Thầy giáo Trần Minh Thương ở Trường THPT Ngã Năm, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng đã tìm tòi, sưu tầm và ghi chép lại những vẻ đẹp nếp ăn nếp ở xung quanh mình để có được tác phẩm “Phong tục miệt Nam Sông Hậu”





THẦY GIÁO NGHIÊN CỨU PHONG TỤC MIỆT VƯỜN

Nhà giáo Trần Minh Thương ở Sóc Trăng đã giới thiệu vẻ đẹp cư dân sông nước trong qua “Phong tục miệt Nam Sông Hậu”.

Miệt Nam sông Hậu gồm các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang. Vùng đất này trù phú và phóng khoáng, được bồi đắp bởi dòng người di cư. Lối sống của miền văn hóa khẩn hoang Nam bộ được nhiều người tấm tắc nhưng ít người chịu bỏ công hệ thống lại một cách bài bản. Vì vậy, muốn tìm hiểu khu vực này, chỉ có thể trông cậy vào nhà văn Sơn Nam (1926-2008) với hai cuốn sách công phu “Văn minh miệt vườn” và “Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa”.

Thật may, thầy giáo Trần Minh Thương ở Trường THPT Ngã Năm, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng đã tìm tòi, sưu tầm và ghi chép lại những vẻ đẹp nếp ăn nếp ở xung quanh mình để có được tác phẩm “Phong tục miệt Nam Sông Hậu”, NXB Tổng hợp TPHCM vừa ấn hành.

                                


Năm nay 49 tuổi, thầy giáo Trần Minh Thương có bằng thạc sĩ văn học, từng công bố một số công trình nghiên cứu như “Trò chơi dân gian ở Sóc Trăng”, “Diện mạo văn học dân gian Khơ Me Sóc Trăng”, “Ca dao Tây Nam bộ dưới góc nhìn thi pháp thể loại” hoặc “Ăn tết, chơi tết miền Tây”.
Trong “Phong tục miệt Nam Sông Hậu”, tác giả khảo sát nhiều khía cạnh liên quan đến gia đình, từ chuyện “Đầy tháng, thôi nôi”, chuyện “Kiếp làm bé” đến chuyện “Con nuôi, con ní ở miền Tây”, chuyện “Cải táng cho ấm lòng người bất hạnh”. Nếu nhìn nhận cuốn sách ở thể loại tản văn thì rất thú vị. Thế nhưng, nếu nhìn nhận cuốn sách ở thể loại nghiên cứu thì cũng có đôi chút băn khoăn.

Thứ nhất, về nguồn gốc. Khi “phong tục” không còn tồn tại đến hôm nay, thì được phản ánh trong cổ thư nào?

Thứ hai, về tính riêng biệt. Các “phong tục” miệt Nam Sông Hậu có gì giống và có gì khác so với các vùng trên đất nước Việt Nam, thậm chí có khác so với… Bắc Sông Hậu hoặc phía Sông Tiền và phía Sông Vàm Cỏ không? Các “phong tục” miệt Nam Sông Hậu được kế thừa từ “phong tục” miền Bắc và miền Trung như thế nào?

Tuy nhiên, thầy giáo Trần Minh Thương cũng đưa ra được hai nhận định đáng chú ý. Với “Làm mai… ăn đầu heo” thì thấy được “Sau ngày cưới, theo tục lệ ở miền sông nước Cửu Long, đôi vợ chồng trẻ sẽ sắm sửa cái đầu heo sống cùng trà bánh, thuốc hút mang sang biếu ông/ bà mai để tạ lễ. Trong cách nghĩ của dân gian xứ này, đầu heo được ngầm hiểu tượng trưng cho cả con heo. Song có lẽ vì hoàn cảnh nghèo khó hay để đơn giản, người ta mượn đầu heo thay thế để đền đáp công ơn”.

Còn với “Nỗi niềm ở rể” thì rút tỉa: “Không quá câu nệ vào những nghi lễ đã được định hình từ lâu, việc cha mẹ cô gái đồng ý cho ở rể cũng là tạo điều kiện xây dựng hạnh phúc cho biết bao chàng trai nghèo, khốn khó, bất hạnh… Quan trọng là tính tình, nhân cách, sự chịu thương chịu khó, họ sẽ được đền bù xứng đáng. Chuyện môn đăng hộ đối dường như không còn được nhắc đến qua tập tục này”.

                           TUY HÒA