Tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở” không có nhân vật chính. Nhân vật chính là cõi lòng dào dạt cảm thương của Vũ Từ Trang. Anh đi vào cõi xa, bà con ta, nhất là những lứa sinh sau đọc lại, hằn sẽ nhận ra: chất chứa trong mỗi chữ của anh là nỗi lòng anh đau đáu muốn đền đáp quê hương, không để những khổ đau, những hi vọng của quê hương trôi đi vô ích.





Cho người về nơi yên tịnh, vô ưu… 

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Hôm nay, khi tất thảy những người thân yêu đều đã đến đây đứng quanh anh, chỉ cách anh bốn năm bước chân, nhìn gương mặt anh thân thiết, dáng hình anh quen thuộc. Nhưng anh đã xa, rất xa. Xa cách quá rồi. Tôi nhẩm lại tên anh, định vị lại cái không gian mà anh và chúng ta đã có, nếm lại cái vị thời gian mà anh cùng trải với chúng ta.
Tên khai sinh anh là Vũ Công Đình, ra đời ngày 20/7/1948, đó là năm Mậu Tý. Năm Canh Tý này, chỉ 8 ngày nữa là anh vừa trọn 6 chi giáp. Anh ghép tên huyện Từ Sơn và tên làng Trang Liệt của quê nhà thành bút danh Từ Trang từ ngày đầu cầm bút viết nên văn. Và cuốn sách cuối cùng, anh hoàn thành gâp rút trên giường bệnh điều trị ung thư cũng lại là cuốn tiểu thuyết kể chuyện làng, 372 trang, mang tên “Và khép rồi lại mở. Vũ Từ Trang đã mang tâm hồn mình sâu chuỗi lại thân phận những người dân trong làng, những bà con trong họ. Anh viết ở đầu sách, như một lời dặn trước rằng đây là sách hư cấu văn học, nghĩa là anh bịa ra mà viết nếu có giống với ai đó là do ngẫu nhiên, xin thông cảm cho anh. Tôi tin lời anh nói. Anh không nhằm vào một ai đó. Anh chỉ thú nhận, hay chứng nhận rằng anh đã thấy, anh đã sống, đã yêu thương, đã đau khổ, xót xa với những cuộc đời như thế. Không ở làng anh thì ở một làng nào đó. Tiểu thuyết không có nhân vật chính. Nhân vật chính là cõi lòng dào dạt cảm thương của anh. Anh đi vào cõi xa, bà con ta, nhất là những lứa sinh sau đọc lại, hằn sẽ nhận ra: chất chứa trong mỗi chữ của anh là nỗi lòng anh đau đáu muốn đền đáp quê hương, không để những khổ đau, những hi vọng của quê hương trôi đi vô ích.
Trươc khi làm thơ viết văn, Vũ Từ Trang là người viết báo. Khoảng những năm 1964-1965 anh viết những bài báo lẻ đăng nhật trình ở tỉnh lẻ Bắc Ninh rồi ở các tờ báo lớn thủ đô. Vài năm sau thì anh nhâp hẳn vào nghề báo, thành phóng viên của tờ Tiểu công nghiệp - Thủ công nghiệp, tiền thân của tờ Doanh nghiệp sau này. Hai mươi năm làm báo cho anh một vốn hiểu biết sâu về Nghề cổ đất Việt. Bốn chữ này cũng là tên tập sách về lịch sử các nghề cổ truyền của nước ta. Đó là bản cuối sau ba lần tái bản có sửa chữa và bổ sung. Lần cuối này được anh hoàn thiện trên giường bệnh và cũng là bản thảo được anh hài lòng nhất. Sách in ra, to dày chắc nịch như một cuốn tự điển về làng nghề. Cuốn sách có dư luận tốt trong giới khảo cứu. Bạn bè chúc mừng và khậm phuc anh trong ba năm đấu tranh quyết liệt với căn bệnh chưa có thuốc chữa hiệu quả, anh đã lao động hiệu quả, đưa in ba tập sách.
 Tập thứ ba chính là cuốn thứ V của bộ sách chân dung văn hoc, tập “Phận người trôi nổi, Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2019. Trong bộ sách 5 cuốn này, Vũ Từ Trang đã đưa lên trang 120 cuộc đời làm văn chương nghệ thuật. Có nhiều tác giả nổi tiếng, nhưng nhiều hơn, lại là những nghệ sỹ gặp lắm thứ lận đận trong nghề. Đặc điểm chung của họ là nghèo và say mê. Vũ Từ Trang đã có những chi tiết đời sống thời bao cấp thật cảm động, như bà mẹ nghệ sĩ dỗ dành thằng con ngày nóng bức bằng cách vẽ lên tường chiếc quạt máy đang quay tít. Hay một nhà vặn nọ nổi tiếng viết nhanh và đi bộ cũng nhanh. Đi bộ suốt cả một đời người. Ông họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho bảo tàng Hỏa Lò nghỉ trưa tại chỗ bằng cách chui nằm vào cái máy chém, chỗ nằm của người bị hành hình, cố nhiên bây giờ cái máy chém ấy không lưỡi dao... Nhiều chi tiết sinh động lạ và thương của cái nghiệp văn chương nghệ thuật đã được anh lưu lại. Đây là một đức tính của văn thơ Vũ Từ Trang. Anh hay tìm đến những người chịu thất thiệt. Phù suy chứ không phù thịnh. Viết như một sự an ủi sẻ chia.
Trong đời, anh cũng có cách giao thiệp như thế. Anh không bỏ lỡ một dịp nào được giúp đỡ bạn bè. Căn nhà anh như cũng đồng điệu với lòng chủ nhân hiếu khách. Vào không phải gọi cửa vì nó là một cửa hàng, trong nhà lại sẵn bàn ghế giường phản vì là một tiệm đồ gỗ sang trọng của làng nghề Đồng Kỵ. Căn nhà 378 Bạch Mai đó, hơn mười năm vừa qua đã thành nơi hẹn gặp của bạn bè và cũng là nơi xuất phát của các chuyến đi thăm bè bạn tỉnh Đông tỉnh Đoài, hay lên Kinh Bắc hoặc xuôi về Sơn Nam Hạ. Trưởng đoàn kiếm lái xe bao giờ cũng là Vũ Từ Trang. Anh luôn khiêm nhường, hóm hỉnh và tận tụy. Anh có bạn bè thâm giao ở khắp nơi. Chính từ những mối thâm giao đó mà anh có nơi đến lí thú cho những chuyến đi. Khi là một vùng đồi Phồn xương, khi là một căn nhà cổ Nam Định, hoặc một trang trại hưu trí của người bạn từ hồi trung học, khi là một canh quan họ gốc của người bạn đồng hương Bắc Ninh…
Vũ Từ Trang có mối quan hệ dằng dịt với nhiều cội nguồn văn hóa truyền thống đằm thắm của Kinh Bắc. Anh yêu chất trữ tình duyên dáng của tâm hồn Kinh Bắc trong lối sống quê anh. Có lẽ vì thơ là thể loại văn chương anh mê đắm. Yêu và sợ. Làm thơ từ sớm, nhưng được chú ý là từ năm1978 khi bài “Trăng Phồn Xương được báo Nhân Dân, qua sự chọn lựa của các nhà thơ có thẩm quyền chuyên môn hồi đó, đã biểu dương là bài thơ hay của năm. Báo Nhân Dân những năm ấy đăng thơ không nhiều như bây giờ nhưng rất có trọng lượng trong đánh giá và phát hiện tài năng thơ. Vũ Từ Trang có tự tin hơn nhưng anh vẫn lặng lẽ, có phần rụt rè, đến với nó. Chúng ta đã thấy, trong mấy năm vừa qua, Vũ Từ Trang đã từ tốn và chắc chắn gặt hái những thành tưu về văn xuôi (tiểu thuyểt, văn chân dung), về khảo cửu (nghề cổ) nhưng thơ vẫn là thể loại anh tâm huyết nhất. Đấy là chỗ xuất phát đời viết của anh và cũng là nơi anh ký thác.
Thơ Vũ Từ Trang có bước thay đổi rõ trong cao trào cá thể hóa phẩm chất trữ tình những năm Đổi mới vừa qua. Điều đó đã được một số cây bút phê bình và bạn đọc tinh tế nhận ra và biểu dương. Nhưng tôi vẫn trm nghĩ, với thơ, anh phải được nhận ra hơn thế. Bài, như “Ngược núi Thiên Thai” còn tập, như “Những vòng tròn không đồng tâm là nét mới của cảm xúc thơ Vũ Từ Trang. Nó đáng được con mắt xanh của làng thơ chú ý, để khích lệ biểu dương đúng lúc. Tôi nói thế lúc này, khi mọi việc về anh đã thuộc về chúng ta. Chứ ở anh, tôi không thấy bợn một chút so đo nào. Anh có lối nghĩ, tôi không biết là hay hay dở, nhưng nó bảo về cho sự thanh thản của chính minh, là: Không được là bình thường, là có lí, như mọi người thôi. Còn được, như được giải, là may cho mình, mình lọt vào cái ô được nhìn thấy.
Một trong các cuộc trò chuyện cuối cùng với tôi, bằng giọng thều thào hai tiếng một, khi tôi hỏi; ông còn có nguyện vọng gì không? thì Trang nói: Cám ơn nhà xuất bản Phụ Nữ, họ tốt với mình lắm, nhờ có họ thúc mà mình hoàn thiện được cuốn Nghề cổ nước Việt. Cầm cuốn sách họ gửi cho, thấy lại 20 năm lặn lội làm báo của mình. Cuốn sách như một sự bù đắp cho những tháng ngày dấn thân. In lại thì còn, chứ không, tản mác hết. Khi được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tặng giải thưởng cho tập chân dung văn nghệ sỹ 5 tập, anh nghĩ mình được anh em yêu mến hơn là đóng góp học thuật. Tôi nghĩ khác. Nhưng cách nghĩ của Trang đáng quý biết bao nhiêu và tôi cũng hiểu và biết ơn sự ghi nhận trân trọng và đúng lúc của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đối với anh. Anh đã lưu lại được dấu vết trung thực về không gian lao động một thời kỳ văn chương nghệ thuật của chúng ta.
Vũ Từ Trang cũng như cả lứa anh em chúng tôi, bước ra khỏi trường trung học hoặc đại học là bước vào chiến tranh. Hết chiến tranh thì tuổi thanh niên đã qua, vội vã nhập vào cuộc vật lộn kiếm sống thời bao cấp. Nghề viết báo làm văn chúng tôi say mê đắm đuối thì thời buổi ấy lại là nghề có thu nhập eo hẹp vào bậc nhất trong các nghề. Nhà văn nhà báo nhà đài/ Cả ba nhà ấy bằng hai nhà nghèo. Vợ chồng Vũ Từ Trang ngày đó đã phải sớm khuya, đứng mũi chịu sào, khéo ăn khéo mặc cho các con được no được ấm, được nên người như hôm nay. Và cũng từ cuộc sống đầy gian nan ấy, Vũ Từ Trang có được hàng nghìn trang viết về thơ, văn, nghiên cứu được bạn bè, được người đọc yêu thích, trân trọng và chắc chắn có ích cho lâu dài.
Thế nhưng cho đến hôm nay, khi bắt đầu được chạm vào vùng bóng mát của vườn cây mình trồng thì Trang lại ra đi. Hơn ba năm đấu tranh với bệnh tật, Trang đã nghĩ ngợi mọi lẽ, cho vợ và các con cháu, cho họ hàng, bè bạn. Phận anh, anh nói: “Thôi kệ nó ông ạ, tôi gắng làm được gì thì làm thôi, không nghĩ đến nó nữa. Tôi thanh thản . Chỉ có bây giờ đau quá. Đau bên trong ngực. Phải dùng morphin rồi”. Rồi anh bảo con gái lui ra ngoài, và nhỏ giọng, thều thào, hai tiếng một, tôi ghé xuống lắng nghe anh: “tôi muốn bác viết cho tôi cái điếu văn”. Tôi nghe thảng thốt. Thương anh quá, Trang ơi! 
Chúng tôi, bè bạn, gia đình, họ tộc, xóm làng, bà con dân phố... đang đứng quanh anh đây. Mong anh thanh thản về nơi yên tịnh, vô ưu…
Vĩnh biệt Vũ Từ Trang thân yêu.