Câu chuyện của A Sáng bản thân nó đã hấp dẫn, nhiều chi tiết lạ, ít gặp đối với người miền xuôi, thành thị; nó lại được kể một cách thản nhiên, thật thà. Tất nhiên, A Sáng cũng có cái tinh quái riêng. Cái tinh quái lấp ló đâu đó trong giọng điệu, thái độ, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động hơn.



AN TRÚ CÙNG A SÁNG

ĐỖ BÍCH THÚY

Tôi vẫn thường quan niệm, với người viết văn, vốn sống là thứ đặc biệt quan trọng. Nó là nền tảng, là gốc rễ, là nguồn cơn, để từ đó anh có thể cất cánh cùng với trí tưởng tượng. Nói thế có nghĩa là, dù anh giỏi tưởng tượng đến đâu mà thiếu vốn sống thì rồi cũng sẽ như diều không có dây. 

Cái vốn sống ấy, vốn dĩ là anh có nó nhờ vào... số phận của anh. Tức là ban đầu thì anh cũng không chủ động được. Ví như anh không thể chọn quê hương, gia đình, dòng tộc, vùng văn hoá... để được sinh ra. Anh rơi vào đâu là do cái... số anh nó thế. Vì vậy, để trở thành nhà văn bao giờ cũng có cả yếu tố may mắn, tôi nghĩ thế. Tất nhiên cái vốn ấy rồi nó cũng cạn kiệt đi thôi, như là gạo trong hũ. Nấu mãi, cho dù tiết kiệm mấy đi nữa, rồi nó cũng phải hết. Thế nên để đi đường dài thì nó cần phải được bồi đắp. Mỗi ngày, ngày này qua tháng khác, thậm chí suốt cả cuộc đời viết văn. Ngay cả khi viết bằng cái vốn ấy thì tự bản thân quá trình viết nó cũng giúp anh bồi đắp thêm vốn liếng rồi. 
Nói dài như thế, rốt cuộc thì tôi cũng chỉ muốn nói đến cái vốn sống mà A Sáng có, và cũng là cái cách mà A Sáng, có lẽ phần nhiều là vô thức, đã tự bồi đắp cho nó dày dặn lên mỗi ngày. 

Cuốn sách này của A Sáng, gọi là tự truyện cũng được, nhưng nó chưa phải là tất cả, hết nhẽ, về chặng đường từ rừng xuống phố hai mươi năm qua. Nó mới chỉ là một phần. Tôi cảm thấy là Sáng còn để dành, hoặc còn giữ ý, hoặc một lý do nào khác nữa. Nhưng kí ức của A Sáng nó bề bộn, dày dặn, phong phú và sinh động vô cùng. Kể có viết vài ba cuốn như thế này cũng vẫn còn dư dả. Đấy là cái may mắn, cái hạnh phúc nhất của người viết. Tức là lúc nào anh cũng cảm thấy mình còn cả một kho đầy, dư dả, ứ tràn, muốn viết lúc nào thì cũng chỉ là thò tay vào túi mà lấy ra thôi. 

Tôi với A Sáng, và nhiều bè bạn thân mến khác nữa, có cái điểm chung là từ tỉnh lẻ về Hà Nội làm việc, kiếm sống, xây dựng gia đình, và hì hụi nuôi những ước mơ riêng tư. Có người thì tuyên bố hẳn hoi, cũng có người cứ lẳng lặng lao động, đến một ngày sẽ thình lình công bố với bạn bè, đồng nghiệp, công chúng kết quả của chuỗi ngày lao động vất vả ấy. A Sáng thuộc nhóm thứ hai. Cứ miệt mài lao động, hết báo chí đến văn chương đến hội hoạ. Cứ lao động đã, hết sức đã, rồi thành quả thế nào nó sẽ tự đến. Nghề báo, như A Sáng viết, đã thay đổi cuộc sống vật chất của anh và gia đình. Kiếm được tiền từ nghề báo có lẽ đã giúp A Sáng trong cả việc dành ra được thời gian, tâm trí để mà ngẫm ngợi, tư duy, thúc đẩy cảm hứng sáng tạo, vật vã tìm tòi, rồi một ngày "thình  lình" ra mắt công chúng một triển lãm tranh đầy ấn tượng khiến nhiều người bất ngờ. 

Nhưng văn chương của A Sáng thì khác. Văn chương đối với A Sáng như một phần của hơi thở, như là tự nó đã chảy trong huyết quản anh từ khi được sinh ra. Vì thế mà nó luôn thấm đẫm cái hoang vu của thiên nhiên rừng núi, cái quyến rũ của văn hoá tộc người. Tôi cảm thấy A Sáng viết không khó. Chữ nghĩa không phải quá trau chuốt cầu kì hay chật vật xếp đặt, đôi khi thô tháp, đôi khi hồn nhiên, và căn bản là chất phác thật thà. Ai gặp A Sáng rồi thì thấy thường ngày A Sáng nói năng ra sao, văn chương cũng vẫn cái giọng như thế. Có điều, tinh ý thì sẽ thấy A Sáng luôn "ưỡn ngực" tự hào vì mình là một "trưởng bản" (theo cách mà A Sáng thường tự trào) người Tày, sinh ra ở núi non Trùng Khánh, Cao Bằng. Tự hào cũng phải thôi. Tôi đồ rằng ở cái bản Pác Thay ấy, số người ra đi và thành công đủ để gõ google một phát ra liền cả nghìn kết quả như A Sáng cũng không nhiều. Sáng là niềm tự hào của mẹ, một bà lão Tày đáng kính, của người cha đã đi lên trời cao, của dòng họ Hoàng, của bản Pác Thay. 

Tôi đã đọc truyện ngắn, tiểu thuyết của A Sáng. Với văn chương, dường như A Sáng đích thị coi đây là cuộc dạo chơi của trí tưởng tượng, chẳng có áp lực nào hết. Và chính cái thái độ ấy đã khiến cho Sáng thật nhẹ nhõm, thản nhiên. Chỉ viết cái gì mình thích, không câu nệ dài ngắn ít nhiều, cũng không mấy bận tâm bạn đọc mong chờ gì ở mình, A Sáng thong thả viết. Rồi thì cũng có giọng điệu riêng, dù chưa thật sắc nét, chưa thật thuyết phục, nhưng cũng đủ để ghi tên trong danh sách những tác giả 7x trở về sau say mê với văn học về miền núi. Nhân vật của A Sáng hay có cái chung với tác giả, đó là sự nỗ lực vùng vẫy để khẳng định bản thân khi buộc phải bước chân vào một môi trường mới mẻ đầy thử thách. 

Nhưng đấy là tiểu thuyết và truyện ngắn, với yếu tố hư cấu chiếm lĩnh, còn đến "An trú trong yêu thương" thì khác. Một sự khác biệt với chính bản thân tác giả. 

Với người viết, việc chọn thể loại nào căn cứ vào việc anh định viết gì. Thể loại như một chiếc áo, được chọn để vừa vặn, hợp lý với thân thể. Tự truyện có cái thuận cho người viết ở chỗ anh chẳng phải mất công hư cấu, sắp đặt, cài cắm, lớp lang gì cả, cứ có gì thì viết nấy. Nhưng nó lại có cái khó ở chỗ, cuộc đời là của cá nhân anh, câu chuyện của anh phải "có gì" thì mới hấp dẫn, giữ chân được người đọc. 

Thì như tôi đã nói, A Sáng là một trong số hàng triệu trí thức tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp, và đã ghi được dấu ấn, có một chỗ đứng khá vững chắc. Bạn đọc sẽ tò mò rằng A Sáng đã trải qua 20 năm đó như thế nào? Liệu rằng hai thập kỉ quan trọng trong cuộc đời A Sáng có mang lại bài học kinh nghiệm nào cho những người trẻ tuổi không? Hơn nữa, một ông Tày sẽ làm gì giữa hàng triệu người Kinh từ khắp nơi đổ về mảnh đất hội tụ đầy những tinh hoa này, để mà có thể ngẩng cao đầu nhận tôi là một người Tày không chút tự ti, mặc cảm? 

Câu chuyện của A Sáng bản thân nó đã hấp dẫn, nhiều chi tiết lạ, ít gặp đối với người miền xuôi, thành thị; nó lại được kể một cách thản nhiên, thật thà. Tất nhiên, A Sáng cũng có cái tinh quái riêng. Cái tinh quái lấp ló đâu đó trong giọng điệu, thái độ, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động hơn. 
Hai mươi năm là một quãng thời gian dài, cho dù có cảm giác nó trôi đi rất nhanh. Và quan trọng hơn, nó làm thay đổi gần như toàn bộ cuộc đời của một thanh niên miền núi ôm một giấc mơ to lớn ngơ ngác đặt chân về Hà Nội. Và hầu hết những gì đã diễn ra, đã ảnh hưởng, và làm thay đổi cuộc sống của hoạ sĩ - nhà báo - nhà văn A Sáng bạn đọc đều có thể tìm thấy ở trong cuốn sách này. 

A Sáng viết có duyên. Duyên nằm ở chữ, ở giọng điệu, ở hơi văn. A Sáng có lợi thế là bản thân đã có những năm tháng tuổi trẻ đầy ắp những chuyện hay ho - thứ chất liệu vô cùng cần thiết đối với một người viết; có một kí ức đẹp đẽ về quê hương, gia đình, người thân thấm đẫm văn hoá bản địa. A Sáng lại là người có khả năng thích nghi, và đặc biệt là có ý chí. Ý chí khiến A Sáng luôn quẫy đạp cựa quậy như một con gà con tự cựa quậy để đạp cho cái vỏ trứng nứt toác ra.

Sau hai thập kỉ rời khỏi bản Pác Thay, giờ là lúc A Sáng nhìn lại và chọn thái độ "an trú" ở trong quá khứ, hiện tại. Với một nghệ sĩ tỉnh lẻ nhập cư Hà Nội, tôi nghĩ, thái độ sống ấy thực sự đáng trân quý. An trú, yêu thương, điềm tĩnh sẽ tạo ra nền tảng cảm xúc cần thiết để cho dù sống ở bất kì đâu cũng vẫn y nguyên là mình trong lao động sáng tạo.