Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Sự cam đoan của nghiên cứu sinh không có giá trị gì. Do thế cam đoan là thừa. Câu "được các đồng tác giả cho phép sử dụng" là nói lấy được, có bắng chứng gì cho điều đó? Câu “cam đoan đây là kết quả nghiên cứu của riêng tôi” là sai, ít nhất là không đầy đủ.





MẤY NHẬN XÉT VỀ LỜI CAM ĐOAN CỦA NGHIÊN CỨU SINH TRONG LUẬN ÁN TIẾN SĨ Ở VIỆT NAM

TRẦN ĐÌNH SỬ

 trang đầu của luận án tiến sĩ ở nước ta, không biết do ai soạn thảo và quyết định, mà lúc nào cũng có ghi một câu như thế này: “Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chuẩn xác cao nhất có thể, được các đồng tác giả cho phép sử dụng. Các taì liệu tham khảo, trích dẫn có xuất xứ rõ ràng. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình”.

Nội dung câu này vừa thừa, vừa sai, vừa thiếu. Nếu không điều chỉnh thì dẫn đến hiểu sai về thực chất bản quyền nghiên cứu của luận án, một công trình khoa học có ý nghĩa.

Các ý như “Các kết quả nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chuẩn xác cao nhất có thể, được các đồng tác giả cho phép sử dụng. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn có xuất xứ rõ ràng. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình.” là thừa. Là bởi vì tính chất trung thực, trích dẫn có xuất xứ, độ chuẩn xác cao nhất có thể, đều thuộc phẩm chất khách quan của luận án, mà Hội đồng chấm luận án sẽ xác nhận và tùy thực tế mà công nhận luận án hay không. Sự cam đoan của nghiên cứu sinh ở đây không có giá trị gì. Do thế cam đoan là thừa.

Câu "được các đồng tác giả cho phép sử dụng" là nói lấy được, có bắng chứng gì cho điều đó?
Câu “cam đoan đây là kết quả nghiên cứu của riêng tôi” là sai, ít nhất là không đầy đủ. Luận án không thể là kết quả của riêng cá nhân của một mình nghiên cứu sinh được, vì mấy lí do sau.

1. Đó là vì để thực hiện luận án, nghiên cứu sinh phải sử dụng kết quả nghiên cứu của người đi trước. Các kết quả ấy cũng tham gia vào kết quả của luận án.

2. Sự hướng dẫn của thầy, sự giúp đỡ của đồng nghiệp và tổ bộ môn giúp cho nghiên cứu sinh thực hiện được luận án.

3. Nghiên cứu sinh xây dựng bố cục, tổng hợp số liệu, phát hiện vấn đề và viết luận án từ đầu đến cuối và sửa đi sửa lại cho đến khi có thể bảo về được. Ở đây thiếu tư tưởng của các nhà khoa học đi trước, đặc biệt thiếu sự đóng góp của thầy hướng dẫn khoa học, nghiên cứu sinh chắc chắn không thể hoàn thành được luận án. Đây là điều mà tất cả các nghiên cứu sinh ở Việt Nam đều biết. Do đó Lời cam đoan ghi rằng “Đây là kết quả nghiên cứu của riêng tôi” là không đúng.

Ta hãy xem ở nước ngoài người ta xử lí vấn đề này như thế nào. Kiến văn của tôi hạn hẹp, tôi chỉ biết tình hình ở Nga và Trung Quốc. Xin nêu như sau. Ở Nga trên trang đầu luận án chỉ ghi một điều, đó là “Bản quyền của luận án được bảo vệ” mà không ghi rõ bản quyền của ai. Vì luận án đã ghi rõ tên nghiên cứu sinh, tên thầy hướng dẫn, thì bản quyền không thể chỉ thuộc một mình nghiên cứu sinh được.

Ở Trung Quốc thì người ta ghi như thế nào? “Tôi trịnh trọng tuyên bố, luận án mà tôi trình ra là kết quả nghiên cứu của tôi dưới sự hướng dẫn của …., thuộc bộ môn,…, trường….Ngoài các nội dung mà tôi đã dẫn ở trong luận án, luận án không bao gồm kết quả nghiên cứu của ai khác đã công bố. Những đóng góp quan trọng của các cá nhân và tập thể mà luận án thừa hưởng đều đã được ghi rõ trong luận án, và xin tỏ lời cảm ơn.” Lời tuyên bố trịnh trọng của Trung Quốc đã ghi rõ công lao hướng dẫn của thầy và bộ môn, lại còn cảm ơn các tác giả khác mà nghiên cứu sinh thừa hưởng.

 So với lời này thì lời cam đoan của nghiên cứu sinh ở Việt Nam hóa ra là vô ơn, phủi sạch mọi công lao của thầy và người đi trước. Làm gì có kết quả nghiên cứu của riêng một mình nghiên cứu sinh được. “Không thầy đó mày làm nên.” Thầy không chỉ hướng dẫn phương pháp, truyền cho kinh nghiệm, gợi ý nguồn tư liệu, truyền cảm hứng để nghiên cứu sinh thực hiện. Có khi thầy còn chia sẻ đề tài lớn của mình để nghiên cứu sinh thực hiện. Tất nhiên, toàn bộ luận án là do nghiên cứu sinh phải thu thập tư liệu, sắp xếp luận điểm và viết ra văn bản của mình. Cho dù thế dấu ấn của thầy vẫn rất đậm.

Vì thế bảo rằng luận án là kết quả của riêng nghiên cứu sinh là không ổn. Cách ghi do Bộ Giáo dục đào tạo khiến cho một số nghiên cứu sinh hiểu lầm về thực chất bản quyền của luận án. Và quả thật có những nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ xong, đem luận án đem in và công bố, thì chỉ thấy công lao của chính mình. So với lời ghi chú của Nga thì vấn đề bản quyền của luận án ở Việt Nam không được quan tâm. Và điều đó dẫn đến tệ nạn chép luận án của nhau xảy ra tràn lan.

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét lại quy định lời cam đoan trong các luận án cho đúng thực chất, quy định lại nội dung cần ghi để mọi người hiểu được thực chất bản quyền của luận án là gì.


Nguồn: Facebook Trần Đình Sử