Câu chuyện chúng tôi xoay quanh cảnh quay đầu tiên buổi sáng, anh Tô Hoài nói đại ý anh không tin Mai Lộc thực hiện tốt bộ phim này theo ước muốn của anh, tôi hỏi vì sao anh có ý nghĩ như vậy, anh nói đại ý: Tôi không nói kỹ thuật vì tôi nghĩ Mai Lộc cũng biết, nhưng tôi muốn nói điều tiên quyết đối với người làm văn nghệ là sự phóng khoáng của tâm hồn, mà điều này Mai Lộc không có.





CHÚT KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN TÔ HOÀI

DƯƠNG LINH

Tôi đã đọc say mê “Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài từ hồi còn nhỏ tuổi, học Trường tiểu học Trà Vinh. Và hai mươi năm sau - năm 1960 - lần đầu tiên tôi gặp anh Tô Hoài với tư cách là biên tập phim “Vợ chồng A Phủ do anh viết kịch bản và Mai Lộc làm đạo diễn.

Còn nhớ buổi quay đầu tiên ở một đồi núi Ba Vì thuộc thị xã Sơn Tây có anh Tô Hoài tham dự, đoạn phim tả cảnh A Sử (do Hòa Tâm đóng) con Thống lý Pá Tra phá cuộc chơi ném còn của trai gái Mông vùng cao, nhưng giữa chừng phải dừng lại vì đạo diễn không thể hiện đúng tính cách A Sử, gây phản ứng trong số diễn viên do A Sử phá cuộc chơi “hiền lành” quá (cảnh này sau được sửa lại và quay ở chùa Thầy, Sài Sơn).

Buổi chiều hôm ấy, trên tảng đá bằng phẳng như mặt bàn, anh Tô Hoài và tôi ngồi uống trà với ấm và phích nước nhỏ anh mang theo. Câu chuyện chúng tôi xoay quanh cảnh quay đầu tiên buổi sáng, anh Tô Hoài nói đại ý anh không tin Mai Lộc thực hiện tốt bộ phim này theo ước muốn của anh, tôi hỏi vì sao anh có ý nghĩ như vậy, anh nói đại ý: Tôi không nói kỹ thuật vì tôi nghĩ Mai Lộc cũng biết, nhưng tôi muốn nói điều tiên quyết đối với người làm văn nghệ là sự phóng khoáng của tâm hồn, mà điều này Mai Lộc không có. Ví như nhân vật A Sử của tôi, con Thống lý Pá Tra, nó đẹp trai nhưng tính tình ngông nghênh phách lối coi mình hơn thiên hạ, chứ đâu có chột mắt xấu xí như cách xây dựng hình tượng nhân vật của Mai Lộc. Có lẽ Mai Lộc chịu ảnh hưởng lối xây dựng nhân vật của Tàu: Hễ người tốt là phải đẹp còn kẻ xấu thì bề ngoài phải xấu như hai câu thơ: “Người trung mặt đỏ, đôi tròng bạc/ Đứa nịnh râu đen, mấy sợi còi”. Rồi anh cười phá lên: Lối xây dựng nhân vật kiểu này “xưa” lắm rồi, bây giờ ở phương Tây cũng như một số nước phương Đông, người ta đã bỏ không xây dựng nhân vật kiểu đó từ lâu.

Phim “Vợ chồng A Phủ làm xong khoảng giữa năm 1962, và được đưa vào chiếu chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh 2-9 ở Đặc khu Vĩnh Linh (phía Bắc vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị). Có thể nói đây là buổi lễ Quốc khánh đặc biệt ở Đặc khu Vĩnh Linh vì có mặt nhiều nhất các văn nghệ sĩ nổi tiếng của Trung ương vào tham dự, chủ yếu là Hội Nhà văn Việt Nam. Người ta thấy có nhà văn Nguyễn Công Hoan cùng con gái là nhà văn Lê Minh, nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Tô Hoài, các nhà thơ Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế lan Viên, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh..., các nhà văn thơ trẻ như Nguyễn Khải, Hồ Phương, Xuân Thiều, Chính Hữu và nhiều người nữa không nhớ hết. Các Hội như Điện ảnh, Nghệ sĩ sân khấu, Âm nhạc, Mỹ thuật đều có đại biểu.
Riêng Đoàn đại biểu Xưởng phim truyện Việt Nam do ông Hồ Văn Lái - Cục phó Cục Điện ảnh làm Trưởng đoàn; đoàn còn có Hoàng Thái - phó đạo diễn phim Vợ chồng A Phủ, Dương Linh - biên tập phim. Đạo diễn Mai Lộc và hai diễn viên chính là Trần Phương (vai A Phủ), Đức Hoàn (vai Mỵ) không hiểu sao đều vắng mặt, dù có giấy mời chính thức.

Sau buổi lễ là buổi liên hoan, mở đầu bằng chiếu phim “Vợ chồng A Phủ do Đoàn đại biểu Xưởng phim truyện và nhà văn Tô Hoài giới thiệu. Buổi chiếu phim kết thúc với nhiều tiếng vỗ tay của người xem, Bí thư Đặc khu ủy Vĩnh Linh đề nghị nâng ly chúc mừng nhà văn Tô Hoài và Đoàn đại biểu Xưởng phim truyện được mọi người hưởng ứng.

Buổi tiệc sắp tàn, anh Tô Hoài mặt đỏ gay vì được nhiều quan khách mời bia rượu, chúc mừng thành công của phim Vợ chồng A Phủ, đến trước tôi tay cầm ly bia chạm cốc với tôi rồi nói đậm chất khôi hài rất riêng của Tô Hoài không lẫn với ai: “Làm phim như thế này thì tôi làm đạo diễn cũng được, ông làm đạo diễn cũng được!”. Biết anh không thỏa mãn với sự thể hiện của đạo diễn Mai Lộc, theo tôi nghĩ có lẽ anh cho là phim có thể làm hay hơn bởi cảnh với người Tây Bắc hoành tráng và sinh động hơn những nơi khác, nghĩ vậy nên tôi chỉ cười trừ không dám phát biểu ý kiến.

Chút kỷ niệm nhỏ nữa là chuyện trả tiền kịch bản “Vợ chồng A Phủ, tôi trình bày với Giám đốc xưởng phim rằng Tô Hoài là nhà văn có tên tuổi, lần đầu tiên cộng tác với xưởng phim, không nên để nhà văn đến xếp hàng ở phòng Tài vụ để nhận tờ séc cầm tay rồi ra ngân hàng Hoàn Kiếm lãnh tiền, như vậy không được lịch sự lắm (lúc đó theo quy định của Bộ Tài chính, cơ quan chỉ được phép trả tiền mặt 100 đồng còn trên số đó phải chi trả bằng séc cầm tay); tôi cũng đề nghị xưởng phim có quỹ tiếp khách, Giám đốc sẽ tiếp nhà văn vào sáng mai, tôi sẽ xuống cơ quan Hội Nhà văn để lấy chứng minh thư của nhà văn Tô Hoài về đưa cho phòng Tài vụ ghi séc.

Đúng 9 giờ sáng hôm sau, nhà văn Tô Hoài được Giám đốc xưởng phim tiếp ở phòng khách, sau khi ăn bánh ngọt uống cà phê xong, Giám đốc nói lời cám ơn sự cộng tác của nhà văn và trân trọng đưa phong bì có séc cầm tay cho ông Tô Hoài rồi tiễn nhà văn ra đến cổng 62 Hoàng Hoa Thám, còn tôi tiễn ông đến vườn Bách Thảo mới trở lại. Tôi nghĩ có lẽ đây là lần đầu tiên Xưởng phim trả nhuận bút cho tác giả kịch bản lịch sự và tỏ ra trân trọng sự cộng tác làm phim của nhà văn với Xưởng phim.


Nguồn: Hồn Việt