Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Một: Khi tôi bỏ nghề dạy học đi làm báo, thì cậu tôi– người trực tiếp nuôi dưỡng tôi nói: “Cậu cho con làm thầy giáo để ổn định vì chế độ nào cũng cần, giờ con đi làm báo là nghề bất ổn con ráng giữ mình!”. Cho nên quá trình theo đuổi nghề báo, tôi không cho là nghề ổn định.





@ Thưa nhà văn Nguyễn Một! Ở trên đời, cha mẹ nào cũng thương con và luôn muốn con có cuộc sống ổn định. Có một thực tế khá phổ biến và khá ê chề là nhiều bậc phụ huynh cứ muốn con mình vào làm công chức Nhà nước cho ổn định, dù không phải sở trường và cũng không phải sở thích của con. Anh nghĩ gì về điều này?

Nguyễn Một: Đời tôi từ nhỏ đến giờ không hề ổn định theo cách nghĩ của số đông như trong câu hỏi này, nên khái niệm ổn định chỉ là tương đối. Khái niệm làm nhà nước “ổn định’ chỉ tồn tại thời bao cấp, chứ hiện tại ít người còn quan tâm, nên cách đặt vấn đề này là hình như lỗi thời. Nếu ép con làm một việc không đúng sở trường và sở thích của con để có được sự “ổn định” theo tưởng tượng của cha mẹ, là không đúng!

@ Trớ trêu là tình trạng “chạy” vào biên chế Nhà nước vẫn rất nóng bỏng ở nhiều địa phương anh ạ. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không đề cập cụ thể về sự tiêu cực ấy. Chúng ta đang mong muốn gợi mở về một thế hệ khác, tự tin hơn để hội nhập tốt hơn. Tuổi trẻ cần được thử thách và luôn thích bay nhảy. Phụ huynh có nên thay đổi tư duy để con mình được phát huy năng lực và tự do sáng tạo không?

Nguyễn Một: Khi con gái lớn tôi thi đại học, cháu nhờ tôi tư vấn. Tôi hỏi, con học đại học để làm gì? Cháu bảo, thấy bạn bè nói thi trường nào cho có việc làm kiếm sống sau này. Tôi cười và khuyên: Nếu con học chỉ để kiếm sống, thì đừng đến giảng đường. Cứ ở nhà bán café và trồng lan với mẹ. Còn nếu nếu con muốn học để có kiến thức thì con thích gì cứ học nấy thôi. Có kiến thức tự nhiên sẽ nghĩ ra nhiều chuyện, trong đó có cả chuyện kiếm sống.
Sau khi học xong đại học, cháu muốn học đạo diễn điện ảnh. Tôi cũng đồng ý luôn và khuyến khích con cứ thử sức đi, bởi vì “tuổi trẻ không nên cái gì cũng đúng”.

@ Có lẽ vì đã nếm chịu gian nan mưu sinh nên phụ huynh vẫn tự cho mình cái quyền nhìn ra trông rộng hơn con cái, và áp đặt con cái phải uyển chuyển “chui sâu trèo cao” để có cơm ngọt canh ngon…
Nguyễn Một: Tôi vẫn thường bảo vợ mình: Khi con cái chúng ta trưởng thành, chúng ta chỉ là ký ức của chúng nó thôi. Hãy cố gắng để lại ký ức đẹp đẽ nhất có thể. Chúng ta chỉ định hướng, chứ không áp đặt, nhất là áp đặt những kiểu sống ích kỷ và tư lợi.  

@ Kiểu sống ích kỷ và tư lợi mà anh cảnh báo, đôi khi cũng được nhân danh “ổn định” đấy. Quan niệm “ổn định” nhiều khi rất có hại. Vì “ổn định” mà sinh ra rụt rè và thụ động, thậm chí sinh ra thói kéo bè kết cánh để giữ quyền lợi cá nhân. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta có một đội ngũ cán bộ kém năng động và dễ tiêu cực chăng?
 Nguyễn Một: Tôi xin từ chối trả lời câu hỏi này, vì không có đủ thông tin và thời gian để biện luận, mà đối với tôi “không biên luận thì không kết luận”

@ Bản thân anh, từ một nhà báo đã khước từ sự “ổn định” để đi làm truyền thông cho doanh nghiệp. Cảm giác của anh lúc đưa ra quyết định ấy, như thế nào?
Nguyễn Một: Khi tôi bỏ nghề dạy học đi làm báo, thì cậu tôi– người trực tiếp nuôi dưỡng tôi nói: “Cậu cho con làm thầy giáo để ổn định vì chế độ nào cũng cần, giờ con đi làm báo là nghề bất ổn con ráng giữ mình!”. Cho nên quá trình theo đuổi nghề báo, tôi không cho là nghề ổn định. Bởi vậy, khi gặp ông chủ bây giờ mời tôi về làm văn hóa và truyền thông cho công ty, tôi nhận lời ngay mà chẳng suy nghĩ gì nhiều. Vì theo tôi sự ổn định do mỗi người tạo ra, chứ cuộc sống không có sự ổn định. Cuộc sống này vốn vô thường mà. Nam bộ thời mở cõi có câu ca dao : “Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”, nếu ngày đó ông bà chúng ta cũng bị ràng buộc bởi chữ “ổn định” thì giờ đây chúng ta làm gì có mảnh đất phương Nam trù phú và phóng khoáng!

@ Nghĩa là có nhiều góc độ ổn định khác nhau để chọn lựa theo tâm tư của mỗi người, ổn định tầm thường và ổn định không tầm thường, ổn định để héo tàn và ổn định để vươn lên. Bây giờ, đối với con cái của anh, thì sự “ổn định” được hóa giải ra sao? 
Nguyễn Một: Tôi mỗi ngày vẫn nhắc nhở các con mình: Cuộc đời như dòng sông có lúc nước lớn có lúc nước ròng, các con hãy học bơi đi. Chứ ba mẹ không sắm cho các con bất kỳ chiếc ca nô hay xuồng ba lá nào đâu. Nếu có chăng, thì ba mẹ sẽ quăng cho chiếc phao khi các con mới chập choạng xuống nước. Chấm hết!

                       LTN (thực hiện)