Khi được hỏi về cách đặt tên tác phẩm, Nguyễn Ngọc Thuần đã thú nhận rằng, anh thường nghĩ tên tác phẩm trước, khi nào đặt được cái tên hay, ưng ý anh mới bắt đầu viết. Đây là một cách độc đáo và thú vị vì thông thường người ta sẽ nghĩ ra một vài ý tưởng rồi mới viết, cái tên ban đầu chỉ là một phương án chứ không thể quyết định sự viết.




ĐẶT TÊN TÁC PHẨM

UÔNG TRIỀU

Viết văn là nghề có từ lâu đời và bao nhiêu tác phẩm đã được tạo ra, khó khăn trong việc đặt tên là nó rất dễ trùng tên với những tác phẩm đã từng tồn tại. Những cái tên đại loại có những cụm từ như: "Lần cuối cùng", "Đêm cuối", "Ngày đầu tiên"… đã bị vô số người sử dụng. Nếu lặp lại những cụm từ ấy dễ dẫn đến sự hiểu lầm hoặc lẫn vào trong đám đông hoặc biểu hiện của sự thiếu tìm tòi và sáng tạo. Không riêng gì tên tác phẩm, ngay cả tên người thiên hạ đã đặt hết cả rồi những cái tên Tuấn, Mai, Hiền, Thảo, Vũ... nhìn đâu cũng thấy. Tìm một cái tên mới không trùng ai và tạo được ấn tượng là điều vô cùng khó khăn, thậm chí trong một số trường hợp là bất khả. 

Chính tôi đã rơi vào những trường hợp khóc dở, mếu dở. Tìm được một cái tên ưng ý, trước khi tác phẩm mang đi nhà in thì phát hiện có người dùng cái tên ấy rồi, thế là buộc lòng phải tìm một cái tên khác thay thế, khi sách in ra vẫn không thấy thoả mãn với nó.

Nhưng cũng có rất nhiều người giỏi đặt tên, họ tạo những cái tên rất ấn tượng, đọc lên đã thấy hấp dẫn và gần như không trùng ai. Một trong người đặt tên hay là Nguyễn Ngọc Thuần. Hãy đọc thử những cái tên tác phẩm của anh mà xem: "Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ", "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", "Vào ngày đẹp trời người nhổ khoai mì bị rắn độc cắn"… Mỗi cái tên đều rất gợi, khá dài và mang sẵn một sự khiêu khích nào đó. 

Khi được hỏi về cách đặt tên tác phẩm, Nguyễn Ngọc Thuần đã thú nhận rằng, anh thường nghĩ tên tác phẩm trước, khi nào đặt được cái tên hay, ưng ý anh mới bắt đầu viết. Đây là một cách độc đáo và thú vị vì thông thường người ta sẽ nghĩ ra một vài ý tưởng rồi mới viết, cái tên ban đầu chỉ là một phương án chứ không thể quyết định sự viết. Nếu đặt được một cái tên độc đáo rồi mới viết thì điều ấy quả rất lạ hoặc Nguyễn Ngọc Thuần đã nói đùa!

Cách đặt tên dài là một kiểu khá phổ biến thời gian gần đây, đó là một cách chống lại sự trùng lặp và "gây hấn" với độc giả. Hồ Anh Thái cũng là một trong những người đặt tên khá thú vị. Đây là tên một số tác phẩm của anh: "Cõi người rung chuông tận thế", "Cả một dây theo nhau đi", "Mua tranh Van Gogh để đốt"… Những tiêu đề của Hồ Anh Thái thường đi thẳng vào nội dung tác phẩm, ít khi ẩn dụ hay ngầm ẩn.
Nhưng không phải bây giờ các nhà văn mới đặt tên tác phẩm dài và tạo một cú huýnh vào tâm lý của độc giả. Các cây bút tiền chiến xưa cũng từng có cách đặt tên khiến người đọc phải giật mình. Vũ Trọng Phụng có những cái tên rất gây sốc: "Kĩ nghệ lấy Tây", "Làm đĩ", "Một con chó hay chim chuột"… Chỉ đọc tên tác phẩm đã biết tác giả chơi một cú "vỗ mặt". Tôi chắc hẳn những dòng tít không biết nể nang này đã góp phần làm nên sự thành công của Vũ Trọng Phụng.

Nam Cao cũng là một người đặt tên hay, ông có những truyện tên rất gợi như: "Cái mặt không chơi được", "Trẻ con không được ăn thịt chó", "Mò sâm banh"… Nhưng không phải tác phẩm nào Nam Cao cũng thành công trong việc đặt tên. Xem lại những lần ông thay đổi tên gọi tác phẩm, ta thấy rằng nhà văn cũng vật vã với nó lắm. Một tác phẩm xuất sắc của Nam Cao, lần đầu ông gọi nó là "Cái lò gạch cũ", khi in thành sách, nhà xuất bản tự ý đổi tên thành "Đôi lứa xứng đôi", sau này in lại, ông đổi thành "Chí Phèo". Và tôi đồ rằng từ ngày được định danh "Chí Phèo", sự lan toả và danh tiếng của tác phẩm được biết đến nhiều hơn so với hai cái tên ban đầu. 
Và chính Nam Cao cũng từng có những cú bẻ ngược khác rất đáng chú ý, một cuốn tiểu thuyết của ông, ban đầu được đặt tên là "Chết mòn", sau lại đổi tên là "Sống mòn". Tất nhiên, chết mòn thì quá dễ, sống mòn mới đáng nể!

Một nhà văn nổi tiếng từ thời tiền chiến như Ngọc Giao có những tác phẩm rất trữ tình và dịu dàng như "Phấn hương", "Cô gái làng Sơn Hạ"... bỗng "huỵch" một phát đặt tên cho một truyện ngắn cái tên rất khiêu khích: "Đời tư Lã Bố"! Có lẽ chính vì cái tên rất khác người này mà tác phẩm này đã được nhiều nhà xuất bản hồi ấy in vào tuyển tập và tôi chắc hẳn độc giả khi nhắc đến cái tên truyện đều không khỏi tò mò, thế mà Ngọc Giao đã đặt tên kiểu đó từ năm 1938!

Đó là những kiểu tên dài và thách thức, có những nhà văn lại thích đặt những cái tên thật ngắn, thậm chí là một chữ. Những kiểu đặt tên này mang lại một hương vị khác lạ, nó ngầm ẩn và thách thức. Nguyễn Bình Phương có "Ngồi", Nguyễn Ngọc Tư có "Sông", Nguyễn Đình Tú có "Nháp"...

Các nhà văn nước ngoài nhiều người cũng có cách đặt tên rất hay. Ta có thể vài cuốn đình đám quen thuộc với độc giả Việt. Đó là "Gone with the wind" của Margaret Mitchell - Cuốn theo chiều gió, "For whom the bell tolls" của Ernnest Hemingway - Chuông nguyện hồn ai, "The call of the wild" của Jack London - Tiếng gọi nơi hoang dã...

Có những kiểu tên được đặt theo những khái niệm. Phong cách này thường được các nhà văn cổ điển ưa thích như các cuốn: "Chiến tranh và hòa bình", "Tội ác và hình phạt", "Kiêu hãnh và định kiến", "Lý trí và tình cảm"... Các nhà văn Việt ít khi đặt tên theo kiểu khái niệm vì cho rằng nó quá Tây và cứng nhắc. Nhưng làm gì có khuôn vàng thước ngọc nào cho việc đặt tên, thế này hoặc thể kia! 
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi phải 7 lần đổi tên vì những lí do khác nhau và tôi cũng muốn nó thuần Việt theo tư duy người Việt nhưng rốt cục tôi đã "nhượng bộ" người biên tập cuốn sách và đặt tên nó là "Tưởng tượng và dấu vết". Nhiều người bảo cái tên đó trúng, người khác thì nói nó quá cứng! Cũng không thể nào chiều hết mọi người và thậm chí ngay cả những tác phẩm đã rất nổi tiếng, người viết vẫn luyến tiếc về cái tên của nó.

Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh ban đầu có tên là "Nỗi buồn chiến tranh", sau đó đến nhà xuất bản, biên tập viên đổi là "Thân phận của tình yêu", lúc tái bản, Bảo Ninh lấy lại tên cũ nhưng sau rốt ông lại thú nhận, giá kể cuốn sách chỉ mang tên "Nỗi buồn" là đủ, thêm từ "chiến tranh" là không cần thiết!

Một kiểu đặt tên ưa thích của người viết là lấy luôn tên nhân vật chính làm tên tác phẩm. Những tác phẩm kiểu này rất nhiều như: "Anna Karenina", "Bà Bôvary", "Lão Hạc", "Hồ Quý Ly"... Kiểu đặt tên này đơn giản và tiện lợi vì nhân vật được tên đặt là nhân vật trung tâm và có ảnh hưởng lớn dễ tạo hình ảnh. Nhưng bây giờ ở các tác phẩm hiện đại, tác giả có khuynh hướng xây dựng nhiều nhân vật chính mà ít có nhân vật trung tâm hoặc nhân vật không đủ nổi bật nên cũng có ít tác phẩm đặt tên kiểu này.

Một câu hỏi đặt ra là tên tác phẩm có nhất thiết phải song hành với nội dung tác phẩm hay không. Tôi cho rằng điều này không nhất thiết. Tên tác phẩm song hành hay không không quan trọng, miễn là nó hay và có những gợi mở. Điều này sẽ phá vỡ được những định kiến và lối mòn đặt tên. 

Nhiều tác giả không muốn hé lộ cho độc giả bất cứ điều gì qua cách đặt tên, họ cho rằng, tác giả không việc gì phải tiết lộ nội dung tác phẩm cho độc giả biết qua tiêu đề tác phẩm. Cứ để cho độc giả tự khám phá sẽ hấp dẫn và thú vị hơn. Một vài cái tên kinh điển thuộc thể loại này như: "Tên của đóa hồng"  của Umberto Eco, "Tu viện thành Parma"  của Stendhal...

Việc đặt tên tác phẩm giống như dán một cái nhãn hàng hóa, nó rất quan trọng trong việc thu hút độc giả. Ngày nay, văn học bị cạnh tranh khốc liệt với các loại hình khác và chính các tác giả cũng phải có những tư duy mới để có chỗ đứng và neo vào trí nhớ độc giả. Một cái tên hay và hấp dẫn đóng một vai trò nhất định trong sự thu hút này. 

Tôi nhớ có lần đạo diễn Lê Hoàng kể, một bộ phim anh đạo diễn có cái tên dự định là "Trường hợp của Hạnh". Rõ ràng đó là một cái tên quá cứng và khô. Lê Hoàng bảo, đặt tên đó thì "ma" nó mới đi xem phim! Khi đổi tên phim là "Gái nhảy" thì cái tên mới đã tạo được sự hấp dẫn lớn hơn nhiều và bộ phim đã từng là một hiện tượng đáng chú ý.
Tất nhiên, tên tác phẩm chỉ là một phần cấu thành tác phẩm, tên hay mà tác phẩm dở thì không làm gì nổi nhưng đương nhiên một cái tên ấn tượng sẽ có sức lan tỏa mạnh. Cô đọng hoặc khiêu khích, dài dòng hoặc cụt lủn hoặc bất cứ phong cách đặc biệt nào sẽ cộng hưởng với tác phẩm, khiến nó hấp dẫn và được chú ý hơn.

Và lúc này tôi lại nghĩ đến việc người ta đặt tên cho đứa con ruột của mình. Quá trình ấy thường rất lâu và tốn công sức nhưng khi lớn lên chưa chắc đứa trẻ đã hài lòng với cái tên bố mẹ nó đã tâm đắc ấy. Tên một tác phẩm cũng vậy, người viết có khi đắn đo cân nhắc lắm nhưng rốt cuộc khi ra công chúng chưa chắc đã được sự đồng tình, thích thú.
Đặt tên khó lắm, vì rốt cuộc khi đặt tên ta nghĩ đến điều gì? Nghĩ đến tác phẩm hay độc giả? Đừng tưởng đây là một câu hỏi dễ trả lời!


Nguồn: Văn Nghệ Công An