Văn Nghệ Quân Đội số tháng 7-2020, giới thiệu tập thơ “Gió heo may ngày nắng gián đoạn”. Nhà văn Tô Hoàng cho rằng: “Tôi cảm thông và bênh vực những ẩn ức, những thất vọng, những hoài nghi của anh trước những gì đã nghe, đã thấy



GIỮA KHUẤT NẺO MÂY BAY

( Đọc tập thơ “Gió heo may ngày nắng gián đoạn của Lê Thiếu Nhơn. NXB Văn học 2020)

TÔ HOÀNG

Lật dở vài trang, đọc vài bài thơ đầu tiên trong tập thơ mới của Lê Thiếu Nhơn, không hiểu điều gì xui khiến bỗng cứ muốn tìm tới những bài thuộc mạch nguồn trong trẻo, tin yêu, sòng phẳng một chèo một lái ở những tập thơ đầu của Lê Thiếu Nhơn. Ví như “Gót chậm kỷ niệm”, “ Chiều muộn miền thu”, “Mùa gọi Bazan”, “Hiên vắng mưa đêm”, “Bước chậm ở Hậu Giang ” … Ví như những câu thơ: “Con tập bước đi mùa xuân thứ nhất/ Cha mẹ bắt đầu tìm lại ấu thơ” hay “Muốn tìm lại tiếng ca ai sau vành nón/ Chỉ thấy ngoại ô thăm thẳm thở dài” hay “Ngày xưa thật xa lắm rồi/ Anh tỏ tình chiều vụng dại”.  

Những bài thơ, những câu thơ như vậy trong “Gió heo may, ngày nắng gián đoạn đã là thưa, là hiếm bớt.  Trội nổi hơn, nhiều hơn vẫn là cảm xúc dằn vặt của một người đã ngấm đòn” thị phi “Sự tử tế càng ngày càng bị đẩy vào tuyệt lộ/ Tôi tập làm quen với màu cúc trái vụ, vì sợ mùa đi bỏ rơi mình” (Tĩnh lặng lúc giao mùa) “Không còn đủ khát khao để nhắc sông dài biển rộng/ Tôi trồng thêm một hàng cây, cho chim về hót hắt hiu đời mình” (Buổi sáng ở Thủ Dầu Một). Vì sao thế nhỉ? Vì tuổi tác chăng?

Lê Thiếu Nhơn năm nay bước qua tuổi 40. So với rất nhiều nhà thơ khác, tuổi ấy đâu phải là đã già? Hay là anh bắt đầu làm thơ khi các nhà thơ khác chỉ khởi nghiệp ở tuổi anh bây giờ? Và còn điều gì nữa đây?

Dân văn nghệ Sài Gòn còn nhớ rất rõ, hơn hai chục năm trước, chàng thi sỹ kiêm nhà báo trên dưới 20 tuổi đã xông xáo, tụ bạ với đám thơ văn, báo chí đàn anh, đàn chị bên ly bia sủi ga, trong những câu chuyện liên tu bất tận về thế sự sục sôi; văn chương chữ nghĩa trăn trở, bung xòe thời mở cửa. Lê Thiếu Nhơn nhập cuộc với sự tự tin, bình đẳng. Điều nổi trội hơn, nhà báo- nhà thơ 20 tuổi này rất thích và “lọt vào chiếu trên của thế hệ đàn anh cao niên như Hoài Anh, Trang Nghị, Hoàng Hưng, Thanh Tùng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy… Như một nhà báo, Lê Thiếu Nhơn ngang ngửa bình thơ, bình văn, phác dựng chân dung của họ. Tinh nhy, tích tụ vốn liếng nhanh, xác quyết… Để khi lớp đàn anh đọc những bài viết ấy phải buông rơi những câu sửng sốt: “Chả lẽ là hắn sao?, “Già dặn, chuẩn xác… Đúng là một thằng sớm già”. Làm báo và làm thơ song hành. Cũng không ai nhớ nổi, thuở ấy nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nổi trội hơn nhà báo Lê Thiếu Nhơn. Hay là ngược lại? Chỉ nhớ một điều: Trẻ trung đấy mà không buông tha, mà rất cụ cựa, mà thích đối đầu nói thẳng nói thật, mà không sợ tạo ra nhiều...kình địch.

Và cứ thế, thêm 20 năm nữa ập tới. Tôi nhấn mạnh đến tính cách thích đối đầu, cụ cựa, thích nói thẳng của anh để cố tình tìm ra mối liên hệ với những bài thơ anh mới viết trong tập thơ “Gió heo may nắng ngày gián đoạn hôm nay.

Có ai đó đã ví von rằng, hiện thực đời thường giống như chiếc giếng đang thau. Phần còn lộn lèo bùn đất, rác rến, lá ải, rêu mục là giành cho văn xuôi. Thi ca chỉ múc lấy phần nước đã tinh khiết, đã trong lọc, đã lắng đọng ở tận đáy sâu. Nhưng với đất nước mình, những sự biến cải, những cuộc binh đao, những phủ định và khẳng định tới tấp, vội vã lại giống như chiếc gậy automatique, chạy bằng động cơ điện nhiều sức ngựa đã quấy đảo, làm lộn lạo, nháo nhào qua năm này tháng khác, khiến nước trong không còn kịp lắng xuống đáy sâu…

Có lẽ cũng bởi lẽ này, ở xứ mình phần đông các nhà báo cầm bút làm thơ và ngược lại là nhà thơ không thể không thể tránh khỏi ánh nhìn và cảm quan của nhà báo.

Vì lẽ đó, với tập “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” tôi cảm thông và bênh vực những ẩn ức, những thất vọng, những hoài nghi của anh trước những gì đã nghe, đã thấy: Chúng ta làm sao tự vệ được trước sắc mây bay? Chúng ta làm sao tự vệ trước chiều mưa muộn? Chúng ta làm sao tự vệ trước vệt nắng phai?” (Chột dạ khi ra khỏi nhà)

Tôi thông cảm và bênh vực cả cái cảm giác bất lực vào chính ngòi bút của mình, vào những vần thơ mình viết ra cách nào đây thực hiện được thiên chức ngợi ca, làm đẹp cho cuộc đời:  Những bài ca cũ được hát lại/ Cũng không thể minh định các oan hồn”, “Làm sao trách trời xanh đã mây bay ngàn dặm/ Làm sao trách nụ hoa quên nở sớm mai buồn/ Tôi trách tôi chân chùn gối mỏi/ Buổi nhân tình khô héo mặt người dưng!

Ai quen biết Lê Thiếu Nhơn, đã đọc anh, đặc biệt là đọc những bài báo giàu sức nóng, sự châm ngòi cho phát nổ khi anh đề cập tới những ngang tai, chướng mắt, những gì bất cập trong cuộc sống nói chung, trong toàn cảnh văn hóa văn nghệ hiện nay, đều nhận ra sự thống nhất hữu cơ của anh giữa thơ và phần văn xuôi. Đó chính là đạo đức và phẩm cách cần thiết của người cầm bút hôm nay; là phần “trách nhiệm công dân thấm đẫm trên mỗi dòng viết của anh.

 Dù nhà thơ đang hành nghề nhà báo, nhà thơ phải chăm chỉ, cần mẫn, rong ruổi kiếm sống, nuôi vợ con bằng những bài báo, đọc “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” vẫn thấy toát lên cái vỉa mạch chủ yếu; cái màng lọc riêng của cảm xúc của biểu hiện là dành cho thơ, giúp thơ thoát thai, nên hình hài. Chứ tuyệt nhiên tác giả không bị lạc bước sang những nẻo đường xa lạ với thi ca.

Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội tháng 7-2020