Lớp thì già quá rồi, đi lại chắc khó khăn. Mà thầy tôi cũng già rồi”. Nguyễn Đức Lập kể cái bình Mạnh Thần quý giá của ông ngoại anh để lại, ba anh cũng đem tặng cho bạn hữu. “trong đời tôi, thầy tôi không có quý cái gì hết. Lý tưởng đã không tròn, còn quý cái gì nữa bây giờ?”.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, con trai út nên sống gần cha cho đến cuối đời khi các anh đã đi xa. Có những chuyện về cha của anh mà tôi được nghe như chuyện ông tự cai thuốc phiện (thú hút thuốc phiện rất phổ biến trong giới viết lách ngày xưa, thời Pháp thuộc) rất dứt khoát và thành công. Hoặc câu chuyện bạn bè với ông Phan Khôi. Đọc bài “Ông gia trưởng của tôi!”, tôi tủm tỉm cười khi đọc tới đoạn: thỉnh thoảng có đứa con nào ôm cặp đi học ngang qua giường, đặc biệt khi trời đang mưa, ông kêu lại: “Ở nhà nghỉ một ngày chơi đi con!”. Anh kể là ông nghĩ đến trường là chỉ để học kiến thức, ông thích các con học võ, học đàn, học bơi, học nhảy đầm, lái xe, bơi, sinh ngữ… Dù là người từng theo nho học, ông rất tân tiến và thoáng rộng trong cách nghĩ.

Bài thơ của anh “Nhớ thầy” đọc nặng trĩu lòng, về một giai đoạn cuối đời của ông:
“Con buông trôi như cây mục giữa dòng
Thầy lại thở dài mỗi khi con về thăm
Con tơi tả ngồi bên thầy buồn bã?
Thầy uống nhiều hơn nhiều hơn nữa
Một mình thầy một bóng trên tường…”
“Hồng Tiêu thi tập” là một tập thơ nội bộ gia đình, nhưng mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc và hiểu sâu về một nhà báo nổi tiếng một thời của Sài Gòn xưa.