Bài học chiến tranh cần phải được viết đúng đắn, chân thực và truyền lại cho các thế hệ sau, để hài cốt và tro tàn quá khứ trên những cánh đồng xanh hòa bình sẽ vọng lại nỗi khát khao hòa bình chứ không phải là mầm mống cho các trận đánh trong tương lai





TRÊN CÁNH ĐỒNG XANH CỦA BẢO NINH

CHU GIANG

Nhà văn Bảo Ninh có bài viết quan trọng đăng trên The New York Times, được Lê Nguyễn Duy Hậu dịch sang tiếng Việt với tựa đề Lần đầu tôi gặp Mỹ (tạp chí Hồn Việt số 145, tháng 3-2020). Trong bài viết này ông nêu lên các vấn đề, theo chúng tôi, là rất cấp thiết cho văn học về đề tài chiến tranh. Đó là:
* Khẳng định tính phi nghĩa và tàn bạo của cuộc chiến tranh mà người Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam.
* Sự cấp thiết của việc truyền lại bài học chiến tranh từ các thế hệ đã tham gia chiến tranh.

Vấn đề quan trọng và đáng quí hơn là ông phát biểu ngay trên đất Mỹ, trước hết với bạn đọc Mỹ. Chúng tôi chia sẻ với nhà văn Bảo Ninh và có đôi điều thấy cần phải suy ngẫm sâu hơn.

Khẳng định tính chất phi nghĩa và tàn bạo của cuộc chiến mà Mỹ đã gây ra đã có từ lâu, từ đương thời của cuộc chiến, trong đời sống xã hội Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Nhưng trong văn học, đối với Bảo Ninh, là một bước tiến quan trọng, một sự chuyển biến từ nhận thức, là điều kiện cực kì quan trọng, cơ bản, của người cầm bút.
Nhớ lại Nỗi buồn chiến tranh (1990), ông viết rất hay, rất lôi cuốn, đầy ấn tượng về sự tàn bạo và phi lí của cuộc chiến nhưng là do người Việt gây ra cho nhau. Người Việt tàn bạo với nhau. Không có bóng dáng của người Mỹ. Nói cho đúng thì cũng có, nhưng mờ nhạt và rất xa. Đó là cô giao liên Hà trên đường đi rơi vào tay một toán Mỹ đen. Không rõ toán lính Mỹ đen này đã hành xử như thế nào. Chỉ nghe tiếng cô giao liên thét lên rồi chìm vào vắng lặng. Có thể cô bị giết ngay. Có thể cô bị hành hạ thân xác cho thỏa cơn thèm khát nhục dục của toán Mỹ đen trước khi chúng giết cô. Cũng có khi cô bị bắt đi với giá trị của một cái lưỡi sống. Toán Mỹ đen cũng gợi cảm đầy ấn tượng. Họ không phải là thủ phạm chính của cuộc chiến.

Hình ảnh và ấn tượng về người Mỹ rất xa xôi mờ nhạt bên cạnh cảnh Kiên giết 3 tên lính Ngụy theo kiểu mèo vờn chuột; cảnh Phương bị toán lính tên lửa cưỡng hiếp trên toa tàu trong đêm đầy bom đạn ở ga Thanh Hóa hay cảnh Kiên xả trọn băng AK vào ngực một nữ cảnh sát Ngụy ở tình thế bất khả kháng. Cô ta trong tư thế ngã ngồi, hai tay chống ra phía sau, phơi bộ ngực ra hứng trọn băng đạn, máu thấm đỏ bộ quần áo trắng (Nỗi buồn chiến tranh).

Đến đây, Bảo Ninh đã nhận ra tính chất phi lí, phi nghĩa của cuộc chiến. Về con người, như số phận của Tommy: Tommy chết chỉ chưa đầy một năm sau ngày tốt nghiệp. Tại sao cuộc đời của cậu lại ngắn ngủi như vậy? Vừa tròn 18, cậu tốt nghiệp phổ thông, trở thành lính và sau 6 tháng quân trường, cậu lên máy bay với bạn của mình, bay đến nơi cách nửa vòng trái đất, đóng quân ở một nơi nào đó của Việt Nam… Là tân binh, có lẽ cậu đã bị giết chỉ vài phút ngay trong trận đánh đầu tiên của đời mình” (Bđd. Hồn Việt. Trg.19).

“Một trận không kích B.52 hay hỏa pháo có thể san phẳng cả ngọn núi, lấp những dòng sông, hay đốt cháy cả các cánh rừng” (Bđd. Trg.19). 

“… tôi không thể quên kí ức khủng khiếp về dioxin… Ngay sau khi những chiếc Caribou bay qua đầu chúng tôi, bầu trời trở nên tối đen lại, đem theo một cơn mưa dày, đặc quánh, và kì lạ. Cây cối xung quanh bắt đầu úa tàn, gãy đổ và rơi xuống đất. Lá, hoa, trái cây, ngay cả những mầm con, im lặng chết đi. Lá xanh trở thành đen và teo tóp lại. Cỏ úa màu và chết đi. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tàn khốc của chiến tranh, nhưng chính sự thảm sát thiên nhiên (chúng tôi nhấn mạnh – C.G) đó lại là những gì ám ảnh tôi nhất trong giấc ngủ cho đến bây giờ” (Bđd. Trg.19).

Nhận thức đó đã đến với Bảo Ninh khi ông trực tiếp gặp những người Mỹ, trên đất Mỹ:
“Sự ấm áp và hiếu khách của người Mỹ dành cho các tác giả Việt Nam khiến chúng tôi cảm thấy xót xa cho những người dân và đất nước của họ ngày hôm nay. Nó làm tôi nghĩ về tính phi nghĩa và tàn bạo của cuộc chiến mà người Mỹ đã tiến hành tại Việt Nam 25 năm trước” (C.G nhấn mạnh) (Bđd. Trg.19).
Đó là hành trình rất đáng ghi nhận và trân trọng của Bảo Ninh, phải non 30 năm (từ 1990) ông mới tới được (2017).

Từ những lo lắng của Bảo Ninh đặt ra những vấn đề rất lớn cho văn học về đề tài chiến tranh, khi ông viết:
“Tôi tự hỏi không biết những bài học mà chúng tôi đã phải trả giá rất đắt để có được liệu có truyền lại cho thế hệ mai sau? Nếu thế hệ tương lai không hiểu, hoặc quên đi những bài học này, liệu rằng có phải sẽ lặp lại những sai lầm trong quá khứ, sẽ lại gây nên những tội ác tương tự, sẽ lại tạo ra những thảm họa giống như cha ông, sẽ lại gieo rắc nỗi buồn như những gì mà thế hệ tôi nếm trải?” (Bđd. Trg.20).

Sau mỗi cuộc chiến đều là bài học cho cả hai phía nếu người ta có ý thức về lịch sử. Việc rút ra bài học phải do chính những người trong cuộc thực hiện. Những tri thức từ thực tiễn trực tiếp là những tri thức đáng tin cậy. Những cảm xúc từ thực tiễn trực tiếp sẽ có sức truyền cảm mạnh mẽ. Người đời sau chỉ có thể tiếp nhận lịch sử một cách gián tiếp, qua sử liệu, văn liệu, câu chữ. Chỉ có những người trong cuộc mới rút ra những bài học chân thực về lịch sử. Bởi họ là chủ thể sáng tạo nên lịch sử đó. Và đây là qui luật của lịch sử, của văn học Việt Nam, từ Nam quốc sơn hà, Lộ bố văn… của Lý Thường Kiệt đến hịch của Trần Hưng Đạo, thơ văn của các vua Trần và tướng lĩnh, danh sĩ như Trần Nhân Tông và Trương Hán Siêu cho đến áng Thiên cổ hùng văn của Nguyễn Trãi (Cáo Bình Ngô), đến Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp… 

Từ những chiêm nghiệm của Bảo Ninh đặt ra hai nhiệm vụ quan trọng cho đương thời và hậu thế:
- Phản ánh chân thực bản chất cuộc chiến tranh.
- Truyền bá, quảng bá, giáo dục bài học chiến tranh cho đương thời và hậu thế, trong dân tộc và ngoài nhân loại.

Về nhiệm vụ thứ nhất. Không đơn giản vì hiện đang có những quan niệm, luận điểm xét lại, hóa giải giá trị của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Cho rằng con đường của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam là sai lầm lạc hướng ngay từ 1920. Chỉ có bài thuốc Phan Châu Trinh mới là đúng (bất bạo động, ỷ Pháp cầu tiến bộ, chấn dân khí khai dân trí…). Quan điểm này đi đến tôn vinh cụ Phan Châu Trinh mới là người thầy của dân tộc, mới là nhà khai minh khai sáng cho dân tộc Việt Nam… Không chỉ trong hành động cụ thể như tôn vinh Phan Châu Trinh là Danh nhân văn hóa hàng đầu, số một của Việt Nam thời hiện đại, mà còn thấy ở rất nhiều bài báo, nhất là trên tạp chí Xưa và Nay (Hội KHLS VN). Đến cả một chuyên luận như Phan Châu Trinh và các tác phẩm chính luận (NXB Trẻ – 2018) hay Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa (NXB Hội Nhà văn)… Nhiều tác giả Việt Nam ở hải ngoại như Dương Thu Hương hay Xuân Đức… đi theo hướng này.
Cần phải khẳng định giá trị của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Điều đó đã diễn ra trong chính sử, trong chính trị và văn hóa xã hội từ đương thời cuộc chiến. Trong văn học, chúng tôi xin nhắc lại quan điểm của GS. Mai Quốc Liên, ngay từ 1998, ông đã cho rằng: Cuộc chiến tranh 30 năm ở Việt Nam là hòn đá thử vàng tất cả nhận thức, tình cảm, đường đi của chúng ta. Thay đổi nhận thức đó, trở lại lên án cuộc chiến tranh, cho nó là vô ích, thì tức là quay mặt lại toàn bộ lịch sử” (Phê bình và tranh luận văn học. NXB Văn học. H.1998. Trg.8).
Đấy là tiền đề cho vấn đề tiếp theo, khi GS. Mai Quốc Liên cho rằng: Việc giữ quan điểm, lập trường, giữ vững vũ khí và trận địa văn hóa – văn nghệ trong cuộc đấu tranh phức tạp hiện nay. Ông dẫn ra bài học của Liên Xô: Đảng Cộng sản Liên Xô đã để mất quyền lãnh đạo, đã để cho quyền lực thứ tư (văn hóa – tuyên truyền) thao túng và kiềm chế, tạo nên thứ bạo lực chính trị số đông để “đánh vào lòng người” không đánh mà thắng… (Sđd. Trg.187).
Nếu bài học chiến tranh này không giữ vững, không thấm nhuần vào lòng dân tộc, thì khi có nạn ngoại xâm, lấy ai cầm súng ra trận? Giặc chưa đến mà nội bộ dân tộc đã phân hóa năm bè bảy mảng thì giặc nó cần gì phải đánh!
Vì vậy, phản ánh cho “chân thực, hùng hồn” cuộc chiến tranh cứu nước theo lý tưởng “Không có gì quí hơn Độc lập – Tự do” là nhiệm vụ thường trực của ngành Khoa học xã hội và Nhân văn mà văn học – nghệ thuật là một lĩnh vực hết sức quan trọng.

Việc tuyên truyền giáo dục bài học chiến tranh cho các thế hệ hôm nay và mai sau là cực kì quan trọng. Bởi, ngay đương thời mà còn bị xuyên tạc, thì đời sau, tam sao thất bản, tình thế sẽ như thế nào? Và ngay thế hệ từng trải qua chiến tranh, khi phản ánh lại cuộc chiến cũng không hề đơn giản. Nếu nhà văn không nhìn toàn cảnh toàn diện, nhìn thấy cái bản chất mà chỉ thấy từ trải nghiệm hạn hẹp của mình, rất dễ chỉ thấy cây mà không thấy rừng, sẽ đi đến phiến diện và cực đoan.
Và một khát vọng lí tưởng, là giáo dục bài học chiến tranh như thế nào cho thấm vào tư tưởng và tình cảm của toàn dân tộc và rộng hơn, cho nhân loại thấy được bản chất của chiến tranh. Để thức tỉnh lòng yêu chính nghĩa, yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh, để có hành động chống chiến tranh đòi hòa bình như phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ lúc đương thời.
Đây là vấn đề của văn học – nghệ thuật, cũng là của sử học, của giáo dục, của văn hóa – thông tin đại chúng.

Vấn đề giáo dục lịch sử trong chính giới sử học đang là vấn đề lo ngại. Bởi nếu vượt qua rào cản ý thức hệ (GS. Phan Huy Lê) thì không thể có cái nhìn lịch sử đúng đắn được. Đơn giản vì thời đại này vẫn còn tồn tại các ý thức hệ khác nhau. Trong đó, tính dân tộc, ý thức dân tộc – hiện đại cũng cần được xem như vấn đề ý thức hệ. Trong giáo dục cũng là vấn đề đang rất nan giải. Đây là các chủ đề cần bàn luận vào dịp khác. Ở đây, chúng tôi chia sẻ với nhà văn Bảo Ninh rằng bài học chiến tranh cần phải được viết đúng đắn, chân thực và truyền lại cho các thế hệ sau, để hài cốt và tro tàn quá khứ trên những cánh đồng xanh hòa bình sẽ vọng lại nỗi khát khao hòa bình chứ không phải là mầm mống cho các trận đánh trong tương lai (Bđd. Trg.20).
Hà Nội, tháng 3-2020


Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TPHCM số 596