Theo hồi ký của Hoàng Hải Thủy: “Tôi không nhớ tên truyện của Bùi Giáng, chỉ nhớ anh dùng thật nhiều hai tiếng liên tồn, tồn liên trong truyện. Anh tả và cho nam nữ nhân vật khơi khơi nói hai tiếng trên đại khái: “Nàng có sắc đẹp tồn liên; Nàng nở nụ cười liên tồn. Đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên…”.



BÙI GIÁNG VIẾT TIỂU THUYẾT VÕ HIỆP

LÊ VĂN NGHĨA

Có một thời tiểu thuyết võ hiệp tràn đầy các mặt báo Sài Gòn. Truyện chưởng của Cấm Dùng (Kim Dung) xếnh xáng thì gần như báo nào cũng phải có. Thấy tiểu thuyết võ hiệp là mảnh đất màu mở, dễ câu khách, các tờ nhựt trình cũng mời nhà văn Việt ta sáng tác tiểu thuyết võ hiệp.

 Thế là có “Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu”, “Người Đao Phủ Thành Đại La” của Hoài Điệp Thứ Lang trên báo Tự Do. Hoài Điệp Thứ Lang là bút danh của nhà thơ “Mê Hồn Ca” Đinh Hùng. Một tiểu thuyết võ hiệp khác ăn khách trên báo Tia Sáng: Lệnh Xé Xác của Lã Phi Khanh. Đọc tên tác giả Lã Phi Khanh thấy có vẻ Hồng Kong-Hướng Cỏn nhưng lại là bút hiệu của nhà báo Vũ Bình Thư.

Hi hữu nhất là nhật báo Sống mời nhà văn Bùi Giáng viết truyện võ hiệp. Trong hồi ký của mình, nhà văn Hoàng Hải Thủy nhớ lại “Bùi Giáng cũng có thời viết tiểu thuyết võ hiệp. Anh viết bộ truyện feuilleton võ hiệp đăng trên nhật báo Sống năm 1970. Tôi không nhớ tên truyện của anh chỉ nhớ anh dùng thật nhiều hai tiếng liên tồn, tồn liên trong truyện. Anh tả và cho nam nữ nhân vật khơi khơi nói hai tiếng trên đại khái: “Nàng có sắc đẹp tồn liên; Nàng nở nụ cười liên tồn. Đa tạ đại hiệp đã có dạ tồn liên…”. Những buổi sáng năm xưa trước 1975, tại tiệm nước trước báo Sống, bọn thợ viết trẻ chúng tôi Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Tú Kếu hai hỏi nhau “đọc Bùi Giáng chưa? Hôm nay ông ấy cho tồn liên mấy cái?”

Theo tôi biết chữ “liên tồn” nầy của ông cũng xuất hiện nhiều trong thơ, chứ không chỉ trong tiểu thuyết võ hiệp.