Một kênh truyền hình của Nga đã làm bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Vasili Stalin- người con trai  thứ của Stalin, nhân sinh nhật lần thứ 90 của ông. Bộ phim đã nói được nhiều điều nhưng vẫn chưa làm sáng tỏ những thời điểm quan trọng nhất –hay như thiên hạ thường gọi là những “mảng trắng” đã xy ra trong cuộc đời Stalin-con…



Lòng yêu nước và khí phách Nga quật cường trước nạn xâm lược không chỉ là tài sản riêng của những người dân, người lính Nga bình thường. Nhiều cậu ấm, cô chiêu của các nhà lãnh đạo nước Nga thời Xô viết cũng đã chia lửa với đồng chí, đồng báo của họ. Đặc biệt, họ thường được tuyển chọn phục vụ trong quân chủng Không quân.Có thể kể ra đây nhiều ví dụ : Con trai của Nikolai Bunganin (sau này làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã ra mặt trận từ tháng 11 năm 1941.Ba con trai của Anastas Micoian (thời chiến tranh là Bộ bảo đảm vật chất cho quân đội) đều là phi công thì một tử nạn, hai bị thương nặng. Con trai của Nikita Khrutsov (hồi chiến tranh là một vị tướng, chỉ huy một Phương diện quân, Sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) đã hy sinh năm 1943 trong một trận không chiến. Ioxip Stalin- thống soái của cuộc chiến tranh có hai con trai ruột và một con nuôi.Archom Sergeev- con nuôi tham gia chiến đấu, bị Đức bắt, chạy thoát khỏi trại tập trung,một thời gian dài sau chiến tranh mới được minh oan. Iakov Jugasvili- con trai cả, bị bắt làm tù binh.Phát xít Đức đưa ra điều kiện trao đổi anh với Trung tướng Pau Luyt- bại tướng trong trận Stalingrad, nhưng Stalin không chịu. Iakov Jugasvili đã chết trong một trại tập trung.
Kế đến người con trai thứ hai- Vaxili Stalin..
Chuyện kể lại: Ngay từ thời trước chiến trang 1941-1945, Vaxili Stalin đã được theo học khóa đào tạo sỹ quan cao cấp của quân chủng Không quân. Chiến tranh bùng nổ không bao lâu, Vaxili Stalin nài nỉ xin cha cho ra trận. Nhưng Stalin lưỡng lự, vì con trai trưởng và con nuôi cũng đã lọt vào tay phát xít Đức. Mãi đến mùa hè năm 1942, tình hình chiến sự dịu bớt, Stalin mới chấp nhận đề đạt của con trai.                 
Chuyện kể lại: sau khi bà Nadiazđa Allilueva, vợ thứ 2 của Stalin và là mẹ của Vasili tự vẫn, về thực chất cậu bé là một đứa trẻ mồ côi. Vì bận bịu từng núi công việc, Stalin đã giao cho một viên cận vệ trông nom, nuôi nấng cậu. Theo lệnh của Stalin, Vasili-con cần phải được giáo dục theo tinh thần khắc kỷ, nghiệt ngã nhưng Vasili đã mau chóng biến thành một gã thiếu niên ưa phóng túng, tự do; lớn hơn một chút thì bị rượu mạnh và gái đẹp hớp hồn.
Dù phẩm hạnh là như thế nhưng chẳng bao lâu sau đó Vasili cũng đã bắt tay vào những công việc nghiêm túc. Năm 20 tuổi ra trận với cương vị là phi công lái máy bay tiêm kích. Đã thực hiện 26 phi vụ chiến đấu, bắn rơi 2 máy bay Đức, được tặng thưởng nhiều huân chương… Năm 1942 được phong hàm trung tá và tới năm 1950 hàm Thiếu tướng. Năm 1947 được chỉ định là Tư lệnh không quân quân khu Moskva. Nhưng vào ngày 1 tháng 5 năm 1952 bị chính Stalin truất chức này ví phạm khuyết điểm không nắm vững thời tiết nên đã để một máy bay IL-28 nổ tung trong một cuộc thao diễn không quân.
Trong cuộc chiến tranh  Xô-Đức (1941-1945) phi công Vasili đã bắn rơi một số máy bay địch, được tặng thưởng nhiều huân chương. Nhanh chóng được được phong hàm cấp tướng, nhưng thật lạ lùng, ông tướng này lại  bị ám ảnh bởi hai tình yêu lớn: Niềm ham mê trận mạc và niềm đam mê với những thú vui giết thời giờ một cách vô bổ.  
May sao, những hồi ức của Vitali Ivanovist Popkov- một phi công xuất sắc, hai lần được phong danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô viết, đồng thời là người bạn nối khố của Vasili Stalin ngay từ thuở ấu thơ sẽ giải mã phần nào những điều còn mù mờ trong cuộc đời và cung cách khu xử của Stalin-con.  

CÂU CHUYỆN KỂ CỦA VITALI POPKOV.
…Chúng tôi thường ghen tị với Vasili, vì ngoài việc có ông bố là một vị thống soái ra, cậu ta chẳng có điều gì khác chúng tôi cả..
Mỗi lần phải giáp mặt Stalin, Vasili chuẩn bị rất kỹ càng : phải thuộc lòng bài vở, phải giải xong các bài toán, bài lý. Nói chung, cậu ta rất ngại Stalin kiểm tra. Ấy thế nhưng với mọi trò nghịch ngợm, Vasili bao giờ cũng là kẻ đầu têu. Ngay cả sau này, khi đã trở thành một vị tướng, cái nết nghịch ngợm tinh quái ở Vasili không hề thay đổi.
Chúng tôi thích bơi lội và lướt ván trên biển.Thường ở Biển Đen có những khu vực cấm, chỉ dành riêng cho cán bộ cao cấp. Nhưng hễ đi cùng Vasili, tôi có thể lọt vào bất cứ khu vực bãi biển nào. Cho tới nay người ta vẫn loan truyền Stalin không biết bơi và rất sợ chết đuối. Sự thật không phải như vậy. Vốn bản tính mạnh mẽ, cực đoan Stalin không chỉ bơi giỏi mà rất thích bơi tại vùng nước xoáy, khi biển động mạnh hoặc leo tít lên đỉnh thác để nhào thẳng xuống đáy dòng thác dữ.
Em gái của Vasili Stalin, Svetlana kém ông anh 5 tuổi. Vasili không thích cô em gái ra nhập nhóm chúng tôi. Vì điều này Svetlana giận ông anh. Và cứ thế, suốt cuộc đời, hai anh em như sống hai thế giới riêng.
Vasili giúp đỡ, trợ lực cho tôi trong cuộc đời rất nhiều. Ngay cả việc tôi cưới vợ cũng vậy.Vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, trước chuyến bay tới Berlin, Vasili có ghé qua Kalinnin. Vonkova Raisa, bác sỹ quân y, ý trung nhân của tôi tình cờ gặp anh. Vì tới lúc đó Raisa chưa bao giờ biết mặt Vasili, nên nàng hỏi: “Anh có quen phi công Popkov đang ở Berlin không?”.Vasili đáp: “Chúng tôi cùng phục vụ trong một đơn vị bay mà! Người đẹp sao quen được thằng bạn tôi thế?. Raisa ngượng nghịu:” Anh ta từng nằm điều trị ở quân y viện chúng tôi”. Vasili hỏi lại: “Chỉ là chỗ bạn hữu thôi à? Nếu người đẹp là vợ chưa cưới của Popkov, lên máy bay tôi chở sang Berlin ngay tắp lự. Thú thật đi!”. Raisa bối rối: “Sao cấp trên đồng ý cho tôi đi được?”. Vasili: “Việc ấy tôi khắc lo!”. Bạn hữu xung quanh nhao nhao: “Không biết đang nói chuyện với ai à? Anh ta giúp cô mình được đấy!”. Và thế là Raisa sang ngay với tôi để đám cưới diễn ra vài ngày sau đó.
Trong thời gian chiến tranh tôi phục vụ trong trung đoàn máy bay tiêm kích cận vệ do Vasili Stalin chỉ huy. Tôi làm lính ở trung đoàn của anh không lâu. Vào thời gian ấy đã xẩy ra vụ “ câu cá” bất hạnh còn truyền tụng đến tận hôm nay. Tôi chính là chủ mưu của vụ việc này. Chúng tôi có 9 gã thả câu cả thảy, trong số đó đương nhiên là có Vasili. Tôi đứng ra thương thuyết với tay kỹ sư của trung đoàn hãy bí mật cấp cho chúng tôi một lượng thuốc nổ. Và cậu kỹ sư cho chúng tôi số quả đạn phóng lựu tương đương với 100 kilogram thuốc TNT. Với số đạn này chắc hẳn cá vớt lên sẽ chất đầy một toa tầu hỏa! Và kết quả, cá nổi trắng mặt nước và thêm 6 trong 9 gã buông câu bị thương, tay kỹ sư tử vong tại trận. Tôi không sây sát chút nào nhưng Vasili thì bị thương tới 5 chỗ. Chúng tôi run sợ không nói nên lời vì Vasili là con trai của thống soái Stalin. Tướng Gromov, Phó Tư lệnh Không quân cấp tốc bay tới nơi xẩy ra vụ việc. Ông chở ngay Vasili về Moskva trên chính chiếc máy bay của ông. Tôi nhớ mãi cái xiết tay của Vasili và giọng cậu ta thều thào: “Yên tâm đi! Không sao đâu! Không sao đâu!”. Tôi không hề sứt mẻ gì sau việc này. Vài tháng trôi đi, qua bạn bè tôi được biết Vasili đã che chở cho tôi trước các cấp có thẩm quyền, trước cả cha anh- ngài Thống soái Stalin!
Tôi không bao giờ quên người chỉ huy trung đoàn xưa, người bạn từ thuở ấu thơ của tôi. Còn nhớ trong thời Bregienev, khi đó tôi đang phục vụ tại Cục Tham mưu Quân đội Xô viết. Một lần Tư lệnh Không quân báo cho tôi hay, đã có quyết định di hài cốt của Vasili Stalin từ Kadan về Moska và yêu cầu tôi đứng ra đảm trách việc này. Nhưng rồi không thấy ai cấp máy bay và đội lính thuyên chuyển hài cốt cho tôi cả. Vasili vẫn nằm tại Kadan xa cách nơi chôn cất cha mẹ cùng những người thân của mình…   
                  
VÌ SAO NGƯỜI ANH HÙNG LẠI TRỞ THÀNH KẺ THÙ CỦA NHÂN DÂN?
“Vasili-Stalin cho rằng cha anh ta qua đời không phải với cái chết tự nhiên mà do bàn tay sắp đặt của những thế lực trên cao. Thêm vào đó anh ta có ý định tố cáo điều này với phóng viên báo chí nước ngoài như một sự vu khống đối với những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ Xô viết. Anh ta đã trở thành kẻ thù của nhân dân(từ bản cáo trạng của Cơ quan mật vụ Xô viết)  
“Có rất nhiều người buộc phải ngậm miệng, thật ghê sợ! Thậm chí tôi đã thẳng thừng quát to vào mặt Nikita Khrutsov (N.Khrutsov lúc đó là người đứng đầu Ủy ban tang lễ Stalin, và vì thế ông ta phải chịu trách nhiệm mọi điều). Tại Nhà Công đoàn, nơi quàn thi hài cha tôi đã xẩy ra một chuyện bất ngờ nhất.Có một bà lão chống gậy lững thững bước vào. Bà chỉ tay về phía những người đang túc trực bên cạnh quan tài cha tôi như Malenkov, Beria, Molotov, Bulganin và thét lên: “Bọn sâu bọ! Đã đang tâm giết người mà vui vẻ được sao? (từ cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa Stalin-con và người lái xe của mình).  
“Trả lời câu hỏi: Vì sao anh bị tống giam, Vasili Stalin nói: Vì cái miệng của tôi. Tôi đã lên án Beria là kẻ chuyên quyền, tên sát nhân còn Bunganin là một tên đĩ bợm, hắn đã tặng một căn hộ lớn với đồ đạc đắt tiền tại Moskva cho gái. Bọn họ đã sát hại cha tôi, nay chúng không để tôi yên đây!” (Từ hồi ức của bạn bè Vasili Stalin).
Theo thông báo chính thức Vasili Stalin bị bắt vào ngày 29 tháng 4 năm 1953, nhưng sự việc xẩy ra sớm hơn nhiều, vào ngày 9 tháng Ba năm 1953. Ngay trong những ngày diễn ra lễ tang Stalin, Vasili Stalin bị ngất (người ta dựng tin vì anh bị say rượu) được chở tới bệnh viện và từ bệnh viện nhanh chóng bị chuyển tới phòng biệt giam. Từ đây anh chịu án lưu đầy tại Kazan. Vasili Stalin đã từ giã cõi đời tại nơi lưu đầy vào ngày 19 tháng 3 năm 1962  
Suốt trong nhiều năm, người vợ cuối cùng và bè bạn của Vasili Stalin đã dồn hết sức để minh oan và giúp ông thoát khỏi nhà tù. Mãi tới năm 1999 Vasili Stalin mới được xóa bỏ tội phạm là “kẻ thù của nhân dân” trở thành một công dân Nga bình thường. Để vài năm sau nữa, xương cốt của  Vasili Stalin được di chuyển từ Cazan về Moskva, chôn cất cùng khu nghĩa trang với người mẹ của anh.
 
 TÔ HOÀNG
( theo Tạp chí Tầm nhìn” - CHLB Nga )