Nhà văn - nhà báo Nguyễn Hồng Lam cho rằng: “Đưa ra quyết định cứng nhắc để chứng tỏ không mâu thuẫn với quyết định trước khi thay đổi vị trí (Viện sang Tòa), ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Hội đồng thẩm phán đã “đặt sai chương trình nghị sự” – một lỗi nghiêm trọng chắc chắn sẽ kích hoạt khủng hoảng truyền thông”
PHIÊN GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN HỒ DUY HẢI: MỘT CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ
NGUYỄN HỒNG LAM
Vài chục năm trước, trước phiên xử một vụ án lớn nào đó, trên mặt báo người ta thường xuyên đọc thấy nội dung rằng: “Ba cơ quan khối nội chính là Công an, Viện Kiểm Sát và Tòa án đã thống nhất quan điểm...”. Không mấy ai quan tâm rằng, diễn đạt như thế là huỵch tọet chuyện không làm gì có cái gọi là độc lập tư pháp vốn dĩ phải được xem là bắt buộc, phải được quy định bằng hiến pháp.
Sự “bàn bạc và thống nhất” này có thể bắt đầu từ khâu đầu tiên của quá trình tố tụng. Sau vụ trọng án giết chết Trung sĩ Phan Lê Sơn và anh thợ sửa xe Hồ Phước Hưng ở quán Cấm Chỉ, đường Hải Triều, Q.I, Viện Kiểm sát TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu khởi tố, bắt ngay Nguyễn Văn Thọ (Thọ “đại úy”) về tội “cố ý gây thương tích” hoặc “gây rối trật tự công cộng” nhưng là để điều tra về tội “giết người” nhằm sớm đưa vụ án ra xét xử, tránh kéo dài sự hoang mang, lo sợ trong dư luận. Phía Tòa Án đồng ý. CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC16) không đồng tình, cho rằng: “Cần củng cố chứng cứ, hồ sơ, khởi tố và bắt Nguyễn Văn Thọ về tội “giết người” trong vai trò chủ mưu thì đúng luật và thuyết phục hơn...”. Lần lữa trong tranh cãi gay gắt, cuối cùng thì đề xuất này cũng đạt “thống nhất 3 bên”.
Oái oăm thay, biên bản ghi đề xuất này sau đó lại trở thành một bút lục trong hồ sơ “Chuyên án 501” (Năm Cam, năm 2001), thành một yếu tố hình sự để kết tội Trung tá Nguyễn Mạnh Trung, người đưa ra đề xuất, vì đã “lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, không ra lệnh khởi tố và không bắt ngay, tạo điều kiện cho tội phạm (Thọ “đại úy”) bỏ trốn. Nguyễn Mạnh Trung, đã trở thành một “đồng phạm”, ra tòa và lĩnh án cùng “Năm Cam và đồng bọn”. Trong phần tự bào chữa, bị cáo nguyên là Phó Thủ trưởng CQĐT Thành phố, Phó phòng PC16 đã phải cay đắng kêu lên: “Tội danh gán cho tôi là áp đặt, là vô căn cứ và hoàn toàn không chút thuyết phục! Tội phạm khai thì xem là đúng, cán bộ khai thì bác là sai, không xem xét. Tòa xử thế này thì cán bộ chết hết, công an chết hết!”.
Kể lại một chuyện cũ, tôi muốn lưu ý rằng, trong một thời gian rất dài, mọi hoạt động của công an, kiểm sát, tòa án đều phải hướng tới một mục tiêu bao trùm, đó là “góp phần ổn định chính trị”. Khi chính trị thống soái, mọi ngành nghề chuyên môn khác đều bị coi là công cụ. Chỉ đến giữa năm 2003, sau khi kết thúc phiên phúc thẩm “vụ án Năm Cam và đồng bọn”, được xem như một phiên tòa mang màu sắc và quyết tâm “cải cách tư pháp”, quan điểm chỉ đạo “thống nhất ba ngành” mới tự dưng biến mất, dù không ai tuyên bố. (Phiên tòa này cũng có không ít những “cải cách” vô lý. Ra tòa có 156 bị cáo. Hơn 2/3 trong số đó dù được xem là đàn em cũng chẳng biết Năm Cam là thắng quái nào, hành vi phạm tội chẳng liên quan gì đến “ông trùm” mà người ta gán cho họ, buộc phải thừa nhận).
Chỉ là sự biến mất trên câu chữ truyền thông. Thực tế, mục tiêu phục vụ ổn định chính trị vẫn bao trùm. Phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải cũng không rơi ra ngoài tinh thần ấy. Kết thúc phiên tòa, không như kỳ vọng, sự ổn định mong ước bị phá nát. Thay vào đó là một cuộc khủng hỏang truyền thông dai dẳng, gây nên một cuộc siêu tranh cãi gay gắt hút hết mọi quan tâm của toàn xã hội. Biển Đông ngoài kia đang lâm nguy, dân chúng mọi giới cũng lơ luôn. Mọi người, mọi giới, đồng tình hay phản đối, đều tự cho mình là siêu trạng sư, nhảy vào cuộc tranh luận không được thuê hay ủy thác một cách sùng sục. Một cuộc đại khủng hoảng truyền thông khi không đã bùng nổ.
Trên lý thuyết, khủng hoảng truyền thông không nhất thiết phải sinh ra từ khủng hoảng thực tế. Nó có thể là hệ lụy nảy sinh từ việc quản trị, giải quyết khủng hoảng thực tế tồi, sai. Khủng hoảng thực tế ở đây là vụ án Hồ Duy Hải kéo dài đã bước sang năm thứ 13, qua mọi cấp xử, hai lần Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá vẫn chưa thể kết thúc, chưa thể thi hành án. Nguyên nhân khủng hoảng là do hàng loạt sai sót nghiêm trọng trong quá trình tố tụng dài bằng một phần đời người. Nó cũng đã khiến dư luận xã hội rơi vào không chỉ một đợt tranh cãi gay gắt. Phiên Giám đốc thẩm chính là một cơ hội để chấm dút chuỗi khủng hoảng đó, cả về thực tế lẫn mặt truyền thông. Với kháng nghị GĐT do Viện trưởng Lê Minh Trí ký, VKSNDTC đã tạo ra một cơ hội tuyệt vời, cần thiết để đi đến phiên xử, giúp chấm dứt chuỗi khủng hoảng, qua đó sẽ góp phần ổn định chính trị xã hội. Nó càng có ý nghĩa hơn, với cả xã hội lẫn từng cá nhân liên quan trách nhiệm, khi mùa đại hội và bầu cử đã gần kề.
Mục đích đó hoàn toàn có thể đạt được, chắc chắn sẽ được dư luận ủng hộ tán đồng, nếu kết quả phiên tòa tuyên hủy án, điều tra lại từ đầu. Khi đó, khủng hoảng đang tiếp diễn 13 năm qua sẽ chấm dứt, khủng hoảng truyền thông mới sẽ không xuất hiện. Xử lý khủng hoảng truyền thông chỉ thật sự đạt hiệu quả, nếu xác định đúng nguyên nhân khủng hoảng, đúng mục tiêu xử lý, dựa trên cơ sở giải quyết thực tế đúng luật pháp, đúng chuyên môn và không bị chi phối bởi bất kỳ sự bàn bạc, bàn tán hay mục đích nào khác.
Trường hợp thứ nhất, đừng viện “niềm tin nội tâm” xa xỉ, nếu quả thực, Hồ Duy Hải không phải là thủ phạm, anh ta bị oan, việc tuyên hủy án điều tra lại là đương nhiên, là đúng đắn. Nó sẽ giúp cứu được một mạng người vô tội, chấm dứt chuỗi oan sai tàn khốc bằng một phiên tòa mới, một bản án mới thuyết phục. Nó cũng sẽ giúp sau đó vạch rõ những sai trái của quá trình tố tụng, xử lý đầy đủ những ai đã gây ra oan, sai và oan sai, điều tra và trừng trị thủ phạm đích thực. Nó thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, sự đầy đủ và trong sáng của công lý. Đó là những tiền đề quan trọng để “góp phần ổn định chính trị xã hội”. Tạo ra được điều đó, Hội đồng thẩm phán chắc chắn sẽ được xem là công minh, sáng suốt. Ông chủ tọa Nguyễn Hòa Bình sẽ được nhắc tên như một biểu tượng đẹp về con người của công lý. Cũng không có gì gọi là tự mâu thuẫn, chỉ vì trước đó, khi còn giữ vị trí Viện trưởng VKSND TC ông đã từ chối kháng nghị. Nhận thức vấn đề, nhận thức bản chất luật pháp đối với vụ việc hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian, thay đổi khi được bổ sung tình tiết, chứng cứ, diễn biến mới, chính xác và khoa học.
Ở cương vị nào, quyết định theo đúng bản chất, đúng sự thật cũng là tối quan trọng. Làm được điều đó, cá nhân ông Chánh án TANDTC và cả Hội đồng thẩm phán sẽ tạo ra niềm tin thật sự về quyết tâm đổi mới, cải cách tư pháp ở mức độ cao nhất. Công lý là khi luật pháp nếu sai phải biết, phải dám nhận sai. Ngành tư pháp sẽ được nhìn nhận, đánh giá cao về sự cầu thị, tinh thần khách quan vì công lý, chấm dứt hoàn toàn những đồn đoán, bình luận sai trái, vô căn cứ của xã hội, kể cả của “các thế lực thù địch”.
Cả chủ tọa phiên tòa và Hội đồng thẩm phán, làm được điều đó sẽ được xem là công minh, khách quan, vị công lý bất vị thân. Vả lại, án Giám đốc thẩm không tuyên bị cáo vô tội hay có tội, kèm mức án. Nó chỉ xem xét tính hợp pháp, hợp lý, chính xác và mức độ đúng sai trong bản án được tuyên từ phiên sơ phúc thẩm, sơ thẩm. Điều này không gây khó khăn hay áp lực gì cho Hội đồng xét xử và cá nhân ông Chánh án TANDTC giữ quyền Chủ tọa phiên tọa. Nó lại càng thắt chặt hơn sự thống nhất giữa Tòa – Viện – Đạo đức xã hội trong tinh thần ổn định chính trị xã hội!
Trường hợp thứ 2, nếu quả thật “bản chất vụ án không thay đổi”, Hồ Duy Hải là thủ phạm đích thực, bản án cao nhất cho anh ta là đúng người đúng tội, tuyên hủy án điều tra lại từ đầu vẫn là điều cần thiết. Vì quá trình tố tụng dẫn đến án đã tuyên có đầy những sai sót, vi phạm tố tụng, nhất là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc suy luận có lợi cho bị cáo. Bản án như vậy không thuyết phục, không đề cao công lý, lại tạo ra một quyết định trái đạo lý, cần phải hủy.
Nếu là thủ phạm đích thực, tử tội Hồ Duy Hải cũng chẳng chạy đi đâu được cả. Quy trình tố tụng quay lại từ đầu sẽ dẫn đến phiên tòa mới, lập luận và chứng cứ thuyết phục, dẫn đến tuyên tử hình đối với bị cáo cũng hoàn toàn không muộn. Công lý vẫn được thực thi đầy đủ, nhưng đó sẽ là công lý trong sạch và thanh thản. Chắc chắn, sau lời tuyên án, khủng hoảng truyền thông sẽ không có cơ hội, không có lý do để nổ ra. Đó là một cách tuyệt vời để quản trị khủng hoảng và xử lý khủng hoảng truyền thông. Nhận định được trước, ngăn không cho khủng hoảng truyền thông có thể nổ ra, đó là cách quản trị khủng hoảng tốt nhất, khoa học nhất, nâng cao uy tín của người đứng đầu. Đáng tiếc, ông Nguyễn Hòa Bình và Hội đồng xét xử biết rõ nhưng đã không làm. Kỳ vọng mà lương tri xã hội đặt vào đổ vỡ tan tành sau phiên xét xử.
Nhìn phiên Giám đốc thẩm vừa qua dưới góc độ một “case study”, tôi cho rằng đó là một cơ hội bị bỏ lỡ. Chính nó là nguyên nhân đẻ ra khủng hoảng truyền thông. Đưa ra quyết định cứng nhắc để chứng tỏ không mâu thuẫn với quyết định trước khi thay đổi vị trí (Viện sang Tòa), ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Hội đồng thẩm phán đã “đặt sai chương trình nghị sự” – một lỗi nghiêm trọng chắc chắn sẽ kích hoạt khủng hoảng truyền thông. Nó đồng thời cũng không giúp ổn định, chỉ tạo ra một khủng hoảng chính trị. Người cầm chịch việc giải quyết đã chứng tỏ năng lực quản trị khủng hoảng chính trị xã hội, xử lý khủng hoảng truyền thông rất yếu, cũng chẳng có tác dụng gi cho chuyển ổn định chính trị. Đó là tôi không muốn gọi là vô chính trị.
Bây giờ thì chỉ còn chờ vào quyết định của Thường vụ Quốc hội. Không chỉ chờ vì kết quả phiên tòa, chờ chung cuộc cho một số phận bị cáo, mà chờ tác động lớn hơn đối với cả đời sống chính trị xã hội. Kỳ vọng sẽ là quyết định tái thẩm. Nó không khác gì kỳ vọng sẽ tuyên hủy án, điều tra lại từ đầu đã đặt ra trước phiên Giám đốc thẩm.