Câu chuyện của nhà thơ Dương Kỳ Anh: Hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn- Thu Trang đã từng hoạt động tình báo dưới chế độ cũChị đọc cho tôi nghe bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu viết tặng chị, có câu: "Cảm ơn trời đất thật tài hoa/ sinh tạc ra em dáng mặn mà". Còn nhà thơ Xuân Thủy thì chơi chữ rất tài trong câu: "Sông Xen duyên dáng Thu Trang điểm". 




GIAI NHÂN TÌNH BÁO

DƯƠNG KỲ ANH

Vừa rồi VTV chiếu bộ phim "Giai nhân Sài Thành", trên mạng có nhiều ý kiến cho rằng sao những người đẹp hoạt động tình báo trên phim "dễ dàng thế?". Tôi không am hiểu nhiều về tình báo nên không biết sự thật trên phim có đúng như nhiều ý kiến phản hồi trên mạng xã hội hay không. Nhưng, tôi đã từng gặp, trò chuyện với nhiều người đẹp đã tham gia hoạt động tình báo cách mạng trong lòng chế độ cũ nên tôi biết rằng hoạt động tình báo trong lòng chế độ cũ rất nguy hiểm, phải biết hy sinh, chịu đựng nhiều hiểm nguy, gian khổ và phải thật sự thông minh, khôn khéo…

Tôi nhớ lần đến nước Pháp, một người bạn của tôi ở Paris đã kể với tôi về  Hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn đã từng hoạt động tình báo dưới chế độ cũ và khi biết tôi là người khởi xướng cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, chị hẹn chúng tôi đến chơi.

Gặp chị, tôi thực sự ngạc nhiên về những kiến thức văn hóa sâu sắc và không ai nghĩ rằng, chị đã ngoài 70 tuổi. Một nhà báo cùng đi với tôi  sững sờ ngắm chị một lúc rồi bật máy ghi âm: "Xin chị cho biết bí quyết giữ gìn sắc đẹp". Chị Thu Trang cười: "Chẳng có bí quyết gì đâu… Với tôi, say mê công việc và sống thanh thản đã giúp tôi được như bây giờ". 

Chị đưa ra 5 tập album ảnh và chỉ cho chúng tôi xem từng bức ảnh chụp ở từng thời kỳ khác nhau. Từ bức ảnh chị được đội lên đầu vương miện hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn (năm 1955), ảnh các nhà báo thời bấy giờ vây quanh chị phỏng vấn, ảnh chị chụp chung với 2 Á hậu lúc đó là Trần Thị Ninh và Yến Thu, ảnh chị nhận phần thưởng hoa hậu cuộc thi lần ấy (1 xe máy Lambera; 1 chiếc kiềng vàng nặng 1 lượng, 1 vé máy bay đi Mỹ; 3 ngàn đồng tiền lúc bấy giờ có thể mua được 10 cây vàng).
Chị nói: "Chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ biết tôi từng là điệp báo của Cách mạng nên họ cản trở, không cho tôi đi Mỹ". Rồi chị kể về cuộc đời của một cô gái đẹp trải qua bao thăng trầm trong bấy nhiêu năm. 

Tên thật của chị là Công Thị Nghĩa, chị sinh ra ở làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) rồi theo gia đình vào sinh sống ở Sài Gòn. Gia đình chị tham gia Cách mạng. Chị cũng tham gia. Làm điệp báo cách mạng từ năm 15 tuổi, cái tuổi còn rất hồn nhiên, trong sáng, tuổi mà lẽ ra chị được đến trường, sống vô tư, thoải mái. Nhưng, đất nước ta lúc đó còn giặc, biết bao người dân còn phải sống trong nô lệ, đói nghèo.

Năm 1952 chị bị địch bắt. Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sau này là Phó Chủ tịch nước) đã là luật sư chính bào chữa cho chị tại tòa án binh. Sau khi ra tù, cơ sở lại bố trí chị hoạt động công khai. Chị trở thành nữ ký giả. Lúc thi Hoa hậu, chị đã tham gia và đoạt vương miện trong cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn.

Tôi hỏi: "Thế vì sao chị lại sang Pháp?". Chị trầm ngâm: "Vào những năm luật 10/59 ra đời, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp rất dã man những người Cách mạng. Trước tình hình đó, các đồng chí bố trí cho tôi ra Bắc qua đường Campuchia. Nhưng sự việc bị lộ, thế là các đồng chí đành đưa tôi qua Paris, những việc gian khổ sau đó, học hành ra sao… chắc anh đã biết". 

Chị đưa cho chúng tôi xem những bài báo thời bấy giờ, viết về chị "Cô Thu Trang, một ký giả chiếm giải hoa khôi" tít lớn trang đầu của một tờ báo Sài Gòn lúc đó. Tờ Lơpigarô (Pháp) đưa với dòng tít lớn "Nhà báo trẻ Thu Trang hôm qua đoạt vương miện Hoa hậu" rồi các tờ báo ở Hồng Kông, ở Anh… đưa ảnh, tin. Tờ Tân Văn phỏng vấn và Hoa hậu Thu Trang trả lời "Tôi chỉ yêu quê hương". "Tôi viết báo, tôi thích làm thơ". 

"Người ta bảo tôi là Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam" - Chị nói - Tôi đã nhiều lần cải chính là không phải, chỉ là Hoa hậu đầu tiên của một thành phố, thành phố Sài Gòn… còn Hoa hậu đầu tiên của  nước Việt Nam là…". "Bùi Bích Phương" - Tôi tiếp lời chị.
Bùi Bích Phương là Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, trong cuộc thi Hoa hậu đầu tiên do báo Tiền Phong tổ chức năm 1988. Chị gật đầu "Hoa hậu Bùi Bích Phương mà tôi đã được ngắm trên ảnh rất đẹp, một vẻ đẹp hồn nhiên , trong sáng và nên thơ …". Tôi ngắm gương mặt chị vẫn còn rất đẹp bây giờ và gương mặt chị trong những bức ảnh chụp cách 45 năm - lúc chị đoạt vương miện Hoa hậu, có nét hao hao giống Hoa hậu Bùi Bích Phương. 

Chị lại tiếp tục giở các cuốn album và chỉ cho tôi xem những bức ảnh sau này: Ảnh chị chụp chung với đồng chí Xuân Thủy, bà Nguyễn Thị Bình dạo Hội nghị Paris năm 1972; ảnh chị chụp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó, ảnh chụp với nhà văn Nguyễn Tuân …

Chị đọc cho tôi nghe bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu viết tặng chị, có câu: "Cảm ơn trời đất thật tài hoa/ sinh tạc ra em dáng mặn mà". Còn nhà thơ Xuân Thủy thì chơi chữ rất tài trong câu: "Sông Xen duyên dáng Thu Trang điểm". 

Rồi chị vào kệ sách mang ra một cuốn thơ - tập thơ của chính chị, Hoa hậu Thu Trang, tiến sĩ Thu Trang vừa xuất bản. Chị viết nắn nót ngay trang đầu của tập thơ: "Thân tặng nhà thơ Dương Kỳ Anh". Tôi biết, chị là một nhà thơ, nhiều câu thơ của chị tôi đã đọc trước đó, theo như tôi biết, chị là hoa hậu duy nhất cho đến nay là một nhà thơ. 
Về nhà, tôi ngồi đọc những bài thơ trong tập thơ mà chị tặng. Hình ảnh quê hương, đất nước hiện lên thật đẹp. Những tình cảm với cái nhìn tinh khiết của một cô gái Việt sống ở quê người. Những vần thơ như chính tâm hồn chị, giản dị mà sâu sắc, từng trải mà hồn nhiên, bay bổng mà chân thật… Những vần thơ làm tôi xúc động thực sự.

Cuộc đời chị mà tôi hình dung giống như cuộc đời của nhiều người phụ nữ Việt Nam trải qua biết bao gian nan, vất vả, với nhiều biến động gắn với những biến cố lịch sử của đất nước. Một cuộc đời giống như tiểu thuyết vậy. Ngay cả khi trên đất Pháp, để trở thành một tiến sỹ, trở thành một trí thức, một nhà thơ, chị đã phải trải qua những tháng ngày tự học, tự trau dồi kiến thức, vượt lên những khó khăn, thiếu thốn ban đầu trên đất khách quê người.

 Với nghị lực phi thường, với kinh nghiệm sống, sự từng trải qua những thăng trầm trong quãng đời chị làm điệp viên gắn bó với cách mạng, với tình yêu  quê hương, đất nước chị đã trở thành một người làm khoa học, một trí thức chân chính và là một nhà thơ.
Chồng chị cũng là một trí thức có danh tiếng. Gia đình chị sống êm ấm, hạnh phúc và luôn cùng chị tìm cách đóng góp cho quê hương …


Nguồn: Cảnh Sát Toàn Cầu