Kao Sơn viết “Khúc đồng dao lấm láp năm 1976, trong gần một tháng tham gia trại viết của Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh. Thoạt tiên, anh nghĩ đến một cái truyện kể về đoạn đời của chú bé có tên Cao từ lúc được sinh ra cho đến lúc học xong tiểu học, sau đó theo gia đình xa quê.




TỪ MỘT KHÚC ĐỒNG DAO

NGÔ XUÂN HỘI

Theo nhà bác học Anh Charles Robert Darwin (1809-1882): “Dấu hiệu chắc chắn của bất kỳ một cuốn sách hay nào, đấy là khi ta càng luống tuổi ta càng thấy yêu thích nó hơn”. Tôi không biết đã có cuốn sách nào đạt tới độ ấy chưa, nhưng tiểu thuyết Khúc đồng dao lấm láp của nhà văn Kao Sơn, tôi đọc lần đầu năm 2001, mười chín năm sau (2020) đọc lại vẫn xúc cảm như lần đọc đầu tiên. Vậy thì đích thị đó là một cuốn sách hay.

Kao Sơn viết Khúc đồng dao lấm láp năm 1976, trong gần một tháng tham gia trại viết của Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh. Thoạt tiên, anh nghĩ đến một cái truyện kể về đoạn đời của chú bé có tên Cao từ lúc được sinh ra cho đến lúc học xong tiểu học, sau đó theo gia đình xa quê. Tên truyện: Cánh buồm tuổi thơ. Kết cấu theo trình tự thời gian, cái gì có trước kể trước, cái gì có sau kể sau. Viết xong, nghĩ có gửi cho Nhà xuất bản nào chắc chi họ đã đọc, thế là cuộn lại buộc dây cất ngăn kéo bàn.
“Ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà”, từ khi truyện viết xong (1976), cho đến lúc xuất bản thành sách lần đầu năm 2001, nhà văn qua ba lần dọn nhà. Lần thứ nhất, từ khu tập thể Ban Thiết kế công nghiệp Hà Nam Ninh về căn phòng chật hẹp nằm cạnh bếp ăn tập thể của Hội Văn nghệ tỉnh. Lần thứ hai chuyển về ngôi nhà mới làm ở Nam Định. Lần thứ ba, từ Nam Định về Ninh Bình sau ngày tỉnh Ninh Bình tái lập. Nghĩa là, cái bản thảo ấy đã qua một lần cháy nhà mà vẫn không bị… biến thành tro. Kể số phận, nó giống như một trang dũng sĩ mai danh ẩn tích chờ thời.

Rồi thời đến. Bắt đầu từ một buổi tối cuối năm 2000. Tác giả nằm xem ti vi. Ở chương trình Văn học Nghệ thuật, cô phát thanh viên đang điểm tin, nhắc đến lễ Sơ kết đợt I Cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cho Thiếu nhi (1999-2000) của Nhà Xuất bản Kim đồng. Đây là lần đầu tiên Kao Sơn biết đến cuộc thi viết này. Nhớ tới tập bản thảo xưa, ông nghĩ: Có lẽ nên sửa lại và gửi đi xem sao. Nghĩ mạnh thế bởi tính: Ít nhất khi đang có cuộc thi thì tác phẩm của mình nhất định cũng có ai đó đọc. Thế là lục tung đống sách báo lên tìm. May quá, “tuổi thơ” ông vẫn thấy nằm trong ngăn kéo bàn, chưa “giương buồm” ra đi.

Hì hục đóng cửa ngồi sửa. Nhưng sửa như thế nào đây? Lại một buổi tối, vào dịp tháng 8 âm, trăng đang tròn dần, lễ Trung thu đang cận kề, nhà văn nằm võng, đầu óc rỗng không, mắt nhìn bâng quơ màn hình ti vi thì bỗng có một cảnh làm ông chú ý: Một đoàn trẻ con nắm đuôi áo nhau vừa đi vừa hát một bài đồng dao gì đó. Từ xa xưa, từ hồi bé tí, nhịp điệu của các bài đồng dao đã in sâu trong tâm trí ông, ăn vào máu thịt và trở thành kỷ niệm, thành tuổi thơ của ông. Và thế là cái tên Khúc đồng dao lấm láp bật ra.

Có người bảo: Tên truyện như tên một đứa con. Người viết như cha mẹ, viết truyện xong đặt tên cho tác phẩm của mình cũng như cha mẹ nghĩ, chọn tên cho con cái vậy. Nó không chỉ là cái tên. Nó là mơ ước, là kì vọng… thậm chí là sự tiên tri bí mật, mang đầy tính ẩn dụ mặc định về số phận. Khúc đồng dao lấm láp cũng thế. Cuốn sách và ngay cái tên mới của nó đã làm xoay chuyển cuộc đời nhà văn Kao Sơn. Trước hết, ông phải bố cục lại toàn bộ những gì đã viết. Không viết liền mạch kiểu truyền thống nữa mà lấy luôn bài đồng dao Dung dăng dung dẻ để làm đường link cho cả cuốn sách. Cách làm này tạo cho cuốn sách có một diện mạo riêng không giống ai. Nó như bảo với thiên hạ rằng: Đó là con tôi, là con của riêng tôi.

Sửa xong thì đã 25/12, nghĩa là chỉ còn vài ngày nữa hết hạn nộp bài. Gửi theo đường Bưu điện sợ bị trễ, Kao Sơn quyết định lên Hà Nội đưa thẳng cho Kim đồng.

Bẵng đi một thời gian, đến một ngày khoảng đầu năm 2001, có một cú điện thoại gọi đến Tỉnh ủy Ninh Bình xin gặp Kao Sơn. Hóa ra là điện của Nhà xuất bản Kim Đồng. Người gọi xưng tên Tuyết Minh (nhà văn Thiên Hương), là người được Kim Đồng phân công đọc cuốn sách của Sơn. Thiên Hương hỏi tên tuổi và thông báo cuốn của Kao Sơn đã qua vòng biên tập, được chọn in trong tháng tới.
Khỏi phải nói lúc đó ông sướng đến thế nào. Mấy đêm liền không ngủ. Người lúc nào cũng lâng lâng như đi trên mây. Hơn một tháng sau ông được tin cuốn sách đã in xong. Nhà xuất bản mời lên lĩnh nhuận bút. Lại sướng một cú nữa. Cái sướng lần này lớn đến nỗi Kao Sơn quên phắt là truyện có được giải gì hay không. Chính vì thế, một buổi kia khi nhà văn Thiên Hương báo về, truyện của Kao Sơn được vào chung khảo cuộc thi ông mới lại “đi trên mây” lần nữa.

Sau đó ít lâu, tác giả nhận được giấy báo kèm giấy mời của Nhà xuất bản Kim đồng ngày 11/4/2001 lên Hà Nội tham dự lễ trao giải. Giấy không nói rõ ông được giải gì. Cả cơ quan mừng, xuýt xoa. Rồi đoán già đoán non. Đã mời lên có lẽ sẽ có giải! Ai cũng động viên ông vậy. Người thực tế hơn thì khuyên: Chắc giải bé nên… người ta không đề cụ thể, nhưng cứ đi đi, có giải là vinh dự rồi…
Mọi sự về sau như Ban Giám khảo công bố, Khúc đồng dao lấm láp được trao giải A, cao nhất cuộc thi. Đến lúc ấy Kao Sơn mới biết, trước khi nhận được tác phẩm của ông, kết quả cuộc vận động hầu như đã được an bài. Dự kiến giải cao nhất sẽ trao cho tiểu thuyết Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương, một nhà văn nổi tiếng chuyên viết cho thiếu nhi. Thế rồi Khúc đồng dao lấm láp xuất hiện, trật tự giải lập tức bị đảo lộn. Miền xanh thẳm lui xuống một bậc, nhường vị trí cao nhất cho kẻ phá bĩnh đến sau. Hóa ra không phải lúc nào “Trâu chậm” cũng “uống nước đục”. Cuộc vận động sáng tác của Nhà Xuất bản Kim đồng, nhờ thế đạt được thành công trên cả mong ước. Đến lúc ấy bạn đọc và bạn viết trong cả nước mới tò mò hỏi nhau: Kao Sơn là ai?

Tìm hiểu về nhà văn, cách tốt nhất là đọc tác phẩm của họ. Khúc đồng dao lấm láp dày 140 trang in, khổ 13x19cm. Tính chữ, khoảng 50.000 chữ, đọc một hơi là hết. Đọc xong, sách cho tôi một cảm nhận, với loại tiểu thuyết này cách kể quan trọng nhất. Vẫn cốt truyện ấy, được giữ nguyên từ bản thảo đầu tiên. Không gian, thời gian không thay đổi. Các nhân vật cũng vậy. Nhưng cách kể thay đổi khiến câu chuyện lập tức thăng hoa. Và nó thăng hoa được là do vốn sống, văn tài của tác giả. Lấy bài đồng dao Dung dăng dung dẻ của tuổi nhỏ làm nhịp dẫn, tên của mỗi chương là lời của một câu hát, tác giả đã huy động được tối đa sức nhớ (ký ức), sức nghĩ (tưởng tượng), những điều căn cốt làm nên một nhà tiểu thuyết. Truyện ngắn Trăng vàm cọp (cũng của Kao Sơn), giải Nhì Cuộc thi sáng tác cho Thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức năm 2015 thì lại khác. Truyện kể về cô bé Hòa với nỗi sợ làm bài tập làm văn theo sách văn mẫu. Không làm theo mẫu rất có thể bị điểm kém, nhưng làm theo mẫu thì không đành lòng, vì chuyện thật của cô không như vậy. Sau nhiều dằn vặt, cuối cùng cô quyết định làm một bài văn kể đúng chuyện mình, cũng có nghĩa là làm một người trung thực… Với loại truyện này, cốt truyện quan trọng nhất. Nghĩ ra được cốt truyện, người viết đã nắm chắc 90% thành công.

Nhưng dù vụ về cốt truyện hay duyên văn, luôn luôn tác giả quan niệm không có Văn học thiếu nhi riêng, cũng không có văn học người lớn riêng, chỉ có Văn học chung với tiêu chí Hay hoặc Không. Quan niệm như vậy, ngòi bút ông không bị gò bó bởi những giới hạn. Với Khúc đồng dao lấm láp, văn Kao Sơn chan chứa cảm xúc, ngắn gọn, ẩn chứa nhiều nội lực và giàu sức gợi. Không có những đoạn, những chương thật nổi trội. Cuốn sách giống như một đội bóng gồm toàn những hảo thủ. Nhưng nhờ thế mà để minh xác cho nhận xét trên, tôi có thể trích dẫn ở bất cứ chương đoạn nào. Chẳng hạn: “Tôi không nhớ mình đã được sinh ra như thế nào, nhưng sau này khi đã khôn lớn, tôi có được nghe mẹ kể lại. Khi sinh tôi, mặt trời chưa mọc. Mới quãng ba bốn giờ sáng gì đó. Không có chim kêu trước cửa. Không có mây sáng tụ lại trên nóc nhà… Nghĩa là chẳng có gì chứng tỏ điềm báo sự ra đời của một nhân tài cả. Có chăng chỉ những vì sao đêm vẫn nhấp nháy. Nhưng cả những vì sao ấy, nếu còn cố thức thì chắc là chỉ để đợi mặt trời chứ không phải đợi tôi…” (tr.3, bản in lần một, 3/2001).

Hoặc đoạn này:“Cho đến mãi sau này, khi cả một khoảng thời gian dài đã trôi qua, và dù đã lớn khôn tôi vẫn không sao lý giải nổi điều gì đã khiến tôi, sau cái nắm tay và cái nhìn như cầu khẩn của lão Tác, đã im lặng đứng lên cùng lão đi về phía bờ sông. Có lẽ đó là sự bày đặt có pha chút bỡn cợt của số phận. Số phận đã chìa bàn tay vô hình của nó ra, sắp xếp, để trong một buổi sáng đầy nắng và đầy gió, ba chúng tôi: Một lão già cũ kỹ, một con tàu cũ kỹ và một thằng bé, ngồi lại với nhau nơi mặt nước cứ ánh lên như có trăm ngàn mảnh gương vỡ và những con lũ đầu mùa đang hối hả chạy về một nơi nào xa lắc.” (tr. 105).
Hoặc nữa, đoạn này: “Vậy là tôi đã xa quê. Tôi xa quê như một hạt thóc nhỏ vô tình bị văng ra khỏi gánh lúa mà người dân quê tôi vẫn gánh từ ruộng về nhà sau ngày gặt…” (tr. 139).
Những dòng chữ đậm chất văn.
Để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc dĩ nhiên là chú bé Cao, nhân vật chính, rất thật thà, thật thơ ngây, tự nhiên và không ít tâm trạng. Nhưng tôi cũng rất thích nhân vật lão Tác, sự xuất hiện của lão ở gần cuối sách là một thành công lớn của Kao Sơn. Nhờ có lão Tác mà các nút thắt được tháo gỡ, các tình huống được xử lý một cách tự nhiên, hợp lẽ. Từ nhân vật lão Tác, từ cuộc đời đầy sóng gió thăng trầm của lão, cuốn sách đặt ra được nhiều vấn đề cũ xưa mà luôn thời sự về nhân sinh, đòi hỏi xã hội giải quyết.
*
“Một giải thưởng có thể cứu sống nhà văn, cũng có thể giết chết nhà văn” (nhà thơ Trần Đăng Khoa). Giải A “Cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cho Thiếu nhi (1999-2000)” của Nhà xuất bản Kim đồng trao cho tiểu thuyết Khúc đồng dao lấm láp của nhà văn Kao Sơn đã cứu sống ông, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nghĩa đen: Nhờ số tiền thưởng 25 triệu (theo thời giá lúc đó tương đương gần 6 cây vàng) mà vợ chồng ông trả được món nợ làm nhà 19 triệu từ lâu đã bị chủ nợ – một người tốt làm nghề bán vật liệu xây dựng ở thị xã Ninh Bình đưa vào mục “Nợ khó đòi”. Phần dôi dư, ông mua một bộ máy vi tính để con gái có điều kiện làm quen với môn công nghệ mới mà mười chín năm trước còn khá xa lạ với chúng ta. Nhờ thế, ngay năm ấy cháu đã đoạt Giải nhất cuộc thi vi tính của tỉnh Ninh Bình, năm sau đoạt Giải nhì cuộc thi quốc gia.

Nghĩa bóng: Giải thưởng đã tạo ra một cú hích lớn cho nhà văn Kao Sơn trong văn nghiệp. Để ông từ đó tự tin, say mê sáng tạo, liên tiếp đạt được những thành công mới. Các giải thưởng, có: Giải A Cuộc thi Thơ lục bát báo Văn nghệ 2003 với chùm thơ ba bài: Mẹ tôi; Xương rồng trên cát; Trái tim Chí Phèo. Bài thơ Xương rồng trên cát của ông được Báo Điện tử Tổ quốc thi tuyển 2 năm 2007-2008 trong toàn quốc và bình chọn là một trong 99 bài thơ thế kỉ XX. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng từ bài thơ này mà về Ninh Bình làm một phóng sự dài về vợ chồng ông. Giải Nhì Cuộc thi sáng tác cho Thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch và Nhà xuất bản Kim đồng tổ chức năm 2015, cho tác phẩm Trăng Vàm Cọp. Kao Sơn trở thành một nhà văn quen thuộc với bạn đọc, nhất là với các bạn đọc nhỏ tuổi.

Phần nhìn thấy là vậy, “phần chìm của tảng băng trôi”: Hiện ông còn tám bản thảo (Một tập Phiếm luận, một tập Phê bình - tản văn, một tập Thơ, ba tập truyện ngắn và hai tập tiểu thuyết) chưa in. Trong đó tập tiểu thuyết Viết dưới ánh mặt trời kể về thời cải cách ruộng đất, nếu được in ra, tôi tin sẽ tạo nên dư luận tốt trên văn đàn và trong đời sống.