Đọc báo thấy nói nhiều về "gái bán bar" nhưng trong văn chương Sài Gòn thì hình ảnh và cuộc đời họ chỉ xuất hiện đậm đặc, chi tiết trong những truyện ngắn và tiểu thuyết gắn với tên một tác giả nữ: Nguyễn Thị Thụy Vũ. Có lẽ trước khi đi vào con đường sáng tác "cho đỡ cô đơn", bà chưa nghĩ là mình sẽ chọn đề tài này.




NHÀ VĂN SÀI GÒN SỐNG VÀ VIẾT

LÊ VĂN NGHĨA

Trong diễn văn khai mạc cuộc gặp mặt lần thứ nhất "Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc" ngày 24-10-2017, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết: "Bảo tàng Văn học Việt Nam đã dành một phòng lưu giữ và trưng bày các tác phẩm của miền Nam xuất bản trước năm 1975, thu hút sự quan tâm của nhiều khách thăm".
Theo Báo Văn Nghệ số 43 (tháng 10-2017), "nhiều đại biểu đã rất ngạc nhiên và xúc động thăm phòng trưng bày các tác phẩm sáng tác và công bố trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Họ bỗng hiểu ra rằng, những bước đi của sự hàn gắn, hòa hợp đã được Hội Nhà Văn Việt Nam chủ động khởi hành từ lâu rồi".

Riêng Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam) đã ra số báo "đặc biệt" - số 25 (9-10-2017): Các tác giả thời chống Mỹ có bài in cùng các tác giả Sài Gòn trước năm 1975. Ngay lời nói đầu, tạp chí viết: "Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam" - chân lý ấy dẫn chúng ta đến hệ quả: Văn chương miền Nam trước 1975 là văn chương Việt Nam. Dẫu có rất nhiều khác biệt thì hôm nay đọc lại, chúng ta càng nhận ra diện mạo chung: Nền văn học Việt Nam thống nhất trong đa dạng, bổ sung, làm đầy nhau trên cùng một dòng chảy tìm về.

Xin được sơ lược về một vài nhà văn Sài Gòn đã được nhắc đến trong số báo trên.

Những mảnh đời snack bar
Quán bar hay snack bar, tục gọi là sờ nách ba, xuất hiện từ khi quân đội Mỹ có mặt tại Việt Nam. Nơi nào có lính Mỹ thì xuất hiện bao nhiêu là tệ nạn xã hội.
Chỗ lính Mỹ uống rượu tiêu sầu sau những chuyến hành quân còn sống trở về ở quán bar có các cô gái ngồi tiếp, nghe họ nói chuyện. Các cô chỉ cần biết một số câu đàm thoại cấp tốc thuộc lòng, cho họ rờ rẫm đỡ ghiền mà uống rượu nhiều hơn. Khi lính Mỹ uống rượu nhiều thì các cô sẽ có tiền "bông" nhiều, có khi còn được "bo" thêm một số đô-la xanh, đỏ; "nặng đô" hơn thì hẹn ở phòng ngủ nào đó hoặc đưa về nhà…
Đọc báo thấy nói nhiều về "gái bán bar" nhưng trong văn chương Sài Gòn thì hình ảnh và cuộc đời họ chỉ xuất hiện đậm đặc, chi tiết trong những truyện ngắn và tiểu thuyết gắn với tên một tác giả nữ: Nguyễn Thị Thụy Vũ. Có lẽ trước khi đi vào con đường sáng tác "cho đỡ cô đơn", bà chưa nghĩ là mình sẽ chọn đề tài này. Song, hình như các nhân vật này đã tự đến với Nguyễn Thị Thụy Vũ, phơi bày những số phận bị trời đày để bà có những "Thú hoang", "Mèo đêm", "Lao vào lửa"…
Khi lên Sài Gòn, để sinh sống, Nguyễn Thị Thụy Vũ mở một lớp Anh văn tại nhà, dạy cho các cô gái bán bar. Bà cho biết nhiều cô đến đây học thì chẳng bao nhiêu nhưng tâm sự cho bà nghe thì nhiều. Mục đích đi học chỉ như là cái cớ để họ kể chuyện đời và sự uất ức, bị bóc lột bởi chủ bar, ghen ghét của "đồng nghiệp".
Tiếp xúc, nghe các cô gái này tâm sự về những mảnh đời trôi dạt với lính Mỹ, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã xúc động tâm cảm rồi từ cuộc đời họ, qua lăng kính, tâm thức và sự sáng tạo của người cùng giới, bà đã xúc động đưa lên trang giấy. Nguyễn Thị Thụy Vũ trở thành nhà văn đầu tiên và duy nhất đưa vào văn học Sài Gòn thân phận phụ nữ của một thời kỳ bom đạn, một phần "đen" của lịch sử Sài Gòn với hình ảnh snack bar đầy ở đường Nguyễn Văn Thoại (Lý Thường Kiệt ngày nay), khu Khánh Hội, Hai Bà Trưng…

Phơi bày sự thối nát, phi nghĩa
"Chung sự vụ" là cơ quan quân đội tìm kiếm, lắp ghép những thi thể mất đầu, tứ chi và tan rữa, sắp xếp vào quan tài rồi giao lại cho thân nhân về chôn cất hoặc đơn vị này sẽ tự chôn cất theo yêu cầu của thân nhân. Trong quyển truyện này, Nguyên Sa đã phơi bày bộ mặt thối nát, làm giàu nhờ chiến tranh phi nghĩa của những viên sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng hòa qua chuyện hai bà vợ lớn và vợ bé tranh giành cái thây ma của thiếu tá Nguyễn Văn Tình.

"Vài ngày làm việc ở Chung sự vụ" được nguyệt san Nhân văn số 14 (thuộc Tạp chí Văn học) phát hành vào tháng 6-1972. Ngay sau đó, Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu; Biện lý cuộc Tòa Sơ thẩm Sài Gòn ra lệnh truy tố Phan Kim Thịnh, chủ nhiệm Tạp chí Văn học và tòng phạm là tác giả Nguyên Sa trước tòa tiểu hình chánh phạm vì "đã dùng báo chí để phổ biến luận điệu có thể phương hại nền an ninh quốc gia, làm suy giảm kỷ luật và tinh thần chiến đấu của quân đội".
Bản Khởi tố trạng đã nêu những trích đoạn trong tác phẩm "Vài ngày làm việc ở Chung sự vụ" được cho là "nguy hại" như sau: "Loại B cũng khóc lóc như A, khóc biểu dương lực lượng có kèm theo chửi bới tùm lum, chửi bới chánh phủ, chửi cả lò những thằng to đầu để chồng bà chết. Trời tru đất diệt năm đời, mười đời chúng mày. Chúng bay ngồi ở Sài Gòn, ngồi vơ vét móc hầu, bóp cổ người ta, bắt chồng bắt con người ta đi chỗ hòn tên mũi đạn…" (trang 7).

"Bà thiếu tướng gọi giật giọng: Trung úy, tôi ra lệnh cho ông ở đây giải quyết cho xong, ông đi đâu, ông không nghe, tôi nói ông tướng giáng cấp ông tức khắc. Trung úy Lan đang bước nhanh dừng lại đột ngột, mặt tái nhợt, trong mắt căm phẫn ngùn ngụt. Trung úy hét lớn: Các người nói gì. Bàn tay đưa lên cổ áo trái giằng mạnh, ném ra phía trước hai bông mai đồng. Các người nói gì? Lon đó, các người mang về mà nấu mà ăn, nếu điều đó mang lại cho các ông, các bà sự sung sướng. Các người là một bọn bạo tàn, không phải, bọn vô liêm sỉ, cũng không phải, bọn trống rỗng, bọn không tim không óc. Các người đến đây làm gì? Tìm kiếm cái gì, tranh giành nhau cái gì ở đây? Muốn biết ai phải ai trái không, muốn biết lẽ phải, muốn biết sự thật chân lý hình thù nó ra làm sao không, tôi nói cho mà hay. Tiếng hét của trung úy Lan càng lớn hơn, có hơi thở dốc, sự uất nghẹn… Các người có hiểu không - Đó là con giòi đang đục khoét thân xác ông thiếu tá Tình ở dưới nhà xác kia. Chân lý đó, lẽ phải đó... Xuống đó mà kiếm!" (trang 148 - 149).

Với "sự xúc động có tên là khổ đau của tâm hồn trước số phận của dân tộc trong chiến tranh triền miên" (Nguyên Sa) đã giúp ông viết tác phẩm này.