Gần đây, độc giả bất ngờ khi thông tin về cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ có tới 3 đơn vị đăng ký xuất bản trong cùng một thời điểm. Chọn bản dịch của ai, đặt mua sản phẩm của nhà sách nào, điều đó khiến người yêu thích dòng sách tư liệu lịch sử phải bối rối.




Nhiều bản dịch - lãng phí hay thúc đẩy xuất bản?

HẠ YÊN

Một cuốn sách, ba bản dịch
Trong tháng 5 vừa qua, 3 nhà sách Omega+, Đông A và Nhã Nam lần lượt thông báo sẽ phát hành tác phẩm Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Une campagne au Tonkin) - cuốn sách ký sự, du ký của Charles-Édouard Hocquard, một bác sĩ quân y, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Pháp. 

Là đơn vị tập trung vào mảng sách tư liệu, thời gian qua Omega+ từng cho ra mắt nhiều cuốn sách có giá trị lịch sử, đặc biệt phải kể đến những tác phẩm trong Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt như Việt Nam qua tuần san Indochine 1941 - 1944, Xứ Đàng Trong, Mô tả vương quốc Đàng Ngoài, Vua Gia Long, Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương, Tiểu luận về dân Bắc Kỳ... Ấn bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Omega+ do Thanh Thư dịch, được in bìa cứng, là cuốn thứ 14 của tủ sách này, đánh dấu một năm ra đời tủ sách đồng thời kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng đồng Pháp ngữ (1970 - 2020).

“Nổi tiếng” trong giới chơi sách khi tiên phong sản xuất các ấn bản đẹp, ấn bản giới hạn với chất lượng cao, Một chiến dịch ở Bắc Kỳ là tác phẩm đầu tiên trong Tủ sách Đông Dương của Đông A ra mắt bạn đọc. Phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả, với cuốn sách này, Đông A phát hành 4 phiên bản khác nhau, gồm bản phổ thông, bản cao cấp, bản giới hạn S500, và bản giới hạn đặc biệt S100.

Sách do dịch giả Đinh Khắc Phách (gần 90 tuổi) chuyển ngữ. Trong bản dịch này, ông thực hiện một số lượng lớn chú thích chi tiết nhằm mang đến cho độc giả kiến thức chuẩn xác về các sự kiện lịch sử, phong tục, tập quán truyền thống của người Việt mà tác giả đã mô tả chưa đúng hoặc chưa đầy đủ.
Ra đời muộn hơn cả là ấn bản Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Nhã Nam, đến nay vẫn đang ở khâu hoàn thiện, song đơn vị này cũng tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình. Đây không phải lần đầu tiên Nhã Nam “trùng ý tưởng” với các đơn vị bạn. Trước đó, cuốn Psychologie du Peuple annamite của Paul Giran được Nhã Nam ra mắt với cái tên Tâm lý người An Nam, còn Omega+ xuất bản với tựa Tâm lý dân tộc An Nam. Hay cuốn sách L’art à Hué của Léopold Michel Cadière do Nhã Nam giới thiệu là Nghệ thuật Huế thì Thái Hà Books đặt tên Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế. 
Sự trùng lặp dường như không làm các nhà sách nao núng bởi mỗi đơn vị luôn xác định được nhóm độc giả của mình.


Thêm sự lựa chọn và tăng tính cạnh tranh?

Thực ra, câu chuyện một cuốn sách - nhiều bản dịch không hề mới. Nếu trước đây các nhà xuất bản thường chỉ tái bản sách thì cùng với sự xuất hiện của nhiều đơn vị sách tư nhân sau này, nhiều đầu sách đã được làm mới bằng hình thức hoặc bằng một bản dịch khác. Hầu hết đó là các tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ, nên việc dịch lại và xuất bản không quá khó khăn. Đó cũng là một cách làm mới thị trường, đồng thời đáp ứng yêu cầu của độc giả hiện đại. Cho nên, tác phẩm Không gia đình hiện có 3 bản dịch của Huỳnh Lý, Hà Mai Anh, Phạm Văn Vĩnh; Thần thoại Hy Lạp có ba bản dịch của Nguyễn Văn Khỏa, Phan Ngọc, Tường Tân; Bác sĩ Zhivago từng có tới 5 bản dịch tiếng Việt...

Trước kia, do điều kiện tiếp cận tác phẩm nguyên bản còn hạn chế, do đó nhiều đầu sách không được dịch trực tiếp từ nguyên tác mà qua bản dịch tiếng Nga hay tiếng Pháp. 
Qua mỗi “cầu” ngôn ngữ, ít nhiều tác phẩm có sự xê dịch. 
The Thorn Bird của nhà văn người Australia, Colleen McCullough, chẳng hạn, từ lâu đã quen thuộc với độc giả Việt Nam qua ấn bản Tiếng chim hót trong bụi mận gai được dịch sát tên theo bản tiếng Nga, sau này được Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt với tên Những con chim ẩn mình chờ chết - dịch từ bản chuyển ngữ tiếng Pháp.

Một bộ phận độc giả ngày nay giỏi ngoại ngữ, có điều kiện tìm hiểu văn hóa, lịch sử các nước nên thích lối tiếp cận gần sát với nguyên bản thay vì cách dịch phóng tác. Bên cạnh đó, tư duy ngôn ngữ, lối hành văn của mỗi dịch giả khác nhau, mang đến những bản dịch có màu sắc riêng, phù hợp với từng đối tượng độc giả.

Chuyện một cuốn sách có nhiều bản dịch không mới, nhưng việc các bản dịch ra mắt trong cùng một thời điểm như Một chiến dịch ở Bắc Kỳ vẫn khiến độc giả lạ lẫm. Trên diễn đàn sách, nhiều độc giả băn khoăn không biết nên đặt mua ấn phẩm nào, thậm chí có ý kiến “3 nhà cùng làm một cuốn sách là lãng phí”. Song, nếu nhìn rộng hơn, sự cạnh tranh này có lẽ đã mang đến không khí sôi động cho thị trường xuất bản, khiến các nhà sách luôn phải cố gắng để cho “chào đời” những ấn bản chất lượng tốt nhất cả về nội dung, hình thức với giá cả hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. Ngược lại, với nhiều bản dịch, độc giả có cơ lựa chọn ấn bản hợp với sở thích, nhu cầu. Và bởi thế, việc có nhiều bản dịch chất lượng có lẽ không hề lãng phí, mà góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh tích cực trong ngành Xuất bản.


Nguồn: Hà Nội Mới