Kiếm tiền bằng facebook là có thể. Nhưng kiếm tiền bằng quảng cáo trên facebook thì không phải dễ. Đâu phải nhà báo nổi tiếng nào cũng được nhãn hàng đặt hàng viết nội dung quảng cáo sản phẩm. Tôi cho rằng, hơn 90% nội dung các nhà báo nổi tiếng viết trên facebook không phải là quảng cáo sản phẩm, khuếch trương nhãn hàng. Vậy nhưng điều đó không đồng nghĩa với 90% nội dung ấy không mang lại cho họ tiền tài.




SỐNG NGHỀ BÁO

HÀ QUANG MINH

Đợt giãn cách xã hội do Covid-19 vừa rồi có câu chuyện mà những ai theo nghề báo chắc chắn không thể quên được. Ấy là chuyện hội nghề có công văn xin Chính phủ hỗ trợ khó khăn. Chỉ trích lúc đó nhiều vô kể nhưng hình như chẳng có ai dám bỏ cái chữ “sĩ diện hão” để hỏi và trả lời thành thực: “ngành báo chí có khó khăn hay không?”.

Khó khăn đầy rẫy, không chỉ vì Covid-19 như chúng ta dễ dàng suy luận. Nghề báo khó khăn từ nhiều năm nay rồi, nếu xét theo góc độ của một ngành công nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nội dung. Ngoại trừ số cực hiếm hoi những tờ báo còn được nuôi bằng ngân sách, ngoại trừ số ít ỏi những tờ báo có thêm các đầu tư ngoài ngành (ví dụ như có building văn phòng cho thuê…), đa số các tờ báo đều điêu đứng vì cơn lốc mạng xã hội nhiều năm qua.

Vậy thì nhà báo có khó khăn không? Câu hỏi này tôi không thể trả lời nổi. Trong lòng tôi vẫn là đầy rẫy mâu thuẫn từ những hiện tượng phi lý mà mình chứng kiến từ các đồng nghiệp. Song, tôi chưa thấy đồng nghiệp nào của mình (ít ra là trong mạng lưới tôi quen biết) than nghèo kể khổ cả. Bởi thế, tôi dám quả quyết: nhà báo không nghèo.

Nhưng nhà báo có giàu không? Câu hỏi này càng khó trả lời hơn. Thực sự, tôi quen biết nhiều nhà báo rất giàu. Trong số họ, tôi phân ra làm 2 kiểu giàu. Thứ nhất, những người giàu sẵn (do gia đình) hoặc có đầu tư thêm bên ngoài và may mắn lấy chính đầu tư đó để làm thứ nuôi nghề báo. Thứ hai, những người giàu bí ẩn bởi ngoài việc làm báo ra, tôi không hề thấy họ có làm thêm nghề tay trái nào khác. Họ giàu bằng cách nào, tôi không dám lạm bàn. Đó là quyết định của họ, con đường của họ, trách nhiệm của họ.

Và câu hỏi cuối cùng, chắc hẳn nhiều người trẻ ôm mộng làm báo đều muốn hỏi và được trả lời. Đó là “có sống được bằng nghề báo không?”. Tôi khẳng định là sống được. Vì ngoại trừ những phóng viên hi sinh trên mặt trận tác nghiệp, chưa có ai chết đói vì đi làm báo cả. Nhuận bút, dù có bèo bọt đi nữa, thì người ta vẫn có thể sống được bằng nghề báo. Có điều, mức sống như thế nào mà thôi.

Sáng nay, họp xong, tôi ngồi tâm sự với mấy anh em đồng nghiệp và được nghe họ kể về mức nhuận bút hiện nay của nhiều báo khác. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nhiều tờ báo tôi ngỡ là nhuận bút sẽ eo hẹp, thực tế lại trả nhuận bút gấp mấy lần các báo lớn tiếng tăm cả nước. Nhưng nói chung, mặt bằng chung thì vẫn vậy. Nhuận bút hiện thời quân bình ra chắc cũng khoảng 1 triệu đồng một bài ngàn từ là thuộc diện khá khẩm rồi. Nếu coi mức nhuận bút quân bình ấy là tiêu chuẩn của nghề, bạn sẽ hình dung được để một nhà báo có thể sống được, anh ta sẽ phải được đăng tải bao nhiêu bài mỗi tháng.

Nhưng khi đã tính được mức quân bình tiêu chuẩn của thu nhập từ nhuận bút, nếu muốn theo đuổi nghề báo, bạn sẽ phải lượng sức mình. Khả năng của bạn mỗi tháng có thể viết được bao nhiêu bài có thể được đăng, và đáng được trả mức nhuận bút quân bình tiêu chuẩn kia? Đây là câu hỏi mà phần trả lời của nó đầy tính quyết định khi bạn muốn theo nghề. Tôi cho rằng, một người viết được trung bình mỗi ngày 1 bài được đăng phải là một nhà báo thượng thừa. Còn nếu 15 bài mỗi tháng, ấy là một nhà báo giỏi. Mà để lọt vào tốp thượng thừa hay giỏi, mỗi lứa nghề may ra được một hai người mà thôi.

Đến đây, sẽ nhiều bạn ngỡ ngàng hỏi lại tôi rằng “Sao thấy nhiều nhà báo xe hơi, nhà lầu, có con đi du học nước ngoài đến thế?”. Câu này tôi không trả lời được. Mà nếu có dám nghĩ về một thuyết âm mưu nào đó, tôi cũng không thể nói ra. Tôi chỉ có thể trả lời rằng, tôi gặp và ngưỡng mộ nhiều nhà báo thượng thừa, tài năng, giỏi giang và họ chỉ có thể có được một đời sống phong lưu của trung lưu lớp trên chứ không phải là người giàu. Bút lực không phải ai rồi cũng dồi dào. Thời đại lại còn bộ lọc đầy dã man của nó nữa. Không ai có thể là nhà vô địch trọn đời cả bởi cái gì cũng có phần kia của con dốc nghiệp-đời.

Tất nhiên, nhiều nhà báo đương thời đang là những chủ nhân các tài khoản facebook lừng danh. Kiếm tiền bằng facebook là có thể. Nhưng kiếm tiền bằng quảng cáo trên facebook thì không phải dễ. Đâu phải nhà báo nổi tiếng nào cũng được nhãn hàng đặt hàng viết nội dung quảng cáo sản phẩm. Tôi cho rằng, hơn 90% nội dung các nhà báo nổi tiếng viết trên facebook không phải là quảng cáo sản phẩm, khuếch trương nhãn hàng. Vậy nhưng điều đó không đồng nghĩa với 90% nội dung ấy không mang lại cho họ tiền tài. Còn nguồn nào chi trả, tôi chịu.

Chỉ có một hiện tượng buồn trong nghề mà mấy năm nay tôi thấy xuất hiện nhiều. Ấy là tình trạng “đồng thanh quan điểm”. Cứ đọc một bài viết (cả báo lẫn facebook) của một tay bút nổi danh nào đó chĩa mũi dùi vào nơi nào, y rằng chỉ dăm ba phút sau, ta sẽ đọc được những bài viết song song và tương đồng từ quan điểm, các yếu tố mấu chốt cho tới kết luận. Tôi không cho đây là hiện tượng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nó có hơi hướm của lợi ích nhóm nhiều hơn. Và tất cả các nhà báo ấy đều nhà lầu, xe hơi, tài vật dư dả lắm.

Nếu bạn chọn theo nghề báo, bạn sẽ thấy “Sống nghề báo” như thế nào qua những gì tôi kể. Lựa chọn là của bạn. Nhưng theo tôi, là một nhà báo đúng nghĩa, mình phải như con chim hót chính tiếng hót của mình. Không thể nào là một con chim bách thanh, hót theo tiếng hót người chủ cho mồi ăn mong muốn là có thể trở thành nhà báo chân chính được, dù cho tiếng hót bách thanh ấy êm tai đến nhường nào.