Có nhiều trường hợp viết báo, viết văn là để kiếm sống, kiếm tiền, chứ không mưu cầu sự nghiệp to tát gì. Cho nên tác giả, có thể nói ngay cả những nhà văn nhà báo danh tiếng, họ cũng không muốn “lộ diện”.




KHAI QUẬT TÁC PHẨM

TRẦN ĐỨC TIẾN

Hôm vừa rồi buôn chuyện với một bạn ở Sài Gòn, có nhắc đến vụ nhà nghiên cứu văn học X “khai quật” được một số tác phẩm của cố nhà văn Y trên các sách báo cũ. Những tác phẩm đó ông Y dùng bút danh lạ hoắc, vậy mà X vẫn “lôi” ra ánh sáng được. Tài. Nhưng mình bảo: nguy!

Vì sao mình lại cho thế là nguy? Vì từ thực tế viết lách của chính mình.

Chính mình đã từng viết báo, viết văn, ký hàng chục bút danh. Nhất là giai đoạn lo sinh kế đầy căng thẳng, khoảng chục năm cuối của thế kỷ trước. Thề, mười năm ấy, nhà mình (4 người) sống gần như hoàn toàn bằng tiền nhuận bút viết báo của mình. Tiền lương của mình ở cơ quan không đủ rau mắm nuôi một mình mình. Ngoài viết, không biết làm bất cứ việc gì ra tiền. Mình viết đủ các thứ. Sáng nào ăn sáng xong cũng phải cắm mặt vào máy chữ. Kiểu gì đến gần trưa cũng phải cho ra được khoảng gần chục trang đánh máy, gồm các loại bài, chưa kể ảnh minh họa “sưu tầm” từ các loại sách báo khác. Hồi ấy chưa có internet. Mình chủ yếu cộng tác với các báo ở Sài Gòn (nhiều báo, và nhuận bút cao hơn báo tỉnh), nên phải gửi bài qua đường bưu điện. Nói thật, có nhiều khi viết xong, tống vội vào phong bì dán kín. Đến văn mình, mình cũng không muốn ngửi, bố ai còn dám ký tên thật?

Ký nhiều bút danh, nên thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện tức cười. Ví như lần ấy mình được giải nhất cuộc thi tiểu phẩm châm biếm của báo TN. Bài được giải nhất ký bút danh Cười Ruồi. Hôm báo trao giải, mình không đến. Nói chung khá nhiều lần được giải viết lách chỗ này chỗ kia, mình đều nhờ người nhận hộ, hoặc nhờ tòa soạn chuyển qua bưu điện. Mấy tuần sau, đến TN lấy nhuận bút, nhân thể nhận luôn giải thưởng. Anh T.V (nhà văn, đã mất), bấy giờ là thư ký tòa soạn của báo, kéo mình ra quán cà phê vỉa hè ngay trước cổng, uống ly cà phê. Anh sực nhớ:
- Này, dưới Vũng Tàu còn có thằng Lý Chương cũng được giải 3 đó. Cậu lĩnh giùm nó luôn?
Mình hơi ngượng với anh T.V, nhưng vì anh em thân thiết nên cũng chả giấu:
- Cười Ruồi là em, mà Lý Chương cũng là em đấy anh!
Anh T.V bật cười, có vẻ khoái.

Một lần khác, báo TTC đột nhiên đưa tin: một bạn đọc vừa phát hiện K là tác giả tiểu phẩm đăng trên TTC, đã “thuổng” bài đó của L đăng trên báo VT. TTC không quên “cảnh cáo, nhắc nhở” K mấy câu. Mình vội viết mấy dòng cho TTC: K và L là một, và là chính tôi. Vì bài gửi cho TTC lâu quá không thấy đăng, nên tôi gửi cho VT, và VT đăng luôn, sau mới thấy TTC đăng.

Một lần khác nữa, tạp chí TGM tổ chức cuộc thi truyện mini. Mình gửi 2 cái, một cái ký tên thật, một cái ký tên rởm. Cuối cùng, Tiến thật thì trượt thẳng cẳng, còn Tiến rởm lại trúng giải!

Những chuyện tương tự không ít, nhưng có lẽ kể thế đã là nhiều. Mình chỉ muốn nói: có nhiều trường hợp viết báo, viết văn là để kiếm sống, kiếm tiền, chứ không mưu cầu sự nghiệp to tát gì. Cho nên tác giả, có thể nói ngay cả những nhà văn nhà báo danh tiếng, họ cũng không muốn “lộ diện”. Chả nói đâu xa, ngay như mình, một gã viết lách quèn tỉnh lẻ, giá bây giờ có ai chiếu cố “khai quật” những bài viết mà mình đã có ý thức chôn vùi thật kỹ bằng những cái bút danh ất ơ, thì ngượng chết đi được ấy chứ.

Đấy là chưa nói có người còn viết hộ cho bạn bè chí cốt, cho người tình đứng tên…, không phải chỉ là một bài thơ hay một cái truyện ngắn, mà là hẳn một quyển sách. Nhé! Thật 100% đấy. Chuyện sống để dạ, chết mang đi. Đố các bố nghiên cứu mò ra được.


Nguồn: Facebook Trần Đức Tiến