Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn vừa qua đời đêm 28-4 tại Hà Nội, hưởng dương 57 tuổi. Tập thơ cuối cùng của ông có tên gọi “Phút rảnh rang sống chậm” được in trong những ngày ông lâm trọng bệnh. Có học vị Tiến sĩ và đang đương chức Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, sự ra đi của nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn khiến nhiều người ngậm ngùi tiếc thương.




LỮ KHÁCH CỦA TÂM HỒN

NGUYỄN QUANG THIỀU

"Hình như quên ánh mắt ngác ngơ trong một cánh rừng
Hình như quên nụ cười trong veo ở một thành phố lạ
Rất nhiều gụi gần mà sao xa quá
Ta trở thành lữ khách của đời ta?"
Khi đọc đến câu cuối cùng của khổ thơ trên thì toàn bộ tấm bản đồ của những chuyến đi đã ghi lại trong tập thơ này đã được xác lập. Tấm bản đồ đó có thể gọi bằng một cái tên :’’ tấm bản đồ tâm hồn’’. Với tên những địa danh vang lên trong tập thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn, chúng ta đều thấy ông đã ở, đã đi qua quá nhiều nơi của đất nước mình và trên thế giới. Và ở nhiều nơi hay qua nhiều nơi ông đều viết về nơi đó. Quả thực, trong cách viết này luôn ẩn chứa một sự nguy hiểm. Đó là nó có thể biến nhà thơ thành một người ngâm vịnh về phong cảnh và tập quán thông thường của một vùng đất mà nhà thơ đi qua. Không ít nhà thơ đã ‘’chết’’ vì cách thức này. Nhưng nhà thơ Nguyễn Trong Hoàn đã đi qua ‘’mép vực’’ của cách viết đó và ông đã tới được phía bên kia. Đó là phía của những phát hiện mới mẻ trong cảm xúc và suy tưởng từ chính những hiện thực thông thường. Và ông thực sự đã trở thành lữ khách trong chính thế giới mang tên ông. Thế giới đó là tâm hồn ông.

Không có bất cứ những hiện thực thông thường nào mà nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn đi qua hay ở trong chính nó lại ‘’giam cầm’’ ông mà ngược lại nó lại làm cho ông tìm thấy những cánh cửa trong thế giới cảm xúc và sáng tạo của mình mà trước đó có thể ông không hề biết hoặc chưa hề mở ra.
Đi biển ông viết :
“Đi biển một mình lúc tưởng có lại không
Lưới lấp lánh những buồn vui thanh sạch
Đôi khi thấy cá mà không bắt...”
Thăm bảo tàng danh họa Van Gogh ông viết :
“Bay qua những chân trời tri âm tưởng tượng thấm vui buồn
Thị thực tâm hồn xuyên thế kỉ”
Đứng trước một dòng sông, ông thấy :
“Lặng ngồi chờ nắng sang sông
Mây nhìn rất chậm mà không nói gì
Gót mòn những cuộc thiên di
Tuổi thơ rưng rức chẳng đi bước nào”
Đi qua một khu phố cũ, ông nghe :
“Em có về phố cũ
rực biếc chiều rêu phong
Kỷ niệm xưa không ngủ
mắt lá nhìn rưng rưng...”

Đấy là một số ít những địa danh hoặc không gian ông đã đến, đã ở trong đó hay đã đi qua dù trong một khoảnh khắc, nhưng nhà thơ đều nhìn thấy những điều vĩnh hằng từ những hữu hạn. Biển rộng lớn vậy nhưng cũng là hữu hạn. Nhưng câu thơ “Đôi khi thấy cá mà không bắt’’ lại mở ra cái vô hạn của cảm xúc và một thông điệp rộng lớn của đời người mà người đọc không bao giờ có thể đi hết cái không gian của câu thơ đó. Cũng như những câu thơ ông viết khi thăm bảo tàng danh họa Van Gogh. Bảo tàng là hữu hạn, khổ những bức tranh là hữu hạn. Nhưng có một thứ có thể đi qua mọi biên giới của không gian và thời gian bằng một loại thị thực đặc biệt: ‘’Thị thực tâm hồn xuyên thế kỉ’’.

Tôi chỉ xin trích dẫn một ít những câu thơ trong rất nhiều những câu thơ như vậy của nhà thơ Nguyễn Trong Hoàn để chúng ta có thể nhìn ra con đường sáng tạo của ông. Nguyễn Trọng Hoàn có khả năng tạo ra những không gian như đến tận cuối trời. ‘’Em đã rơi hờ trên cỏ ướt/ Những đêm dài không tới bình minh’’ là hai câu thơ mà cho đến tận lúc này giống như sự ‘’trôi’’ của một đám mây. Nghĩa là sau một lần đọc, tôi lại thấy hai câu thơ đó mang đến một trạng thái cảm xúc khác nhau và những hình ảnh khác nhau và từ đó gợi mở ra những ý nghĩa khác nhau. Kỳ lạ thay đó chính là cách mà nhà thơ đã xóa nhòa thời gian, xóa nhòa không gian nhằm phá vỡ những hữu hạn và những ràng buộc của những hiện thực phi thi ca. Bởi thời gian và không gian trong thơ Nguyễn Trọng Hoàn là thời gian và không gian của những ký ức, những gợi mở, những ám ảnh mơ hồ và những suy tưởng. Chính điều đó đã giúp ông thi ca hóa và thông điệp hóa những không gian địa lý cụ thể đầy hữu hạn mà ông đề cập.

Nhưng một sự thật mà tôi nhận ra sau mỗi bài thơ của ông. Sự thật đó là : mỗi khi thơ ông chạm vào một nơi chốn ông đến thì một vùng được mở ra, không phải vùng địa lý với tên gọi và những đặc điểm của nơi đó mà đó là một vùng của tâm hồn thi sỹ. Nơi xa nhất, rộng lớn nhất đó chính là tâm hồn của nhà thơ. Chính thế, nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn đã trở thành người lữ hành trong chính thế giới tâm hồn mình. Và đó chính là con đường quan trọng nhất , là chuyến đi quan trọng nhất của thơ ca và của một nhà thơ.