Lịch sử Nga trong thế kỷ 20 được đánh dấu bằng những biến cố “kinh thiên động địa”, đầy mâu thuẫn: những chiến công rung chuyển thế giới; những tấm gương sáng chói của chủ nghĩa nhân đạo và cả những hành động phi nhân còn mãi mãi bị lên án. Trên bối cảnh đó, Georghi Giukov- vị nguyên soái nổi tiếng nhất của nước Nga cũng là một con người phản ánh khá đầy đủ bước thăng trầm; vinh quang hiển hách và những thiệt thòi, mất mát của xứ sở mình. Quanh cuộc đời ông, tiểu sử chiến đấu của ông đã và sẽ còn dấy lên nhiều tranh cãi có lẽ khó mà tìm được những lý giải thống nhất.




Vị Nguyên soái chỉ huy Lễ duyệt binh mừng Quân đội Xô Viết đã đập tan Đế chế Phát xít Đức tại Quảng trường Đỏ- Moskva tháng 6-1945, được sinh ngày 1 tháng 11 năm 1896 tại làng Xtrenkovka, trấn Maloiaroslavesky, tỉnh Caluga, trong một gia đình nông dân.

Phụ thân của vị tướng nổi danh trong tương lai không mảy may mơ ước công danh sẽ tới với người con trai của họ. Khi chú bé Georghi học hết lớp ba tại một trường nhà dòng, bà mẹ cậu đã đưa cậu tới nhà một người bà con ở Moskva để cậu học làm nghề thuộc da.
Bà mẹ dặn cậu bé: “Khi nào tới nơi, con phải cúi gập người xuống và cất tiếng Cháu xin kính cẩn chào ông Mikhail Archoevist”. Cậu bé Georghi bướng bỉnh phản ứng: “Không! Việc gì phải cúi gập người? Con chỉ nói: Xin chào chú Misa!".

Thái độ bất phục tùng luôn là nét tính cách rất riêng của G.Giukov.Trong những năm chiến tranh G. Giukov là một trong số không nhiều người cầm quân dám cất tiếng cười bác lệnh cùa chỉ huy các cấp. G. Giukov luôn luôn bảo vệ đến cùng chính kiến của mình, khi tự cảm thấy chính kiến ấy không có gì sai sót.

TỪ ANH THỢ THUỘC DA TRỞ THÀNH NGƯỜI CHỈ HUY ĐỎ.
Đến năm 1912 G.Giukov đã là một trong số người học việc thành đạt và nhiều triển vọng tại xưởng thuộc da, thường được theo ông chủ cho đi bán hàng trong những tuần chợ phiên mở ra ở Nhiznhigrod. Hai năm sau chàng trai G.Giukov đã trở thành một tay thợ thuộc da trẻ giỏi nghề, tự xây dựng cho mình một dấn vốn riêng và đã ngó nghiêng tới chuyện dạm vợ.
Thế chiến I bùng nổi đã làm thay đổi tất cả. Mùa hè năm 1915 anh thợ thuộc da bị gọi đăng lính. Liệu vào thời điểm ấy, chàng trai G.Giukov có nghĩ rằng từ nay anh sẽ mãi mãi chia tay với những nghề nghiệp kiếm ăn thông thường không?
Vào năm 1916, sau khi trải qua khóa huấn luyện kỵ binh, anh chuẩn úy G.Giukov được điều về trung đoàn Novgorod ở mặt trận Tây Nam. Tham gia chiến trận G.Giukov được tặng thưởng Huân chương Thánh Geoghi hạng 4. Vào tháng 10, G.Giukov bị chấn thương,sau đó thính giác lại bị ảnh hưởng một phần, chàng trai được điều về trung đoàn kỵ binh dự bị.
Vì vết thương này, G.Giukov được tặng thêm một huân chương Georghi hạng 3. Vào tháng 11 năm 1917, G.Giukov được giải ngũ khỏi đơn vị kỵ binh, chàng trai trở về Moskva, sau đó về làng sống với cha mẹ. Thời gian tiếp theo G.Giukov bị mắc bệnh viêm phổi phải chữa trị dài ngày mới khỏi.
Tháng 8 năm 1918, Giukov ra nhập hàng ngũ Hồng Quân Công Nông, tham gia cuộc nội chiến. Chàng trai lại được qua một lớp đào tạo kỵ binh nữa. Sau khi tốt nghiệp, G.Giukov được cử chỉ huy một trung đội, sau trở thành chỉ huy một đại đội.
Năm 1922, G. Giukov được thưởng Huân chương Cờ Đỏ vì đã tham gia việc trấn áp cuộc bạo loạn Antonov.

NGÔI SAO ANH HÙNG ĐẦU TIÊN.
Tiếng tăm lẫy lừng và niềm vinh quang trận mạc của Nguyên soái Georghi Giukov hầu như diễn ra song hành với tiếng tăm và vinh quang của một nguyên soái Xô Viết nổi tiếng khác trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc (1941-1945 )- đó Nguyên soái Constantin Rokossovsky.
Vào năm 1930 Constantn Rokossovsky là chỉ huy Sư đoàn kỵ binh Samara, dưới quyền ông là một chỉ huy tài ba, thao lược khác-G.Giukov. G.Giukov “qua mặt” Rokossovsky trong thời kỳ “khủng bố trắng” khi Rocossovsky tưởng như đã bị thất sủng vì không hoàn thành nhiệm vụ. G.Giukov đã dẹp yên cuộc phiến loạn và ngay sau đó ông đã giúp đỡ để người chỉ huy cũ của mình trở về đội ngũ. Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc (1941-1945) hai vị tướng tài này hầu như vai kề vai cùng hoàn thành nhiệm vụ chung, nhưng thực ra giữa họ vẫn nổ ra những ý kiến bất đồng và sự ganh tỵ lẫn nhau.
Vào năm 1939 G. Giukov đạt được thắng lợi đầu tiên có ý nghĩa của mình khi ông chỉ huy đập nát lực lượng quân Nhật tại Khal-Khil-Gol, phá tan âm mưu của phát xít Nhật định mở mũi tấn công ở phía Đông Liên Xô.
Vì chiến công này G.Giukov được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Cờ Đỏ.
Constantin Rokoccovsky khi nói về “vị ân nhân” của mình vào đầu những năm 1930 lại cho rằng G.Giukov không có khả năng làm công tác tham mưu.Trớ trêu thay, cuối những năm 1940 G.Giukov lại được chỉ định làm người đứng đầu Bộ Chỉ Tổng tham mưu.
Trong một lần thuyết trình trên bản đồ tại cơ quan chỉ đạo chiến lược này, G.  Giukov đã chỉ ra những hướng yếu của việc bố phòng ở mặt trận phía Tây. Đáng tiếc rằng, khi xẩy ra chiến cuộc, điều dự báo ấy của Georghi Giukov lại không trợ giúp được gì nhiều.
“Cần phải công khai thừa nhận rằng, cả ở Ban Tham mưu Tối cao, cả tôi đều chưa có kinh nghiệm về sự cần thiết phải bố phòng lực lượng như thế nào để đối đầu với một cuộc chiến như đã bùng phát vào năm 1941”- Sau này Georghi Giukov đã viết trong hồi ký của mình như vậy.

TIẾP NỐI NHỮNG THĂNG TRẦM
Vào cuối tháng sáu năm 1941, G. Giukov phải nhường vị trí Tổng tham mưu trưởng cho một vị tướng có kinh nghiệm hơn là Boris Saposnhikov. Nhiều ý kiến cho rằng việc này chứng tỏ nhận định về năng lực yêu trong công tác tham mưu của tướng Giukov mà tướng Rokoccosky đã chỉ ra là đúng.
Thêm chuyện nữa… Khi Bộ Tham mưu quân đội Xô Viết phát hiện ra ý định các mũi tiến công của Hitler sẽ mở ra ở phía nam, nhắm chiến thành phố Kiev, giữa G.Giukov và Tổng tư lệnh tối cao Iosip Stalin đã xẩy ra cuộc tranh cãi gay gắt để bảo vệ chính kiến của mình. G.Giukov cho rằng, trong tình thế ấy hãy thu các lực lượng quân đội Xô Viết ở phía Nam, chuyển qua các mặt trận khác, nhường Kiev cho đối phương. Iosip Stalin- với tư cách của một người hoạt động chính trị hơn là một vị tướng cầm quân đã cho rằng, Hồng quân rút lui khỏi Kiem-thủ phủ của nước Cộng hòa Ukrain sẽ là một nỗi nhục không thể xóa nhòa được, sẽ làm mất uy tín của Liên Xô trên trướng quốc tế. Diễn biến chiến cuộc sau này đã chứng tỏ chủ trương của G.Giukov là đúng. Kiev vẫn thất thủ. Các sư đoàn Xô viết tham gia phòng thủ Kiev bị thiệt hại rất nặng nề và đây là một tổn thất lớn nhất trong suốt cuộc chiến tranh Vệ quốc 1941-1945.
Sau khi bị huyền chứcngười đứng đầu Cơ quan Bộ Tổng tham mưu,vào đầu tháng 9  G.Giukov được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức và chỉ huy chiến dịch phản công, giải phóng vùng Elnhia. Cuộc phản công của quân đội Xô Viết lần này đã thành công.
Ba ngày sau khi chiến dịch Enhia kết thúc, G.Giukov được Đại bản doanh giao chỉ huy mặt trận Leningrad. Lúc này tình thế ở đây cực kỳ nguy hiểm. Thành phố quê hương Cách mạng tháng Mười có nguy cơ lọt vào tay bọn phát xít Đức. Bằng những đòn tấn công có hiệu quả và những quyết sách cứng rắn, sau ba tuần lễ G.Giukov đã giữ cho mặt trận phía Tây Bắc này ổn định trở lại, đẩy lui vòng vậy của các đạo quân Hitler ra xa khỏi thành phố Leningrad.
Ngày 8 tháng 10 năm 1941, Đại bản doanh gọi G.Giukov trở về Moskva. Ông được giao nhiêm vụ củng cố và tổ chức lại hai phương diện quân quân số thiếu, chịu nhiều tổn thất thành một lực lượng mới phòng thủ và bảo vệ thủ đô.
Tại kho Lưu trữ quân sự của Hồng quân Liên Xô còn giữ được cuốn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa Iosip Stalin và G.Giukov vào thời điểm căng thẳng, đầy âu lo ấy:
Iosip Stalin:
- Liệu đồng chí có tin rằng chúng ta sẽ giữ được Moskva không? Tôi đau đớn phải hỏi đồng chí như vậy ! Dồng chí hãy trả lời tôi trung thực với tư cách của một đảng viên cộng sản.
G.Giukov:
- Chúng ta sẽ giữ được Moskva- G.Giuov đáp lại nhanh chóng và dứt khoát. Có nghĩa là ông phải đặt lên vai mình trách nhiệm cực kỳ lớn lao và thứ thách này.
Những ngày tiếp sau G.Giukov đã ban hành những mệnh lệnh hết sức gay gắt và nghiệt ngã: Bất cứ một cấp chỉ huy hay một người lính nào tỏ ra hèn nhát, thoái lui trước những tình huống chiến đấu quyết liệt sẽ bị xử bắn ngay tại chỗ !
 Nhiều người đã trở thành nạn nhân của mệnh lệnh khắc nghiệt này; nhiều người vợ đã mất chồng, nhiều đứa trẻ đã mất cha trong nỗi nhục nhã không gốt rửa được.
Nhưng các đạo quân Hitler đã vào tới vùng ven Moskva đều bị đẩy lùi. Và thủ đô của nhà nước Công Nông đầu tiên trên thế giới không hề bị hoen ố bởi vết chân của đạo quân xâm lược!
Sau cuộc phản công thắng lợi này, vị tướng cầm quân đã ngủ suốt một ngày, không ăn không uống. Các sỹ quan dưới quyền ông không ai dám đánh thức ông dậy, vì họ đầu hiểu rằng G.Giukov vừa trải qua những giờ phút căng thẳng thần kinh, huy động cao độ trí và lực cho những đòn đánh có ý nghĩa sống còn.
Trong suốt cuộc chiến tranh G.Giukov là người khởi thảo ra những chiến dịch lớn. Có chiến dịch thành công, có chiến dịch thất bại. Cho đến tận hôm nay, vẫn còn có ý kiến cho rằng G.Giukov là người cầm quân không biết tiếc sinh mạng lính dưới quyền. Người ta kể lại G.Giukov rất thích câu nói của một người cầm quân trong cuộc Nội chiến Nam Bắc Mỹ, sau này trở thành Tổng thống Mỹ Uliss Grant: “Tôi không được quyền đếm xác những người lính.Tôi chỉ biết phải đạt được cái đích đến của mỗi trận đánh!".

 ‘VỊ THẦN CHIẾN THẮNG”
Bước vào năm 1945, năm cuối của cuộc chiến tranh 1941-1945, G.Giukov được giao chỉ huy Phương diện quân Belorussi Một- đơn vị được ủy thác trách nhiệm chính – mở chiến dịch đánh chiếm Berlin, sao huyệt của nước Đức quốc xã.
Vài chục năm sau, vẫn còn có những ý kiến kết án G.Giukov đã “ nướng quân” vô tội vạ trong chiến dịch cuối cùng này.
Nhưng lịch sử đã nói lên một điều khác hẳn: Trong suốt diễn tiến của Thế chiến thứ 2, chưa ở đâu, ở một thời điểm nào có thể chiếm cứ một điểm  cố thủ lớn, được trang bị “đến tận răng” như Berlin trong một thời gian nhanh chóng đến như vậy ! Thành thủ những tổn thất trong chiến dịch này lại cũng là điều chấp nhận được.
Chiến dịch đánh chiếm Berlin đã và mãi mãi trở thành viên kim cương chói sáng trong Lịch sử khoa học quân sự Xô Viết.
Ngày 8 tháng 5 năm 1945, vào hồi 22 giờ 43 phút ( tức 0 giờ 43 phút ngày 9 tháng 5 tính theo giờ Moskva ) Nguyên soái Xô Viết Geoghi Giukov đã tiếp nhận biên bản đầu hàng vô điều kiện của các đạo quân nước Đức phát xít do Thống tường Vinhem Cayter đứng tên.
Ngày 24 tháng 6 năm 1945, tại Quảng trường Đỏ Moskva đã diễn ra Lê duyệt binh mừng Liên Bang Xô Viết đã đánh bại nước Đức phát xít.
Người trang trọng đọc nhật lệnh trên kỳ đài là Nguyên soái Georghi Giukov.
Còn chỉ huy cuộc diễu binh, không ai khác chính là một vị tướng tài ba, thao lược khác, vừa là người cộng tác cũng lại là người luôn ganh đua với G.Giukov-nguyên soái Constantin Rokossovsky.  

TÔ HOÀNG
( từ nguyên bản tiếng Nga )