Nhà văn Hoàng Văn Bổn thuở nhỏ là một chú bé hiếu động, có một tuổi thơ thật giàu kỷ niệm, giữa thiên nhiên và làng quê dân giã, nồng hậu. Ông cũng sớm thể hiện vai trò dẫn dắt, tổ chức đám bạn cùng trang lứa vào những hoạt động gắn kết tập thể, đoàn kết, sẻ chia.
NHỮNG CÂU CHUYỆN VÀ TRANG VIẾT TUỔI THƠ
ĐÀM CHU VĂN
Buổi sáng một ngày cuối xuân 2020, tôi cùng những người thân trong gia đình nhà văn Hoàng Văn Bổn về thăm lại làng quê của ông. Làng Bình Long thuộc phủ Tân Uyên xưa nay đã đổi thành xã Bình Lợi, thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là một mảnh đất lâu đời của xứ Nam Bộ xưa, đã có tên từ thời sơ khai họach định địa danh hành chính quốc gia ở phía Nam. Lúc đó là thôn Bình Lợi thuộc tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa (theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức).
Dòng họ Huỳnh của nhà văn Hoàng Văn Bổn đã định cư ở đây từ nhiều đời, “từ thời ông cố ông sơ” (nói theo cách nói dân giã) cha ông ta cứ men theo những bãi bồi ven sông Đồng Nai mà khai phá, định cư lập ấp.
Trên khu đất cũ của cụ ông cụ bà thân sinh nhà văn Hoàng Văn Bổn, những người cháu của ông vẫn đang sinh sống. Có một điều như là sự sắp đặt vừa tình cờ vừa hữu ý là trên phần đất vườn dành lại cho ông Chín Bổn cũng là nơi yên nghỉ của hai người thân luôn trong nỗi nhớ thương, thành nhân vật trong các trang sách của ông: Bà Hai Nở và ông Năm. Ông Năm – người anh thứ năm của ông Chín Bổn bị giặc Pháp cắt cổ tại vườn trong những ngày chúng tấn công lên Chiến khu Đ đầu năm 1946.
Khu đất ngày xưa cậu bé Chín Bản (Chín Bổn) sinh ra, lớn lên nằm sát mé sông Đồng Nai. Bên kia sông, hồi ấy là rừng già thăm thẳm. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là Chiến Khu Đ mịt mùng, bom đạn và gian khổ. Tôi đi dạo quanh khu vườn cố tìm hơi hướng người xưa hơn nửa thế kỷ trước còn phảng phất nơi đây. Lối xuống sông Đồng Nai phía sau nhà bây giờ cây dại mọc xùm xòa, ngả cành xuống sát mặt nước. Đây là nơi cậu bé Chín Bản và những người anh em cùng thế hệ ngày xưa hàng ngày thường bơi lội tắm sông. Buổi sớm một ngày đầu năm 1946, cũng từ bến sông này, anh thanh niên Chín Bản mang nặng thù nhà, nợ nước từ biệt má và mấy người chị, người em lên thuyền qua sông Đồng Nai đi kháng chiến. Từ trong nôi cậu bé Chín đã nghe tiếng sóng của sông êm nhẹ, rì rào vào mùa khô, ầm ào, sôi réo, hung dữ vào mùa mưa. Dòng nước trong xanh, nằng nặng phù sa và ngầu bọt máu, xối xả đạn bom mấy chục năm tao loạn. Khắc khoải con mắt mẹ già ngóng trông đứa con đi xa đằng đẵng hai mùa kháng chiến đạn bom. Mới hiểu con sông Đồng Nai gắn bó thế nào trong cuộc đời Hoàng Văn Bổn, ông gọi là con sông linh thiêng, con sông thần thánh. Sau này, mãi tới năm 1980 ông mới được về sống bên sông Đồng Nai nhưng là đoạn sông thị thành bên phố Biên Hòa.
Tôi thắp nhang trước bàn thờ Gia đình nội tổ. Cụ ông cụ bà Sáu sinh hạ được mười người con, hai cuộc kháng chiến vừa qua cống hiến cho Tổ quốc một tử sĩ, hai liệt sĩ Giải phóng quân, hai chiến sĩ Vệ Quốc đoàn, ba chiến sĩ Giải phóng quân, một bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một nhà văn chiến sĩ. Trong kháng chiến chống Pháp, người anh thứ tư và ông Chín Bổn nhảy rừng tham gia kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, người em thứ mười của ông Chín cũng thành bộ đội. Người anh thứ năm bị Pháp cắt cổ. Đến kháng chiến chống Mỹ hai người con trai của ông Năm (anh Nhất và anh Nhì) đều nhảy rừng tham gia bộ đội giải phóng và đều anh dũng hy sinh. Chị dâu thứ bảy của ông Chín được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có công nuôi dưỡng hai người cháu là liệt sĩ. Cũng trong hai cuộc kháng chiến, cụ Sáu ông mất sau cơn đau đớn quằn quại giặc giết mất con trai, cụ bà Sáu phải cùng người con gái chạy giặc khủng bố, dạt về Biên Hòa, Sài Gòn buôn bán lặt vặt kiếm sống. Ngày nhà văn Hoàng Văn Bổn sau chuyến làm phim về Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, tranh thủ ghé qua nhà thì bà má cũng đã kịp về nơi làng cũ.
*
Đã ngót một thế kỷ trôi qua, chốn quê xưa cây cỏ đã thay bao lứa mới, đất cát cũng đã bao lần đào xới, quăng quật, nếu còn sống nhà văn Hòang Văn Bổn đã qua tuổi chín mươi (ông mất năm 2006). May mắn thay, vẫn còn một nhân chứng của tuổi thơ ông ở nơi này. Đó là ông Sáu Diệp - người bạn tuổi thơ của ông Chín Bổn. Chúng tôi bước vào một ngôi nhà nhỏ, một cụ ông dáng cao, lưng hơi còng nhưng con mắt ánh nhìn vẫn tinh nhanh, khua gậy lộc cộc bước ra. Nghe giới thiệu tôi nguyên là lính của nhà văn Hoàng Văn Bổn ở Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, ông già hỏi ngay: Hai Chung đâu? Khôi Vũ đâu? Dạ! Anh Khôi Vũ hôm nay bận công việc còn ông Hai Chung mất rồi - Chúng tôi đáp. Chết rồi à… Lần trước đến đây có cả Khôi Vũ và Hai Chung.
Ông già lẩm bẩm. “Tôi năm nay chín mốt, kém chú Chín Bổn hai tuổi. Ổng vai chú, tuổi Thìn. Bà cố tôi là chị ruột ông nội ổng. Ông chú Sáu (tía ổng) là em con cô con cậu với ông nội tôi”- ông Sáu Diệp giới thiệu. Ông Sáu Diệp tuổi đã cao mà trí nhớ vẫn tốt, bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ của hai ông ùa về trong câu chuyện kể.
Ông Sáu Diệp kể: “Hai chú cháu tuổi sèm sèm nhau, cùng chòm xóm nên thân nhau lắm, hồi nhỏ không có trò chơi, đám quậy nào có chú Chín mà lại vắng tôi, ổng lớn tuổi hơn nên cầm đầu lũ con nít trong xóm. Nhà chú Chín có con trâu, chú được giao chăn trâu. Chú yêu quý con trâu lắm, đặt tên nó là con Chãn, hàng ngày ổng cắt cỏ nuôi trâu. Chú giỏi chịu cực và ham chơi, khi chơi thì chơi hết mình, lại nhanh ý, nhiều sáng kiến. Chú ham chơi pháo, tự tay kiếm thuốc, nhồi pháo. Trái pháo nổ, nghe cùng hết. Chú còn làm pháo tre. Nhồi thuốc vào ống tre, làm ngòi đốt nổ to gần bằng trái lựu đạn, đã lắm nhưng cũng nguy hiểm vì mảnh tre văng. Con nít ham nhất là trò đào dế, bắt ếch. Trời mưa ếch kêu dữ lắm. Nó đẻ trứng ngoài rẫy. Nhón gót chụp. Nó nằm ẹp xuống, đưa sợi dây cột lại. Lại mò tiếp con kia. Rồi chơi chọi dế. Móc đất sét đắp một chỗ bằng bằng làm chỗ đá dế, giống như sàn thi đấu quyền Anh bây giờ. Hồi đó, giờ này (10 giờ sáng) chúng tôi còn chơi đá dế ngoài bờ sông, cáp hai chục hột điều. Rồi chơi đáo lỗ, đáo thường. Chú Chín chơi hay lắm, tụi tôi thảy ra ngoài, ổng thảy là trúng. Rồi vụ ăn gà cúng hạ nêu. Mỗi nhà đem đến đình làng cúng một con. Mấy chục nhà trong làng mấy chục con, nhiều lắm. Gà luộc cho vô đĩa, lòng mề đủ cả. Ông từ Khiêm coi miễu được giao giữ đồ cúng. Ổng bỏ cả rổ gà luộc của làng vào trong kho miễu sau lưng nhà tui, khóa cửa rồi cầm chìa khóa ra đi. Làng còn mải mê hội hè ngoài đình. Giấc trưa lừa lúc ông từ Khiêm ngủ, tụi tui lấy thang bắc qua tường trèo vào trong kho miễu. Cầm cần trúc buộc dây gắn lưỡi câu, thảy vô rổ gà luộc, móc được vài con. Đem ra ngoài đồng xúm vào xé ăn. Thủ sẵn muối, hái ớt hiểm, rau dại ngoài bàu. Ngon quá xá! Làng làm hội xong về thấy mất mấy con gà luộc, cũng đoán là tụi con nít ăn trộm, còn bao nhiu nhậu bấy nhiu thôi. Hehe!... Tới kỳ làng làm chay mùng 4 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), rước ba ông thầy chùa tới cúng. Mỗi nhà trong làng góp một cây bánh, bánh gì cũng được. Từ 3 đến 5 giờ chiều là cúng lần chót. Rồi giựt gàn, kẻ cào ra, người kéo lại. Một bữa, chú Chín nói: “Bữa cúng nào cũng giựt giàn, xô đẩy, tranh giành không ngon, tao không giựt giàn nữa. Bữa nay ba đứa bây đừng đi chơi đâu, ở nhà gặt lúa, chở lúa thuê cho người ta, lấy tiền gom liên hoan”. Mấy đứa xúm vô gặt lúa dưới bưng, chở về. Một ngày ròng, đầu sáng ra gặt, trưa ăn vội rồi quăng lúa lên ghe, chở về. Được chủ ruộng trả công 2 thúng lúa ướt. Tụi tui còn hốt lúa rớt dưới ghe thêm vào nữa. Đem qua nhà ông Ba Ùi đổ ra phơi khô đem bán cho bà hàng xáo, lấy tiền mua bánh tráng, cá lóc, rau sống, hái ớt hiểm, cuốn bánh tráng, cả lũ sì sụp ăn. Hồi đó tụi tôi làm ra tiền, dui dẻ lắm. Đi làm thuê mấy ngày được cả chục giạ lúa. Bán lấy tiền làm “quỹ đen”, đi coi hát. Lại nói chuyện đi coi hát. Thỉnh thoảng có gánh hát về quận lỵ Tân Uyên. Buổi chiều họ ngăn chợ để làm sân khấu biểu diễn. Tụi con nít chúng tôi do chú Chín chỉ huy, cột quần áo lên đầu, mỗi đứa một khúc chuối ôm lội qua sông Đồng Nai. Có bữa mải chúi đầu chạy, húc đầu cả vào bụng lính Nhật. Bữa “quỹ đen” còn xôm thì chú Chín vào mua mỗi thằng một vé, ngồi chĩnh chệm, bữa hết tiền thì lủi chui rào, đằng nào cũng coi được.
Hết mùa chơi thì chú Chín đi học văn hóa ở trường quận. Ổng học và biết nhanh lắm, tía tôi nói có bài toán tía học hơn một năm mới làm ra, mà chú Chín ổng học làm ra ngay.
Lần đầu tiên tôi biết có Việt Minh là quãng trước Cách mạng Tháng Tám thấy bản Thông sức của Việt Minh nói phải tổ chức thanh niên vô hội đoàn như thế nào. Chú Chín đọc xong, gỡ xuống gấp nhỏ lại cho vào dưới cái rễ cây, lấy bùn trét lại. Ổng nói, đọc biết để nói cho nhau nghe thôi, Pháp thấy là rầy rà. Lúc đó chú Chín đã làm cho Thanh niên xã, ổng 17, 18 tuổi rồi. Người ta tổ chức trạm gác giao cho chú Chín cắt cử thanh niên coi gác. Rồi sau đó Tây đánh lên. Chú Năm bị Tây cắt cổ chết. Ông tía Sáu đau buồn quá bệnh chết. Chú Bảy bị lính bắt, chú Tám đi bộ đội. Chỉ còn bà nội Sáu với chú Chín ở nhà. Chú Chín nói với tôi: “Mày thì tao mới nói, chiều nay tao sang bên ta (tức là đi vào chiến khu Đ)”. Thấy ổng khăn gói ra đi, theo sau là cô Sáu, chú Mười, bà nội khóc. Chín nắm tay tôi nói: “Tao đi lâu lắm mới về, sẽ có thư gửi về cho mày, tao nhờ mày trông nom giùm nhà tao”. Tôi hứa. Rồi tôi bơi xuồng đưa chú sang bên kia sông. Gặp trận mưa rào đổ xuống, hai chúng tôi cùng ướt. Chú Chín vuốt nước mưa, ôm gói quần áo. Ổng vào chiến khu làm giáo viên. Sau này có một bữa, chú vượt qua bót Tân Tịch, bót Đại An, bót Bà Nghĩa về Xóm Chòi, nhắn tôi sang. Tôi sang thấy chú ngồi đó, kể chuyện nhà. Chiều chú lại đi, bảo tôi liên lạc với ổng.
Sau ngày Ba mươi tháng Tư Bảy lăm, chú về. Thấy tôi, ổng kêu: “Ông già, ông già, anh phải anh Hai Cơ không? Tôi là Chín Sứt đây!”. Hai chú cháu ôm nhau khóc. Tôi dang ra nhìn ổng: “Đánh bao nhiêu trận không trầy một chút da”. Chín nói: “Dịp đó rồi chú về miền Tây, rồi đi bao nhiêu nơi, lu bù trận, địa chỉ khác, thay đổi luôn, gửi thư khó lắm…”. Lúc đó, chú có cái ấm lồ ô dùng uống trà, ổng uống trà đặc quánh, đổ cả nứa ấm lồ ô trà, nấu nước sôi hãm trà, bịt chặt, thả vào lu nước. Sáng ra, tôi đi ngang qua, chú kêu vô uống trà. Ông rót ra, hỏi: “Uống trà đường ha?”, rồi lấy đường. Tôi nhấp. Ui cha! Tới đâu nghe tới đó, đặc chát!...
*
Nhà văn Hòang Văn Bổn thuở nhỏ là một chú bé hiếu động, có một tuổi thơ thật giàu kỷ niệm, giữa thiên nhiên và làng quê dân giã, nồng hậu. Ông cũng sớm thể hiện vai trò dẫn dắt, tổ chức đám bạn cùng trang lứa vào những hoạt động gắn kết tập thể, đoàn kết, sẻ chia. Tuổi thơ “vui chơi quậy phá” hết mình đã cho ông một vốn sống về thiếu nhi rất dày dặn. Cùng với đó, là một tấm lòng hồn hậu, tràn đầy yêu thương, một cái nhìn hóm hỉnh, tinh tế. Điều này dễ hiểu, bên cạnh những tập truyện, ký, những kịch bản phim tài liệu, những pho tiểu thuyết trường thiên giàu tính sử thi góp vào thành tựu văn học, điện ảnh cách mạng và kháng chiến, Hoàng Văn Bổn còn là tác giả của những tác phẩm viết về thiếu nhi rất thành công: Tướng quân Lâm Kỳ Đạt, Lũ chúng tôi, Đội quân hoa và cỏ, Tuổi thơ trong làng… Ông cũng là nhà văn rất thân thiết của lứa tuổi thiếu nhi.