Nếu không có văn hóa thì những vết thương chiến tranh và sự thù hận giữa hai đất nước Việt Nam và Mỹ không thể hàn gắn được…Nếu không hiểu được văn hóa thì cuộc chiến tranh không bao giờ kết thúc được dưới mọi hình thức.




VĂN HÓA VÀ SỰ HÀN GẮN

NGUYỄN QUANG THIỀU

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, nhưng hòa bình thực sự không đến cùng ngày với sự im lặng của tiếng súng. Nó vẫn phải đi một chặng đường dài sau đó. Có thể nói, những nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ của cả hai nước chính là những sứ giả đầu tiên của hòa bình bởi người ta tin họ là những người công bằng với sự thật và luôn vươn về phía tốt đẹp. Họ đã đến và mang theo hòa bình trong đôi mắt và giọng nói của họ. 
Trong hàng ngàn đầu sách về chiến tranh Việt Nam mà Mỹ đã xuất bản, người ta cũng lý giải về những vấn đề chính trị, ngoại giao, kinh tế… dẫn Việt Nam và Mỹ đến mối bang giao như hiện nay cho dù cả hai dân tộc này đã đi qua một cuộc chiến khủng khiếp nhất thế kỷ 20. Khởi đầu công khai sự sai lầm mang tính tội ác của cuộc chiến tranh mà chính quyền Mỹ tiến hành ở Việt Nam chính là sự phát hiện ra Việt Nam là Việt Nam là một đất nước của văn hóa chứ không phải là một cuộc chiến tranh, không phải là một bãi chiến trường. Trong bài thơ "Chơi bóng rổ với Việt Cộng", nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen viết về một người lính Việt Nam đã bước vào nhà mình ở Boston và gọi những người Mỹ ra sân chơi bóng rổ. Bài thơ có những câu:
Một chiều xa trong chiến tranh
Khi chúng ta đang rạp mình phục kích
Những người đàn ông, đàn bà và trâu bò của họ
Hòa lẫn vào cây cỏ, đất đai
…………………………………….
Ông gọi chúng ta ra sân chơi vài đường bóng rổ
Sau một hồi bỡ ngỡ
Những đường bóng cầu vồng trúng đích đẹp làm sao
Ông nhìn chúng ta mỉm cười
Đó là cách để chúng ta hạ súng
Như ông đã cười trên chín nhánh Cửu Long
Sự nhận biết kẻ thù của Kevin Bowen là sự nhận biết văn hóa. Và sự nhận biết đó ngay lập tức xóa đi toàn bộ những gì gọi là bóng tối còn phủ đầy trong ông về một đất nước mà ông đã đến đó, đã chứng kiến sự tàn khốc của bom bạn.

Năm 1995, tôi được tham dự một sự kiện vô cùng ấn tượng tại trường đại học Massachusetts ở Boston, Hoa Kỳ. Đó là lễ ra mắt tập thơ dịch mang tên "Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ" (Poems from the captured doccuments). Những bài thơ trong tập thơ này là thơ của của những người lính giải phóng Việt Nam.
Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã thu giữ rất nhiều tài liệu từ phía những người lính giải phóng Việt Nam như quyết định kết nạp Đảng, lệnh chuyển quân, phiếu xuất kho, thư từ, sổ ghi chép… Sau chiến tranh một thời gian, số tài liệu này được giải mật và đại học Massachusetts đã có một bản sao hàng ngàn mét micro phim chụp các tài liệu này. Các nhà văn là cựu binh Mỹ làm việc cho Trung tâm William Joiner (nay là Viện William Joiner) đã đọc các tài liệu này và họ đã kinh ngạc khi phát hiện ra một điều vô cùng đặc biệt. Đó là trong hầu hết các sổ tay ghi chép của những người lính giải phóng Việt Nam đều có hai thứ chung ở trong đó. Thứ nhất, sổ tay nào cũng vẽ chim hòa bình đang bay. Thứ hai, sổ tay nào cũng có thơ. Và các nhà thơ cựu binh Mỹ quyết định tuyển chọn dịch và xuất bản những bài thơ đó. Tìm được những bài thơ ở trong rất nhiều tài liệu mà quân đội Mỹ bắt giữ được từ phía những người lính giải phóng Việt Nam là một phát hiện văn hóa đặc biệt.

Larry Heinemann, nhà văn cựu binh Mỹ, Giải thưởng sách quốc gia Mỹ với tiểu thuyết "Chuyện anh lính Paco" đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam viết trong hồi ký của mình: "trong suốt thời gian tham chiến ở Việt Nam, tôi không hề đọc được một cuốn sách nào gọi là sách mà Hội chữ thập đỏ Mỹ chuyến vào Việt Nam cho những người lính". Chính vì thế mà Larry thực sự "kinh hoàng" khi đọc được những gì mà những người lính kẻ thù của ông đã đọc, đã viết, đã ghi chép.
Tôi đã tham dự lễ ra mắt sách và được mời đọc một số bài thơ trong tập thơ. Tất cả những bài thơ trong tập thơ vang lên những bài ba đẹp đẽ và da diết về tổ quốc, về quê hương, về mẹ, về vợ, về người yêu… Và giấc mơ lớn nhất trong những bài thơ ấy là giấc mơ chiến tranh kết thúc, để những người lính giải phóng được trở về với quê hương, với mẹ, cày cấy, gieo trồng trên đất đai, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Vẻ đẹp của những bài thơ ấy lại chính là sức mạnh khổng lồ đưa những người lính đi qua mọi thách thức và cái chết của chiến tranh và giành chiến thắng.

Sau chiến tranh, ở Mỹ có một lớp học đặc biệt về chiến tranh Việt Nam. Giáo sư, nhà thơ Larry Rottman, một cựu binh và cũng là một người bạn của các nhà văn Việt Nam sau này là một trong những người khởi xướng ra lớp học đó. Trong lớp học, họ cho một sinh viên Mỹ đóng vai một lính Mỹ và một sinh viên Mỹ khác đóng vai một người lính giải phóng Việt Nam. Và người lính của mỗi bên đọc những trang nhật ký của mình. Người Mỹ đã nhận ra sự khác biệt hoàn toàn trong những trang nhật ký của những người lính ở hai phía. Và đồng thời cũng nhận ra sức mạnh tinh thần bất diệt của những người lính giải phóng Việt Nam. Đó là sức mạnh lớn nhất mà không loại vũ khí nào của quân đội Mỹ hay bất cứ quân đội xâm lược nào chiến thắng được. Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.

Năm 1993, tôi đi lang thang trên nhiều đường phố New York với Susan Brownmiller, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Chống lại thiện chí chúng ta, đàn ông, đàn bà và sự cưỡng hiếp". Trong cuốn sách này có một chương viết về lĩnh Mỹ cưỡng dâm các thiếu nữ vị thành niên ở Việt Nam. Cuốn sách bán được một triệu bản ngay trong tuần đầu tiên phát hành. Susan làm cho một kênh thời sự của truyền hình Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Cuối cùng, bà phát hiện ra một bí mật về Việt Nam. Đó là văn hóa của đất nước này. Bà đã đập vỡ hàng chục chiếc tivi ở nơi làm việc và không bao giờ trở lại công việc đó nữa. Từ đó, bà tìm hiểu văn hóa Việt Nam và viết bài kêu gọi chấm dứt cuộc chiến tranh.

Hầu hết những người khởi xướng hay đi tiên phong trong phong trào chống lại chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là trí thức, nhà văn, nhà báo và sinh viên. Bởi những người này đã "truy tìm" chân dung Việt Nam, đất nước mà họ bị tuyên truyền có nguy cơ xâm chiếm nước Mỹ bởi sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Chính việc "truy tìm" ấy mà họ đã tìm ra bí mật của một đất nước họ hầu như không biết gì trước đó. Bí mật đó là Văn hóa. Nếu không có văn hóa, tôi nghĩ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam không thể kết thúc sớm như thế và bằng một con đường như thế. Và dù có kết thúc thì cách nhìn của người Mỹ về Việt Nam không giống như lúc này.

Nhà văn danh tiếng của Mỹ là Grace Palley đã được lịch sử Mỹ gọi là bà mẹ của phong trào phản chiến. Khi sống ở New York, hàng ngày bà ra một ngã tư đứng với tấm biển phản đối chiến tranh Việt Nam. Và hàng ngày trở về nhà cuối chiều, người bà ướt và hôi vì nước bọt của những người đi qua nhỏ vào bà. Nhưng mấy tháng sau, hàng ngàn người đứng quanh bà phản đối chiến tranh Việt Nam. Bà không phải một chính trị gia, điều bà nói ngày ngày là những gì bà biết được về đất nước, con người và văn hóa Việt. Bà là người Mỹ đã vào Việt Nam trong chiến tranh để đón ba phi công Mỹ bị bắt giữa đầu tiên được trao trả. Tôi hỏi bà đã nói gì với ba phi công Mỹ ấy trong suốt những chặng bay từ Việt Nam về Mỹ. Bà ghé tai tôi thì thầm: Văn hóa. Rồi bà nói với tôi, nếu không hiểu được văn hóa thì cuộc chiến tranh không bao giờ kết thúc được dưới mọi hình thức.