Tào Mạt tự học Hán Nôm qua những bức đại tự, hoành phi, câu đối trong những ngôi nhà cha trông thuê, rồi học qua Tam tự kinh, học với những ông đồ viết chữ thuê. Tuy tự học nhưng trình độ Hán Nôm của Tào Mạt thuộc diện “nhất đẳng cao thủ” trong làng nhà văn, nhà báo quân đội
TÀO MẠT - ÔNG ĐỒ MẶC ÁO LÍNH
ĐOÀN MINH TÂM
Nếu chọn vở chèo có đề tài lịch sử nhưng mang tính thời sự hôm nay thì “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt có thể đứng đầu danh sách. Ngay khi ra đời, vở chèo tạo nên tiếng vang lớn, khán giả bàn luận không ngớt về Lý Thánh Tông chọn người hiền tài, Ỷ Lan coi việc nước, Lý Nhân Tông học làm vua. Tác phẩm của Tào Mạt có chiều sâu tư tưởng, giản dị trong ngôn ngữ, kết hợp cảm hứng giữa văn hóa dân gian với hàn lâm hiện đại. Được vậy là nhờ tác giả có vốn kiến thức Hán Nôm sâu rộng và quá trình học hỏi không ngừng, bám sát thời cuộc. Bài ca giữ nước thực sự có nhiều bài học cho chúng ta hôm nay. Trong quân đội, Tào Mạt được xem là người có kiến thức Hán Nôm sâu rộng, người ta thường xin chữ ông, thông thường ông vận thành thơ chữ Hán. Bạn bè văn nghệ sĩ mệnh danh Tào Mạt là “ông đồ mặc áo lính”. Nhờ có cốt cách nhà Nho mà ông vững vàng trước mọi sóng gió.
Vốn văn hóa Hán Nôm của Tào Mạt có được nhờ ông tự học là chính. Sinh ra từ một gia đình rất nghèo. Tên khai sinh là Nguyễn Duy Thục, sở dĩ có bút danh Tào Mạt là do ông mê nhân vật Tào Mạt thời Xuân Thu bên Trung Quốc. Ông tự họa chân dung mình trong bài Tào Mạt chân dung độc vận phú: “Dòng họ Nguyễn Duy/ Bút danh Tào Mạt/ Gia cảnh thanh bần/ Văn chương hiển đạt”.
Tào Mạt sinh ra trong gia đình không có ruộng đất. Nông dân mà không có ruộng đất thì phải đi cày thuê cuốc mướn. Mẹ ông đi làm đồng thuê, còn cha đi coi nhà thuê, cách gọi hiện nay là làm bảo vệ, cho những gia đình giàu, nhà cửa tòa ngang dãy dọc với nhiều hoành phi, câu đối. Chú bé Tào Mạt theo cha đến các gia đình giàu có ấy và chính những bức hoành phi, câu đối đã thu hút chú. Nhiều lần chú xem các ông đồ thi viết chữ, giảng nghĩa, khiến chú mê luôn mẫu tự tượng hình. Tào Mạt tự học Hán Nôm qua những bức đại tự, hoành phi, câu đối trong những ngôi nhà cha trông thuê, rồi học qua Tam tự kinh, học với những ông đồ viết chữ thuê. Tuy tự học nhưng trình độ Hán Nôm của Tào Mạt thuộc diện “nhất đẳng cao thủ” trong làng nhà văn, nhà báo quân đội. Ngoài Hán Nôm, Tào Mạt còn tự học cách viết kịch, viết chèo. Không có điều kiện đến trường theo học các lớp đào tạo chính quy, Tào Mạt tranh thủ đi học các lớp đào tạo sân khấu ngắn ngày do quân đội tổ chức, còn gọi là trại viết, tìm đến những bậc đại thụ của nền sân khấu nước nhà như nhà thơ Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Nguyễn Đình Nghi xin “chỉ giáo” về nghề. Ông từng bộc bạch: “Thầy Thế Lữ dạy tôi nhân cách làm nghệ sĩ sân khấu”. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Tào Mạt đã có nhiều chuyến ra mặt trận, đến với nhân dân vùng tuyến lửa để tìm chất liệu sáng tác. Có thể nói những thành công trên con đường nghệ thuật của Tào Mạt đều ghi đậm dấu ấn của quá trình nỗ lực tự học, tự vượt lên hoàn cảnh, bám sát cuộc sống nhân dân.
Tào Mạt là người nghệ sĩ chân chính, luôn tâm huyết, đau đáu với nghệ thuật và sứ mệnh của người nghệ sĩ. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông luôn tự răn mình bốn điều: “Không vì danh lợi mà uốn cong ngòi bút - Không vì yêu gái mà uốn cong ngòi bút - Không vì cường quyền mà uốn cong ngòi bút - Không vì đói thiếu mà uốn cong ngòi bút”. Trong dịp hiếm hoi được gặp trực tiếp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Tào Mạt đã thẳng thắn trình bày với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam những điều gan ruột về mối quan hệ giữa Đảng và văn học nghệ thuật, giữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ, về những biện pháp cụ thể để động viên, khuyến khích giới văn nghệ sĩ có những sáng tác hay, chất lượng tốt phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ông mạnh dạn đề xuất với Tổng bí thư việc Đảng lãnh đạo văn nghệ sĩ cần phải theo “cho đúng quy luật đặc thù của văn nghệ là tự do sáng tạo, mở rộng cho sáng kiến cá nhân, đạt đến sự độc đáo”. Ông cũng phê phán những kẻ phủ nhận văn học chiến tranh, cách mạng, cổ súy chạy theo lối viết lách ngoại lai.
Tào Mạt là nghệ sĩ có nhiều giai thoại trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu lên đôi ba giai thoại thể hiện tài năng thơ phú của ông. Giai thoại thứ nhất kể trong một lần đi liên lạc, Tào Mạt bị rắn cắn. Trong lúc người đồng đội đi cùng lo lắng vì giữa rừng núi không biết tìm đâu ra thuốc chữa thương thì Tào Mạt lại tỉnh queo và “xuất khẩu thành thơ” về việc không hay xảy đến với mình: “Vì dân vì nước quản bao công/ Rắn hỡi sao mày nỡ cắn ông/ Sưng múp bàn chân đi chẳng được/ Nhức tê gân cốt ngủ không xong/ Sống còn chưa trả thù xương máu/ Chết mất chưa đền nợ núi sông/ Rắn hỡi sao không đem nọc độc/ Cắn thằng giặc Pháp có hơn không?”. Giai thoại thứ hai kể rằng có lần nhà thơ Hồ Khải Đại đến nhà chơi và đọc tặng Tào Mạt bài thơ sau: “Độc như Hồ giả bất yên thân/ Cô vọng hà nhân ức cố nhân/ Nguyệt hà khăn trào Tào Mạt tác/ Cổ thanh trần dạ động tâm xuân” (Hồ Khải Đại tự dịch: Buồn ngồi đọc sách chẳng yên thân/ Buồn ngóng ai người nhớ cố nhân/ Trăng xuống xem chèo Tào Mạt viết/ Trống dồn đêm hội động lòng xuân). Cảm động trước chân tình của bạn, Tào Mạt ứng tác ngay một bài thơ tặng lại bạn: “Tòng chinh vi sĩ hưu vi sư/ Duy nghiệp ư văn khí chất dư/ Mỗi tảo hồi tư tam chiến cục/ Tân thành thi liệu độ chân như” (nghĩa là: Theo cách mạng làm kẻ sĩ rồi làm thầy/ Duyên nghiệp văn chương giàu khí chất/ Mỗi sớm nhớ về ba cuộc chiến tranh/ Tất cả thành chất liệu cho thơ đạt đến sự chân thực). Nếu xưa Tào Thực bảy bước thành thơ thì nay Tào Mạt chỉ cần trong một “tích tắc” đã ứng tác thành thơ. Tài đấy không phải ai cũng có.
Tào Mạt là nghệ sĩ chèo tài năng. Trước khi bén duyên với chèo, Tào Mạt viết kịch. Ông là tác giả của những vở kịch Cái ba lô (1958), Người chiến sĩ nhân dân (1959), Trong phòng trực chiến (1965), Đỉnh cao phía trước (1967)… Những vở kịch này đều được nhiều đoàn kịch dàn dựng, phục vụ đời sống tinh thần của bộ đội trong những năm kháng chiến. Trong đó vở Đỉnh cao phía trước được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, coi đây là một bước phát triển mới của Tào Mạt trong nghệ thuật biên kịch. Tài năng của Tào Mạt chỉ thật sự phát tiết và tỏa sáng ở chèo. Bộ môn nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc là nơi định danh và lưu danh Tào Mạt trong lịch sử nghệ thuật nước nhà. Sau những bước đi ban đầu với các vở Ánh sao nơi đầu núi, Đường về trận địa (viết cùng Hoài Giao), Anh lái xe và cô chống lầy, Dọc đường chiến hào, Sông Trà Khúc, Nguyễn Viết Xuân, Khúc hát dưới chân núi Nguyệt Hằng…, đỉnh cao sáng tác của Tào Mạt đã định hình nên phong cách soạn chèo của bản thân và đưa nghệ thuật chèo lên một tầm cao mới qua bộ ba tác phẩm Bài ca giữ nước gồm: Lý Thánh Tông chọn người tài, Ỷ Lan coi việc nước, Lý Nhân Tông học làm vua. Nghệ thuật chèo của Tào Mạt theo nhà nghiên cứu Trần Đình Ngôn đánh giá “là sự kết hợp giữa phương pháp hiện thực và yếu tố dân gian. Trên nền chung của chủ nghĩa hiện thực, kịch bản và vở diễn đã có lúc bay lên bằng bút pháp tả thần. Đó là khi tâm hồn và trí tuệ, nhân cách và tài năng người nghệ sĩ thăng hoa để rồi kết tụ lại thành tinh hoa độc đáo.
Thành công của Tào Mạt là thành công của sự vận dụng tinh hoa chèo cổ một cách có học. Một trong những tinh hoa ấy là cung cách diễn tả của chèo. Với chèo, ngay cả những tình tiết bi thương nhất cũng có thể diễn tả bằng ngôn ngữ hài hước. Với mảnh trò chôn sống Hề Hoạn trong vở Lý Nhân Tông học làm vua, ngôn ngữ hài hước hóa của chèo đã được Tào Mạt vận dụng một cách sáng tạo”. Ở Bài ca giữ nước, Tào Mạt đã thể nghiệm dựng vở theo phương thức sáng tác 4 khâu đồng thời - chưa từng xuất hiện trong các phương thức dựng vở chèo trước đây. Phương thức này độc đáo ở chỗ “đồng thời tiến hành sáng tác kịch bản, xử lý đạo diễn, diễn xuất, xử lý và sáng tác âm nhạc bao gồm cả xử lý làn điệu và viết ca khúc mới”. Phương thức dựng vở có một không hai này đã xác lập vị trí vững chắc của Tào Mạt trong chiếu chèo hiện đại. Hơn thế, Tào Mạt đã gửi gắm thông điệp về kế giữ nước. Đó là muốn giữ trọn vẹn non sông gấm vóc thì trước hết phải giữ được lòng dân, niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Nhân vật Hề Hoạn đã có những lời phản bác, chế nhạo vua, ngẫm ra, lời nói tưởng như trái tai ấy giúp vua nhận ra lẽ phải như bị những kẻ xu nịnh dèm pha, hãm hại.
Tào Mạt là một trong những nhà thơ chữ Hán cuối cùng của nền thi ca nước nhà. Như đã nói ở trên, Tào Mạt giỏi Hán Nôm. Thơ ông viết phần lớn bằng chữ Hán. Sau khi ông mất, gia đình và bạn bè đã tập hợp những sáng tác thơ chữ Hán của ông in thành tập Thơ Tào Mạt (NXB Quân đội Nhân dân, 1994). Với tập thơ này (gồm 72 bài), có thể nói Tào Mạt là nhà thơ sáng tác bằng chữ Hán cuối cùng của nền thơ ca nước nhà. Thơ chữ Hán Tào Mạt như lời nhận xét của GS Đặng Thai Mai là đã “tỏ rõ một tâm hồn nhân hậu”. Sáng tác bằng ngôn ngữ đi suốt chiều dài nghìn năm của văn học trung đại, thơ Tào Mạt như một lẽ tất nhiên chịu ảnh hưởng của thơ Đường. Về đề tài, ông có những bài thơ thuộc đề tài ngâm vịnh, tự thán, cảm tác, tức cảnh như các bài Vịnh ngọc trúc, Ngẫu tác, Vô đề 1, Vô đề 2, Ngẫu tác, Vãng phỏng Đinh lão lương y cảm tác, Trường Sơn tức cảnh… Theo thống kê của chúng tôi, trong số 72 bài có 56 bài viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, 7 bài theo thể thất ngôn bát cú, 7 bài theo thể ngũ ngôn và 2 bài theo thể tự do.
Về từ ngữ, hình ảnh, thơ chữ Hán Tào Mạt xuất hiện nhiều hình ảnh quen thuộc trong thơ Đường như khả lân, giang tâm, bạch vân, lâm tuyền, lưu thủy, thâm sơn… Tuy vậy bên cạnh nét cổ điển, thơ chữ Hán Tào Mạt vẫn có sự hiện đại mang hơi thở của cuộc sống ngày hôm nay. Thơ chữ Hán Tào Mạt có thể chia thành hai dòng. Thứ nhất, dòng thơ “hướng nội” bộc bạch giãi bày tâm trạng. Ở dòng thơ này, Tào Mạt dùng thơ để nói lên quan niệm của mình về văn học nghệ thuật, như bài Ngẫu tác: “Bản vị văn chương bất dụng quyền/ Đao sơn kiếm thụ diệc như nhiên/ Chu kiềm kim tưởng tương hà bổ/ Chỉ phạ tâm thư tảo thất truyền” (Trần Đình Ngôn dịch thơ: Văn chương vốn chẳng dùng quyền/ Rừng gươm núi giáo mặc nhiên sá gì/ Vàng son thưởng thặng thêm chi/ Tình trong trang sách sợ khi thất truyền) hay giãi bày tâm trạng mình trước những “biến động” của bản thân, gia đình và xã hội, như bài Vô đề 2: “Thế cục âm trầm lộ vị can/ Trường đồ hãn mã đáo nan quan/ Thùy tri lãng đả nan quan phá/ Tiêu sắt thu thanh thiết cước hàn” (Lê Vũ Hoàng dịch thơ: Cuộc thế âm thầm, sương vẫn ướt/ Ngựa nhoài, dặm thẳm, cửa khôn vượt/ Ai hay sóng vỗ cửa tan hoang/ Gió bấc đìu hiu, vó ngựa buốt).
Tào Mạt về cõi vĩnh hằng năm 1993, tác phẩm của ông vẫn được dàn dựng, trình diễn, được đông đảo công chúng đón nhận. Nhớ Tào Mạt là chúng ta nhớ về một người nghệ sĩ chân chính, một ông đồ Nho mặc áo lính, đã cống hiến hết mình cho cách mạng, cho nghệ thuật.