Nhà văn Chu Lai tuổi 74 nói tậu ô tô chính bằng nhuận bút, mọi người đều không tin. Bởi thời buổi này mấy ai sống được bằng nhuận bút sách cơ chứ. Vậy mà có Chu Lai đấy!”, anh hét to…




CHU LAI táo bạo và bất ngờ

VƯƠNG TÂM

Nhà văn Chu Lai sinh năm 1946 tại Hưng Yên nhưng lớn lên và học tập ở Hà Nội từ nhỏ. Anh có tài hùng biện làm chủ mọi trò chơi mỗi khi tham gia. Có lần đi trại viết ở Thanh Hóa, anh là nhà văn duy nhất có ô tô đưa chúng tôi đi dọc đường biển hóng mát. Tò mò hỏi vì nghe anh nói tậu ô tô chính bằng nhuận bút. Mọi người không tin. Bởi thời buổi này mấy ai sống được bằng nhuận bút sách cơ chứ. Vậy mà Chu Lai đấy! Anh hét to…

“Cát sê” Chu Lai

Chợt mọi người hỏi về những khoản thu nhập của anh, nào là mỗi lần tái bản tiểu thuyết được bao nhiêu; nào là lên bao la bát ngát trên ti vi “cát sê” liệu có bằng vị giám khảo hoa hậu. Lại nữa cái lần lên làm MC đứng bên người đẹp sướng tít mắt chắc không thèm lĩnh “cát sê” nữa cũng nên. Bản tính sôi nổi trẻ trung của Chu Lai là thế. Vui là chính. Mỗi người một câu hỏi rồi cười nổ như pháo hoa vậy. Bỗng nhà văn Chu Lai dừng xe lại với ánh mắt trầm ngâm nhớ lại về một khoản nhuận bút bằng “một bộ xương người”. Chúng tôi giật thót mình.

Anh kể lại cái đận đầu thập niên 80 thế kỷ trước gia đình nào cũng túng thiếu và đói kém. Vợ chồng anh được mai mối lên nông trường Mộc Châu viết sách. Anh chắc mẩm kỳ này sẽ được món hời. Vợ đỡ phải cậy đá ở tủ lạnh mang đi bán kiếm tiền mua sữa cho con. Anh sẽ để dành được bộ quân phục để gần tết mới cho đi cầm cố. Thế là hai vợ chồng cặm cụi hì hục với cây bút. Vợ thì lặn lội xuống gần hai chục đơn vị thu thập tài liệu mang về cho chồng viết. Nhà văn Chu Lai cắm cổ cầy suốt ngày đêm. Tài liệu về đến đâu là cảm xúc tràn ngập ra đến đó. Vừa viết vừa mơ đến những lon sữa bò và bộ quần áo mới cho con trai mới hai ba tuổi. Vợ anh, nhà văn Vũ Thị Hồng cũng đi lại như con thoi chỉnh lý tài liệu giúp chồng. Thậm chí viết đến nỗi xã cánh tay. Hậm hụi mỗi ngày đủ 60 trang. Cày ba ngày đêm liền được một cuốn sách dày 180 trang. Đúng là một kỷ lục viết của nhà văn Chu Lai mà không ai có thể sánh được. Cuốn sách được nghiệm thu bằng cách tác giả đọc trước hội đồng cán bộ nông trường Mộc Châu. Ai cũng sùi sụt cảm động với những hình ảnh và chi tiết về đời sống của chính họ. Tác giả cũng ngân ngấn nước mắt theo từng con chữ. Mọi người đều hồ hởi vì thành công mỹ mãn. Ai cũng khen cuốn sách viết rất hay.

Trước khi ra về, hai vợ chồng Chu Lai nghĩ phen này có món tiền tết khơ khớ chứ chẳng phải vừa. Nhưng họ nói vợ chồng nhà văn cứ về rồi mọi thứ đâu sẽ có đó. Niềm hy vọng tràn ngập trong lòng hai người. Nhà văn Chu Lai rung đùi ôm con ru hời như trên sân khấu vậy. Đến một ngày bất ngờ người ta gửi xuống cho vợ chồng anh một bộ bàn ghế gỗ tạp đóng đinh ghép lại. Coi đấy là trả công cho tác phẩm. Ôi trời! Những chiếc chân bàn, chân ghế trắng nhởn khẳng khiu nom như bộ xương người. Lúc đó nhà văn Chu Lai tưởng tượng ra vậy vì không ngờ nhuận bút của một cuốn sách được trả ngược với mọi cơn mơ về những lon sữa bò và quần áo hoa cho con…Vậy sau sao? Có người chợt hỏi. Nhà văn Chu Lai gầm lên rằng, cho không ai lấy làm củi đun chứ sao. Hi! Hi! Hi! Mấy người phì cười. Chu Lai cũng ha hả cười rồi tự an ủi cũng phải thông cảm thôi thời kỳ bao cấp mà. Ai cũng khổ. Công nhân nông trường còn khổ hơn mình ấy chứ. Anh bất ngờ sang số rồ ga làm chúng tôi bổ chửng trên xe.

Đấy là lần nhuận bút hẻo nhất trên đời. Sau này Chu Lai khôn ra nhiều. Làm gì phải có hợp đồng và tạm ứng. Thị trường mà. Thịnh nhất là vào thời ra liền những bộ sách như “Ăn mày dĩ vãng” (năm 1991) và “Phố” (năm 1992)…Nói đến hai cuốn sách này, nhà văn Chu Lai cho biết, đều được các nhà in tư nhân phát hành chứ không phải NXB Quân đội, nơi thường in sách cho anh cả chục năm trước đó. Cuốn tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” viết khá gai góc với cách khám phá hiện thực khốc liệt. Câu chuyện đi đến tận cùng của thân phận người lính. Nhất là cuốn sách lại có nhiều trang mô tả đời sống tình dục tạo nên cú sốc cho người đọc vào thời điểm mới làm quen với cơ chế thị trường. Cuốn sách cuốn hút người đọc qua số phận của hai nhân vật Hai Hùng và cô Ba Sương. Ngay lập tức “Ăn mày dĩ vãng” đã tạo nên cơn sốt trong văn đàn. Sau đó tiểu thuyết được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Năm (1993).

Ngoài nhuận bút cao do nhà sách tư nhân trả, nhà văn Chu Lai cho biết, anh còn nhân “Cát sê” dôi ra từ những cú chuyển sang viết kịch bản phim. Đó mới đáng đồng tiền bát gạo. Anh sôi nổi tính cho chúng tôi hay, này nhé tiền viết kịch bản từ tiểu thuyết sang phim nhựa vào năm 1994 còn gấp mấy chục lần tiền nhuận bút sách. Nhưng chưa hết. Năm sau anh còn được kênh truyền hình An ninh đặt hàng, chuyển thành kịch bản dài 30 tập. Mỗi tập trả 15 triệu đồng. Cả thảy là 450 triệu. Tiền trao cháo múc luôn sau khi 30 tâp kịch bản hoàn thành. Chúng tôi nghe đều choáng. Bởi cánh nhà văn nhiều người vụng lắm đâu có biết chuyển tiểu thuyết hay truyện ngắn của mình sang các thể loại phim mà kiếm tiền. Tất nhiên tác phẩm phải hay đã đành lại còn phải thông thạo nghề sân khấu, điện ảnh và truyền hình nữa chứ. Đúng là nhà văn Chu Lai tay năm tay mười làm được nhiều việc mới rủng rỉnh như thế.

Đến tiểu thuyết nổi tiếng “Phố” của anh cũng vậy. Anh tự chuyển sang kịch bản sân khấu ( với cái tên “Hà Nội đêm trở gió”) cho Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng. “Cát sê” cả hàng chục triệu đồng như chơi. Lại nữa, nhà biên kịch Lịch Du còn chuyển tiểu thuyết của anh sang kịch bản phim ( đó là “Người Hà Nội”). Anh cũng được nhận tiền bản quyền tác giả tiểu thuyết. Tính ra mấy cây vàng thời đó. Ấy là chưa kể nhà văn Chu Lai còn chuyển từ kịch bản phim của mình sang thành tiểu thuyết mới. Đó là những cuốn như “Khúc tráng ca cuối cùng”(2004) từ bộ phim “Tiếng cồng định mệnh”; hay tiểu thuyết “Mưa đỏ” (2016) từ một kịch bản cùng tên của anh. Vậy là ngoài “cát sê” các bộ phim nhà văn Chu Lai còn được nhận thêm nhuận bút từ các cuốn sách. Nghe vậy chúng tôi mới hiểu vì sao anh mua được ô tô và vi vu với vợ xuyên Việt với chiếc thẻ ATM trong túi.

Của chồng công vợ

Nhà văn Chu Lai là người có lắm đồn thổi về chuyện được nhiều cô gái mộng tưởng. Có dịp gặp lại anh tại nhà (hồi còn ở ngõ 23B phố Lý Nam Đế) chúng tôi mới hay không như mọi người nghĩ. Gia đình anh ấm cúng và hạnh phúc đúng với nghĩa hoàn chỉnh của nó. Anh bồi hồi nhớ lại những ngày hạnh phúc bên nhau từ năm 1978. Sau cái đận nảy nòi làm một câu thơ tán gái mà được vợ thì Chu Lai chẳng còn tơ vương đâu nữa. Đến nay đã hơn 40 năm, hai người gắn bó hạnh phúc đúng với cả hai nghĩa: Gia đình và văn chương. Vợ anh, đại tá Vũ Thị Hồng cũng là một nhà văn quân đội và đã đạt được những thành tựu nhất định. Cả đời chị lui về phía sau làm hậu cần trong gia đình để chồng cống hiến cho sự nghiệp. Ngay từ những trang bản thảo đầu tiên viết cuốn tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” (1978) của nhà văn Chu Lai cũng có hơi thở ấm áp của người vợ trong những đêm đọc cho nhau nghe. Sau đó hầu như cuốn sách nào của chồng cũng do bàn tay chị chăm sóc từ chữ nghĩa căn chỉnh và theo dõi ấn loát.

Công việc biên tập ở nhà XB QĐND là nơi nhà văn Vũ Thị Hồng có điều kiện chăm lo cho những cuốn sách của chồng. Đến nay nhà văn Chu Lai đã có tới 15 tập sách, gồm tiểu thuyết và truyện ngắn; Hàng chục kịch bản sân khấu, điện ảnh không thể thiếu vắng bàn tay chăm sóc của vợ. Không ít những thời đoạn cam go về đời sống vật chất và văn chương trồi sụt, chị bao giờ cũng là nguồn an ủi, chỗ dựa tinh thần lớn cho chồng. Cũng đã không ít lần nghe những đồn thổi về cái cõi “mênh mông” của chồng nhưng bao giờ cũng vậy, nhà văn Vũ Thị Hồng thường lặng lẽ và không nổi giận. Có lần khi thấy chồng bốc giời chuyện em nọ, em kia trong các bài phỏng vấn, chị còn nói vui rằng, chàng hết chuyện văn chương để nói rồi hay sao mà đem chuyện tình ra bán đấy. Thế là cả hai cùng cười. Vui là vậy. Nhưng chuyện về công việc thì chị lại hết sức sát sao và chăm chút cẩn thẩn cho chồng.

Mưa đỏ

Cách đây mấy năm trong chuyến đi về nguồn, ngoài tìm lại những ký ức đời lính của hai vợ chồng, nhà văn Chu Lai còn ở lại Quảng Trị để lấy cảm hứng viết kịch bản mới. Đó chính là bộ phim “Mưa đỏ” mô tả cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu của quân và dân ta trong thành cổ. Đây là kỷ niệm sâu sắc của hai vợ chồng nhà văn Chu Lai và Vũ Thị Hồng sau những ngày về hưu. Và chính từ kịch bản bộ phim này nhà văn Chu Lai đã chuyển sang viết tiểu thuyết cùng tên “Mưa đỏ”. Lấy kịch bản làm cốt chuyện nhưng khi sang tiểu thuyết mới thực sự đúng mạch văn chương của Chu Lai được chắp cánh bay cao. Vẫn là hình tượng những người lính với mọi sắc thái biến động tâm lý và những hành động cao cả thường thấy trong những tiểu thuyết trước đây của Chu Lai.

Từ cuốn đầu tiên “Nắng đồng bằng” (1978) đến “Mưa đỏ” (2016), nhà văn Chu Lai trung thành với đề tài chiến tranh cách mạng. Sức sáng tạo của anh khi chuyên canh một đề tài dường như vẫn dồi dào và ẩn chứa nhiều bất ngờ. Đó là một bản lĩnh công dân của nhà văn khi đứng trước không khí văn chương đang trầm lắng. Sau Giải thưởng Nhà nước với “Ăn mày dĩ vãng” và “Phố”, năm 2007; nhà văn Chu Lai vẫn bền bỉ với trách nhiệm công dân của mình qua các tác phẩm văn học và sân khấu.
Anh luôn hướng tới những tác phẩm có sức sống bền bỉ với thời gian. Đặc biệt tiểu thuyết “Mưa đỏ” thể hiện sức làm việc sung mãn và tài năng sáng tạo không ngừng của nhà văn Chu Lai. Biểu tượng “Mưa đỏ” còn là màu chiến thắng và khí phách của dân tộc không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Đi đến tận cùng của số phận và phản biện sâu sắc những biến cố tâm lý con người để làm nên chiến thắng. Đó chính là tố chất văn chương hấp dẫn bạn đọc của nhà văn Chu Lai.