Thơ Lê Thiếu Nhơn đã thoát ra khỏi vần điệu, để chuyển ý tự do, nhưng khi đọc lên lại có tiết tấu không khác gì cổ điển. Anh đã thể hiện năng lực đổi thanh một cách nhuần nhuyển. Thơ Lê Thiếu Nhơn thường có cái tứ ẩn, câu thơ ngắn và đẹp, dễ đọc nhưng khó đi hết chiều sâu.



GIÓ HEO MAY NGÀY NẮNG GIÁN ĐOẠN

Từ “Bài ca phiá mặt trời” qua “Dốc gió”, lang thang trong “Phố tình riêngrồi bềnh bồng trong “Bóng người xưa” lại bơ vơ trong “Bản tường trình giấc mơ đi vắng”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn lại tái xuất giang hồ sau một thập niên với “Gheo may ngày nắng gián đoạn” do NXB Văn Học ấn hành. Nhiều năm qua, cây bút của Lê Thiếu Nhơn tung tẩy ở lĩnh vực lý luận phê bình, nên nhiều người ngỡ anh đã xa lánh vần điệu thi ca. Thế nhưng, thật bất ngờ, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã trở lại với nỗi niềm thấu cảm chan chứa tình người, lo âu cho cái chung của nhân gian “ai thắng ai” giữa thật và giả, giữa lừa đảo và chân chính, giữa thủ đoạn và ngay thẳng, giữa đồng tiền và lương tâm, giữa tham nhũng và thanh liêm. Đó là sự âu lo mặt trái danh lợi đe dọa niềm tin, đe dọa lương tri. Tôi nghĩ, sự âu lo này cần thiết cho cuộc sống hội nhập, cho sáng tạo đương đại. Nói ra được những lý lẽ để tấn công vào cái ác để bảo vệ cái thiện, không dễ chút nào, nhất là làm sao né tránh được tứ bề đụng chạm, hiềm khích bủa vây. Đúng là Lê Thiếu Nhơn đã chọn đường đi khó, đưa thơ qua cánh cửa hẹp mà đồng hành cùng tiến bộ của cộng đồng.



Thơ Lê Thiếu Nhơn đã thoát ra khỏi vần điệu, để chuyển ý tự do, nhưng khi đọc lên lại có tiết tấu không khác gì cổ điển. Anh đã thể hiện năng lực đổi thanh một cách nhuần nhuyển. Thơ Lê Thiếu Nhơn thường có cái tứ ẩn, câu thơ ngắn và đẹp, dễ đọc nhưng khó đi hết chiều sâu. Tôi đã mạo mụi lặn xuống vỉa tầng ngôn từ tinh tế và khôn khéo, mã hóa của anh để may ra tìm được nỗi khát vọng cồn cào của thơ, nhưng tôi lại vớt lên được những tiếng buồn đang ngầm sóng trong biển thi ca: “Thơ đi bên đời như tội đồ mong trắng án/ Tôi đi bên đời như ngàn xưa hóa kiếp buồn. Phải chăng thơ cảm thấy mình không đủ sưc để bảo vệ cái thiện và trấn áp cái ác? Những người em trong thơ Lê Thiếu Nhơn là những nhân vật hình tượng  anh đã dựng lên để đối thoại với chính mình với bao nhiêu ẩn dụ: “Làm sao trách trời xanh đã mây bay ngàn dặm/ Làm sao trách nụ hoa quên nở sớm mai buồn/ Tôi trách tôi chân chùn gối mỏi/ Buổi nhân tình khô héo mặt người dưng” hoặc “Vậy thôi anh chẳng còn gì đáng giá/ May, có câu thơ ngơ gác nẻo buồn. Thơ hôm nay thường quan tâm đến môi trường sinh thái mà ở đó người ta không khỏi băn khoăn vì những nguy cơ tiềm ẩn: Ai nợ rừng thiên lời nguyền nước độc/ Ánh mắt buồn vẫn sợ hang cây nghiênghoặc Tiếng chim kêu mải miết phía tường rêu/ Mặt người đôi khi cô đơn hơn mặt đất/ Tôi học cách buồn theo vệt khói dần xa”.

Tiếng buồn trong thơ Lê Thiếu Nhơn không phải tiếng buồn bơ vơ, tiếng buồn mơ hồ, mà là tiếng buồn nhắc nhở đạo đức xã hội đang bị xói mòn. Đến giọt nước mắt chân chính cũng khó tìm, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải trùng tu lại giọt nước mắt, khóc cho đúng nghĩa của khóc: “Tôi thức suốt đêm chờ một giọt nước mắt/ Sao chỉ nghe những giọng cười điên đảo thị phi/ Thế kỷ chảy lên trời lời hát bất lương.  

Tập “Gió heo may ngày nắng gián đoạn” có nhiều câu thơ hoang mang và xao xác, khiến độc giả giật mình xác tín vai trò của người cầm bút giữa dòng chảy thời cuộc: Cúi xuống nghe lòng mình ái ngại/ Ái ngại lòng mình cúi xuống nghe”.

                       XUÂN TRƯỜNG

Nguồn: Báo Công An TPHCM ngày 16-5-2020